TỈNH UỶ LẠNG SƠN
*
|
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
|
QUY ĐỊNH
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy
của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn
(kèm theo Quyết định số 1249-QĐ/TU, ngày 25/11/2013
của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn)
-----
Điều 1. Vị trí; chức năng
1. Vị trí
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn (sau đây gọi là Đảng uỷ Khối) là cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy và là cấp ủy cấp trên trực tiếp của các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh.
2. Chức năng
Lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng trong khối các cơ quan tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong khối trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan và đoàn thể trong khối vững mạnh; kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên trong khối chấp hành Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh uỷ về các chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng trong khối.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
- Lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng trong khối và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Tham gia với lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, doanh nghiệp của tỉnh thuộc khối trong việc tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ những vấn đề cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tỉnh.
2. Lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
- Lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng trong khối thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; phổ biến, quán triệt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khối.
- Giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công tác cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn và ý thức tổ chức kỷ luật cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Lãnh đạo đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khối nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
3. Lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng các tổ chức cơ sở đảng thuộc khối trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên.
- Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc thực hiện đúng Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương, của tỉnh về tổ chức sinh hoạt đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, làm tốt công tác quản lý đảng viên.
- Bồi dưỡng cấp ủy viên, chăm lo công tác phát triển đảng viên, thực hiện công tác khen thưởng và kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên theo quy định.
4. Lãnh đạo công tác cán bộ
- Lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ; lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, quyết định về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý.
- Tham gia ý kiến về đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, giới thiệu ứng cử... đối với đảng viên trong khối là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (khi có yêu cầu).
- Tham gia với các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp của tỉnh về công tác cán bộ và quản lý cán bộ đối với cấp ủy viên thuộc diện Đảng ủy Khối quản lý.
- Quyết định hoặc đề nghị với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách công tác đảng của Đảng ủy Khối theo phân cấp quản lý.
5. Lãnh đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát
- Lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ vững đoàn kết nội bộ.
- Chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
6. Lãnh đạo các đoàn thể
- Lãnh đạo, chăm lo xây dựng các đoàn thể trong khối vững mạnh, hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của các đoàn thể, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh các phòng trào thi đua, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
- Lãnh đạo trực tiếp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan tỉnh và phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh lãnh đạo Công đoàn Viên chức tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ, tư tưởng, tổ chức cán bộ.
- Lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng trong khối thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng các đoàn thể.
7. Lãnh đạo công tác bảo vệ chính trị nội bộ
Thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện đúng các quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.
Điều 3. Tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ chuyên trách
1. Đảng ủy Khối là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc theo quy định.
2. Lãnh đạo Đảng ủy Khối, gồm: Bí thư và từ 01 đến 02 Phó Bí thư.
3. Cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng uỷ Khối
Đảng uỷ Khối được thành lập các cơ quan tham mưu, giúp việc gồm: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, cơ quan Ủy ban Kiểm tra. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Khối có con dấu để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
4. Biên chế cán bộ chuyên trách
- Biên chế cán bộ chuyên trách của Đảng ủy Khối, gồm: 20 người (hai mươi người), không kể biên chế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan tỉnh.
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng uỷ Khối được sử dụng một số cán bộ kiêm nhiệm.
Điều 4. Quan hệ công tác
1. Với Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ
Đảng ủy Khối chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo về mọi mặt của Tỉnh uỷ, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực Tỉnh uỷ; thực hiện chế độ báo cáo, xin chỉ thị và đề xuất các vấn đề thuộc trách nhiệm của lĩnh vực được phân công với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực Tỉnh uỷ.
2. Với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy
- Đảng ủy Khối phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác xây dựng Đảng.
- Thực hiện sự hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy về chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
3. Với các đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (nơi không thành lập đảng đoàn, ban cán sự đảng) thuộc tỉnh
Là quan hệ phối hợp trong công tác xây dựng Đảng, quản lý cán bộ, đảng viên và xây dựng cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp vững mạnh, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị của tỉnh.
4. Với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc
Là quan hệ phối hợp trong công tác xây dựng Đảng và quản lý cán bộ, đảng viên, giữ mối liên hệ với cấp ủy địa phương nơi cư trú.
Điều 5. Điều khoản thi hành
- Căn cứ vào Quy định này, Đảng ủy Khối xây dựng, hoàn thiện Quy chế làm việc bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi việc thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu cần bổ sung, sửa đổi, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.