Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ
Thông tin tuyên truyền tháng 5/2024
05-05-2024 20:25
Ngày 03/4/2024, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn đã đến thăm, động viên lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Về phía tỉnh Lạng Sơn, cùng đi có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ghi nhận những kết quả lực lượng Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua, nhất là trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua địa bàn. Đồng chí đề nghị, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam, huy động sức mạnh tổng hợp, quản lý, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Nhân dịp này, Đoàn công tác đã tham quan Cây đa Hữu Nghị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn (tháng 8/2023). Ngay sau đó, Đoàn công tác đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sang Trung Quốc theo chương trình công tác của Bộ Ngoại giao.
Ngày 13/4/2024, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Dự buổi phát động có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, tham dự có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, các thành viên Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp tỉnh, các chi nhánh ngân hàng tại Lạng Sơn.Với phương châm “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, nhiều nguồn vốn dành cho giảm nghèo nói chung, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng đã được lồng ghép vào các chương trình, đề án của Trung ương đến địa phương. Tính từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước và xã hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 820.000 hộ gia đình người có công, hộ nghèo trong cả nước. Mặt trận tổ quốc các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, theo rà soát của các bộ, ngành, địa phương, số hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở là trên 315.000 hộ; các địa phương đang nỗ lực triển khai để đến hết năm 2025 hỗ trợ nhà ở cho khoảng 145.000 hộ nghèo, cận nghèo (theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia). Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp trong cả nước phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025; phát huy các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân, phát huy truyền thống, văn hóa, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc về tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, “lá rách đùm lá rách hơn” để có đủ nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân có công ăn, việc làm, sinh kế, không chỉ thoát nghèo và tiến tới có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn; các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu, phát huy cao nhất trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần "Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau"… Sau lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã tham dự chương trình khởi công, làm nhà cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Ngày 21/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương (UVTW) Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Đào Hồng Lan, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số tỉnh miền núi phía bắc; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, nhà tài trợ;... Về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Theo Quyết định số 236/QĐ-TTg, ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển đến năm 2030 Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu; có xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm. Phấn đấu đến năm 2030, Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng toàn thể Nhân dân biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy hoạch. Từ đó tạo ra nguồn lực mới, động lực mới, cơ hội mới, giúp cho Lạng Sơn vươn lên trở thành tỉnh phát triển. Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu, động lực, trung tâm của sự phục vụ; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư dự án trọng điểm, lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh về hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư, trọng điểm là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh; năng lượng tái tạo; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; các dự án hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ logistics… Tỉnh Lạng Sơn luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, với mong muốn tỉnh Lạng Sơn là điểm đến hấp dẫn, thành công của các nhà đầu tư, tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp, bảo đảm các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công các dự án, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh trong giai đoạn mới.Tại hội nghị, tỉnh Lạng Sơn công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg; giới thiệu tổng quan về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận ủng hộ, hỗ trợ từ Ban vận động "Quỹ vì người nghèo" Trung ương và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với mục tiêu năm 2025 xoá nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ nghèo trên địa bàn. Đến thời điểm này, Lạng Sơn đã huy động được sự hỗ trợ, ủng hộ để xây dựng 3.210 căn nhà với tổng trị giá 160,5 tỷ đồng, riêng Tập đoàn SOVICO ủng hộ 15 tỷ đồng để xóa 300 căn nhà tạm, nhà dột nát. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Lạng Sơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo sự kiện có ý nghĩa quan trọng; kết hợp công bố quy hoạch, xúc tiến đầu tư và kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên cả nước; thể hiện tầm nhìn chiến lược, cách làm bài bản, khoa học và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, với vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm kết nối quan trọng của vùng, cả nước và điểm trung chuyển quan trọng của khu vực. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2024 tiếp đà hồi phục, đạt được những kết quả tích cực; nổi bật là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 30,85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,07%; lượng khách du lịch tăng 12,7%; đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 135% so với cùng kỳ… Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước. Thủ tướng khái quát 3 nhiệm vụ trọng tâm quan trọng mà Lạng Sơn phải tập trung thực hiện. Thứ nhất là tiếp tục củng cố, tăng cường xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp, hợp tác chặt chẽ, bền vững lâu dài, vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai nước, nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc; thứ hai là giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, hữu nghị theo thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, nhất là "Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh khu vực biên giới. Cùng với đó là phát huy vai trò kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa Lạng Sơn với các tỉnh, thành phố trong vùng, với cả nước và giữa Việt Nam - ASEAN với Trung Quốc. Về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng yêu cầu, tỉnh cần tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án. Luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Lạng Sơn cần ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án tạo không gian phát triển mới, có tính lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch, nông nghiệp, đô thị, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng xã hội, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, tỉnh cần tập trung vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ logistics, du lịch, chú trọng phát triển văn hóa, con người, nâng chất lượng cuộc sống người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Chú trọng quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên, phát triển giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề liên tỉnh; nghiên cứu việc xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ dự án liên tỉnh, thành phố thuộc vùng. Bên cạnh đó, tỉnh phải phổ biến quy hoạch sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau để Nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng. Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Lạng Sơn, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, cùng địa phương, cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.Thủ tướng cũng chúc mừng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận, ký biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư vào Lạng Sơn dịp này. Đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh trên tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu,” “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động,” “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.” Đồng thời, các bên liên quan xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; theo đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh. Các doanh nghiệp cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại. Cùng với đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho người lao động. Thủ tướng tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Lạng Sơn sẽ có bước phát triển mới, mang tính đột phá sau hội nghị, phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là trong phát triển con người, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để tăng trưởng kinh tế. Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh sẽ mở ra không gian phát triển và cơ hội mới; thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Quy hoạch tỉnh là cơ sở để tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn, cũng như hoạch định các cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh; mở rộng cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của tỉnh, sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm; trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du miền núi phía Bắc; là cầu nối ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và Châu Âu. Tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ Quyết định số 236/QĐ-TTg, ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh đã đề ra. Ngay sau hội nghị này, tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức ngay việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định làm cơ sở triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tỉnh cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực; luôn lắng nghe, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư và mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải là “người thật, việc thật, làm thật”, chung sức, đồng lòng cùng với Lạng Sơn sớm hiện thực hóa các quy hoạch, trên tinh thần chân thành, tin cậy và hiệu quả.
Ngày 23/4/2024, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh ủy, thành uỷ trực thuộc Trung ương qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”. Chủ trì hội thảo có đồng chí Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, cơ quan Đảng Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Thường trực và lãnh đạo một số ban Đảng các tỉnh, thành uỷ trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học,… Về phía tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành. Phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đã thông tin khái quát đặc điểm tình hình, một số kết quả đạt được của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại, xây dựng Đảng. Những năm qua, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã vượt qua nhiều thử thách, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; kinh tế từng bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6,96%; công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh tiếp tục được duy trì, ngày càng thực chất; hoạt động đối ngoại của tỉnh luôn được quan tâm chú trọng trên cả ba trụ cột… Để đạt được những thành tựu đó là nhờ có sự đóng góp rất quan trọng trong công tác tham mưu của các cơ quan đảng ở tỉnh.Đồng chí nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá toàn diện, rút ra những kinh nghiệm và bài học để công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và các tỉnh, thành uỷ ngày càng hiệu quả, thiết thực. Qua diễn đàn này, tỉnh Lạng Sơn mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành ủy để giúp xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn nhanh và bền vững. Hội thảo đã nhận được 23 bài tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và địa phương. Tại hội thảo, đã có 10 tham luận được trình bày với các nội dung như: công tác tham mưu trên lĩnh vực dân vận trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới; công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương; những yếu tố tác động đến chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuôc Trung ương…Phát biểu tại kết luận hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá các tham luận và các ý kiến phát biểu đã làm rõ được nhiều vấn đề. Trong đó làm rõ một số vấn đề lý luận chung và khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tham mưu, đi sâu đánh giá thực trạng và đúc kết những bài học kinh nghiệm quý, có ý nghĩa qua 40 năm đổi mới; bối cảnh mới và những yêu cầu mới đặt ra đối với việc đổi mới công tác tham mưu. Hội thảo đã đề xuất được một số định hướng quan điểm và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới công tác tham mưu thời gian tới như: thống nhất về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tham mưu gắn bó hữu cơ với vai trò lãnh đạo; rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu của các ban, các cơ quan Đảng; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tham mưu của các ban, các cơ quan Đảng Trung ương và các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương. Đồng chí nhấn mạnh, các nội dung tham luận và ý kiến phát biểu trong hội thảo sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chắt lọc để phục vụ đổi mới công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thời gian tới.
