Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

TIN TỔNG HỢP THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN THÁNG 01/2022

05-01-2022 11:20

 

     Ngày 29/11/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ FNF Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị Quốc tế “Phát triển đối tác hợp tác công tư xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng công viên địa chất toàn cầu tỉnh chủ trì Hội nghị. Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Quỹ FNF Việt Nam và Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện; đại diện các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hội nghị đã tập trung thảo luận 2 nội dung: Giới thiệu về đề án kế hoạch tỉnh Lạng Sơn; giải pháp phát huy lợi thế và kết nối phát triển du lịch - dịch vụ và sinh kế bản địa bền vững, bảo tồn các di sản, giá trị địa chất và tài nguyên môi trường. Theo đó, Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn trải dài tại 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng và Chi Lăng, với diện tích trên 3.840km2, dân số trên 375.000 người; chiếm 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh. Công viên địa chất Lạng Sơn có tiềm năng rất phong phú, với nhiều giá trị văn hóa, di sản địa chất và đa dạng sinh học; đặc biệt là hệ thống hang động, thung lũng, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Quỹ FNF Việt Nam và Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện đơn vị đồng chủ trì khẳng định, việc xây dựng các công viên địa chất không chỉ đem lại giá trị to lớn về khoa học và giáo dục, mà còn thúc đẩy phát triển mô hình du lịch địa chất và các hoạt động kinh tế bền vững. Với mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong việc xây dựng công viên địa chất sẽ cho phép sàng lọc, lựa chọn tốt hơn các đối tác; nâng cao tính hiệu quả và bền vững trong việc phân phối dịch vụ công. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, chia sẻ và những kinh nghiệm hữu ích của các nhà khoa học, các chuyên gia, cơ quan, tổ chức về cơ hội phát triển, cách thức tổ chức và giải pháp để thực hiện thành công mô hình công viên địa chất theo mô hình hợp tác công - tư. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao ý kiến tham luận, chia sẻ của các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời mong muốn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế nghiên cứu và triển khai hợp tác đầu tư, tài trợ, triển khai các dự án nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn, phục dựng, nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản, công viên địa chất, xây dựng hạ tầng du lịch… góp phần giúp tỉnh xây dựng và phát triển công viên địa chất Lạng Sơn, hướng tới mục tiêu “Bảo tồn các di sản văn hóa, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu gắn với phát triển du lịch nhanh và bền vững”.

