XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Những giá trị cốt lõi và ý nghĩa lịch sử, thời đại của Đề cương Văn hóa Việt Nam – Văn kiện mang tầm vóc cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về Văn hóa.
24-02-2023 14:09
Theo ánh sáng “soi đường cho quốc dân đi” từ đó, những người làm cách mạng văn hóa Việt Nam ngày nay, noi gương
các thế hệ nhà văn hóa Mác-xít Việt Nam đi trước, đã, đang và vẫn mãi tiếp tục “nhiệm vụ cần kíp” hiện thực hóa một nền văn hóa “
có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”, để có nền văn hóa “cách mạng nhất và tiến bộ nhất”.
Từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 2 năm 1943, Tại Võng La, một địa điểm An toàn khu của Trung ương (Nay là xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) trước: “Thời cuộc phát triển, tình hình thế giới và Đông Dương biến chuyển mau lẹ, khác thường…Trước tình thế nghiêm trọng… Đáng lẽ lúc này một cuộc Đảng Đại hội hay một cuộc toàn thể Trung ương hội nghị phải họp để quyết định những vấn đề mới”
[1]. Những quyết định này “Sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc vận động cách mạng dân tộc giải phóng Đông Dương”
[2]. Do nhiều khó khăn trở ngại chưa thể vượt qua nhất là trong hoàn cảnh Phát xít Nhật và thực dân Pháp điên cuồng đàn áp, khủng bố các lực lượng cách mạng; Nhưng tình thế không thể trì hoãn, nên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận trọng trách tiến hành Hội nghị để “Nhận xét tình hình mới” và ra “Nghị quyết những điều cần thiết,…những công việc phải làm ngay đặng mau hoàn thành nhiệm vụ dân tộc giải phóng”
[3]. Tại hội nghị lịch sử này, Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua. Cuối tháng 2 năm 1943, Đảng ta đã ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (Họp từ ngày 25 đến 28.2.1943) và Đề cương về văn hóa Việt Nam (Năm 1943 của Trung ương).
Đảng ta công bố bản Đề cương văn hóa trong bối cảnh cuộc thế chiến lần thứ hai diễn biến rất mau lẹ và quyết liệt từ 22.6.1941 khi Phát xít Đức mở cuộc tấn công Liên Xô, cuộc chiến tranh này đã thay đổi tính chất: “Nó không còn là đế quốc chủ nghĩa chiến tranh nữa mà là chiến tranh Phát xít xâm lược và chống Phát xít xâm lược. Thế giới đã rõ ràng chia làm hai mặt trận: 1-Mặt trận Phát xít xâm lược của đế quốc, Phát xít Đức – Ý – Nhật, các chính phủ thuộc địa tay sai của Đức – Ý – Nhật. 2- Mặt trận dân chủ chống Phát xít xâm lược gồm các nước dân chủ (hay gọi là dân chủ) Liên Xô – Trung Quốc – Anh – Mỹ và nói chung các giai cấp bị bóc lột và các dân tộc bị áp bức trên thế giới”
[4]. Sau chiến thắng oanh liệt ở Mátxcơva 12/1941, cuộc phản công mùa đông năm 1942 của Liên Xô thắng lợi, nhất là chiến thắng oanh liệt ở Stalingrad, ở Côcadơ và Ucraina. Cuộc phản công mùa thu và mùa đông năm 1942 của Trung Quốc có kết quả quan trọng; Các chiến thắng của Anh – Mỹ và sự tan rã của Phát xít Pháp ở Bắc Phi. Năm 1943, Liên Xô bắt đầu cuộc Tổng phản công đánh đuổi lực lượng Phát xít ra khỏi nước; 1-1-1942 tại Washington 26 nước trong đó có Liên Xô – Mỹ - Anh ký tuyên bố Liên hợp quốc, đánh dấu sự hình thành mặt trận Đồng minh thống nhất chống Phát xít. 26-5-1942 và 11-7-1942 Liên Xô đã ký kết một Hiệp ước giữa Liên Xô và Anh và giữa Liên Xô và Mỹ về việc Liên minh chống Phát xít Đức cùng tay sai, và năm 1943 mặt trận thứ hai sẽ phải mở. Phe dân chủ sẽ thừa thắng phản công Phát xít Nhật ở Viễn Đông. Năm 1943 sẽ bùng nổ nhiều cuộc cách mạng của nhân dân ở các nước tư bản và thuộc địa.
Ở Việt Nam, Chính phủ Pháp thực hiện chính sách đầu hàng Phát xít Nhật để duy trì ách thống trị thực dân của mình. Còn Phát xít Nhật lợi dụng chính sách đầu hàng của Đờcu để thực hiện âm mưu biến Việt Nam thành bán thuộc địa của Nhật do đó Phát xít Nhật đẩy mạnh chính sách xâm lấn Việt Nam về mọi phương diện quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa và dùng Việt Nam làm căn cứ đánh Trung Quốc và Ấn Độ. Trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, Thực dân Pháp và Phát xít Nhật tung vào Việt Nam các loại triết thuyết thù địch như: Chủ nghĩa phục cổ, tuyên truyền văn hóa Trung cổ, văn hóa ngu dân, chủ nghĩa hư vô Trôlkit, chủ nghĩa Đại đông á, thuyết “âu hóa”, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa đầu hàng. Phát xít Nhật, Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp các nhà văn hóa cách mạng, dân chủ, mặt khác chúng ra sức mua chuộc, lôi kéo một số trí thức văn nghệ sỹ vào các tổ chức văn hóa trá hình để làm công cụ truyền bá văn hóa phát xít, thực dân và điên cuồng kìm kẹp chống phá trào lưu văn hóa tân dân chủ. Về mặt kinh tế, xã hội, Nhân dân Việt Nam rên siết dưới ách áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân, phát xít, phong kiến. Văn hóa Việt Nam lúc này đang bị chế độ phát xít thực dân kìm kẹp, nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sỹ đứng trước sự bế tắc mất phương hướng. Do các tầng lớp nhân dân ta ngày càng đồng tình ủng hộ đường lối chủ trương đánh đuổi phát xít, thực dân giành độc lập dân tộc của Đảng, Phong trào cách mạng ở nước ta sau nghị quyết TW8 (5/1941) đến 1943 đã có bước phát triển mạnh mẽ: Cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế diễn ra trên cả ba miền; Đáng chú ý nhất cuộc võ trang tranh đấu chống Nhật – Pháp của Đội quân du kích Bắc Sơn, Đình Cả Tứ tháng 8-1941 đến tháng 8-1942. Trong thời kỳ này cũng đã: “Có nhiều cuộc tranh đấu võ trang có tính cách du kích và khởi nghĩa”
[5]. Từ tình hình trên: Ban Thường vụ Trung ương Đảng đi tới nhận định: “Đứng trước làn sóng cách mạng thế giới và cuộc phản công của Liên Xô và phe dân chủ ngày một thắng lợi, Đứng trước nhân dân Đông Dương ngày càng cực khổ và ngày một cách mạng hóa; Công việc sửa sang chiến đấu lật đổ quyền thống trị của Phát xít Nhật – Pháp là rất cần”
[6]. Ban Thường vụ Trung ương chỉ rõ: “Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) đã xác định: “Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và dân ta trong giai đoạn hiện tại. Nhưng xét kỹ đến nay Đảng ta chưa làm được một phần nhỏ của nhiệm vụ đó”. Ban Thường vụ Trung ương chủ trương: “Toàn bộ công tác của Đảng ta lúc này phải nhằm vào cho chuẩn bị khởi nghĩa, để một khi có cơ hội đến sẽ kịp thời đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu”
[7]. Tại Hội nghị lịch sử này, Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định 5 vấn đề mới, cấp bách trong đó chỉ thị cho toàn Đảng phải kiên quyết hành động thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp trong kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa của Trung ương. Trong nhiệm vụ giải pháp về vận động sâu rộng nhằm động viên mọi giai tầng xã hội tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định một chủ trương lớn: Tiến hành cuộc vận động văn hóa. Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc, chống văn hóa phát xít. Do đó tại Hội nghị Ban Thường vị Trung ương này, Đảng ta đã thông qua: Đề cương về Văn hóa Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 Đề cương Văn hóa Việt Nam, Đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã đọc một bài diễn văn quan trọng đề cập tới những nội dung cơ bản, những giá trị cốt lõi của Văn kiện lịch sử này: “Đề cương văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế vì trong hoàn cảnh bí mật Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu sắc các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam. Nhưng Đề cương văn hóa đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của Văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam”
[8].
Trên cơ sở phương pháp luận Mác xít, gắn chặt với phân tích sâu sắc thực tiễn, nhất là thực trạng của nền văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị, kìm kẹp, nô dịch của Phát xít Nhật – Pháp, Đề cương đã trình bày những thành tố chủ yếu của nội hàm văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật (khoa học), nghệ thuật (Văn học nghệ thuật) cùng mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố này.
Trong ba thành tố chủ yếu trên, Tư tưởng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của văn hóa. Tư tưởng liên quan trực tiếp đến thế giới quan, nhân sinh quan, đến nhận thức, tình cảm, đến cách ứng xử của con người đối với xã hội, đối với tự nhiên, đối với bản thân. Tư tưởng, đạo đức, lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa.
Thành tố Học thuật (Khoa học) là yếu tố nền tảng, quyết định đến tính chất, chất lượng của nền văn hóa. Học thuật liên quan trực tiếp đến tri thức khoa học, đến học vấn, đến sự hiểu biết là điều kiện để con người khám phá và cải tạo thế giới. Do đó, Học thuật - khoa học liên quan trực tiếp đến hoạt động giáo dục, đào tạo, đến trao truyền tri thức, bồi dưỡng nâng cao dân trí… Vì vậy Học thuật, khoa học đòi hỏi mọi người nêu cao tinh thần không ngừng học tập, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nâng cao tri thức, năng lực hoạt động thực tiễn.
Thành tố “Nghệ thuật” (Văn học, nghệ thuật) là lĩnh vực rất quan trọng và tinh tế của văn hóa, nó thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Văn học có vai trò quan trọng không gì có thể thay thế trong việc giáo dục bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách lối sống tốt đẹp cho con người.
Đề cập đến vị trí và vai trò của Văn hóa trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới có ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”. Trước khi trình bày các quan điểm của Đảng về cách mạng văn hóa, Đề cương đã đưa ra hai ức thuyết (giả thuyết) về tiền đồ văn hóa Việt Nam:
Một là: “Nền văn hóa phát xít (văn hóa trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa dân tộc Việt Nam nghèo nàn và thấp kém.
Hai là: văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa dân chủ thế giới”. Và Đề cương khẳng định: “Cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ 2 trở nên thực sự”.
Tiếp theo, Đề cương đã trình bày các quan điểm của Đảng ta về vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam:
Trước hết Đề cương trình bày tính tất yếu, điều kiện tiền đề tiến hành thành công cách mạng văn hóa:
a- “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội.
b- Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
c- Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (Cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị). Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau.
Về mục tiêu của cách mạng văn hóa là văn hóa xã hội chủ nghĩa. Về mối quan hệ giữa cách mạng văn hóa Việt Nam và cách mạng dân tộc giải phóng, Đề cương nhấn mạnh: Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển. Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam chỉ có thể trong trường hợp may mắn nhất đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hóa mới. Phải tiến lên thực hiện cách mạng xã hội ở Đông Dương gây dựng một nền văn hóa xã hội ở khắp Đông Dương. Đề cương cũng làm rõ mục tiêu trước mắt của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam là xây dựng nền văn hóa mới, tuy chưa phải là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Nền văn hóa mới của Việt Nam có hai tính chất dân tộc và dân chủ mới và khẳng định trong giai đoạn này nó là cách mạng và tiến bộ nhất ở Đông Dương.