Ngày 25/4/2024, các đoàn công tác của tỉnh đã thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, gồm: (1) Đoàn công tác do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn thăm và tặng quà các gia đình ông Dương Thái Sơn (99 tuổi) ở thôn Thạch Khuyên và ông Đinh Văn Vanh (97 tuổi) ở thôn Bản Ranh, xã Xuất Lễ; ông Hoàng Chẵn Phùng (99 tuổi) ở thôn Nà Va, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. (2) Đoàn công tác do đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn thăm, tặng quà các gia đình ông Vi Văn Trung (89 tuổi) ở thị trấn Lộc Bình, ông Lương Văn Lư (90 tuổi) và ông Phan Thanh Hải (98 tuổi) ở thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình. (3) Đoàn công tác do đồng chí Nông Lương Chấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn thăm, tặng quà các gia đình ông Ngô Gia Hòi (97 tuổi) ở khu An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng; ông Trần Văn Phúc (92 tuổi) ở khu Cầu Mười, thị trấn Hữu Lũng; bà Hoàng Thị Phế (92 tuổi) ở thôn Quyết Tiến, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng. (4) Đoàn công tác do đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm trưởng đoàn thăm, tặng quà các gia đình ông Đỗ Văn Ất, thôn Bản Sầm, xã Bình Phúc; ông Đàm Văn Yên, thôn Phai Rọ - Lùng Mán, xã Tân Đoàn; ông Hà Quốc Lanh, thôn Cốc Phường, xã An Sơn; ông Lương Đình Hạn, thôn Khòn Tẩư, xã Liên Hội, huyện Văn Quan. (5) Đoàn công tác do đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn thăm, tặng quà các gia đình ông Nông Văn Tài ở khối phố Lê Hồng Phong và ông Lê Văn Tài ở khối phố Trần Phú, thị trấn Bắc Sơn; ông Hoàng Công Khoát ở thôn An Ninh và ông Hoàng Công Thịnh ở thôn Nà Rào, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn. Tại các gia đình đến thăm, thay mặt đoàn công tác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã ân cần hỏi thăm sức khỏe và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời mong muốn các gia đình tiếp tục động viên con cháu phát huy truyền thống của gia đình, ra sức học tập, lao động để tiếp tục xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Ngày 25/4/2024, UBND tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024. Dự Lễ phát động có đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp của tỉnh, các đơn vị ký kết thoả thuận hợp tác, chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn. Trong những năm qua, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân đã được các cấp, các ngành và tổ chức công đoàn quan tâm, triển khai với nhiều hoạt động phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2012 đến nay, các cấp, các ngành đã xét, hỗ trợ xây, sửa 258 nhà “Mái ấm công đoàn” với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng; thăm hỏi, động viên, tặng hàng ngàn suất quà cho công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng trị giá trên 1,8 tỷ đồng; phối hợp thực hiện chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn” cho đoàn viên, công nhân lao động với giá trị hưởng lợi hàng tỷ đồng. Năm 2024, Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động có chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, Tháng Công nhân với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” sẽ diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động thiết thực hướng về người lao động… Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, Ủy ban mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động của tỉnh nghiên cứu tổ chức các hoạt động đối thoại phù hợp nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn và các cơ quan nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc, an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; các cấp công đoàn tiếp tục động viên đoàn viên, người lao động thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề xuất được những ý kiến, giải pháp có giá trị thực tiễn; các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động phát huy hơn nữa trách nhiệm, quan tâm đến công nhân lao động thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng chí cũng đề nghị công nhân lao động cần tích cực hưởng ứng, tham gia có hiệu quả các hoạt động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024; gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nghiêm chỉnh chấp hành các các quy định pháp luật, nội quy, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác An toàn, vệ sinh lao động và 19 công nhân lao động có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất năm 2023; 06 cá nhân đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2023; Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương 51 công nhân lao động có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất năm 2023.
Ngày 26/4/2024, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (gọi tắt là nghị quyết số 33-NQ/TW). Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, lãnh đạo sở, ngành, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Theo dự thảo báo cáo, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển sâu rộng, được Nhân dân đồng tình và tích cực thực hiện. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh đạt 99,5% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; 81% xã, phường, thị trấn có sân tập thể thao; 89,2% thôn, tổ dân phố văn hóa; 86,9% gia đình văn hóa; 95,5% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa; 9 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia... Mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển sự nghiệp văn hóa đạt trên 2% tổng chi ngân sách của tỉnh. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, trong giai đoạn 2014 - 2024, có 2 khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng các cấp lên 141 di tích. Sự nghiệp văn học - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... được chú trọng. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam với những phẩm chất, đức tính được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, gắn với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; xây dựng con người Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; tiếp tục tổ chức bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, kết hợp khai thác hợp lý, gắn với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, nhất là dân tộc vùng cao biên giới…Nhân dịp này, 20 tập thể, 06 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.
Ngày 26/4/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp, xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác. Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tin tổng hợp
CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ MỚI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Những ngày gần đây, mạng xã hội dậy sóng nhiều tin đồn xuyên tạc sự thật, với tần suất lan truyền chóng mặt, gây tác hại đến công chúng tiếp nhận thông tin. Thực chất thì những thông tin xấu độc dạng tin đồn lan truyền trên không gian mạng xã hội không có gì mới, vẫn chỉ là “bình cũ, rượu mới”.
Kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng
Chỉ có điều, tin đồn gần đây được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhào nặn gắn với những vụ án tham nhũng, đang được dư luận quan tâm, kết hợp với những phương thức truyền thông mới hiện đại, nhất là ứng dụng công nghệ AI, đưa giọng nói “thổi” vào các hình ảnh, video cắt ghép. Chiêu trò mới này tạo cảm giác cho người đọc, người xem dễ phân tâm, lung lạc giữa đúng - sai, thật - giả. Vì thế, với các chiêu trò mới của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, làm cho các dạng tin đồn được lan truyền, nhân bản rất nhanh, tạo tâm lý đám đông, a dua vào những sự kiện vốn không có thật trên mạng.
Phương thức thông tin của tin đồn có nhiều dạng thức mới, nhưng về bản chất vẫn chủ yếu xung quanh ở các dạng thức.
Thứ nhất, tin đồn kiểu thật - giả lẫn lộn. Sử dụng thông tin có thật về các vụ án tham nhũng đã, đang, sẽ được xem xét, xử lý từ các nguồn thông tin chính thống của các báo, tạp chí trong nước, rồi thêm “gia vị’, nhào nặn để bôi nhọ, xuyên tạc cá nhân lãnh đạo, từ đó quy chụp, nói xấu chế độ.
Thứ hai, tin đồn kiểu giả mạo 100%. Đây là những tin giả, không có thật, do một số phần tử phản động, cơ hội chính trị tưởng tượng ra kịch bản như thật để lừa bịp người nhẹ dạ cả tin, nhằm kích động, hoặc tôn thờ, ca tụng một cá nhân, nhưng lại nói xấu một hay vài cá nhân lãnh đạo khác. Mục tiêu của chúng là kích động, gây mất đoạn kết nội bộ lãnh đạo nhằm chia giẽ nội bộ, dựng lên cái gọi là phe, nhóm lãnh đạo cấp cao tỉnh A, tỉnh B hay miền Trung, miền Nam, miền Bắc...
Đáng chú ý là chủ của các thông tin xấu độc này là những phần tử phản động, cơ hội chính trị ngoài nước. Họ là những kẻ phản động, bất mãn chế độ, chuyên “cạo chữ trên bàn phím”, ngồi cách xa Việt Nam hàng vạn cây số nhưng lại có vẻ như “người trong nội bộ”, ngụy tạo lên những chuyện hoang đường, hoàn toàn không có thật, suy diễn, thậm chí gắp lửa bỏ tay người, chọc gậy bánh xe để kích động, chia rẽ, lý gián nội bộ lãnh đạo.
