Hoạt động của các tổ chức Đảng cơ sở

Chi bộ xây dựng Đảng thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng

08-02-2021 08:09

    Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình để sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Phê bình: là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để sửa chữa, để họ tiến bộ.
   Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta không sợ có sai lầm khuyết điểm và khuyết điểm” (1). Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (2). Theo Người, tự phê bình và phê bình diễn ra trong phạm vi sinh hoạt đảng. Chỉ trong sinh hoạt đảng thì đảng viên mới được lấy tư cách là đảng viên để phê bình đồng chí mình và phê bình các tổ chức Đảng. Ngoài phạm vi sinh hoạt đảng thì không được nhân danh đảng viên để phê bình đồng chí và tổ chức của mình và mục đích của tự phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Thông qua tự phê bình và phê bình làm cho nội bộ tổ chức đảng mạnh lên, đoàn kết thống nhất được củng cố, chống chia rẽ, bè phái.
   Chi bộ Xây dựng Đảng là chi bộ trực thuộc Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, với tổng số 08 đảng viên, trong đó có 04 đảng viên nữ, chiếm 50%,; 100% là đảng viên chính thức. Chi bộ có 01 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Trường. Về trình độ: Trình độ chuyên môn: 100% có trình độ từ đại học trở lên; trong đó: Thạc sĩ: 06 đồng chí, chiếm 75%, đang học cao học: 02 đồng chí, chiếm 25%. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp lý luận chính trị và tương đương: 03 đồng chí, chiếm 37,5%; trung cấp lý luận chính trị và tương đương 05 đồng chí, chiếm 62,5%. Kiến thức quản lý nhà nước: Bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp 01 đồng chí, chiếm 12,5%; bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính 06 đồng chí, chiếm 75%; bồi dưỡng ngạch chuyên viên 01 đồng chí, chiếm 12,5%. 
   Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, Chi bộ Xây dựng Đảng triển khai việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo, quy trình, nguyên tắc. Chi bộ thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ vị trí, vai trò, sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, để mọi đảng viên thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt Đảng, coi nhẹ tự phê bình và phê bình. Chi bộ tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân trong tự phê bình và phê bình. Mục đích nhằm chỉ ra những ưu điểm của từng đảng viên để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa, khắc phục, nhằm từng bước xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong chi bộ. Việc làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quá trình tự phê bình và phê bình đã khắc phục khuyết điểm trên từng công việc và lĩnh vực mà mỗi đảng viên được chi bộ, đảng bộ, nhà trường giao cho.
 
 
 
Chi bộ Xây dựng Đảng tổ chức sinh hoạt thường kỳ
 
    Thực hiện nêu gương tự phê bình và phê bình, bí thư, phó bí thư chi bộ tự phê bình trước, sau đó đến đảng viên. Chi bộ không phê bình chung chung, xuê xoa, chiếu lệ. Bí thư chi bộ đã nghiên túc chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của từng đảng viên, đồng thời phát huy ý thức tự giác, dân chủ để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Qua kiểm điểm, ý thức tự phê bình và phê bình của đảng viên được nâng lên. Vì vậy, tính chiến đấu và bản lĩnh chính trị của mỗi đảng viên trong chi bộ được nâng cao.
   Gắn với nội dung sinh hoạt định kỳ, chi bộ đã tổ chức tự phê bình và phê bình, nội dung cụ thể, thiết thực tập trung vào việc kiểm điểm, phân tích, đánh giá, phê phán những vấn đề cấp bách trước mắt của chi bộ và cán bộ, đảng viên, trước hết là hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ được giao, ý thức tổ chức kỷ luật và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách kịp thời, hiệu quả nên trong chi bộ không có đảng viên vi phạm tư cách, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, nội dung sinh hoạt chi bộ luôn được chuẩn bị chu đáo, có nhiều đổi mới, phong phú, xác định được nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận để chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, nhất là những vấn đề mới nổi lên có tính cấp bách ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Chi bộ thực hiện lồng ghép việc kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng với khắc phục các yếu kém, tồn tại. Đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình, luôn tạo được không khí dân chủ, cởi mở, chân thành; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.
   Tuy nhiên trong sinh hoạt chi bộ, công tác tự phê bình và phê bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định: một số đảng viên còn ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ; việc phát biểu chỉ tập trung vào đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, còn một số đảng viên, đảng viên trẻ rất ít phát biểu. Qua đó cho thấy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của đảng viên chưa cao, tính đảng, tính giáo dục và tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình của người đảng viên cộng sản chưa được phát huy đầy đủ. Việc tổ chức tự phê bình và phê bình chưa được tiến hành thường xuyên, chưa duy trì thành nền nếp, mới chỉ thực hiện sâu sắc vào dịp kiểm điểm, đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên cuối năm.
   Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, Chi bộ Xây dựng Đảng xác định cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
   Một là, chi bộ cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình chính là để giúp nhau cùng tiến bộ, là quy luật phát triển của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên.
   Hai là, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ công tác, lề lối làm việc của chi bộ làm cơ sở cho tự phê bình và phê bình. Chi bộ cần duy trì thường xuyên, thực hiện nền nếp quy định, chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Đưa nội dung tự phê bình và phê bình vào nội dung, chương trình sinh hoạt hằng tháng; thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về tự phê bình và phê bình, phải đảm bảo phát huy dân chủ trong tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng mất dân chủ hoặc áp đặt trong tự phê bình và phê bình, phê bình mang tính hình thức.
    Ba là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ. Cần phải thực hiện nêu gương tự phê bình và phê bình, theo đó, cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu tự phê bình, nhất là về hạn chế, tồn tại của mình; đồng thời khuyến khích cấp dưới và đảng viên tự phê bình mình và thật sự cầu thị tiếp thu ý kiến phê bình.
   Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Chi bộ cần đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu Chú trọng các cuộc sinh hoạt chuyên đề, nhất là chuyên đề gắn với việc nâng cao sức chiến đấu của chi bộ và gắn với thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. 
   Năm là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là tư tưởng của Bác về tự phê bình và phê bình./.Hồ Chí Minh:
 
    1. Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, tập 5, tr.323.
    2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, tập 5, tr.301.

 Nguyễn Văn Hiệp, Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn

 

Tin liên quan