Hoạt động của các tổ chức Đảng cơ sở

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - cách làm tại Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

25-11-2019 16:39

      Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần làm cho tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện các nội dung về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ luôn quan tâm chỉ đạo các chi bộ trực thuộc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Qua đó vừa thực hiện tốt công tác xây dựng nội bộ Đảng, vừa phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và đoàn thể ở cơ sở.

      Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hiện nay có 05 chi bộ trực thuộc với 46 đảng viên. Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ nhà trường đã tập trung thực hiện, chỉ đạo thực hiện những nội dung cơ bản như sau:

      Một là: Đảng bộ chú trọng nâng cao nhận thức cho các bí thư chi bộ và đảng viên về vị trí vai trò quan trọng của sinh hoạt chi bộ; xác định sinh hoạt chi bộ vừa là quyền, vừa là nhiệm vụ đối với mỗi đảng viên, có vị trí, vai trò quan trọng thể hiện trên các mặt như sau:
 
      Đ ối với tổ chức đảng : Sinh hoạt chi bộ có vai trò trong việc xây dựng nội bộ đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của chi bộ.
 
      Đối với nhiệm vụ chính trị: Sinh hoạt chi bộ góp phần to lớn trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của chi bộ và đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị của tổ chức đảng cấp trên.
 
      Đối với mỗi đảng viên : Sinh hoạt chi bộ là cơ sở để giáo dục, rèn luyện, nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ đảng viên, là nơi để đảng viên phát huy năng lực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
      Trong mối quan hệ với nhân dân : Sinh hoạt chi bộ là hoạt động không thể thiếu nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa đảng bộ, chi bộ, với nhân dân. Để chi bộ thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, trực tiếp nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để giải quyết kịp thời hoặc phản ánh lên cấp trên để giải quyết; trực tiếp đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào nhân dân để thực hiện.
 
      Vì vậy, nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một yêu cầu cần thiết để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ. Đảng bộ Trường Chính trị đã thường xuyên nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên bằng cách quán triệt về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của chi bộ nhất là đội ngũ cấp ủy và bí thư chi bộ. Từ đó, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ.
 
      Hai là: Đảng ủy quán triệt đến toàn thể đảng bộ những nội dung cơ bản, trọng tâm trong các văn bản hướng dẫn của Đảng về việc tổ chức sinh hoạt chi bộ như: Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Hướng dẫn 09-HD/TU ngày 29/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong đó tập trung vào một số điểm như sau:
 
      Thứ nhất, thực hiện tốt công tác chuẩn bị. Trong công tác chuẩn bị cần phải làm rõ trách nhiệm của bí thư, phó bí thư và mỗi đảng viên trong chi bộ. Đối với sinh hoạt chuyên đề cần phân công cho một đảng viên trong chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề và gửi dự thảo về cho các đảng viên trong chi bộ trước buổi sinh hoạt để đảng viên nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu.
 
      Thứ hai, nắm được các bước tiến hành sinh hoạt chi bộ. Quan tâm, gợi mở đảng viên trong chi bộ thảo luận, phát biểu ý kiến trọng tâm liên quan đến hoạt động của chi bộ, tiến hành tự phê bình và phê bình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Bí thư chi bộ cần cung cấp thông tin, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, khuyến khích đảng viên tham gia phát biểu ý kiến mang tính chât xây dựng và từ đó làm căn cứ để bí thư chi bộ kết luận được các vấn đề trong cuộc họp. Phần kết thúc cần thể hiện được rõ nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tiếp theo của chi bộ. Cần tổng hợp các ý kiến phát biểu tại buổi sinh hoạt; tiếp thu những ý kiến để bổ sung, hoàn thiện và phân công nhiệm vụ cho đảng viên, quy định thời gian hoàn thành.
 
      Thứ ba, lưu ý về khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ nêu trong Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đó là:
 
      - Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ.
 
      - Công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ.
 
      - Tổ chức sinh hoạt chi bộ.
 
      - Thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.
 
      - Kết quả lãnh đạo thực hiện kết luận hoặc nghị quyết của chi bộ.
 
