Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

TIN TỔNG HỢP THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN THÁNG 12/2021

06-12-2021 16:04

      

      1. Từ ngày 20/10 - 13/11/2021, đã diễn ra kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV kỳ họp chia thành hai đợt, kết hợp họp trực tuyến và trực tiếp. Quốc hội đã biểu quyết và thông qua 02 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự), 12 nghị quyết (các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến); cho ý kiến về 05 dự án Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid -19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.

       2. Ngày 12/11/2021 nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 bằng hình thức trực tuyến. Tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 03 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC: Thứ nhất, triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Thứ ba, xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế. Chủ tịch nước đã chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch bệnh, duy trì tăng trưởng kinh tế và bày tỏ đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình này; khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác thúc đẩy hợp tác trên tinh thần “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng” vì tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả. Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu và phản ánh các đề xuất định hướng hợp tác mà Chủ tịch nước đã nêu vào Tuyên bố chung của cuộc họp.
       3. Ngày 14/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Lạng Sơn. Tiếp và làm việc với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh. Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh, năm 2021 tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quyết liệt và linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện tốt "mục tiêu kép", công tác thu ngân sách tăng cao, lần đầu tiên tỉnh thu ngân sách đạt 10nghìn tỷ đồng, công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đạt kết quả cao, 13/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra, 5 chỉ tiêu không đạt do ảnh hưởng, tác động của dịch, hoàn thành 17/17 nhiệm vụ thuộc 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm 2021 theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn sớm thi công hoàn thiện tuyến cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị, hỗ trợ kinh phí nâng cấp tuyến Quốc lộ 4B, sớm phân bổ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc tại một số dự án sử dụng trên 10ha đất lúa… Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Lạng Sơn đã triển khai và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Thủ tướng đánh giá cao Lạng Sơn đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua, đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn được thuận lợi;  đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, phát huy kinh nghiệm đã có trong phòng chống dịch, bình tĩnh, mở cửa hoạt động bình thường mới, tiếp tục thực hiện tốt việc tiêm vắc xin cho Nhân dân, với lái xe đường dài, người đến từ vùng dịch tiến hành xét nghiệm bình thường, phát hiện trường hợp mắc COVID-19 thì cho cách li, thực hiện điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh điều trị, không để có nhiều bệnh nhân trở nặng, tử vong, nghiên cứu các biện pháp để các trường học sớm được mở cửa. Tích cực, chủ động, thực hiện tốt công tác lập quy hoạch tỉnh; rà soát, tập trung triển khai thực hiện dự án lớn, làm tốt, cắt bỏ các công trình, dự án nhỏ, làm không tốt tránh tình trạng dàn trải; tập trung thực hiện, phấn đấu trong 2 năm hoàn thành đường cao tốc đoạn Chi Lăng-Hữu Nghị. Thủ tướng đồng ý triển khai dự án cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 4B, theo hình thực hợp tác, liên kết vùng. Quy hoạch các khu đô thị, cụm công nghiệp để phát triển; quy hoạch lại cửa khẩu, tập trung xây dựng tốt hạ tầng cửa khẩu, làm tốt công tác đối ngoại, đặc biệt với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, giữ vững hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, góp phần thực hiện tốt hoạt động xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh uỷ bày tỏ vui mừng được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp có ý kiến chỉ đạo đối với nhiều vấn đề tỉnh Lạng Sơn còn đang khó khăn trong quá triển triển khai thực hiện. Tỉnh sẽ cụ thể hoá các ý kiến chỉ đạo và quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao nhất để Lạng Sơn phát triển nhanh trong thời gian tới./.
