TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN

TỈNH LẠNG SƠN

Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 6/2024

10-06-2024 14:34

 

     Từ ngày 08 - 10/5/2024, Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) làm Trưởng đoàn đã có chương trình công tác tại Italia. Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đã tham dự Lễ khai mạc Hội chợ nông sản quốc tế Marfrut 2024; đến thăm và làm việc tại tỉnh Rimini; thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Italia.

     Trong chương trình Hội chợ, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia tổ chức gian hàng Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các địa phương/doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, giới thiệu các loại nông sản của Việt Nam như trái cây tươi, trái cây sấy khô, các loại trà, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quế hoa hồi và các loại gia vị, hỗ trợ tìm kiếm các đối tác xuất nhập khẩu nông sản và nghiên cứu, tiếp cận công nghệ nông nghiệp mới trên lĩnh vực vườn ươm, cây trồng, máy móc nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ đóng gói bao bì, phân loại và chế biến thực phẩm hiện đại. Tỉnh Lạng Sơn vinh dự tham gia trưng bày tại Hội chợ quốc tế Marfrut 2024 với các sản phẩm nông sản của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP như: các loại trà, hoa hồi sấy khô và các loại gia vị…. nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Ngoại giao, của Đại sứ quán Việt Nam tại Italia kết nối, quảng bá, giới thiệu sản các sản phẩm nông sản, đặc biệt là quảng bá, giới thiệu các loại gia vị đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn đến thị trường châu Âu, đồng thời tìm kiếm, hợp tác, liên kết với các đối tác của Italia và các nước khác nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu các loại nông sản, các loại quế, hồi và các loại gia vị đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn, tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp cận các kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghệ chế biết thực phẩm hiện đại… Ngay sau Lễ khai mạc, với sự kết nối, giới thiệu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Cộng hòa Italy, đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc, kết nối với đại diện Tập đoàn UNITEC S.P.A, là một tập đoàn quốc tế chuyên thiết kế và sản xuất các giải pháp sáng tạo để chế biến, phân loại, lựa chọn chất lượng và đóng gói trái cây và rau quả tươi. Tập đoàn UNITEC được tổ chức thành các đơn vị kinh doanh bám sát tất cả các công đoạn chính của chuỗi sản xuất, cho đến hậu mãi, với dịch vụ chuyên nghiệp và hiệu quả. Tại đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã giới thiệu với doanh nghiệp về vị trí địa lý, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch và nông lâm nghiệp của tỉnh, đặc biệt là thế mạnh về các vùng nguyên liệu trồng các sản phẩm nông sản, gia vị… của tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thông qua tiếp xúc, trao đổi, tỉnh Lạng Sơn mong muốn giới thiệu, quảng bá tiềm thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm chủ lực của địa phương để xuất khẩu và kết nối, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm năng đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Đồng thời, kết nối hợp tác đầu tư phát triển về năng lượng điện gió, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng nghiệp. Thúc đẩy hợp tác một số lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như: các dự án đầu tư bảo quản và chế biến các sản phẩm.nông sản: hợp tác hỗ trợ công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
      Thăm và làm việc với Thủ hiến tỉnh Rimini, Italia; Chủ tịch Hội đồng thành phố Rimini, Italia, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ vui mừng được đến thăm tỉnh Rimini, ấn tượng với những kiến trúc, văn hóa lâu đời và sự phát triển của tỉnh Rimini. Trao đổi với Thủ hiến tỉnh Rimini; Chủ tịch Hội đồng thành phố Rimini, Italia về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch và nông lâm nghiệp của tỉnh…, đề xuất lãnh đạo chính quyền tỉnh và thành phố Rimini tiếp tục hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn kết nối với các doanh nghiệp của tỉnh Rimini và vùng, nhất là trong lĩnh vực bảo quản, phân loại, chế biến, nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, cũng như việc quảng bá thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm năng đến đầu tư tại tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm, mô hình hiệu quả của tỉnh Rimini trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường…
      Làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Italia, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Đại sứ quán tiếp tục là cầu nối giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn đến với người dân và cộng đồng doanh nghiệp của Italia, giúp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng với các đối tác của Italia, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, đầu tư, kinh doanh các khu, cụm công nghiệp... Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh, đây là cơ hội để tỉnh Lạng Sơn quảng bá các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đồng thời, giới thiệu đến các doanh nghiệp của Italia và các nước trên thế giới hình ảnh và những sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh, tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp có cơ hội giao lưu và trao đổi hợp tác, đầu tư kinh doanh. Đại sứ quán Việt Nam tại Italia sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ thông tin và kết nối, phối hợp cùng tỉnh Lạng Sơn tăng cường các hoạt động trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư tại Italia và các đối tác quốc tế liên quan.