     Ngày 15/12/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Lễ công bố biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch tỉnh Lạng Sơn. Tham dự có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số huyện, thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Tại buổi lễ, đại diện Sở VHTT&DL đã thuyết minh biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Lạng Sơn. Biểu trưng là hình ảnh cách điệu của ngọn núi Mẫu Sơn hùng vĩ, trùng điệp, cùng với đó là hình ảnh bông hoa đào trên núi Mẫu Sơn ngày xuân, thể hiện một khát vọng, niềm tin vào một tương lai tươi sáng, một “bình minh mới” sẽ đến với du lịch Lạng Sơn nói riêng và sự phát triển của Xứ Lạng nói chung. Câu khẩu hiệu “Ai lên Xứ Lạng cùng anh…” dễ nhớ, dễ thuộc, gắn với lịch sử như lời mời gọi du khách đến với Lạng Sơn. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao Quyết định công nhận biểu trưng và khẩu hiệu du lịch tỉnh Lạng Sơn cho lãnh đạo Sở VHTT&DL. Đồng thời nhấn mạnh, việc sử dụng chính thức biểu trưng, khẩu hiệu du lịch tỉnh Lạng Sơn có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đưa du lịch Lạng Sơn đến gần hơn nữa với các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước. Đề nghị Sở VHTT&DL, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền quảng bá rộng rãi về bộ nhận diện thương hiệu du lịch, biểu trưng, khẩu hiệu du lịch tỉnh Lạng Sơn đến đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh; tăng cường ứng dụng việc sử dụng biểu trưng, khẩu hiệu du lịch Lạng Sơn nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch, quà tặng lưu niệm… góp phần quảng bá hình ảnh Lạng Sơn; tăng cường quản lý, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để quản lý, sử dụng hiệu quả bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn, tiếp thu các ý kiến phản hồi, tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 đảm bảo an toàn, linh hoạt, hiệu quả.
     Ngày 25/12/2021, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2021). Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy vên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ tỉnh; lãnh đạo Tổng cục DS - KHHGĐ cùng đại diện cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ qua các thời kỳ... Từ những năm đầu  thập kỷ 60 của thế kỷ trước Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ với việc ban hành Quyết định 216-CP, ngày 26/12/1961 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Trải qua 60 năm, cùng với cả nước, công tác dân số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.000 cán bộ trực tiếp làm công tác DS-KHHGĐ. Năm 2020, tổng tỷ suất sinh là 2,19 con, tiệm cận với mức sinh thay thế và là tỉnh có mức sinh thấp nhất trong 33 tỉnh có mức sinh cao, bước đầu kiểm soát được sự chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh ở mức 115,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái, năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh là 114,6 trẻ trai/100 trẻ gái. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh, tỉ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh năm 2020 trên 50% tổng số trẻ em sinh ra; tỉ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt trên 60%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 94,1%.
     Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà ngành dân số tỉnh đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí nhất trí với phương hướng và nhiệm vụ công tác dân số của tỉnh trong thời gian tới. Để công tác dân số của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực hơn nữa, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các cán bộ làm công tác dân số tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thi đua sáng tạo, những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác dân số 60 năm qua, tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để có những quyết sách kịp thời, phối hợp cùng các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực hơn nữa cho công tác DS - KHHGĐ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách dân số trên địa bàn tỉnh.
     Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 7 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác DS - KHHGĐ giai đoạn 2016 -2021. Nhân dịp này 5 tập thể, 18 cá nhân được Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ tặng Giấy khen, 3 tập thể, 22 cá nhân được Giám đốc Sở Y tế tặng Giấy khen vì có nhiều thành tích trong công tác DS- KHHGĐ./.
     Ngày 28/12/2021, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, UBND cấp huyện (DDCI)    năm 2021. Dự hội nghị có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Theo kết quả bộ chỉ số đánh giá DDCI, đối với 24 đơn vị cấp sở, ban ngành, 3 đơn vị dẫn đầu lần lượt là Công an tỉnh (78,43 điểm), Bảo hiểm xã hội tỉnh (76,90 điểm) và Sở Công thương (76,86 điểm); trung bình nhóm 3 đơn vị đứng đầu đạt  77,40 điểm, tăng 2,13 điểm so với năm 2020; ba đơn vị xếp cuối lần lượt là Sở Tài nguyên và Môi trường (62,19 điểm), Sở Khoa học công nghệ (55,38 điểm) và Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (54,65 điểm); điểm trung bình của các đơn vị đạt mức 68,49 điểm, tăng 3,62 điểm so với năm 2020. Đối với 11 UBND cấp huyện, thành phố, 3 địa phương dẫn đầu là huyện Hữu Lũng (78,47 điểm), huyện Văn Lãng (77,24 điểm) và thành phố Lạng Sơn (75,94 điểm); 03 địa phương xếp cuối là huyện Lộc Bình (70,60 điểm), huyện Đình Lập (68,92 điểm) và huyện Bình Gia (68,15 điểm); điểm trung bình của các đơn vị đạt mức 72,54 điểm, tăng 4,15 điểm so với năm 2020. Kết quả bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, UBND cấp huyện của tỉnh năm 2021 được ghi nhận sự đóng góp ý kiến của 1.216 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đánh giá chung, cộng đồng doanh nghiệp đã có cảm nhận tích cực đối với chính quyền cấp cơ sở của tỉnh trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác, dễ dàng, minh bạch thông tin theo quy định; thể hiện qua các chỉ số về tính minh bạch và tiệp cận thông tin, vai trò người đứng đầu, thiết chế pháp lý, chi phí thời gian và chi phí không chính thức đều đạt mức khá. Chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất là điểm hạn chế của tỉnh được nhận diện trong đánh giá DDCI 2021.
     Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp với những mức độ hài lòng có chuyển biến tích cực đối với các cấp sở ngành, huyện, thành phố. Đồng chí yêu cầu các đơn vị giảm điểm, xếp cuối bảng cần tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng khắc phục tiêu cực. Các đơn vị trên cần nghiêm túc tiếp thu những hạn chế yếu kém đã chỉ rõ và xây dựng những mục tiêu cụ thể để tháo gỡ những nút thắt về thể chế, thủ tục và con người, đây là những việc phải được cải thiện ngay trong đầu năm 2022. Cùng với đó, các đơn vị phải có những đề xuất trong tương tác với cộng đồng doanh nghiệp; rà soát, điều phối và tập trung một cách đồng bộ các lịch thanh tra, kiểm tra để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
     Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho 6 đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng DDCI năm 2021.
 