      Các tiêu chí trên giúp cho công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được thuận lợi hơn, đi vào thực chất hơn; giúp cho việc đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ hàng năm đúng, sát hơn với thực tế. Điều đó cho thấy, việc quan tâm đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng đã đi vào thực chất hơn, cụ thể hơn, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, vị trí vai trò của chi bộ trong tình hình mới.
 
      Ba là: Đảng ủy lưu ý đối với các bí thư chi bộ cần phải nắm vững và thực hiện tốt những công việc chủ yếu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
 
      Duy trì thành nền nếp chế độ sinh hoạt: Tổ chức sinh hoạt chi bộ và duy trì thành nền nếp không chỉ là thực hiện theo quy định của Đảng mà thông qua đó, giúp cho mỗi cán bộ đảng viên đều thấy được sự cần thiết phải tổ chức và nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của đảng viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đảng viên.
 
      Chọn nội dung và hình thức sinh hoạt phù hợp, thời gian hợp lý: Cần lựa chọn nội dung sinh hoạt sát với tình hình thực tế của chi bộ. Đặc biệt trong sinh hoạt chuyên đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ đề sao cho vừa thiết thực, vừa lôi cuốn được đảng viên tham gia. Chọn hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với nội dung sinh hoạt, thời gian tổ chức phù hợp và duy trì thời gian cho mỗi cuộc sinh hoạt một cách hợp lý.
 
      Chuẩn bị chu đáo nội dung và tổ chức sinh hoạt Sau khi lựa chọn được nội dung, hình thức, xác định thời gian sinh hoạt chi bộ, cần tiến hành chuẩn bị chu đáo nội dung cuộc sinh hoạt đã được lựa chọn và phân công tổ chức thực hiện.
 
      Nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt chi bộ Đây là vấn đề rất quan trọng để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo các vấn đề được đảng viên thảo luận và quyết định. Trong đó thể hiện rõ vai trò của của người chủ trì buổi sinh hoạt. Trong sinh hoạt phải tạo ra không khí cởi mở, thân thiện, gần gũi, quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau... bằng việc thực hiện dân chủ trong Đảng, từ đó chi bộ mới lắng nghe được hết các ý kiến của đảng viên. Như vậy, sinh hoạt chi bộ mới thực sự là đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, đảng viên được đóng góp, xây dựng, tôn trọng và được cống hiến trí tuệ của mình cho Đảng, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
 
      Bốn là : Thực hiện phân công các đồng chí lãnh đạo trường tham dự sinh hoạt chi bộ tại các chi bộ khoa, phòng.
 
      Việc phân công lãnh đạo trường tham gia sinh hoạt tại các chi bộ khoa, phòng ở Đảng bộ trường Chính trị có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tham gia sinh hoạt tại các chi bộ khoa, phòng các đồng chí lãnh đạo trường đồng thời là các đồng chí đảng ủy viên, là bí thư, phó bí thư đảng ủy nên qua đó giúp cho các đồng chí có thể nắm bắt được tình hình đảng viên trong các Đảng bộ. Đồng thời, việc tham gia sinh hoạt chi bộ tại các chi bộ khoa, phòng còn góp phần nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức và tham gia sinh hoạt chi bộ của bí thư chi bộ và các đảng viên.
 
      Năm là: Đảng ủy nhà trường thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, giám sát đối với các chi bộ trực thuộc và bí thư các chi bộ.
 
      Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện có hiệu quả là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thông qua đó, cấp ủy kịp thời nắm bắt được tình hình cán bộ, đảng viên đồng thời nắm được chất lượng tổ chức sinh hoạt của các chi bộ để có những tác động kịp thời.
 
      Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, làm cho sinh hoạt chi bộ thực sự phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn đảng viên tham gia khắc phục sự nhàm chán, xơ cứng, nghèo nàn và bệnh hình thức trong sinh hoạt là một yêu cầu bức thiết đối với các chi bộ hiện nay. Vì vậy, mỗi chi bộ, đảng bộ có ý thức và tinh thần trách nhiệmtrong nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ sẽ góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng từ cơ sở hiện nay.
 
 
Nguyễn Thị Hương, Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Tin liên quan