XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG
Bài 4: Những bằng chứng sinh động từ thành tựu của đất nước
05-02-2021 09:00
(ĐCSVN) – Những thắng lợi, thành tựu của đất nước kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đến nay, đặc biệt là từ khi Đổi mới (1986) là những bằng chứng sinh động đập tan mọi âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Những thành tựu không thể phủ nhận của đất nước sau 35 năm đổi mới
Theo GS TS Vũ Văn Hiền – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ XHCN được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…
Lễ khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 - một trong những công trình chào mừng Đại hội XIII của Đảng
Các thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để đất nước tiếp tục đổi mới, phát triển trong những năm tới; đồng thời khẳng định con đường đi lên CNXH là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Cội nguồn của các thành tựu đó là do Ðảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tích cực ủng hộ, thực hiện, được bạn bè quốc tế ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ.
Cũng theo GS TS Vũ Văn Hiền, đổi mới đã đưa nước ta từ chỗ thiếu thốn, có khi phải nhập lương thực, nay đã thành nước xuất khẩu gạo đứng ở top đầu thế giới. Chưa bao giờ nhịp độ phát triển và đổi thay từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng lại nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay. Cũng chưa bao giờ phong cách sống, làm việc của mọi gia đình và mọi người dân lại có nhiều nét mới mẻ, tươi tắn như hôm nay. Ðổi mới giúp chúng ta vừa kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp đạt được trước đây, vừa có cách nghĩ khác trước, nghe khác trước, nhìn khác trước, làm khác trước, phù hợp với trạng thái phát triển mới, vì thế, đã đem đến một sức vóc mới cho đất nước, tiếp sức chúng ta đi thêm những bước dài trên con đường đã chọn.
Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn trong năm 2020 và trong giai đoạn 2016-2020. Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Quy mô GDP tăng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người 2020 ước đạt hơn 2.750 USD; năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8% vượt mục tiêu đề ra; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,6% năm 2011 xuống dưới 4% giai đoạn 2016-2020; xuất nhập khẩu tăng 1,7 lần, xuất siêu 5 năm liên tục; thương mại điện tử tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế; du lịch tăng trưởng bình quân gần 30%/năm, đạt 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, tăng hơn 10 triệu lượt so với năm 2015.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới
Theo công bố mới nhất từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 11/1 vừa qua, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, công tác giảm nghèo giai đoạn này đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền trên cả nước đã cải thiện đáng kể. Việt Nam đã hoàn thành, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến cuối năm 2020 có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%). Nhiều địa phương đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập; chỉ số phát triển bền vững tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số về xếp hạng môi trường kinh doanh tăng lên, từ thứ hạng 88/183 năm 2010 lên thứ hạng 70/190 năm 2019...
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Thứ hạng viễn thông Việt Nam đã nâng 31 hạng, từ 108 năm 2018 lên 77 năm 2020. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (ICT) Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Viet Nam. Số doanh nghiệp công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp.
Cộng đồng quốc tế ca ngợi những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam
Trong khi các thế lực thù địch, phản động luôn rêu rao, xuyên tạc những cái mà chúng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, “vô trách nhiệm”, “vô lương tâm” thì những hành động cụ thể của Đảng ta lại chứng minh điều ngược lại.
Thời gian qua, Việt Nam đã làm rất tốt công tác bảo hộ công dân, đưa người Việt Nam trở về nước an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Chúng ta chưa thể quên những hình ảnh xúc động về chuyến bay mang số hiệu VN68 của Vietnam Airlines đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vào 05h04 phút sáng ngày 10/02/2020. Đó là chuyến bay thực hiện hành trình đặc biệt chở 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) - tâm dịch đầu tiên của dịch COVID-19. Trong khi thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự xuất hiện bất ngờ của loại virus nguy hiểm và vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra cách đối phó với dịch bệnh thì ưu tiên số một của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là bảo đảm sự an toàn về sức khỏe và tính mạng cho công dân Việt Nam. Chuyến bay được phục vụ theo tiêu chuẩn gắt gao nhất từ trước đến nay, và việc 30 công dân trở về nước an toàn từ tâm dịch đã khiến nhiều người vỡ òa cảm xúc.
Trong thư gửi tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài “tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào!”. Nói là làm, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực để thực hiện hàng chục chuyến bay sau chuyến bay đầu tiên từ Vũ Hán để đưa công dân Việt Nam từ các nước trở về quê hương. Qua hoạn nạn, những người Việt ở khắp năm châu càng thêm yêu mến và tự hào về sự quan tâm của Đảng, Chính phủ dành cho mình những lúc khó khăn!
Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới với hơn 91 triệu ca nhiễm và gần 2 triệu ca tử vong (tính đến ngày 12/1), Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm, trong đó chỉ có chưa đầy 700 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 35 ca tử vong. Những nỗ lực phi thường của một quốc gia đang phát triển, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, khó khăn là một minh chứng về sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong đại dịch. Truyền thông quốc tế đã dành nhiều bài viết ca ngợi về thành công kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, coi “Việt Nam là hình mẫu cho các nước đang phát triển về phòng, chống COVID-19”.