Nguồn: www.langson.gov.vn
 
  
TOÀN CẢNH KINH TẾ-XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2021
 
     Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi quốc gia trên thế giới. Trong nước, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế- xã hội. Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
 
     
      Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,58%
     Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%.
     Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2020 là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.
     Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
     Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.
     Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,7% do trình độ của người lao động được cải thiện.
     Nông, lâm, ngư, nghiệp
     Kết quả hoạt động năm 2021 của ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
     Về nông nghiệp, diện tích lúa năm 2021 ước đạt 7,24 triệu ha, sản lượng lúa đạt xấp xỉ 44,88 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn; sản lượng ngô, lạc, đậu tương, khoai lang... cũng đạt khá; sản lượng rau, đậu đạt 18,4 triệu tấn. Diện tích trồng cây công nghiệp 2,2 triệu nghìn ha, tăng 1,1% so với năm 2020. Nhóm cây ăn quả đạt sản lượng thu hoạch khá ở hầu hết các loại cây: cam bưởi, sầu riêng, vải, nhãn, dứa... Chăn nuôi trâu, bò trên cả nước nhìn chung ổn định, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi tuy được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
     Về lâm nghiệp, năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước tính đạt trên 277 nghìn ha, tăng 2,8% so với năm 2020; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 99 triệu cây, tăng 3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 18,1 triệu m3, tăng 5,4%. Diện tích rừng bị thiệt hại năm 2021 là trên 2.000 ha, tăng gần 30% so với năm 2020.
     Về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2021 ước đạt trên 8,7 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3,9 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020.
     Công nghiệp
     Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,9%.
     Hoạt động của doanh nghiệp
     Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến số lượng doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm đạt gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020; gần 120.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.
     Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
      Hoạt động dịch vụ
     Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4.789 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%).
     Năm 2021, vận tải hành khách đạt trên 2.387 triệu lượt, giảm 33% so với năm 2020 và luân chuyển 94,7 tỷ lượt khách.km, giảm 42%. Vận tải hàng hóa ước đạt 1.620 triệu tấn, giảm 8,7% so với năm 2020 và luân chuyển 333,4 tỷ tấn.km, giảm 1,8% (năm 2020 giảm 6,7%).
Khách quốc tế đến nước ta năm 2021 ước tính đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước.
      Đầu tư phát triển
     Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 2.892 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới.
     Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
     Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2021 có 61 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 409 triệu USD, tăng 28,6% so với năm 2020.
     Thu, chi ngân sách Nhà nước
     Thu ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt trên 1.523 nghìn tỷ đồng và vượt dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 1.839 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán, tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
     Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
     Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
     Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với    năm 2020. Có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
     Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 3,67 tỷ USD, giảm 51,7% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 19,41 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2020.
     Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
     Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%.
     Giá vàng và giá đô la Mỹ trong nước biến động trái chiều với giá vàng và giá đô la Mỹ thế giới. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2021 tăng 8,67% so với năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân năm 2021 giảm 0,97% so với năm 2020.
     Tình hình xã hội năm 2021
     Dân số, lao động và việc làm
    Dân số trung bình của Việt Nam năm 2021 là 98,51 triệu người tăng 0,95% so với năm 2020. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm, tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng.
     Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 là 50,5 triệu người, giảm 0,8% so với năm 2020; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,6 triệu người, giảm 1,5%; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2021 ước tính là 3,22%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,1%
     Tình hình dịch bệnh
     Số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng tại nhiều địa phương; số bệnh nhân nặng và số ca tử vong chưa giảm. Tính đến 16 giờ ngày 27/12/2021, Việt Nam có 1.666.545 trường hợp mắc, trong đó 1.259.614 trường hợp đã được chữa khỏi và 31.418 trường hợp tử vong. Bắc Kạn là địa phương duy nhất không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.
     Năm 2021, cả nước có 69.354 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (22 trường hợp tử vong); 38.413 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (11 trường hợp tử vong); 536 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (14 trường hợp tử vong)...
     Tính đến ngày 18/12/2021, tổng số người nhiễm HIV còn sống là 213.833 người và số người tử vong do HIV/AIDS là 110.990 người.
     Tổng số vụ ngộ độc thực phẩm năm 2021 là 58 vụ với 1.557 người bị ngộ độc, 5 người tử vong.
     Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
    Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
     Năm 2021, ước tính thu nhập bình quân 1 người/tháng theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020; tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.
Tính đến ngày 15/12/2021 tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ gần 69 nghìn tỷ đồng cho trên 50 triệu lượt người và trên 700 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Tính đến ngày 23/12/2021 đã hỗ trợ 149 nghìn tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.
     Công tác an sinh xã hội định kỳ tiếp tục được quan tâm. Trong năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 9,7 nghìn tỷ đồng; có gần 29,1 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
     Đến tháng 11/2021, cả nước có 5.392 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 65,5%), ước tính đến hết tháng 12/2021 đạt 68% (tăng 5,6% so với năm 2020).
     Văn hóa-giáo dục
     Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021 đã được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế thi. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của cả nước năm 2021 đạt 98,6%, tăng 0,2% so với năm học trước.
     Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được các địa phương quan tâm và thực hiện. Hoạt động thư viện hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
     Năm 2021, Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành được 32 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 15 huy chương đồng trong các giải thi đấu thế giới, khu vực châu Á và các giải quốc tế mở rộng.
     Tai nạn, thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ
     Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông năm 2021 giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2020, do nhiều tháng liền thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, cả nước xảy ra 11.454 vụ tai nạn giao thông (giảm 23,6%), làm 5.739 người chết (giảm 16,4%), 3.889 người bị thương (giảm 15%) và 4.109 người bị thương nhẹ (giảm 37,6%). 
     Trong năm 2021, thiên tai làm 139 người chết và mất tích, 150 người bị thương; khoảng 394 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; trên 130 nghìn ha lúa và 78,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 766 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 14,9 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính trên 4.876 tỷ đồng, giảm 87,5% so với năm 2020.
     Năm 2021, đã phát hiện 15.690 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 14.042 vụ với tổng số tiền phạt 240,7 tỷ đồng; trên địa bàn cả nước xảy ra 2.230 vụ cháy, nổ, làm 97 người chết và 145 người bị thương, thiệt hại ước tính 379,4 tỷ đồng./.
Nguồn: TTXVN
 
 
PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU PHỦ NHẬN
“KHÔNG CÓ THỜI ĐẠI QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”
 
     Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để công kích, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, bài bác những luận điểm cơ bản nhất về thời đại.
Luận điệu sai trái về thời đại ngày nay
     Nhận thức rõ đặc điểm và xu hướng phát triển của thời đại cũng như cục diện và tình hình thế giới là một việc rất cần thiết. Hiểu biết sâu sắc về thời đại giúp ta tìm thấy xu hướng tất yếu trong vô vàn những hiện tượng phức tạp, mang tính ngẫu nhiên của đời sống xã hội, giúp ta nhìn xa trông rộng, nắm bắt khuynh hướng và quy luật phát triển của nhân loại để vừa có thể lựa chọn được hướng đi phù hợp với sự phát triển của lịch sử; lường trước được những thách thức phức tạp, tránh được những vấp váp sai lệch trên đường đi; từ đó sẽ không bị chao đảo hoặc bị cuốn trôi trước phong ba bão táp của thời cuộc và đời sống chính trị quốc tế.
     V.I.Lenin từng chỉ rõ: Khi phân tích bất cứ vấn đề xã hội nào, phải đặt trong bối cảnh lịch sử nhất định, vì chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của một thời đại, người ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước khác. Nói cách khác, vấn đề thời đại là căn cứ khách quan và tiền đề cần thiết để các chính đảng đi theo Chủ nghĩa Mác phân tích tình hình, xác định nhiệm vụ, phân chia trận tuyến, xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, triển khai thực hiện một cách khoa học.
     Chính vì lẽ đó, khi bàn về những vấn đề lớn của cách mạng, trước đây cũng như hiện nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta bao giờ cũng bắt đầu bằng việc phân tích đặc điểm, nội dung, xu thế phát triển của thời đại và nhận định các mặt của tình hình thế giới để xác định đúng con đường đi của cách mạng Việt Nam và đề ra đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn, sáng tạo.
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: bantuyengiao.vn 
     Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn là như vậy, nhưng hiện nay, một số luận điệu sai trái cho rằng: Thật không tưởng khi nói thời đại ngày nay là quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy, từ Đại hội XIII trở đi, không nên nói đến chủ nghĩa xã hội nữa. Cụ thể hơn, họ cho rằng làm gì có thời đại quá độ; nội hàm, đặc điểm, xu thế của thời đại là sự mơ hồ; hai nội dung cốt yếu của thời đại đã bị lịch sử phủ định. Bởi thế, khi không còn Liên Xô và hệ thống XHCN nữa thì Việt Nam làm sao có thể đi lên chủ nghĩa xã hội được.
     Đây là luận điệu sai trái cần phải phê phán, vì những lý do cơ bản sau:
     Thời đại mới do Cách mạng Tháng Mười Nga khai sáng
     Theo nghĩa chung nhất, thời đại lịch sử được hiểu là toàn bộ thời kỳ phát triển của một hình thái kinh tế-xã hội hoặc những giai đoạn chủ yếu trong hình thái ấy.
     Tuyên bố tại Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân các nước XHCN tháng 11-1957 tại Moscow (Liên Xô) đã khẳng định: “Nội dung cơ bản của thời đại chúng ta là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga”.
     Thực tế cho thấy, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và nhà nước XHCN đầu tiên ra đời năm 1917 đã đánh dấu chấm hết thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản, mở ra thời đại mới, thời đại của sự quá độ lớn lao nhất trong lịch sử loài người, tiến tới một xã hội hiện thực không còn người bóc lột người, không còn nô dịch giữa người và người. Chế độ XHCN non trẻ đã vượt qua hàng loạt thử thách khắc nghiệt nhất của lịch sử, hiện diện cả ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, phát triển mạnh mẽ với nhiều ưu việt về chính trị, kinh tế, xã hội.
     Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định nhận thức rõ bản chất, nội dung của thời đại cũng như cục diện và tình hình thế giới là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong khi khẳng định thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta nhận rõ tình hình phức tạp, quanh co và rất lâu dài của quá trình chuyển biến xã hội nên đã hướng vào đánh giá trực tiếp những động thái, đặc trưng, xu hướng và tính chất trong giai đoạn hiện nay của thời đại.
     Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng năm 1991 đã nêu rõ: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.
     Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với các chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
     Thế giới có nhiều biến động nhưng khuynh hướng phát triển thời đại không thay đổi
     Xem xét trên cơ sở lý luận và thực tiễn lịch sử xã hội loài người đều cho thấy, mỗi bước chuyển từ một hình thái kinh tế-xã hội này đến hình thái cao hơn đều diễn biến trong thời gian rất dài, có khi vài trăm năm hoặc vài nghìn năm. Vậy nên việc Đảng ta phân định giai đoạn hiện nay của thời đại “quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới” là tư duy sáng tạo, có tính khoa học xác thực và cần thiết. Theo đó, việc nghiên cứu đặc điểm và xu hướng phát triển của thời đại cũng được thực hiện trong khung khổ giai đoạn hiện nay của thời đại.
     Khi đã xác định thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga, thì rõ ràng nội dung của thời đại ngày nay có hai vấn đề chính: Một là, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; hai là, mở đầu bằng Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga. Nhận định về nội dung thời đại như vậy là sự khái quát mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, đầy tính thuyết phục.
