Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ
Thông tin tuyên truyền tháng 8/2024
04-08-2024 21:08
Ngày 17/7/2024, tại Hà Nội, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất nội dung hồ sơ trình phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh (CKTM) tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và khu vực mốc 1082/2 - 1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Dự hội nghị về phía trung ương có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Biên phòng, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan…Tại hội nghị, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã báo cáo tình hình triển khai Đề án thí điểm xây dựng CKTM và một số nội dung giải trình, xin ý kiến trao đổi, thống nhất của bộ, ngành Trung ương. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng dự thảo và hoàn thiện các quy trình nội bộ đối với Đề án “Thí điểm xây dựng mô hình CKTM tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực CKQT Hữu Nghị và CK Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn”. Để đảm bảo chất lượng, có đủ cơ sở, điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án, UBND tỉnh Lạng Sơn đã triển khai xây dựng Đề án theo trình tự quy định, tổ chức phiên họp chuyên đề để xem xét, thảo luận đối với dự thảo Đề án, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến, tổ chức Hội nghị tại Hà Nội vào tháng 9/2023 để xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, ban hành 03 văn bản (03 lần) xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương. Ngày 08/3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã tổ chức cuộc họp chuyên đề xem xét dự thảo Đề án, trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương và kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tiếp thu chỉnh sửa Đề án. Ngày 22/3/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan, trên cơ sở các ý kiến tham gia, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án theo đúng yêu cầu. Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đều thống nhất nhận định CKTM là nội dung mới, chưa có tiền lệ, đánh giá cao tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, tích cực trao đổi với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng Đề án, đồng thời, bày tỏ quan điểm đồng tình, thống nhất với chủ trương của Đề án thí điểm xây dựng CKTM tại tỉnh Lạng Sơn. Các đại biểu đề nghị tỉnh Lạng Sơn làm rõ hơn các nội dung của Đề án về tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng, quy trình kiểm tra, kiểm soát hải quan, kiểm dịch, các khu vực kho hàng, bến bãi, phương tiện vận hành, kỹ thuật, công nghệ, việc chia sẻ dữ liệu, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, an ninh biên giới, đánh giá hiệu quả và làm rõ của nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn xã hội hóa, năng lực của doanh nghiệp, thời gian thực hiện thí điểm, thẩm quyền ban hành Đề án. Đồng thời, đề nghị Lạng Sơn phân tách rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện cửa khẩu thông minh… Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành vào dự thảo Đề án. Đồng thời giải thích, làm rõ thêm một số nội dung của Đề án. Đồng chí nhấn mạnh, ngay khi Đề án được phê duyệt, tỉnh Lạng Sơn sẽ ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời nhất, với từng công việc, lộ trình chi tiết, cụ thể, trên cơ sở ý kiến góp ý, trao đổi của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung của Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, ủng hộ Lạng Sơn cùng thúc đẩy báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Đề án sau khi UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện Đề án, trình phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, đồng hành với tỉnh Lạng Sơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong thời gian tới.
Ngày 19/7/2024, Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số (CĐS) với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý nhằm kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số). Về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đến nay tỷ lệ này cả nước đạt trên 55%. Về các nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan nhà nước trên môi trường số: Năm 2020, hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt mức 65,8%, đến nay tỷ lệ này đạt 89,35%; trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đến nay 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt nhờ triển khai trục liên thông văn bản quốc gia. Về kết nối chia sẻ dữ liệu: Năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu là 11,5 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia; tổng giao dịch trong năm 2024 đến nay là 533 triệu. Về phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26%, năm 2023 đạt 16,5%. Về xã hội số, tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần gấp 4 lần), tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020). Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chip; đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: Sổ sức khỏe điện tử; giấy phép lái xe; ví điện tử; kê khai, đăng ký, nộp thuế; thông tin sổ bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác…Các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội nghị đã tập trung phân tích, chia sẻ những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện CĐS; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được cũng như nêu những khó khăn, giải pháp thực hiện trong thời gian tới để CĐS thành công. Phát biểu tại hội nghị từ đầu cầu tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh, thời gian qua công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp công tác CĐS được chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trên cả 05 trụ cột. Nổi bật là các hệ thống phần mềm dùng chung, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị duy trì sử dụng hiệu quả, 100% văn bản điện tử được được luân chuyển trên môi trường điện tử và ký số, hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên cổng DVC đạt trên 97%; 93% hồ sơ TTHC được số hóa; 100% trường học, bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 72% người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, trên 90% điểm kinh doanh cố định thanh toán qua mã Qrcode. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phát động “Đợt thi đua 100 ngày cao điểm số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực”; Đợt thi đua cao điểm 150 ngày “Đẩy mạnh hiện đại hóa bộ phận một cửa cấp huyện cấp, xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Nền tảng công dân số, trợ lý ảo được triển khai hỗ trợ người dân và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện TTHC, thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai chương trình viễn thông công ích trong phát triển hạ tầng viễn thông để phát triển băng rộng cố định, di động đến các thôn, bản trắng và lõm sóng, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số của địa phương với cơ sở dữ liệu của trung ương, hướng dẫn các địa phương đánh giá chỉ tiêu CĐS hằng năm… Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời nhấn mạnh, CĐS là một trong những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện CĐS là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược trong quá trình phát triển. Thủ tướng chỉ rõ, điều quan trọng, quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy CĐS thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu phân công công việc "rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả" và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tăng cường phối hợp và kỷ luật kỷ cương hành chính, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thống nhất, nâng cao nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của người lãnh đạo trong CĐS, theo nguyên tắc "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên". Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết của Đảng và xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong CĐS. Tập trung triển khai DVCTT phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% DVCTT toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng DVCTT, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC, đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn định danh cá nhân. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Khẩn trương hoàn thành việc bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; rà soát, nâng cấp an ninh an toàn các hệ thống thông tin thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông…
Ngày 19/7/2024, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức chương trình Gặp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: đồng chí Giáp Thị Bắc, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đồng chí Phùng Quang Hội, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; cùng dự chương trình gặp mặt có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại truyền thống 95 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn Việt Nam. Trải qua 95 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng phát triển, trưởng thành và lớn mạnh. Cùng với sự ra đời, phát triển của Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh Lạng Sơn được thành lập ngày 03/9/1946. Từ khi ra đời đến nay, Công đoàn tỉnh Lạng Sơn đã trải qua 17 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đều gắn liền với từng thời kỳ lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 14 Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, công đoàn ngành và 1.314 Công đoàn cơ sở với tổng số hơn 46.600 công nhân, viên chức lao động. Đoàn viên công đoàn đã có mặt ở hầu hết trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng yếu của tỉnh. Hoạt động công đoàn hướng về cơ sở, tập trung đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích, hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động.Phát biểu tại chương trình gặp mặt, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh biểu dương và chúc mừng những thành tích của các tập thể, cá nhân và những đóng góp quan trọng của các cấp công đoàn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Đồng chí đề nghị các cấp công đoàn cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau: tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, tư tưởng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, đặc biệt là Nghị quyết số 02 năm 2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, tiếp tục hướng về cơ sở, vì lợi ích thiết thực của đoàn viên, người lao động; lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp để nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm từng ngành, địa phương và cơ sở; tích cực tham gia xây dựng và thực hiện chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nhân dịp này, 06 tập thể, 06 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 20 tập thể, 8 cá nhân được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
Ngày 24/7/2024, Đoàn đại biểu của tỉnh và thành phố Lạng Sơn do đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tại Khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ và viếng Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn. Tham gia đoàn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và thành phố Lạng Sơn. Tại Khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn, đoàn đã đặt vòng hoa và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Người, của đồng chí Hoàng Văn Thụ và các Anh hùng liệt sĩ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong những năm qua, cùng với Nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm, chăm lo tới các gia đình chính sách, người có công. Các thương binh, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã và đang lan tỏa sâu rộng ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: chính trị ổn định; kinh tế tiếp tục tăng trưởng; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được tăng cường; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm. Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng và những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nguyện tiếp tục chung sức, đồng lòng, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh và phát triển bền vững. Sau phần lễ dâng hương, các đại biểu đã thắp hương viếng mộ các liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), các đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công tại huyện Chi Lăng; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công tại huyện Văn Quan; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Lộc Bình; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công tại thành phố Lạng Sơn; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công nhân tại huyện Tràng Định; đồng chí Đinh Hữu Học, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tại huyện Đình Lập; đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công tại huyện Văn Lãng; đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Bình Gia. Tại các gia đình, đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tỏ sự tri ân sâu sắc trước những cống hiến, hy sinh của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống của các gia đình và mong muốn các gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào để góp phần xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển; đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Ngày 25, 26/7/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 07 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút ngày 25 tháng 7 năm 2024 và từ 07 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024. Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ 00 phút cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Sau lễ truy điệu, đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông về Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội. Dọc hai bên đường từ Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, đường Lê Thánh Tông, Tràng Tiền... người dân đứng rất đông, trên tay cầm di ảnh và hoa, ngóng chờ xe đưa linh cữu đi qua để được tiễn đưa Tổng Bí thư.
Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ 7 giờ đến 24 giờ ngày 25/7; từ 7 giờ đến 12 giờ ngày 26/7/2024 có hơn 5.600 Đoàn (với hơn 252.000 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội có 434 Đoàn (với 136.886 lượt người); tại Đông Anh với 1.588 Đoàn (với 56.600 lượt người); tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh có 3.585 Đoàn (với 58.532 lượt người). Đã có 100 Đoàn khách quốc tế tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông và tại Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Sổ tang điện tử trên VNeID đã có hơn 483.000 lượt người truy cập viết lời chia buồn.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời truyền thông quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với nhiều tin bài bày tỏ sự chia sẻ và đánh giá cao những cống hiến của Tổng Bí thư đối với đất nước, cũng như tình cảm nhân dân dành cho nhà lãnh đạo của mình.
Ngày 26/7/2024, đã diễn ra cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện các dự án trọng điểm 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 06 tháng cuối năm 2024, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm chủ trì cuộc họp. Theo báo cáo tại cuộc họp, đến hết tháng 06/2024, toàn tỉnh có 21 dự án trọng điểm, trong đó có 05 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, 06 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP), 10 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách. Trong quý II/2024, một số dự án quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã tiến hành khởi công xây dựng như: dự án Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án Cụm công nghiệp Hồ Sơn 1. Đến nay, tiến độ thực hiện của 05 dự án sử dụng vốn đầu tư công cơ bản có chuyển biến, trong đó 02/05 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, 03/05 dự án tiến độ còn chậm so với yêu cầu. Đối với các dự án PPP, có 02 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, còn 04/06 dự án triển khai chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xử lý các thủ tục pháp lý đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và khả năng thu xếp vốn của nhà đầu tư gặp khó khăn. Đối với 10 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, có 02/10 dự án triển khai thực hiện đáp ứng được tiến độ đề ra, còn 08/10 dự án triển khai chậm, nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc trong công tác GPMB, năng lực nhà đầu tư,...Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và đại diện các nhà đầu tư đã đánh giá những kết quả đạt được, thảo luận, đề xuất các nội dung liên quan đến công tác GPMB; công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật chi tiết dự án, về bãi đổ thải, mỏ đất đắp cho các dự án; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư;… Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, các huyện, thành phố, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc triển khai thực hiện 21 dự án trọng điểm, trong đó huyện Hữu Lũng và Đình Lập đã làm tốt công tác GPMB; bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường GPMB, chỉ tiêu sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, nguồn kinh phí thực hiện dự án. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện các dự án; đẩy mạnh thực hiện công tác GPMB, tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Các nhà thầu khẩn trương hoàn thành bản vẽ thiết kế thi công các hạng mục đối với một số dự án, huy động đủ nguồn lực thực hiện công tác GPMB, tổ chức thi công các khu tái định cư...; trong đó dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng cần khẩn trương hoàn thành bản vẽ thiết kế trình thẩm định phê duyệt; dự án Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện các thủ tục có liên quan, phối hợp tốt với huyện Hữu Lũng thực hiện công tác GPMB. Đối với một số kiến nghị tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với các huyện, thành phố rà soát đưa vào quy hoạch, lựa chọn vị trí đổ thải, mỏ đất đắp theo đúng quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để giao đất cho nhà đầu tư, tham mưu thực hiện các quy định mới liên quan đến Luật Đất đai; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa theo đúng quy định. Các chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Ngày 30/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Hội nghị do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan…Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe quán triệt các nội dung chính, điểm mới và tình hình công tác chuẩn bị, triển khai thi hành, thực thi Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW, ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; báo cáo một số nội dung trọng tâm và công tác chuẩn bị triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô,…Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 90 quyết định quy phạm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 đề nghị, dự án luật, dự thảo nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 quyết định quy phạm pháp luật; đồng thời, Chính phủ đã ban hành 131 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 quyết định cá biệt, 19 chỉ thị, 64 công điện và gần 8.400 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Đồng thời, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật. Chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Các tỉnh, thành phố chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn, chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương, kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý.
Tin tổng hợp
TẦM VÓC VĨ ĐẠI, Ý NGHĨA TO LỚN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 02-9 MÃI TRƯỜNG TỒN
Đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02-9 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Thế nhưng, cứ mỗi dịp kỷ niệm, trên Internet và một số trang mạng xã hội lại xuất hiện những bài viết có nội dung phán xét, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9. Đây chính là thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch vô cùng thâm độc.
Xuyên tạc lịch sử - Sự tráo trở của những kẻ vô ơn
Những ngày thu lịch sử, càng gần đến kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9, mỗi người con đất Việt lại thêm một lần khắc ghi về nguồn cội, về giá trị hòa bình và lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - nơi kết tinh, hội tụ và tỏa sáng ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu - chính là một trong những biểu tượng lịch sử vĩ đại như vậy của dân tộc. Từ đây, một trang sử vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam đã được mở ra, nhân dân đã thực sự được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của quốc gia, dân tộc mình. Sự kiện đó như một thiên anh hùng ca bất hủ, ngàn năm sáng mãi, sẽ còn lưu danh đến muôn đời, một chiến công chói lọi, đã viết tiếp trang sử vàng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng ấy có giá trị, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, không chỉ góp phần đánh bại tàn dư của chế độ phong kiến, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phát xít mà còn là tấm gương sáng ngời, cổ vũ động viên mạnh mẽ cho các quốc gia, dân tộc đang mất độc lập, tự do noi theo. Từ hào khí thắng lợi to lớn ấy đã tạo nên sức mạnh quật khởi, ý chí và niềm tin bất diệt, cổ vũ toàn thể dân tộc Việt Nam kiên cường, quyết chí bền gan đấu tranh giành độc lập dân tộc, để rồi liên tiếp giành được những thắng lợi mang tính lịch sử, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với tầm vóc và ý nghĩa vĩ đại của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(1).
Ấy vậy mà, đi ngược lại với niềm tự hào của toàn dân tộc, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tung lên các trang mạng xã hội các bài viết với giọng điệu hết sức lạc lõng, hằn học, phản động, cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử. Họ tổ chức các diễn đàn nhằm kêu gọi, kích động, tổ chức các hoạt động phản kháng, chống phá cách mạng nước ta, phủ nhận, bóp méo sự thật về giá trị nhân văn và ý nghĩa thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này hòng hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị không từ mọi thủ đoạn để xuyên tạc bản chất, ý nghĩa, tính chính nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Chúng thản nhiên phán xét, phủ nhận lịch sử, công lao, sự hy sinh và máu xương của cha ông ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, xuyên tạc và bôi nhọ tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của sự kiện trọng đại này. Chúng đưa ra luận điệu công kích hết sức hàm hồ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò to lớn của Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam, xuyên tạc thành quả của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9.
Xét về bản chất, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử chính là một thủ đoạn phá hoại về tư tưởng, đổi trắng thay đen, mục đích tạo sự hoài nghi, gây hoang mang, xáo trộn trong dư luận xã hội, nhất là thế hệ trẻ - rường cột tương lai của đất nước đối với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Với dã tâm phá hoại, lối tư duy lệch lạc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thản nhiên quy chụp yếu tố quyết định làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám với việc thành lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền hoàn toàn là do gặp thời, ăn may, do hoàn cảnh khách quan đem lại - phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh chứ Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có vai trò, công cán gì.
Thể hiện rõ bản chất phản động và thói lộng ngôn, xảo biện, những kẻ “lật sử” còn tiếp tục nhai lại luận điệu cũ rích, cố tình đơm đặt, vu khống nhằm hạ bệ lãnh tụ, chúng cho rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh du nhập Chủ nghĩa Mác - Lênin với học thuyết đấu tranh giai cấp vào Việt Nam đã gây ra thảm cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm, đi lên chủ nghĩa xã hội là lựa chọn hết sức sai lầm. Trắng trợn và lố bịch hơn, chúng còn rêu rao rằng: Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc ta vào chỗ chết, là nguyên nhân trực tiếp đưa dân tộc đến thảm họa của hai cuộc chiến tranh (1945-1954) và (1954-1975), làm cho đất nước bị tàn phá, dân tộc bị phân ly, để lại tàn dư nghèo nàn và đói khổ, tham nhũng và bất công xã hội cho đến ngày nay. Nực cười hơn, chúng còn ảo tưởng đến ấu trĩ khi cho rằng, không cần tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, độc lập dân tộc vẫn có thể có được với biện pháp đàm phán hòa bình, chỉ cần “khéo hạ mình xin chính quốc” trao trả độc lập thì tự khắc tránh được cảnh đầu rơi máu chảy cho cả dân tộc. Và, chỉ có lựa chọn con đường phát triển theo định hướng tư bản của các nước phương Tây thì Việt Nam mới có thể nhanh chóng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tệ hại hơn nữa, chúng còn đưa ra những luận điệu hết sức hàm hồ: Đến Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định con đường đi lên CNXH - lôgic tất yếu của Cách mạng Tháng Tám, kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự lạc nhịp, lỗi thời, là không phù hợp với quy luật và xu thế phát triển chung của lịch sử, là hiện tượng trái với quy luật mà chính Các Mác đã nêu trong lý luận về hình thái kinh tế xã hội; chủ nghĩa xã hội là một quái thai của lịch sử, cần sửa chữa và loại bỏ ngay lập tức...