      Ngày 10/5/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội nghị được kết nối với hơn 4.300 điểm cầu với sự tham dự của hơn 206.000 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Ban kinh tế Trung ương đã quán triệt những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 41-NQ/TW. Theo đó, mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới,...; tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Trên cơ sở đó, nghị quyết đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện. Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp, ngành, các địa phương cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới; chú trọng tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân tích cực thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, nhất là giúp đội ngũ doanh nhân Việt Nam nhận thức sâu sắc vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Các địa phương cần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo chức năng, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm, động viên, biểu dương các tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu. Mỗi doanh nhân phải luôn đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần vì cộng đồng, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.
       Ngày 14/5/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND tỉnh và một số cơ quan, đơn vị liên quan trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh. Làm việc với đoàn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 4 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng cuối năm 2024. Theo đó, 4 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân ước thực hiện 41.348 ha, tăng 7,2% so với cùng kỳ; hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua địa bàn đạt 19.457,5 triệu USD; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,46% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch đạt 2.121 nghìn lượt, tăng 8% so với cùng kỳ, doanh thu ước 1.803 tỷ đồng, tăng 16,9%... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Trong chương trình làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; việc trả lời, giải trình của các bộ, ngành đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan đã báo cáo, giải trình làm rõ hơn những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024; tiến độ giải ngân đầu tư công và giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh; công tác thu ngân sách nhà nước; việc triển khai thi hành Luật Đất đai… Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền quan tâm, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách về các lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng, y tế, nội vụ, tư pháp… Phát biểu kết luận buổi làm việc, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những kết quả trong điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh và các ngành trên các lĩnh vực trong 4 tháng đầu năm 2024; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, các ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đối với các kiến nghị của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp và báo cáo với các bộ, ngành trung ương và có ý kiến tại các diễn đàn, kỳ họp của Quốc hội.
        Ngày 16/5/2024, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2024 (kỳ 1). Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Cùng dự có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Trong chương trình phiên họp lần này, các đại biểu đã xem xét, cho ý kiến vào 14 nội dung dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh; dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do các sở, ngành trình. Tại phiên họp, cho ý kiến vào Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 thuộc các huyện: Tràng Định, Văn Quan, Hữu Lũng, Lộc Bình, các đại biểu đề nghị xem xét cập nhật lại số liệu, căn cứ pháp lý trong dự thảo Đề án; ban hành Hướng dẫn xây dựng Phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, những người không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 để huyện có căn cứ chủ động xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức cấp xã sau khi sáp nhập;… Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Đề án với 6 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 4 huyện Tràng Định, Văn Quan, Hữu Lũng, Lộc Bình; đồng chí đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, đồng thời làm rõ thêm các nội dung liên quan đến việc bố trí cán bộ dôi dư, phương án quản lý, sử dụng tài sản công, luận giải, lựa chọn tên gọi của các xã sau khi sáp nhập phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa…, tạo sự thống nhất, đồng thuận chung. Đơn vị chủ trì soạn thảo rà soát, hoàn thiện nội dung Dự thảo, trình UBND tỉnh xem xét trước 18/5/2024.Tại Dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh quyết định giao bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung trình, lựa chọn phương án được đưa ra tại dự thảo. Cho ý kiến vào nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất lựa chọn phương án 1 tại dự thảo là “HĐND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh quyết định bổ sung dự toán ngân sách năm 2024 cho các cơ quan, đơn vị khối tỉnh, các huyện, thành phố khi phát sinh nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền quyết định, từ các nguồn dự toán ngân sách tỉnh chưa phân bổ”. Căn cứ tình hình thực tiễn, đồng thời, để thể hiện được vai trò của cơ quan dân cử, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý phải thực hiện cơ chế xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh trước khi UBND tỉnh ban hành quyết định giao kinh phí chi