     Tuy nhiên, sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để công kích, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, bài bác những luận điểm cơ bản nhất về thời đại. Lập luận của luận điệu sai trái là, nếu nói thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội thì nay chủ nghĩa xã hội sụp đổ rồi, thời đại này đương nhiên là của chủ nghĩa tư bản; rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đã tàn lụi thì dù có trăm năm sau cũng không thể gượng dậy được nữa.
Cách nhìn nhận như vậy rõ ràng là thiếu kiến thức lịch sử và thiển cận. Quá trình chuyển biến và thay thế một thời đại này bằng thời đại khác không thể diễn ra nhanh chóng được mà phải qua một chặng đường dài. Quá trình đó là một xu thế tất yếu của xã hội loài người, nhưng diễn ra quanh co, phức tạp, chứa đựng nhiều biến cố, có cả bước tiến mạnh mẽ và cũng có cả những bước thụt lùi.
Sự đổ vỡ của XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đương nhiên là tổn thất nặng nề đối với phong trào cộng sản. Sự sụp đổ ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nó không thuộc về bản chất của chế độ XHCN, càng không phải vì thế mà làm mất đi nội dung thời đại. Lịch sử đã cho thấy thời đại tư bản chủ nghĩa thay thế thời đại phong kiến đâu phải dễ dàng.
     Quá trình chuyển biến đó diễn ra hàng mấy trăm năm, trải qua biết bao phức tạp bởi sự chống trả quyết liệt của các thế lực phong kiến. Tình hình hiện nay cũng tương tự như vậy. Thế lực đế quốc không từ một thủ đoạn nào để mưu toan chặn đứng phong trào cộng sản. Điều đó càng thể hiện tính chất phức tạp của thời đại ngày nay.
     Kẻ thù tư tưởng của chúng ta công khai tuyên bố rằng, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ thì giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng chấm hết. Đây là kết luận vội vã và hồ đồ. Đành rằng thành quả mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại đã bị đổ vỡ tại ngay quê hương của nó, nhưng đó không phải là sự chấm dứt lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga.
     Vả chăng, lịch sử đã chứng minh, không có một cuộc cách mạng nào, kể cả các cuộc cách mạng vĩ đại nhất, lại đủ khả năng kết thúc ngay công việc xóa bỏ xã hội cũ và xây dựng xong ngay xã hội mới. Quá trình chuyển từ xã hội phong kiến lên xã hội tư bản chủ nghĩa đã phải trải qua hàng trăm năm với nhiều cuộc cách mạng tư sản: Cách mạng Anh năm 1688, các cuộc cách mạng tư sản Pháp vào các năm 1830, 1848, 1871.
     Sự đột phá của Cách mạng Tháng Mười Nga làm cho chủ nghĩa tư bản bị đổ vỡ một mảng lớn. Thế giới bừng tỉnh, bung ra với sức mạnh mới của sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
     Thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo cho loài người có khả năng kìm giữ sự lộng hành của chủ nghĩa tư bản, làm thay đổi cả những yếu tố bên trong của chủ nghĩa tư bản. Những thay đổi trong chiến lược kinh tế, chính trị để thích nghi, những thay đổi trong các chính sách phúc lợi xã hội ở các nước tư bản phát triển hiện nay đều bắt nguồn từ kết quả của xã hội đấu tranh của những người lao động và sâu xa hơn là được ảnh hưởng những yếu tố tích cực của Cách mạng Tháng Mười Nga.
     Từ những phân tích trên đây, chúng ta càng thống nhất với nhận định của Đảng ta rằng, tình hình cụ thể trong từng thời kỳ của thế giới có những biến động nhưng điều đó không làm thay đổi nội dung của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn, nội dung và hình thức biểu hiện có nhiều nét mới.
     Chặng đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
     Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội tuy không còn có sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN như trước nhưng trong giai đoạn mới của thời đại, khi cách mạng khoa học-công nghệ và toàn cầu hóa đời sống thế giới, tất cả các nước đều ở trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, không một nước nào sống biệt lập mà có thể phát triển được.
Sự hợp tác kinh tế với các nước bằng nhiều hình thức sinh động trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ tranh thủ vốn, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là một khả năng thực tế mà chúng ta đã và đang cố gắng tận dụng, đưa nước ta hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
     Như vậy, từ một nước kinh tế kém phát triển, nếu chúng ta biết tranh thủ những thời cơ, thuận lợi và biết vượt qua những thách thức, nguy cơ, chúng ta có thể “phát triển rút ngắn” lên XHCN bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa theo quan điểm của V.I.Lenin-người đã có đóng góp to lớn vào lý luận về sự “phát triển rút ngắn” và Chính sách kinh tế mới (NEP). Nó đã được thực tiễn khảo nghiệm mà ngày nay Đảng ta đang vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta.
Xuất phát từ tình hình như thế, chúng ta có thể tin tưởng vững chắc rằng Việt Nam đang trong tư thế vươn tầm, kiên định con đường đã lựa chọn, đã có đủ sức lực và trí tuệ để tiến bước cùng thế giới, tiến cùng thời đại; phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn: qdnd.vn
 
 
 
NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG:
CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG LÀ HÀNG ĐẦU
 
     Cuộc đấu tranh chống lại nguy cơ “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nhận thức cán bộ, đảng viên về lâu dài có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc
về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
 
     Ở thời kỳ đổi mới, công tác tư tưởng của Đảng ta diễn ra trong bối cảnh tình hình phức tạp, trong đó nổi lên là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
     Để bảo vệ thành quả cách mạng và thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, Đảng luôn đặt công tác tư tưởng lên hàng đầu.
     Điểm mới về công tác tư tưởng
     Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư tưởng.
     Cụ thể, Văn kiện đã xác định mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo cơ bản, trong đó: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
     Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.
     Từ các quan điểm chỉ đạo nói trên, Văn kiện đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là: “Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng”.
     Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
     Về công tác tư tưởng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra nhiều điểm mới về nội dung, bám sát thực tiễn và tập trung giải quyết những hạn chế, bất cập của công tác tư tưởng trong nhiệm kỳ Đại hội XII; bổ sung mặt hạn chế: “Công tác tư tưởng có nơi, có lúc chưa thực sự được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, thiếu thuyết phục”.
     Văn kiện Đại hội XIII sử dụng thuật ngữ “công tác tư tưởng” thay cho thuật ngữ “công tác tư tưởng, lý luận” được dùng trong văn kiện của các đại hội trước. Đây là một bước tiến mới về mặt lý luận đối với công tác tư tưởng. Theo đó, Đảng quyết định rằng công tác lý luận là một bộ phận của công tác tư tưởng.
     Theo Văn kiện Đại hội XIII, để thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bởi chỉ trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng mới có sự kiên định trong mọi hoàn cảnh.
     Đặc biệt, sự kiên định phải đi đôi với việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là một vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị - một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng.
     “Xây” đi liền với “chống”
     Việc xây dựng và chỉnh đốn luôn song hành với nhau trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong công tác tư tưởng. Một trong những quan điểm mang tính chỉ đạo xuyên suốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là phải kết hợp chặt chẽ giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”.
     Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nêu rõ: “Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, xây là cơ bản, chống phải quyết liệt, hiệu quả.”
     “Xây” là giải pháp tập trung vào bên trong chủ thể còn “chống” là sự hướng vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, “xây” là những biện pháp tiếp tục phát huy những giá trị đã có, những ưu thế đang tồn tại để hướng tới mục tiêu củng cố tổ chức Đảng ngày càng ổn định, vững mạnh và phát triển; “chống” là toàn bộ phương thức ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, làm thất bại mọi hoạt động làm phương hại đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
     Từ tháng 10/2018 trở về trước, Đảng ta chủ trương tập trung vào nhiệm vụ “chống âm mưu diễn biến hòa bình” - đối tượng hướng tới là thế lực thù địch bên ngoài. Khi Nghị quyết số 35-NQ/TW đặt ra mối quan hệ giữa “bảo vệ” với “đấu tranh,” việc “chống” không chỉ diễn ra bên ngoài mà cả ở bên trong.
     Có nghĩa là trong khi bảo vệ Đảng trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời cũng bảo vệ lý tưởng của Đảng trước sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