Ảnh minh họa/tuyengiao.vn
Xét về bản chất, đây chính là thủ đoạn chiến tranh tâm lý, là cái bẫy “bôi nhọ lịch sử” của các thế lực thù địch, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, cần nhận diện sự thật và kiên quyết phản bác mạnh mẽ. Những kẻ xảo biện, ngông cuồng đó không phải không biết rằng, để có được thắng lợi “trời long, đất lở” của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9, biết bao nhiêu máu xương của các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào Việt Nam đã đổ xuống trong suốt hơn 80 năm mà “gan không núng, chí không mòn”.
Ấy vậy mà, với dã tâm thâm độc, mưu đồ bất chính, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn bất chấp mọi thủ đoạn xấu xa, cố tình bóp méo sự thật, làm sai lệch bản chất, phủ nhận tính chính nghĩa, nhân văn, nhân đạo, phủ nhận giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và công lao của biết bao thế hệ các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào.
Với những chiêu bài cũ kỹ, các thế lực phản động, thù địch đã cố tình xuyên tạc lịch sử, âm mưu kích động, chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Song, những luận điệu đó đã không thể lừa phỉnh, qua mặt được bất kỳ ai. Và, chính điều vô lý ấy lại càng tôn vinh thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, càng khẳng định rõ hơn tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù 79 năm đã đi qua, nhưng hơn bao giờ hết, mỗi người dân Việt Nam càng thêm hiểu lịch sử dân tộc, thêm yêu và trân quý giá trị của hòa bình và độc lập, càng khắc ghi niềm tự hào dân tộc và biết ơn sâu sắc công lao to lớn của thế hệ cha anh.
Tầm vóc, ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9 mãi trường tồn
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi đã trở thành thiên anh hùng ca bất hủ, khẳng định chân lý và niềm tin bất diệt: Một dân tộc có thể đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, vũ khí còn thô sơ, phương tiện quân sự thiếu thốn trăm bề, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của một Đảng cách mạng chân chính, sự chung sức “trên dưới đồng lòng, nhất hô bá ứng” thì dân tộc ấy vẫn có thể làm nên những sự kiện lịch sử vĩ đại có tầm vóc và đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới như một địa chỉ đỏ, một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa điển hình ở khu vực và trên thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cột mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kỳ tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9 càng làm sáng ngời chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh, quân đội trong thời đại ngày nay: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”, “Chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”(2) và quan điểm của Đảng, Bác Hồ kính yêu: “Không một quân đội nào, không có khí giới nào có thể đánh gục ngã được tinh thần hy sinh của cả dân tộc; nhất là ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân ta”.
Thực tiễn quá trình đấu tranh gian khổ chống ách đô hộ của thực dân Pháp của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đặc biệt là quyết định táo bạo đầy sáng suốt trong thay đổi phương châm tác chiến ở tầm chiến lược: “Lựa tình thế, chớp thời cơ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là minh chứng sinh động nhất về bản chất cách mạng, tiến bộ, chính nghĩa và nhân văn sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám. Thực tiễn đấu tranh cách mạng đó đã bác bỏ mọi quan điểm sai trái, bôi đen của các thế lực thù địch, phản động về sự kiện lịch sử này, càng khẳng định rõ bản chất cách mạng của Đảng ta: Đảng của dân, do dân, dựa vào dân và vì dân, lãnh đạo nhân dân chiến đấu vì hòa bình, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Qua đó càng làm sáng ngời mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân - Đảng hết lòng vì dân, dân một lòng tin và theo Đảng, càng thấm đẫm tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lý luận và bài học thực tiễn sâu sắc quý báu của thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong thời đại ngày nay.
Thắng lợi vang dội của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9 đã một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần quyết tử “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc Việt Nam anh hùng. Bản lĩnh Việt Nam, tầm vóc và tinh thần Cách mạng Tháng Tám mãi âm vang, trường tồn, bất diệt, mãi là nguồn động lực to lớn khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền cảm hứng, cổ vũ và lan tỏa các giá trị truyền thống cao đẹp cho các thế hệ trên hành trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.25.
(2). V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1977, tr.147.
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HỮU HÙNG,
Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ
Nguồn https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/tam-voc-vi-dai-
y-nghia-to-lon-cua-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9-mai-truong-ton-786478