Hoạt động của các tổ chức Đảng cơ sở

Chi bộ Xây dựng Đảng học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong Đảng

26-05-2020 21:12

     Trong di sản quý báu của chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng có một nội dung rất quan trọng được Người nhấn mạnh trong nhiều tác phẩm và bài viết, đó là việc thực hiện tự phê bình và phê bình, Người luôn căn dặn "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình"1. Tự phê bình và phê bình còn là một trong năm nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng ta được quy định trong Điều lệ Đảng.
   Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra “phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình.Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình.tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”2 và “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ… cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”3.
    Trong khi thực hiện nhiệm vụ thật khó để không bao giờ phạm sai lầm, Lênin cũng đã chỉ rõ “không có và không thể có những người không phạm sai lầm”.Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kế thừa và khẳng định con người không phải là thần thánh, "Tổ chức đảng cũng vậy, đảng không phải trên trời rơi xuống, "đảng là người, nên có sai lầm", tức là cũng có lúc khoẻ mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật. Đó là lẽ thường tình, không vì thấy ốm đau mà phát sinh tư tưởng lo sợ, bi quan, tuyệt vọng, giấu giếm bệnh tật trong mình"4. Do đó, theo Bác có bệnh thì phải mạnh dạn, chủ động, khẩn trương, kiên trì chạy chữa, liều "thần dược" để chữa trị các chứng bệnh trong cơ thể của tổ chức đảng và mỗi cá nhân đảng viên chính là tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp Đảng ta ngày càng thêm mạnh, ngày càng phát triển, càng nâng cao hơn nữa năng lực và sức chiến đấu. Tự phê bình và phê bình giúp ta sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng.
     Sự cần thiết phải tự phê bình và phê bình liên quan đến vận mệnh và sự tồn vong của Đảng. Theo Người, đó là luật phát triển của đảng, "Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"5. Ðối với mỗi cán bộ, đảng viên, "muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích"6. Tự phê bình và phê bình phải được coi là vũ khí trong công tác xây dựng đảng, là cách tốt nhất để xây dựng đoàn kết của tổ chức đảng, là quy luật phát triển của đảng. Để tự phê bình và phê bình hiệu quả cần có phương pháp và cách thức phù hợp, Người yêu cầu phải thực hiện tốt việc nêu gương; phải lấy tự phê bình là chính, thực hiện phê bình mình trước, phê bình người khác sau; trong cấp uỷ phải làm gương cho ngoài, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ phê bình trước, chiến sỹ phê bình sau. Tự phê bình và phê bình phải đạt tới cái đích là làm rõ đúng, bảo đảm tính khách quan, trung thực, thẳng thắn và chân tình, không nể nang, không thêm bớt trong tự phê bình và phê bình, Bác nhắc nhở: "Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng”. Người và tổ chức được phê bình phải có thái độ thành khẩn, vui lòng để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét. Hết sức tránh thái độ "giấu bệnh sợ thuốc", bị phê bình thì im lặng, không tìm cách sửa đổi. Hồ Chí Minh gọi đó là "thái độ không thật thà, không đúng đắn" và thái độ đó sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng, bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
     Chi bộ Xây dựng Đảng trực thuộc Đảng ủy cơ sở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ với 09 đảng viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về giảng dạy trong lĩnh vực công tác xây dựng đảng. Do đó, việc thực hiện các nội dung về xây dựng nội bộ đảng luôn được chi bộ quan tâm thực hiện, trong đó thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong đảng. Chi bộ thực hiện việc tự phê bình và phê bình trong các kỳ sinh hoạt thường kỳ, hội nghị kiểm điểm, đánh giá xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm và trong đại hội chi bộ. Trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, các đảng viên đều tập trung làm rõ ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế gắn với trách nhiệm từng đảng viên. Không chỉ thực hiện thường xuyên trong các kỳ sinh hoạt chi bộ thường kỳ, Chi bộ Xây dựng Đảng còn thực hiện sinh hoạt chuyên đề với nội dung tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó đi sâu vào việc tìm ra những giải pháp thiết thực gắn với từng đảng viên, với nhiệm vụ chính trị, chức trách và công việc được giao. Qua đó, các đảng viên đã chủ động, mạnh dạn phát biểu ý kiến; các ý kiến đóng góp đều chân thành, thẳng thắn, mang tính chất xây dựng, đi vào trọng tâm, trọng điểm theo đúng nội dung của tự phê bình và phê bình, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở. Các ý kiến góp ý được tiếp thu, những hạn chế, khuyết điểm được khắc phục, trong chi bộ không có đảng viên vi phạm tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống và xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ. Tuy nhiên về tự phê bình và phê bình trong chi bộ vẫn tồn tại một số hạn chế như: Vẫn còn tình trạng đảng viên trẻ ngại góp ý, ý kiến chủ yếu tập trung ở các đồng chí giữ vị trí lãnh đạo.
     Để tự phê bình và phê bình trong chi bộ được thực hiện tốt hơn, theo tôi cần tập trung vào những giải pháp như sau:
     Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu sắc về vai trò của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được đây là quy luật phát triển của đảng, là công việc phải làm thường xuyên có ý nghĩa to lớn trong xây dựng đảng. Từ nhận thức đúng, cán bộ, đảng viên sẽ tiếp tục có phương pháp làm hay và phù hợp.
     Hai là, về phương pháp thực hiện tự phê bình và phê bình phải phù hợp để đạt hiệu quả cao; phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành.Phê bình phải đúng lúc, đúng chỗ, có cách nói phù hợp để người được phê bình dễ tiếp thu, sửa chữa.
     Ba là, Đảng ủy nhà trường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác tự phê bình và phê bình trong các chi bộ trực thuộc Đảng ủy. Trong các dịp sinh hoạt chi bộ có sự tham gia của cấp ủy, cần nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác tự phê bình và phê bình, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt công tác này, đặc biệt trong các dịp tổng kết năm và đại hội nhiệm kỳ.
    Bốn là, Bí thư chi bộ tiếp tục nêu gương trong công tác tự phê bình và phê bình trong chi bộ, thực sự cầu thị, tiếp thu các ý kiến phê bình. Tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong sinh hoạt, tạo điều kiện, khuyến khích đảng viên phát biểu, khắc phục tâm lý e ngại, tự ti hay sợ bị trù dập.
     Năm là, mỗi đảng viên phải thực hiện nghiêm túc về tự phê bình và phê bình theo quy định của Đảng. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh trong tự phê bình và phê bình. Có thái độ tiếp thu phê bình đúng đắn, bình tĩnh để lắng nghe các ý kiến phê bình để có biện pháp khắc phục. Đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá thật khách quan, thành thật với chính mình, thành thật với đồng chí, đồng nghiệp; thực hiện tự phê bình và phê bình trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau tiến bộ.
     Thực hiện tự phê bình và phê bình vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và là quy luật phát triển của Đảng ta. Không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình sẽ khắc phục được nhiều căn bệnh nảy sinh, vì vậy, mỗi chi bộ được xem là “tế bào” của Đảng phải tiếp tục thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.
 
 
Chi bộ Xây dựng Đảng sinh hoạt chuyên đề Quý I năm 2020
về thực hiện Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh
 
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, xuất bản lần thứ 3, H, t.15, tr. 622
2. Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, tập 5, tr .307. 
3. Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, tập 5, tr 272.
4. Hồ Chí Minh: Về tự phê bình và phê bình- NXB Sự thật - Hà Nội - 1986.
5. Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, t.5, tr. 301.tr.279
6. Hồ Chí Minh, sách đã dẫn t.14, tr. 242.

 Nguyễn Thị Hương, Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn

 

Tin liên quan