Nguy hiểm hơn là lợi dụng tâm lý tò mò của không ít người sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước, chúng sẻ chia thông tin giả trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhất là tiktok, facebook, youtube... len lỏi đưa lên nhiều nhóm facebook có số lượng thành viên rất đông để nhân rộng, lan tỏa nhanh thông tin. Từ một vài người đến nhiều nhóm sử dụng các nền tảng mạng xã hội ở trong nước, hàng vạn người chia sẻ, bình luận, từ đó hình thành làn sóng tin đồn, gây tâm lý bán tín, bán nghi, hoang mang trong dân chúng, cộng đồng mạng. Từ mạng ảo, các dạng tin đồn được các facebooker, tiktoker ra đời sống thực, rỉ tai nhau, lan truyền các tin đồn, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong xã hội.
Chính vì thế, hệ lụy, tác động từ các dạng tin đồn đã, đang gây hậu quả xấu, tác động đến tâm trạng, tư tưởng, an ninh tư tưởng trên không gian mạng. Ngoài tâm lý tò mò của cộng đồng mạng làm cho tin đồn - thông tin xấu độc lâu nay vẫn có đất sống, có nguyên nhân chủ quan từ chính chúng ta. Chúng ta thiếu tính chủ động, kịp thời ngăn chặn, để cho các tin đồn có thời gian dài có đất sinh sôi, nảy nở, lan truyền, tạo thành làn sóng tin giả tán phát mạnh mẽ trên mạng xã hội. Vẫn xảy ra tình trạng tắc trách, thờ ơ, thiếu tính đồng bộ, hiệp đồng tác chiến giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị trong xử lý các tình huống tư tưởng và ngăn chặn tin đồn. Chúng ta còn để khoảng trống, thiếu các thông tin chính thống, dẫn dắt, chi phối trận địa tư tưởng trên không gian mạng, do các thông tin chính thống đăng tải để phủ định các tin đồn, tin giả, từ các cơ quan báo chí không kịp thời.
Để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả các thông tin xấu độc, nhất là các dạng tin đồn thất thiệt, góp phần giữ vững an ninh tư tưởng trên không gian mạng, rất cần triển khai một số giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cộng đồng mạng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và Luật An ninh mạng.
Trong đó, cần đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, bao gồm cả tuyên truyền miệng và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hằng tháng hoặc đột xuất, các cấp ủy Đảng, hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên cần quan tâm lồng ghép, đưa thông tin chuyên đề đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, vạch trần âm mưu, thủ đoạn, bản chất của các tin đồn thất thiệt trong các cuộc họp chi bộ và các hội nghị báo cáo viên.
Để ngăn chặn tin đồn thật thiệt, không để lan truyền các thông tin xấu độc trên không gian mạng, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kịp thời phản bác các tin đồn thất thiệt trên mạng interet và các nền tảng xã hội.
Hai là, tổ chức đấu tranh thường xuyên, kịp thời với các thông tin xấu độc, các tin đồn lan truyền trên mạng xã hội. Khơi dậy ý thức cảnh giác cao độ của mỗi công dân, nhóm sử dụng và cộng đồng mạng, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... khi tham gia các mạng xã hội. Các cấp ủy, các đoàn thể chính trị - xã hội và hệ thống các trường từ trung học phổ thông đến các trường đại học cần thường xuyên tổ chức các hội nghị, các cuộc họp chuyên đề về đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để mỗi công dân mạng nâng cao ý thức đấu tranh, tự tạo cho mình sức đề kháng, nhận thức rõ bản chất đúng - sai của thông tin xấu độc, không bị mắc bẫy khi chia sẻ, lan truyền các tin đồn, vi phạm Luật An ninh mạng.
Ba là, tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong đấu tranh tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đấu tranh kịp thời với các hành vi, vi phạm của các mạng xã hội facebook, google, tiktok... Yêu cầu các mạng xã hội phải tuân thủ pháp luật, bóc gỡ các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đạo đức xã hội và vi phạm luật pháp của Việt Nam./.
TS Trần Doãn
https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/canh-giac-voi-chieu-tro-moi-cua-cac-the-luc-thu-dich-tren-khong-gian-mang-663800.html