Những năm gần đây, chưa bao giờ hai tiếng "Việt Nam" được truyền thông quốc tế nhắc tới nhiều đến thế. Trong thời gian qua, các hãng truyền thông lớn trên thế giới như Reuters, CNN, Sputnik... liên tiếp có những bài viết, phóng sự truyền hình ca ngợi những nỗ lực, sáng kiến và giải mã thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Từ sáng kiến “cây ATM gạo”, sử dụng áp-phích tuyên truyền, sáng tác “Vũ điệu rửa tay” như một lời nhắc nhở dễ hiểu, dễ nhớ về các biện pháp giữ gìn an toàn trong mùa dịch, cho tới việc Việt Nam chữa khỏi cho bệnh nhân 91... đều nhận được sự quan tâm, ngưỡng mộ của thế giới.
Bài viết của IMF cho rằng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã trở thành bài học cho các nước đang phát triển khác. (Ảnh chụp màn hình)
Truyền thông quốc tế coi Việt Nam là hình mẫu trong việc phòng, chống dịch, trong đó sự minh bạch thông tin được đánh giá là một yếu tố quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân. Trang web của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có bài viết phân tích thành công của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, cho rằng Việt Nam có thể mang lại bài học cho các nước đang phát triển. Mở đầu bài viết, IMF dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có bão giông mới sáng danh tùng bách" để ca ngợi sức mạnh và sự ổn định của Việt Nam trong ứng phó với "cơn bão" COVID-19. Các chuyên gia của tổ chức này cho rằng, Việt Nam đã trở thành một ví dụ điển hình và là bài học cho các nước đang phát triển trong việc chống lại đại dịch.
Thời gian qua, lợi dụng tình hình thiên tai, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị lại tiếp tục tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm chống phá sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, hạ thấp vai trò, uy tín của chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang. Chúng cho rằng, tình hình bão lũ ở miền Trung những ngày qua do thiên tai thì ít mà nhân tai thì nhiều; đỗ lỗi cho Đảng, Chính phủ Việt Nam không có chiến lược phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; không có phương án phòng ngừa bão lũ hiệu quả,..
Nhưng càng trong khó khăn, thì “ý Đảng – lòng dân” càng bền chặt. Thực tế cho thấy, mỗi lần có thiên tai thì tinh thần đoàn kết và truyền thống tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta càng được phát huy cao độ. Trong những ngày qua, các cấp, ngành, mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương... trong cả nước đã hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung ruột thịt thông qua nhiều chương trình, hành động quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần. Lực lượng quân đội đã kịp thời triển khai cán bộ, chiến sĩ đến những vùng sạt lở, vùi lấp người dân để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn với tinh thần quả cảm, không nề gian khó, không ngại hy sinh. Tấm gương hi sinh anh dũng của 13 cán bộ chiến sỹ ở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và 22 cán bộ, chiến sỹ ở Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã một lần nữa cho thấy tinh thần yêu nước, sự xả thân vì đồng bào, đồng chí của những người lính Cụ Hồ trong thời bình.
Những thành tựu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đạt được trong những năm qua được nhiều chính đảng trên thế giới ghi nhận và chúc mừng. Nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/1 đến 2/2, Đảng Cộng sản Brazil (PCB) đã gửi lời chúc mừng và ca ngợi những nỗ lực phi thường của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội, đặc biệt trong những điều kiện hết sức khó khăn của năm 2020 khi đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ tác động mạnh tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. PCB bày tỏ hy vọng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vạch ra những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đạt nhiều thành tựu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị và đoàn kết giữa hai đảng và nhân dân hai nước Brazil - Việt Nam.
Đảng Cộng sản Argentina (PCA) khẳng định những mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra cho Đại hội XIII lần này là minh chứng cho những thành công của Cách mạng Việt Nam trong suốt những thập kỷ qua trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. PCA nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau Đổi mới là cơ sở để tiếp tục các kế hoạch phát triển trong 5 năm tới đây, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2030) và 100 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2045).
Trong khi đó, Đảng Đoàn kết Argentina (PSOL) cũng đã gửi tới lãnh đạo và những người cộng sản Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân sự kiện chính trị quan trọng này của đất nước Việt Nam anh hùng. Thông điệp của PSOL cho rằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 18/12/2020.
Đảng Cộng sản Uruguay (PCU) cũng ca ngợi vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh vì độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. PCU khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dân tộc Việt Nam là hình mẫu đối với thế giới về tính tổ chức và kỷ luật trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 với những thành công mà ít nơi trên thế giới có được. PCU tin tưởng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là tiền đề thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế đất nước, cải thiện đời sống người dân và tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai.
Có thể nói, những thành tựu từ thực tế sinh động của đất nước, những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân chính là sức mạnh chính nghĩa “cuốn phăng”, “nhấn chìm” những ý đồ đen tối, những âm mưu xuyên tạc hòng phá hoại đất nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn