Hoạt động của các tổ chức Đảng cơ sở

Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng

24-12-2018 11:33

      Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc cơ bản của Đảng, cần phải được thực hiện thường xuyên ở chi bộ và cấp ủy đảng. Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả bí thư chi bộ nhận thức về việc tự kiểm điểm còn nặng tính hình thức qua loa, chiếu lệ, chưa tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện. Một số cán bộ, đảng viên tính chiến đấu yếu, còn tư tưởng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”. Cá biệt, có một số còn nghi ngờ, không tự giác và thiếu tin tưởng vào kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho rằng Đảng chỉ nói mà không tìm ra được “một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất”,…

      Hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Bí thư chi bộ cần chú ý 4 biện pháp sau, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.

      Thứ nhất, bí thư chi bộ, người đứng đầu chính quyền phải gương mẫu tự phê bình và phê bình trước tập thể lãnh đạo, trước cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện nghiêm túc phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào” để bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, triệt để trong tự phê bình và phê bình.

      Thứ hai, thường xuyên duy trì có hiệu quả hoạt động tự phê bình và phê bình. Các chi bộ và từng đảng viên cần phải tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Toàn cảnh một buổi sinh hoạt tại chi bộ

      Nắm vững 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra, người chủ trì sinh hoạt phải khéo léo gợi mở vấn đề, khuyến khích các đảng viên mạnh dạn thảo luận, trình bày ý kiến của mình. Các ý kiến phải được tôn trọng, tổng hợp, xem xét trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, dân chủ phải đặt trong tổ chức, có kỉ luật, kỉ cương. Tuyệt đối không được lợi dụng dân chủ trong sinh hoạt để đả kích, nói xấu nhau, hoặc dân chủ hình thức, mang tính chất xuôi chiều.

      Thứ ba, cấp ủy chi bộ cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh các quy chế, quy định, chế độ công tác, lề lối làm việc của chi bộ, của đơn vị làm cơ sở cho tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, định kì cấp ủy, chi bộ tổ chức cho quần chúng góp ý kiến với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là với người đứng đầu. Cán bộ chủ chốt phải thực sự gương mẫu tự phê bình trước chi bộ, trước đơn vị và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình để sửa chữa khuyết điểm nếu có. Cấp ủy cấp trên tăng cường giám sát, kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên cấp dưới thực hiện tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm.

      Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên quán triệt, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, có nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp của tự phê bình và phê bình, từ đó vận dụng vào điều kiện thực tế sinh hoạt cấp ủy, chi bộ.

      Trong những năm qua, Đảng bộ Trường cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn nói chung và bí thư các chi bộ đã thực hiện nghiêm chỉnh những biện pháp trên, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Ban Chấp hành Đảng bộ, chi ủy các chi bộ luôn tự giác, gương mẫu trong tự phê bình và phê bình. Khi tự phê bình, đa số các đảng viên đều thẳng thắn nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Khi phê bình đồng chí khác, mỗi cá nhân không bao giờ có thái độ công kích. Phê bình phải triệt để song cũng cần xuất phát từ tình yêu thương giữa đồng chí, đồng đội. Tình yêu thương ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ, đảng viên lỡ vấp ngã vươn lên trong cuộc sống.

      Chi bộ Đoàn - Học sinh, sinh viên gồm các cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên đang trong tuổi Đoàn. Vì vậy tinh thần dân chủ rất rõ rệt. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày”, chi bộ đã thực hiện và chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên với hình thức đa dạng như qua các kỳ sinh hoạt, hội nghị. Định kì hàng tháng trong sinh hoạt chi bộ, các đồng chí trong chi bộ đã nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những sai phạm trong công tác tư tưởng, chính trị; công tác tổ chức; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác lãnh đạo Đoàn, Hội... Tất cả những khuyết điểm, hạn chế đều được ghi lại đầy đủ, chính xác nhằm đối chiếu với bản cam kết tu dưỡng đầu năm, cho thấy các cá nhân có tiến bộ hay không, từ đó xem xét, bình bầu xếp loại đảng viên cuối năm.

      Chi bộ đã và đang trực tiếp chỉ đạo và thực hiện các chương trình của Đoàn, Hội như: Giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, giảng viên, Chào tân sinh viên, Diễn đàn Văn hóa facebook, Diễn đàn kĩ năng sống cho tân sinh viên, các hội thi Sinh viên 5 tốt là tôi, Sinh viên tài năng, thanh lịch, Giải bóng đá, bóng chuyền…, các hoạt động giáo dục truyền thống Nhớ về Bác, lòng ta trong sáng hơn , hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Chăn ấm mùa đông, Trung thu cho em… giàu ý nghĩa nhân văn, kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần đoàn kết trong học sinh, sinh viên toàn trường, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lối sống lành mạnh, tính chủ động, mạnh dạn trong việc phát hiện và nói không với những biểu hiện tiêu cực, từ đó nêu cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình không chỉ trong sinh hoạt chính trị mà trong mọi lĩnh vực của đời sống.
 
      Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bản “Di chúc” quý báu với lời căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, …, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng”. Chỉ có tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và từng cán bộ, đảng viên nói riêng mới thành công, có được niềm tin yêu, mến phục và sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân.
 
Phương Ngọc Thanh Huyền - Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

Tin liên quan