     Bởi vậy, nhiệm vụ “đấu tranh” không chỉ diễn ra ở bên ngoài mà còn diễn ra ở bên trong - cuộc đấu tranh của Đảng trước những khuyết điểm, hạn chế đang tồn tại trong nội bộ.
     “Chống” và “xây” tuy nhằm vào các đối tượng khác nhau nhưng đều chung một mục đích; không tách biệt, đối lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động, hỗ trợ lẫn nhau. “Chống” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vững chắc hơn, “xây” để Đảng mạnh hơn, chắc chắn, vững vàng trước mọi sự xuyên tạc, phá hoại của các phần tử bất mãn, cơ hội, tiêu cực.
Hơn nữa, việc “chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa” chống phai nhạt lý tưởng, bè phái trong Đảng thực chất là một phần của việc “xây.”
     Bởi lẽ, muốn xây dựng Đảng mạnh thì bắt buộc phải ngăn chặn, đẩy lùi được các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa- “chống” là quá trình bắt buộc để “xây” hiệu quả hơn. Ngược lại, khi “xây” có kết quả và những biểu hiện tiêu cực, suy thoái giảm, việc “chống” ở bên trong sẽ thuận lợi hơn.
     Vấn đề sống còn của Đảng, thể chế
     Cuộc đấu tranh chống lại nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhận thức cán bộ, đảng viên về lâu dài có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
     Khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nhắc đến chính thức trong Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đại hội XIII của Đảng và mới đây nhất là Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII.
     “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người đảng viên, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm Mácxít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
     “Tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu, sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến,” là quá trình biến đổi về chất các quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một tổ chức và cá nhân. “Tự chuyển hóa” chính là quá trình thay đổi về chất trong quan điểm, tư tưởng, phẩm chất và hành động của chủ thể.
     “Tự chuyển hóa” là cấp độ cao hơn của quá trình “tự diễn biến,” là biểu hiện sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống khiến cho cán bộ, đảng viên đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu, thậm chí làm những việc đi ngược lại Điều lệ Đảng và lợi ích dân tộc.
     Khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư tưởng tiêu cực tăng dần, thắng thế sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hóa” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước.
     Sự “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” của cá nhân nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự an nguy của Đảng, của chế độ.
     Theo Tiến sỹ Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều mức độ khác nhau.
     Nguy cơ trước hết và trọng tâm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn là trong lĩnh vực tư tưởng-chính trị. Nếu lĩnh vực tư tưởng -chính trị bất ổn, các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... sẽ khó có khả năng và điều kiện phát triển lành mạnh.
     Khi tư tưởng-chính trị bị chệch hướng, bộ máy của Đảng và Nhà nước bị chia rẽ, nguy cơ sụp đổ của thể chế chính trị là điều khó tránh khỏi.
     “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra lặng lẽ trong nhận thức của các cá nhân, tổ chức. Căn bệnh nguy hiểm này phụ thuộc vào sức đề kháng của từng cán bộ, đảng viên trước sự ô nhiễm của môi trường xung quanh, mức độ vững vàng về chính trị và độ thanh liêm về đạo đức, lối sống.
     Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị khẳng định: Sự suy thoái về tư tưởng-chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm./. 
 
Nguồn: tuyengiao.vn
 

 

Tin liên quan