Đề cương đã xác định 3 nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam thời kỳ này là:
- Dân tộc hóa; chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập.
- Đại chúng hóa; chống lại mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.
- Khoa học hóa; chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.
Tính thuyết phục và chiến đấu cao của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hành động của Đề cương văn hóa đã thức tỉnh những trí thức văn nghệ sỹ đang bi quan, dao động, mất phương hướng nay thấy được: muốn giải phóng mình thì phải tự nguyện dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, trí thức văn nghệ sỹ phải là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc. Văn kiện lịch sử này thực sự đã trở thành ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ cả nước vào cuộc chiến đấu phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít, thực dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa tinh thần của toàn dân tộc cho thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Quan niệm phổ biến về Cương lĩnh là: Văn kiện cơ bản xác định mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa…trong thời kỳ lịch sử nhất định của một chính Đảng, một nhà nước hoặc một tổ chức chính trị xã hội, một phong trào cách mạng. Cương lĩnh là ngọn cờ tập hợp lực lượng để thực hiện đường lối mục tiêu đề ra. Cương lĩnh đúng đắn phản ánh tiến trình khách quan của cuộc vận động, phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng, thúc đẩy cuộc vận động phát triển thắng lợi. Từ quan niệm chung trên đây, đối chiếu với những nội dung được trình bày trong Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 cùng sức mạnh văn hóa tinh thần được tạo ra trong cuộc vận động văn hóa từ tháng 2/1943 đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa.
80 năm qua, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo – những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường, định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong tình cảnh tập trung chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Đảng ta đã tổ chức thành công Hội nghị văn hóa Toàn quốc lần thứ I (11-1946) và Hội nghị văn hóa Toàn quốc lần thứ II (7-1948). Hai sự kiện lịch sử này có ý nghĩa như Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, khẳng định tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về vị trí vai trò của văn hóa về, đường lối xây dựng “một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân” và “ Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, để “Đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập tự cường và tự chủ”. “Xây dựng nền văn hóa mới phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình”. “Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng, số phận của dân tộc ta ở trong tay ta, văn hóa phải soi đường quốc dân đi”
[9]. “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng…các nhà văn hóa cần được tổ chức chặt chẽ đi sâu vào quần chúng. Nhiệm vụ văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”. “Đang có phong trào thi đua ái quốc của toàn dân… Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ có một chương trình
thi đua ái quốc về mặt trận văn hóa”
[10].
Sau hội nghị văn hóa, với phương châm hành động: “Văn hóa hóa kháng chiến”, “Kháng chiến hóa văn hóa”, “Xây dựng đời sống mới”. Văn hóa Việt Nam đã thực sự là động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - lẫy lừng năm Châu, chấn động địa cầu.
Từ những năm 1954 cả nước ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất nước nhà. Đảng ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, con người mới. Tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ III – 1960, Đảng ta xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ, quan điểm chỉ đạo tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến thiết thực phục vụ sự nghiệp cách mạng XHCN và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảng coi trọng lãnh đạo phát triển nền văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thanh, điện ảnh, thư viện, bảo tàng, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng trong các lĩnh vực đó; đồng thời Đảng đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác văn hóa quần chúng và xây dựng các hoạt động và các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa từ 1960 đến 1975 đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng, các lực lượng làm văn hóa của toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược vừa kiến quốc vừa kháng chiến giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1986 Đảng ta đã khởi sướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại Đường lối đổi mới của Đảng trong lĩnh vực văn hóa kết tinh trong hai Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết TW5 – khóa VIII xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết TW9 – khóa XI xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kế thừa và phát triển sáng tạo các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Đề cương về văn hóa 1943, trong Đường lối xây dựng nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhận thức đúng đắn quy luật vận động của các thành tố văn hóa trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc Đảng ta khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hai tính chất chủ yếu: Tiên tiến và dân tộc.
Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.
Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc. Lòng nhân ái khoan dung trọng nghĩa tình đạo lý; Đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo.
Về mục tiêu, được xác định xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến Chân – Thiện – Mỹ thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ định hướng mục tiêu, Nghị quyết của Đảng đã xác định 5 quan điểm chỉ đạo:
1- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế chính trị, xã hội.
2- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
3- Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình trung thực, đoàn kết cần cù, sáng tạo.
4- Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.
5- Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Đường lối phát triển văn hóa của Đảng trong thời kỳ mới đã xác định 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người đó là:
1-Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
2-Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
3-Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.
4-Nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động văn hóa.
5-Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường văn hóa.
6-Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa.
Đường lối phát triển văn hóa của Đảng đã xác định hệ thống đồng bộ các giải pháp về Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa. Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định mục tiêu đưa đất nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện đất nước ta phải tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “Nền tảng tinh thần”, “động lực, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững” và “Soi đường cho quốc dân đi”, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ vận hội, vượt qua mọi khó khăn thách thức để đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI! Do đó phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm. Là một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành TW tại Đại hội XIII, vấn đề phát triển văn hóa được đề cập một cách toàn diện và sâu sắc vấn đề phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới từ quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, trong đó nguồn lực nội sinh nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, kế thừa và phát huy sáng tạo phương thức lãnh đạo văn hóa của Đảng trong những năm đầu của Nhà nước công nông non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng ta đã tổ chức Đại hội Văn hóa Toàn quốc năm 2021 với 600 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa của các lực lượng, các lĩnh vực của đời sống văn hóa cùng các đại biểu tiêu biểu cho đội ngũ trí thức các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ của cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dự Hội nghị Diên Hồng để chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lịch sử này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng toàn dân: “Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm:
Để chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền hô, hậu ủng”, “Nhất hô, bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, và “Dọc ngang thông suốt” thì chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo: Công tác tư tưởng phải gắn bó chặt chẽ với công tác tổ chức, cán bộ, với cơ chế chính sách trong thực hiện chương trình quốc gia có mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến năm 2045.
Từ mô hình thành công về việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ XII và XIII; Xin kiến nghị Trung ương Đảng thành lập Ban chỉ đạo Trung ương chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2045. Trung ương cử một đồng chí lãnh đạo chủ chốt làm Trưởng ban. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ văn hóa Thể thao Du lịch là cơ quan Thường trực. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, mặt trận có liên quan đến sự nghiệp chấn hưng văn hóa Việt Nam sẽ tham gia Ban chỉ đạo này./.
[1] Văn kiện Đảng toàn tập – Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Hà Nội, năm 2000. Tập 7. Trang 272.
[2] Văn kiện Đảng toàn tập – Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Hà Nội, năm 2000. Tập 7. Trang 272.
[3] Văn kiện Đảng toàn tập – Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Hà Nội, năm 2000. Tập 7. Trang 272-273.
[4] Văn kiện Đảng toàn tập – Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Hà Nội, năm 2000. Tập 7. Trang 274.
[5] Văn kiện Đảng toàn tập – Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Hà Nội, năm 2000. Tập 7. Trang 290.
[6] Văn kiện Đảng toàn tập – Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Hà Nội, năm 2000. Tập 7. Trang 297
[7] Văn kiện Đảng toàn tập – Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Hà Nội, năm 2000. Tập 7. Trang 298
[8] Bốn mươi năm Đề cương Văn hóa Việt Nam - Nhà xuất bản sự thật - Hà Nội, năm 1985.
[9] Tất cả các đoạn trong “…” đều trích trong bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội văn hóa Toàn quốc lần thứ I (Báo cứu quốc ngày 25-11-1946).
[10] Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị văn hóa Toàn quốc lần thứ II – Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. Trang 577.
Nguồn: hdll.vn