        4. Ngày 19/11/2021,tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Dự đại hội có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; đồng chí nguyên lãnh đạo Hội LHPN tỉnh qua các thời kỳ… cùng 199 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 140 nghìn hội viên toàn tỉnh. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, tập hợp các tầng lớp phụ nữ đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, chủ động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XV. Kết quả, 9/9 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó có 5/9 chỉ tiêu vượt; vận động nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa 162 nhà “Mái ấm tình thương” trị giá 2,5 tỷ đồng, giúp 3.145 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo (đạt 278,3%, vượt 178,3% chỉ tiêu Nghị quyết); 4.598 hộ đạt 11 tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn” (đạt 203,4%, vượt 103,4% chỉ tiêu Nghị quyết)… Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương những kết quả các cấp hội, cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí nhấn mạnh: thời gian tới, các cấp hội cần tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ để thực hiện tốt nghị quyết của cấp ủy, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động, tập trung chăm lo đời sống, triển khai nhiều giải pháp thiết thực phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, xây dựng người phụ nữ Lạng Sơn phát triển toàn diện với các giá trị truyền thống, hiện đại và nhân văn. Đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành cần xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng gia đình; quán triệt các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội phụ nữ.
     Đại hội đã biểu quyết bầu 35 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026; bầu 12 đại biểu chính thức dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XVI đã bầu 11 đồng chí vào Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, bầu chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Đồng chí Nông Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 tái đắc cử Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 2026. Trong chương trình, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Hội LHPN tỉnh.
        5. Ngày 19/11/2021, Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước. Buổi lễ nhằm tưởng niệm hơn 2,3 vạn đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng. Đồng thời buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
        6. Ngày 21/11/2021, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, có tính bước ngoặt trong việc thay đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại 06 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bình Định, bắt đầu  từ tháng 11/2021; giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, bảo đảm đến ngày 30/6/2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.
        7. Ngày 24/11/2021, Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu chính - Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) tới 63 tỉnh, thành phố, các ban, bộ, ngành trong cả nước; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự, chỉ đạo. Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Hội nghị nhận nhiều tham luận của các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng như các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài... Các tham luận tập trung làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn, những hạn chế, yếu kém, tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót và giải pháp khắc phục... Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định, nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
        8. Ngày 25/11/2021, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ sáu (kỳ họp chuyên đề). Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp. Dự họp có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và các đại biểu HĐND tỉnh. Kỳ họp đã nghe các cơ quan chuyên môn thuyết trình các dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra và  các đại biểu xem xét, thảo luận, đã biểu quyết thống nhất thông qua đối với 11 dự án đầu tư công trung hạn nhóm B giai đoạn 2021 - 2025 gồm: dự án đầu tư hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm nền tảng, số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; dự án xây dựng tuyến đường giao thông kết nối khu công nghiệp Hữu Lũng, ĐT.245 với QL31 - Cảng Mỹ An (tỉnh Bắc Giang); dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18 huyện Đình Lập; dự án đường Tân Tri - Nghinh Tường (ĐH.77), huyện Bắc Sơn; dự án nút giao thông đường cao tốc vào khu công nghiệp Hữu Lũng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh ĐT.226 (đoạn qua thị trấn Bình Gia, Văn Mịch) và khu tái định cư, dân cư thị trấn Bình Gia; dự án mở rộng đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng tại khu vực mốc 1119 - 1120 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; dự án đường Lý Thái Tổ kéo dài và khu dân cư, tái định cư thành phố Lạng Sơn; chủ trương đầu tư khu liên hợp thể thao tỉnh Lạng Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn… Kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đầu tư theo đúng quy định pháp luật; các cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về chủ trương, mục tiêu, lợi ích của dự án đem lại, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tăng cường công tác phối hợp trong việc triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
 