tiết. Đồng chí cũng yêu cầu các sở ngành, các huyện thành phố cần chủ động tích cực trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, dự toán ngân sách từ cuối năm trước để phân bổ ngay từ đầu năm. Đơn vị soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu, tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo trình UBND xem xét. Cho ý kiến vào Dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh hỗ trợ triển khai cung cấp sữa thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung về quy định các đối tượng trẻ em được hỗ trợ, về nội dung và mức hỗ trợ cụ thể từ Chương trình này; xem xét bổ sung chọn loại sữa cho học sinh vào danh mục hỗ trợ;… Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các nội dung trình tại dự thảo, đồng thời đề nghị đơn vị chủ trì tiếp tục rà soát lại nội dung chi cho hoạt động tổ chức hội nghị triển khai, tổng kết theo từng năm học đối với chương trình này, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ trình UBND xem xét theo quy định. Đối với Dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên Chu Văn An tỉnh Lạng Sơn. Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định mức tiền cụ thể đối với từng đối tượng được hưởng chính sách, cần có sự ưu tiên cho đối tượng học sinh là thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, quy định cụ thể số lượng tối đa số cán bộ quản lý, giáo viên của mỗi đợt tham quan, học tập, bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ, việc tổ chức xét, thứ tự ưu tiên xét học bổng, đề nghị nâng mức hỗ trợ cho học sinh có hộ khẩu thường trú tại huyện cách xa trường từ 15km trở lên;… Đối với nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên họp. Đồng thời, làm rõ từng nội dung chính sách để khi chính sách được ban hành đảm bảo tính thiết thực, chặt chẽ, khoa học, rõ ràng. Rà soát, hoàn thiện Dự thảo trước ngày 20/5, trình UBND xem xét theo quy định. Trong chương trình phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến và thống nhất thông qua các Dự thảo Tờ trình quan trọng khác. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, đồng thời rà soát, hoàn thiện các nội dung, trình tự, thủ tục để trình theo quy định.
        Ngày 24/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về dự thảo Nghị định quy định về giá đất. Đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Dự thảo Nghị định quy định về giá đất do Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xây dựng. Theo Bộ TNMT, ngày 10/5, Bộ đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về giá đất. Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định. Ngày 23/5, Bộ TNMT đã nhận được 17 ý kiến của các thành viên Chính phủ và góp ý của các địa phương, các tổ chức, chuyên gia. Dự thảo Nghị định quy định về giá đất gồm 6 Chương, 41 Điều, quy định chi tiết và tổ chức thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2024 về: phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất. Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ căn cứ, nội dung, trình tự xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung giá đất, việc định giá đất… Thảo luận tại cuộc họp, đại diện các chuyên gia, bộ, ngành, địa phương cơ bản đồng thuận với nội dung dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, cũng đề nghị, dự thảo Nghị định cần phải bổ sung, điều chỉnh một số câu chữ để áp dụng thuận lợi trong thực tế. Đồng thời, quy định rõ hơn một số khái niệm liên quan đến phương pháp tính toán, chi phí dự phòng, lợi nhuận nhà đầu… để dễ thực thi các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước và cả doanh nghiệp. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cảm ơn sự quan tâm nghiên cứu, phân tích của đại diện bộ, ngành, hiệp hội, địa phương đã có các ý kiến rất xác thực, có tính thực tế, gỡ khó cho những quy định cũ trước đây. Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ TNMT nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, chỉnh sửa các nội dung dự thảo Nghị định phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế tại các địa phương, tích cực hướng dẫn cụ thể hóa các điều, khoản, mục được nêu trong Luật Đất đai năm 2024, qua đó góp phần quản lý, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
        Ngày 27/5/2024, tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn, Việt Nam) - Pò Chài (Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc), UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) phối hợp với Chính phủ nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức lễ công bố mở chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089; lối thông quan Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091); lối thông quan Cốc Nam - Lũng Nghịu (khu vực mốc 1104 -1105) thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Dự lễ công bố, về phía tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) có ông Miêu Khánh Vượng, Phó Chủ tịch Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và các cơ quan liên quan trực thuộc. Theo báo cáo tại lễ công bố, những năm qua, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều qua các cặp cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) diễn ra thuận lợi và sôi động. Trong đó, năm 2023 tổng kim ngạch các loại hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc) đạt trên 52 tỉ USD, tăng hơn 85% so với năm 2022; trong 5 tháng đầu năm 2024 đã đạt trên 22 tỉ USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Phát biểu tại lễ công bố, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và lãnh đạo Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đều khẳng định, quán triệt thực hiện nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc, những