Tin tổng hợp
 
 
NHỮNG ĐIỂM MỚI NỔI BẬT
CỦA HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XIII
VỀ XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG
 
     (TG) - Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thảo luận và ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm với nhiều điểm mới nổi bật.
 
 
     VỀ ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
     Thứ nhất, mới trong phạm vi của Kết luận
     So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (Kết luận) đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Kết luận nêu yêu cầu cao hơn là kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn hạn chế, khuyết điểm. Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. 
     Thứ hai, mới trong đề ra mục tiêu.
     Kết luận khẳng định những thành tựu đạt được, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đã đề ra mục tiêu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa "xây" và "chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điểm mới nổi bật trong mục tiêu trên là: Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
     Thứ ba, mới trong nhiệm vụ, giải pháp
     Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Kết luận Trung ương 4 khóa XIII đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
     Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình.
     So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, là:
     Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân; xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.
     Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Tiến hành đồng thời việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
     Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. 
     Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu.
     Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là giải pháp mới, trong đó nhấn mạnh:
     Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta cả trước mắt và lâu dài. Công tác cán bộ gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền và bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. 
     Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ; không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kịp thời thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ.
     Ba là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách 
     So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh:
     Tập trung rà soát, thể chế hoá kịp thời chủ trương của Đảng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế hiện có, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
     Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu.
     Nghiên cứu, ban hành các cơ chế về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực. 
Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
     Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Công tác cán bộ, tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, hải quan, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,...
     Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm 
     So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung      ương 4 khóa XIII đã bổ sung nhiệm vụ, giải pháp “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”. Đây là một trong những điểm mới nổi bật. Trong đó, nhấn mạnh:
     Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài; đồng thời, quan tâm giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
     Tập trung vào phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
     Uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" ngay tại cơ sở, chi bộ, không để kéo dài hoặc "đùn đẩy" lên cấp trên. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình, thực hiện trách nhiệm nêu gương vàkhắc phục khuyết điểm của tập thể, cá nhân. Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là những vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường phối hợp đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trước hết là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí đấu tranh, có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực.
     Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
     Tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp uỷ đảng về công tác cán bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; của báo chí.
     Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, khiếu kiện, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
     VỀ NHỮNG ĐIỀU ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM
     Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW  ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm, ngày 25/10/2021 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
     Quy định số 37-QĐ/TW giữ nguyên 19 điều như trước (đưa nội dung của 2 điều vào những điều khác và thêm 2 điều mới), kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII. Cụ thể như sau:
     Một là, đưa nội dung của 2 điều vào các điều khác:
     Đưa nội dung của điều 7 trong Quy định số 47: “Đảng viên (kể cả cấp uỷ viên và đảng viên là cán bộ diện cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ quản lý) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép” vào Điều 2 Quy định 37.
     Đưa nội dung điều 10: “Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định. Lợi dụng chức vụ được giao để chiếm dụng, vay, mượn tiền, tài sản của đối tượng trực tiếp quản lý trái quy định. Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác” vào nội dung Điều 12 và Điều 13 Quy định số 37.
     Hai là, bổ sung hai điều cấm mới:
     Bổ sung Điều 3, quy định đảng viên không được "phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng".
Nguồn: tuyengiao.vn
 
 
 
XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA CÔNG SỞ
LÀNH MẠNH, DÂN CHỦ, ĐOÀN KẾT, NHÂN VĂN
     (TG) - Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển văn hóa, con người nhiệm kỳ 2021-2016 đã nhấn mạnh một nhiệm vụ quan trọng là “Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn”(1), tạo cơ sở pháp lý cho cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện.
 
Ảnh minh họa
 
     XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA CÔNG SỞ THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
     Xây dựng môi trường văn hóa công sở liên qua đến nhiều công việc như kiến tạo các mối quan hệ con người với con người; xây dựng thể chế; nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; kiến thiết cơ sở vật chất; bảo vệ cảnh quan môi trường, xử lý ô nhiễm… Đại hội XIII của Đảng đã lựa chọn và nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa công sở thời gian tới đặt trọng tâm vào các nội dung sau:
     Thứ nhất, xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh.
     Công sở là trung tâm hành chính của cơ quan, đơn vị, nơi diễn ra các hoạt động thu thập, xử lý thông tin, tham mưu, ra quyết định chỉ đạo, điều hành công việc. Công sở là bộ mặt của cơ quan, đơn vị, xử lý các hoạt động đối nội, đối ngoại, có quan hệ trực tiếp đến người lao động, người dân trên địa bàn và các đối tác liên quan. Công sở hình thành nhiều mối quan hệ như: quan hệ cấp trên cấp dưới; quan hệ đồng nghiệp với nhau; quan hệ với người dân, người lao động; quan hệ với đối tác làm ăn và các quan hệ xã hội khác.
     Xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh thể hiện ở cảnh quan môi trường sạch đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, nhân văn; nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phù hợp với các quy định của pháp luật và mục đích, yêu cầu cải cách hành chính, chủ trương hiện đại hóa nền hành chính nhà nước; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Xây dựng các mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong môi trường công sở thân thiện, chân tình, minh bạch, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, tận tâm với công việc. Tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số để nâng cao chất lượng hoạt động tại công sở xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, hiện đại. Ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm… Chống biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, cấp trên đe nẹt cấp dưới, trù úm người đấu tranh với sai trái, tiêu cực, quan hệ không trong sáng, nâng đỡ người thân bất chấp nguyên tắc. Phê phán cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm trong công việc, gây khó khăn cho đối tác làm ăn, người lao động, người dân. Không để môi trường công sở là nơi chứa chấp các tệ nạn xã hội nghiêm trọng như ma túy, cờ bạc, mãi dâm, mê tín dị đoan…
     Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa công sở dân chủ.
     Khi bàn về dân chủ, các nhà nghiên cứu ở nước ta thường dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa ngắn gọn, súc tích, vừa dễ hiểu, dễ nhớ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(2); “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ”(3). Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ. Dân là chủ tức là nhân dân ở vị thế người chủ - chủ thể của xã hội. Còn dân làm chủ là những hành động cụ thể làm chủ xã hội của nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhân dân là người đóng vai trò quyết định vận mệnh của đất nước, sự nghiệp văn hóa của quốc gia.
     Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh dân chủ là “của quý báu nhất của nhân dân”, “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(4). Thực tiễn cho thấy, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có vào được cuộc sống hay không là dựa vào lực lượng nhân dân với tư cách là người chủ đích thực và là người trực tiếp hiện thực hóa các nhiệm vụ kinh tế, xã hội nêu trong các nghị quyết của Đảng.
     Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung vào hai nội dung: 1) Dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra. 2) Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cơ quan cấp trên và với cơ quan cấp dưới.
     Mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị: Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước. Phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
     Xây dựng môi trường văn hóa công sở chỉ có thể đem lại hiệu quả cao khi chúng ta phát huy được quyền làm chủ của các thành viên ở công sở. Chỉ khi nào chúng ta tranh thủ được tối đa trí tuệ, công sức, ý thức tự giác của mỗi thành viên của công sở trong xây dựng môi trường văn hóa ở nơi làm việc thì lúc đó chúng ta mới tìm ra phương án tối ưu nhất, huy động được các nguồn lực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Một khi mỗi thành viên biết được chủ trương, công khai, dân chủ bàn bạc, họ thấu hiểu sự cần thiết của việc xây dựng môi trường văn hóa công sở, họ sẽ tự nguyện thực hiện những quy định của cơ quan, đơn vị.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Công khai, minh bạch, tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đúng đắn của các thành viên ở công sở, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ là cách tốt nhất để có thể huy động được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng trong xã hội vào việc xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh.

     Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa công sở đoàn kết.
     Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta bản Di chúc vô cùng quý giá. Nhà nước đã công nhận Di chúc của Người là bảo vật quốc gia. Trong rất nhiều điều Bác Hồ gửi gắm lại cho toàn Đảng, toàn dân ta có vấn đề đoàn kết. Bác viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(5).
     Mỗi tổ chức công sở chỉ thực sự vững mạnh khi các thành viên liên kết với nhau, nhất trí với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đồng thuận cao triển khai các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đồng tâm, đồng chí, đồng lòng, tận tụy với công việc được giao, hợp tác với nhau trong công việc là tiền đề để thực hiện tốt mọi công việc cơ quan, đơn vị giao.
     Đoàn kết là một tiêu chuẩn đánh giá môi trường văn hóa lành mạnh ở công sở. Đoàn kết phải thực lòng, nói đi đôi với làm. Đoàn kết không có nghĩa là suôi chiều, né tránh phê bình, đấu tranh. Phê bình và tự phê bình là một nguyên tắc trong xây dựng tổ chức và cán bộ của Đảng, Nhà nước. Phê bình chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp sửa chữa, tiến bộ. Đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất, bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, sự công bằng, ủng hộ người thẳng thắn, trung thực là cơ sở cho sự gắn bó của các thành viên trong tổ chức, củng cố sự đoàn kết ngày một vững chãi hơn.
     Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa công sở nhân văn.
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đề ra mục tiêu chung: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
     Nhân văn là là tôn trọng, đề cao phẩm chất cao quý của con người sống trong xã hội. Xét đến cùng, mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của văn hóa là vì con người. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”(6). Xây dựng môi trường văn hóa công sở nhân văn là làm cho các nhân tố văn hóa trong không gian hoạt động của công sở đáp ứng nhu cầu ngày một nâng cao chất lượng sống của con người mà giá trị hướng đến là chân - thiện - mĩ. Con người hoạt động ở môi trường công sở sống có nghĩa có tình. Những con người tử tế thắm đượm tình người, sẻ chia buồn vui trong cuộc sống, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, lúc hoạn nạn khó khăn. Mỗi thành viên của công sở học hỏi nhau để hoàn thiện nhân cách, đúng như quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 về xây dựng môi trường văn hóa: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống (7). Như vậy, xây dựng môi trường văn hóa công sở nhân văn đặt trọng tâm vào xây dựng nhân cách và lối sống tốt đẹp. Nhân cách là phẩm chất, năng lực, nghệ thuật ứng xử của con người trong môi trường sống. Nhân cách tạo cho con người có tâm – tầm – tài, lòng tự trọng, biết cách chung sống với cộng đồng xã hội. Nhân cách được đặt trong môi trường hoạt động của công sở, hình thành triết lý sống, lối sống: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
     Giá trị nhân văn trong xây dựng môi trường văn hóa công sở thể hiện ở việc các thành viên của công sở có chung khát vọng vươn lên, dám dấn thân cống hiến xây dựng công sở phát triển bền vững, thấm đượm nhân tính.

     MỘT SỐ GIẢI PHÁP
     Để xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như sau:
     Thứ nhất, sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở công sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí của văn hóa, đúng như quan điểm nêu trong Nghị quyết Trung ương 9: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Từ đó hiểu đúng vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn trong xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
     Thứ hai, tư tưởng, đạo đức, lối sống là thành tố cốt lõi của văn hóa, của nhân cách con người. Muốn xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, chúng ta phải tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở công sở.
     Quán triệt, triển khai thực hiện, có kiểm điểm, đánh giá thường xuyên các nội dung trong Đề án Văn hóa công vụ, nhất là nội dung Chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức.
 
 
     Thứ ba, bổ sung những nội dung của Đề án Văn hóa công vụ vào hoàn thiện nội dung Quy chế Văn hóa công sở và tổ chức thực hiện Quyết định số 733/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hưởng ứng phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Đầy mạnh số hóa hoạt động ở công sở, quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nơi hoạt động của công sở. Xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, những hành vi lệch chuẩn trong thực thi công vụ và trong sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức. Coi trọng giải pháp nêu gương, đề cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện xây dựng môi trường văn hóa công sở và gương mẫu chấp hành văn hóa công vụ, văn hóa công sở.
     Thứ , tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Tranh thủ ý kiến và nguồn lực của các thành viên ở công sở để xây dựng môi trường văn hóa công sở. Tập hợp các thành viên vào tổ chức văn hóa quần chúng, phát huy cao độ tính tích cực, năng động, sáng tạo, tự quản của mỗi thành viên và tổ chức trong xây dựng môi trường văn hóa công sở.
 
 
Nguồn: tuyengiao.vn

Tin liên quan