năm qua, quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ngày càng được củng cố, phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu. Lãnh đạo hai tỉnh - khu cũng thống nhất, thời gian tới, hai tỉnh - khu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi, cùng báo cáo cấp có thẩm quyền phê chuẩn để các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá thuộc cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan có đầy đủ tính chất, công năng của cửa khẩu quốc tế. Tiếp tục thống nhất các giải pháp nâng cao tiện lợi hoá thông quan, phương thức giao nhận hàng hoá phù hợp với điều kiện và nhu cầu của cả hai bên. Sự kiện hai bên phối hợp tổ chức lễ công bố chính thức vận hành các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan là dấu mốc quan trọng, tạo thêm điều kiện để hai bên tăng cường giao lưu nhân dân, mở rộng hợp tác về du lịch, thúc đẩy triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; tiếp tục duy trì hoạt động giao thương ổn định qua các cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, cửa ngõ giao thương trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Tại lễ công bố, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và ông Miêu Khánh Vượng, Phó Chủ tịch Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) cùng các đại biểu ấn nút chính thực vận hành các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
        Ngày 28/5/2024, tại UBND huyện Đình Lập, Sở Giao thông Vận tải tỉnh tổ chức lễ phát động Chiến dịch 200 ngày đêm hoàn thành Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B. Dự buổi lễ có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, lãnh đạo các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, đại diện các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát và đơn vị thiết kế. Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B có tổng chiều dài tuyến 62,56 km; trong đó, đoạn qua huyện Lộc Bình khoảng 22,3km, đoạn qua huyện Đình Lập khoảng 40,26km; đoạn từ đầu tuyến thuộc Km18 đến nút giao đường tỉnh 236 thiết kế xây dựng mới theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h, bề rộng nền đường 24,5m, 04 làn xe; đoạn từ nút giao đường tỉnh 236 đến nút giao quốc lộ 4B hiện hữu có tốc độ thiết kế 80 km/h bề rộng nền đường 12m... Đến thời điểm này, UBND huyện Đình Lập và UBND huyện Lộc Bình đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công được 17,24ha. Việc phát động chiến dịch 200 ngày đêm hoàn thành dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, sự chung sức đồng lòng của các tập thể, cá nhân liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng các hạng mục công trình. Thực hiện chiến dịch này, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị tham gia thực hiện dự án thi đua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình bảo đảm hoàn thành dự án trong năm 2024 và giải ngân 100% kế hoạch vốn. Tại lễ phát động, đại diện Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND các huyện, các nhà thầu và các đơn vị liên quan quán triệt tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động, quyết liệt, hiệu quả". Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị liên quan "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm vượt qua thách thức, đưa công trình về đích đúng kế hoạch. Trong chương trình, đại diện các đơn vị đã ký cam kết tiến độ thực hiện Chiến dịch 200 ngày đêm hoàn thành dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B. Nhân dịp này, các đại biểu đã tặng 30 suất quà cho các hộ gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình sớm bàn giao mặt bằng.
        Ngày 28/5/2024, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Dự lễ phát động có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp và 250 trẻ em đại diện cho các em thiếu nhi toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có gần 2,5 nghìn trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng, 17,6 nghìn trẻ dưới 6 tuổi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế theo quy định; đã tổ chức khám sàng lọc cho 400 trẻ em mắc các dạng bệnh dị tật bẩm sinh, khuyết tật trên địa bàn tỉnh, chỉ định phẫu thuật, điều trị và hội chẩn của các bác sĩ cho trên 100 trẻ em… Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 có chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” nhằm tăng cường sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội trong việc bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh đến năm 2025. Đồng thời vận động xã hội ủng hộ, đóng góp tích cực hơn cho trẻ em nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện cho các em có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.Phát biểu tại lễ phát động, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách của Nhà nước về trẻ em, đồng thời tỉnh ban hành thêm một số chính sách riêng nhằm giảm bớt phần nào khó khăn cho đối tượng trẻ em yếu thế, nhờ đó cuộc sống và quyền trẻ em được thực hiện tốt hơn. Thời gian tới, đồng chí đề nghị các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác trẻ em; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 25 quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em. Cùng với đó, đẩy mạnh vận động các nguồn lực xã hội hóa quan tâm, chăm sóc, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; xây dựng, bố trí thêm các không gian vui chơi để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện. Nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tặng quà cho 50 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó học giỏi. Tại lễ phát động, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh với tổng số tiền trên 369 triệu đồng.
Tin tổng hợp
 
 
 
CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ MẠO DANH “PHẢN BIỆN XÃ HỘI” NHẰM CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
     Những năm qua, trong khi đại đa số nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ, trí tuệ, tích cực tham gia phản biện xã hội với tinh thần xây dựng, giúp cho Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn, lãnh đạo và quản lý đất nước hiệu quả, thì vẫn có những đối tượng cố tình lợi dụng phản biện xã hội để tung ra những quan điểm, luận điệu phản động, sai trái, gây nhiễu loạn đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
     Những mưu đồ đội lốt “phản biện xã hội” 
    Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức hậu thuẫn, kích động các đối tượng trong nước lợi dụng phản biện xã hội để tập hợp lực lượng chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội, tạo các lực lượng đối lập. Họ nhân danh phản biện để phản bác, chống đối các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ thường lợi dụng các thời điểm nhạy cảm chính trị của đất nước như trước và trong quá trình tổ chức đại hội Đảng, các kỳ bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp hoặc khi diễn ra những sự kiện quốc tế quan trọng; khi Quốc hội, Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật, chương trình, đề án... để lấy danh nghĩa phản biện xã hội tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
     Những hoạt động này của các thế lực thù địch khá đa dạng, song tập trung ở một số thủ đoạn: (1) Lợi dụng internet, mạng xã hội, lấy danh nghĩa phản biện xã hội để đưa ra những bài nói, bài viết, các video clip nêu những ý kiến sai lệch về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quyết sách cụ thể ở các bộ, ngành, địa phương; (2) thông qua hình thức gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước với dụng ý không lành mạnh; (3) lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các cơ quan báo chí nước ngoài để nêu quan điểm bằng bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn với nội dung xuyên tạc, thổi phồng, bôi đen những hạn chế trong nước, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước, hòng làm cho thế giới hiểu sai về đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam; (4) khi Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ, ngành, địa phương không tiếp nhận những ý kiến “phản biện” (thực chất là các luận điệu, quan điểm, ý kiến phản động, phá hoại) thì vu khống Đảng, Nhà nước ta vi phạm, đàn áp dân chủ.
     Cách đây hơn 10 năm, trong quá trình Đảng, Nhà nước ta lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Hiến pháp năm 2013, một nhóm nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức có tư tưởng bất mãn, cực đoan chính trị đã tập hợp nhau lại để đưa ra cái gọi là “kiến nghị” đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Hiến pháp, với lý lẽ vừa hết sức ngụy biện, vừa suy diễn một cách tùy tiện, vừa công kích nói xấu Đảng ta.
     Hay gần đây, lợi dụng chủ trương góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số trang web, blogger đã tham gia “góp ý” theo kiểu cố ý bẻ cong sự thật, làm cho người dân hiểu sai từ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thành “đất đai là độc quyền sở hữu của Nhà nước”, coi đó là cội nguồn của đầu cơ, tham nhũng đất đai. Thậm chí, họ còn xuyên tạc rằng việc sửa luật như “đẽo cày giữa đường”, “càng sửa càng mù mờ”... từ đó kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn .
 
 
Ảnh minh họa: TTXVN
 
     Điểm qua một vài ví dụ trên để thấy rằng, dưới chiêu bài “dân chủ”, lấy danh nghĩa phản biện xã hội, các thế lực thù địch, chống đối, phản động không từ một thủ đoạn nào để phá hoại đất nước và chế độ ta. Mục đích của chúng đương nhiên không phải để “góp ý”, giúp cho Đảng, Nhà nước thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, mà là để phá hoại uy tín của Đảng, Nhà nước, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ, bất đồng trong nội bộ Đảng; chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, gây mất ổn định chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đi tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
     Nhận thức và ứng xử đúng mực về phản biện xã hội ở Việt Nam
     Phản biện xã hội là việc phân tích, đánh giá, lập luận, tranh luận có tính chất độc lập, khoa học của các lực lượng xã hội (bao gồm cá nhân hoặc tổ chức) nhằm khẳng định hoặc bác bỏ, hay đề xuất sửa đổi chủ trương, chính sách, từ đó giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp hơn với lợi ích chung của cộng đồng. Xét về bản chất, phản biện xã hội là một hình thức thể hiện quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận. Theo đó, phản biện xã hội chính là quyền bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ của cá nhân đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người.
     Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Hiến pháp và pháp luật, nước ta đã cụ thể hóa quyền tham gia phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định một số quyền con người, quyền công dân có nội dung liên quan mật thiết đến phản biện xã hội như quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận, quyền trưng cầu ý dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Theo đó, Điều 28 quy định: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
     Hiến pháp năm 2013 cũng chính thức ghi nhận phản biện xã hội với tính chất là một chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định này lại tiếp tục được cụ thể hóa tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022...
     Nhằm làm cho hoạt động phản biện xã hội thực sự đi vào hiện thực cuộc sống, tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở trong xã hội, Đảng, Nhà nước ta còn chú trọng quan tâm hoàn thiện các điều kiện bảo đảm thực hiện phản biện xã hội. Các điều kiện đó là:
     Thứ nhất, xây dựng hệ thống thể chế minh bạch, dân chủ, ghi nhận đầy đủ các quyền của chủ thể phản biện xã hội (bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền thực hiện phản biện xã hội...); quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.
     Thứ hai, bảo đảm thực thi quyền tiếp cận thông tin của người dân, xác định rõ trách nhiệm cung cấp và công khai thông tin từ phía các cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính; quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cũng như có chế tài rõ ràng, cụ thể và nghiêm minh đối với những hành vi che giấu hoặc từ chối cung cấp thông tin của các cơ quan và công chức nhà nước.
     Thứ ba, nâng cao ý thức tôn trọng tự do ngôn luận, đối thoại, lắng nghe và phản hồi của chủ thể được phản biện, trực tiếp là các cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước, kết hợp giữa giáo dục với cơ chế ràng buộc để chủ thể được phản biện không chỉ lắng nghe ý kiến của xã hội mà còn phải biết tiếp thu, hiện thực hóa nó trong những chính sách cụ thể; xây dựng cơ chế thông tin hai chiều giữa Nhà nước và công dân.
     Thứ tư, nâng cao trình độ dân trí của cộng đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm công dân; giúp nhân dân có nhận thức đầy đủ về nguyên tắc, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành phản biện xã hội...
     Những dẫn chứng trên đây đã cho thấy, phản biện xã hội ở Việt Nam không chỉ kế thừa mà còn có sự bổ sung, phát triển các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực về dân chủ, tự do ngôn luận nói chung, về phản biện xã hội nói riêng. Việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia phản biện xã hội, qua đó phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, trong hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. 
     Phản biện xã hội ở Việt Nam là một phương thức hữu hiệu để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, là bước phát triển cao của hình thức dân chủ trực tiếp, thể hiện rõ vai trò chủ thể quyền lực của nhân dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Người dân có thể sử dụng quyền lực của mình một cách trực tiếp thông qua việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, hoặc kiến nghị, đóng góp ý kiến, phản biện, hoặc trực tiếp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và biểu quyết khi được trưng cầu ý kiến.
     Như vậy, phản biện xã hội ở Việt Nam không chỉ là con đường, phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình mà còn là để bảo vệ quyền làm chủ của mình; không chỉ là công cụ để nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước mà còn để bảo vệ Đảng, Nhà nước. Bản chất tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa quy định phản biện xã hội ở Việt Nam phải thể hiện được tính xây dựng, không phải để tạo ra sự xa cách, chia rẽ, đối lập nhân dân với Đảng, Nhà nước, mà là để nhân dân tiến gần hơn với hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm cho “ý Đảng hợp với lòng dân”, để nhân dân thực thi một cách trực tiếp, thực chất hơn quyền lực của mình, đồng thời giúp cho Nhà nước hoàn thành tốt hơn vai trò phục vụ nhân dân. Do đó, mọi âm mưu, hành vi lợi dụng phản biện xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ phá hoại mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
 
Đại tá, PGS, TS PHẠM THANH GIANG,
Phó chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị
https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/canh-giac-voi-chieu-tro-mao-danh-phan-bien-xa-hoi-nham-chong-pha-cach-mang-viet-nam-779466

Tin liên quan

Thống kê khách truy cập
-Đang truy cập: 1905
-Đã truy cập: 1.162.217
+Hôm nay 677
+Tháng này 110.327
+Tháng trước 182.501

Liên kết