Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Tin tổng hợp thông tin tuyên truyền tháng 4/2022

05-04-2022 14:27

 

     Từ ngày 24-26/2/2022, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Singapore Halimah Yacob, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Singapore. Chuyến thăm nhằm khẳng định quyết tâm phát triển kinh tế và tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh; đưa ra thông điệp quan trọng, giúp các nhà đầu tư Singapore yên tâm tiếp tục làm ăn tại Việt Nam; góp quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực Singapore có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như kinh tế số, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao; đưa hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có sự tham gia của hai nước có hiệu lực đi vào triển khai.

     Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore tiếp tục phát triển tích cực. Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn duy trì trao đổi đoàn, thư/điện mừng/thăm hỏi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; hợp tác kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội không ngừng được mở rộng. Hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, nhất là cơ chế họp tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hằng năm.
     Về hợp tác kinh tế - thương mại, tổng kim ngạch thương mại năm 2021 giữa hai nước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2020. Ước tính trong tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 2/2022, Singapore có 2.860 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư bình quân 1 dự án đạt hơn 23 triệu USD, cao hơn mức đầu tư trung bình là 11,9 triệu USD/dự án. Đáng chú ý, trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia đầu tư vào 18/21 ngành của Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Singapore đã có dự án đầu tư tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư Singapore đã tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 13 KCN ở Việt Nam với tổng diện tích khoảng 7.517 ha. Các KCN có vốn của các nhà đầu tư Singapore đều có tỷ lệ lấp đầy cao (trung bình khoảng 83,2%), thu hút được gần 1.000 dự án, trong đó hơn 80% là dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 18,1 tỷ USD và tạo việc làm cho gần 300.000 lao động trực tiếp. Về phía mình, hiện Việt Nam có 118 dự án đầu tư tại Singapore còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 498 triệu USD. Các dự án tập trung vào lĩnh vực: Khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, thông tin truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh bất động sản.Về quốc phòng - an ninh, hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế đối thoại, hợp tác thường niên hiện có. Về giao thông vận tải, Singapore là một trong những thị trường hàng không có tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam với dung lượng hành khách đến Việt Nam đứng thứ 6 (số liệu năm 2019). Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam và Singapore đã khôi phục chuyến bay thương mại thường lệ chở khách giữa hai nước với tần suất thỏa thuận 14 chuyến/tuần mỗi bên. Hợp tác trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường giữa hai nước tiếp tục được tăng cường.Trong hợp tác phòng, chống dịch COVID-19, hai bên phối hợp chặt chẽ ngay từ khi dịch bệnh bùng phát.Singapore là một trong những nước ASEAN đầu tiên hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam.Tháng 9/2021, Singapore đã tặng Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế, trị giá gần 5 triệu USD.Hai bên đang tiến hành thủ tục tiếp nhận 122.400 liều vaccine AstraZeneca Chính phủ Singapore hỗ trợ Việt Nam. Về phía Việt Nam, khi tình hình dịch bệnh ở Singapore diễn biến phức tạp, Quốc hội Việt Nam hỗ trợ đối tác 30.000 khẩu trang y tế. Tập đoàn Vingroup tặng Chính phủ Singapore 200 máy thở sản xuất tại Việt Nam theo bản quyền của Medtronic (Mỹ)...
     Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tới Singapore diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
     Từ 25/2/2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an sẽ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên cả nước thông qua cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân (CCCD). Tài khoản định danh điện tử gồm tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân) và mật khẩu đã được Bộ Công an cung cấp, xác thực qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tài khoản này được Bộ Công an quản lý và xác thực. Theo Bộ Công an, người dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ tiết kiệm thời gian khai báo lại các thông tin cá nhân mỗi khi đi làm thủ tục hành chính; chia sẻ thông tin cá nhân cho bên thứ ba bằng cách quét mã QR Code; giảm thiểu tối đa các giấy tờ cá nhân cần mang theo; thực hiện các dịch vụ công không phải đến tận nơi. Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.Công dân có nhu cầu cấp tài khoản định danh điện tử sẽ đăng ký với cán bộ công an cấp huyện (cán bộ tiếp nhận giấy tờ làm CCCD gắn chíp) với thông tin như số điện thoại, email. Trường hợp muốn đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cần mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu. Về quy trình đăng ký tài khoản định danh điện tử, khi công dân đến cơ quan Công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip thì có thể thực hiện đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử theo các bước và cung cấp các thông tin sau:
    Bước 1: Công dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email). Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo. Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
    Bước 2: Công dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip điện tử bao gồm thông tin nhân thân/thân nhân cùng thông tin sinh trắc.
     Bước 3: Cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip theo đúng quy trình cấp CCCD.
     Sáng 17/3/2022, diễn ra Hội nghị Thống kê toàn quốc với chủ đề "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả". Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị; cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Trưởng Bộ Công thương; đại diện các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
     Theo báo cáo tại hội nghị, Thống kê Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: Hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả; Luật Thống kê đã 3 lần được xây dựng và sửa đổi, các nghị định triển khai Luật Thống kê được ban hành ngay sau đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động thống kê được thông suốt. Mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ trung ương tới địa phương; trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn thống kê,trên 95% công chức, viên chức công tác trong hệ thống thống kê có trình độ từ đại học trở lên. Nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê; hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu, đặc biệt, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ Tổng điều tra trước.Thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án lớn về thống kê được triển khai trên phạm vi cả nước tạo nền tảng vững chắc cho công tác thống kê trước mắt và lâu dài; hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê được mở rộng theo hướng hội nhập sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Thống kê Việt Nam... Ngành Thống kê đề ra các nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới như: Hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê; tăng cường công tác bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê; xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê. Cùng với đó, ngành Thống kê hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê; tăng cường tuyên truyền; kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê...
     Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được trên các mặt hoạt động công tác thống kê; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân; tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung, nhất là công tác thống kê tại các bộ, ngành và địa phương. Các đại biểu quốc tế đã chia sẻ và khuyến nghị với ngành Thống kê và Chính phủ Việt Nam những giải pháp để Thống kê Việt Nam có thể hội nhập và phát triển trong cộng đồng thống kê quốc tế, khu vực.
      Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả mà Thống kê Việt Nam đã đạt được qua 75 năm xây dựng, phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp. Nhấn mạnh vai trò của Thống kê Việt Nam, Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về công tác thống kê, đặc biệt là người đứng đầu các cấp chính quyền. Thống kê phải toàn diện, đầy đủ, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, phải được lưu trữ và hội nhập. Làm tốt hơn nữa công tác phân tích số liệu để đánh giá sát tình hình và sử dụng số liệu, phân tích đó có hiệu quả số liệu thống kê để số liệu thực sự trở thành tiếng nói, thành tai mắt, để làm trí tuệ thông minh, để “nói có sách, mách có chứng”. Đầu tư cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thống kê. Tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ tinh nhuệ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo vị trí việc làm. Coi trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chuyển đổi số trong công tác thống kê. Hợp tác quốc tế sâu rộng, tranh thủ kiến thức của các nước, các tổ chức quốc tế để phát triển Thống kê Việt Nam./.
     Ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế tổ chức lễ công bố Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì và nhấn nút khai trương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến toàn quốc và tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, các phòng, ban chuyên môn Cục Thuế tỉnh. Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài có 4 chức năng gồm: đăng ký, kê khai, nộp thuế và tra cứu thông tin. Với dịch vụ nộp thuế điện tử, trước đây, dịch vụ được triển khai trên nền tảng website, thì nay, để thuận tiện hơn cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai trên cả nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile). Hiện nay, Tổng cục Thuế đã phối hợp với 5 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ và trong tháng 4 tới sẽ mở rộng tới các ngân hàng thương mại khác. Dịch vụ này giúp người nộp thuế thuận tiện, giảm chí phí và thời gian, còn cơ quan thuế quản lý hiệu quả, minh bạch hơn; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện thuận lợi chính sách pháp luật thuế.
     Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đang phát triển khá mạnh, đòi hỏi cơ quan thuế phải tăng cường quản lý thu, chống thất thu trong lĩnh vực này;trong tương lai đến năm 2025, dự báo doanh thu của TMĐT rất lớn; tác động của dịch Covid-19 dẫn đến việc chuyển sang mua bán online nhiều và xu thế về giao dịch trên môi trường mạng là giao dịch tất yếu đòi hỏi cơ quan thuế phải chủ động các giải pháp để quản lý. Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới Tổng cục Thuế cần duy trì 2 hệ thống trên một cách liên tục, ổn định và thông suốt; hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế sử dụng một cách dễ dàng, hiệu quả; đảm bảo bảo mật; giám sát thanh tra những trường hợp trốn thuế; nghiên cứu nâng cấp ứng dụng để quản lý thuế tốt hơn. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền với 2 dịch vụ này, đồng thời giúp ngành Tài chính xây dựng phát hành quản lý hoá đơn điện tử; phối hợp với ngành Thuế, ngành Tài chính, ngành Hải quan, ngành Kho bạc thực hiện quản lý thuế, thu ngân sách tốt nhất. Cùng với đó, các bộ, ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước giúp Bộ Tài chính thực hiện kết nối eTax mobile với các ngân hàng thương mại.
     Ngày 22/3/2022, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh giám sát chuyên đề “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Triệu Quang Huy, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Phó trưởng đoàn giám sát; cùng tham gia đoàn có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, các ĐBQH tỉnh. Làm việc với đoàn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, UBND thành phố, huyện Cao Lộc. Theo báo cáo, những năm qua công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) luôn được UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, trong kỳ báo cáo UBND tỉnh đã ban hành 35 văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Kết quả thực hiện, các cơ quan, đơn vị đã TCD được 26.961 lượt/20.171 vụ việc (hướng dẫn 15.772 lượt, giải thích trực tiếp 12.425 lượt, số lượt có văn bản hướng dẫn 3.347 lượt, số lượt tiếp có nhận đơn, thư 11.817 lượt); tiếp nhận 25.947 đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, trong đó tiếp nhận 1.149 đơn khiếu nại (727 đơn đủ điều kiện, 422 đơn không đủ điều kiện giải quyết), đã giải quyết 710 vụ; tiếp nhận 606 đơn tố cáo, đã giải quyết 186 vụ đủ điều kiện thụ lý giải quyết. Các kiến nghị, phản ánh, KNTC của công dân chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, công tác thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác tổ chức cán bộ, việc thực hiện các chính sách xã hội... Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đoàn giám sát quan tâm về các giải pháp nâng cao chất lượng TCD, giải quyết KNTC; công tác chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các cơ quan, các huyện, thành phố trong công tác TCD, giải quyết KNTC; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác TCD các cấp, đặc biệt là ở cấp xã; trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD, giải quyết KNTC; làm rõ thêm một số vụ việc KNTC; các giải pháp căn cơ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thời gian tới…
     Kết luận buổi giám sát, đồng chí Triệu Quang Huy, Phó trưởng đoàn giám sát ghi nhận những kết quả công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục. Đồng chí đề nghị, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục tuyên truyền giáo dục pháp luật đến các cấp, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư công, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát kịp thời các văn bản, cụ thể hóa các quy định của Trung ương về công tác TCD, giải quyết KNTC, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, nhất là thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu về công tác TCD, kiên quyết xử lý các vi phạm; chỉ đạo các ngành, các cấp nâng cao chất lượng TCD, giải quyết KNTC ngay tại cơ sở, đảm bảo đúng quy trình thủ tục, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, hạn chế KNTC vượt cấp. Đối với các kiến nghị của UBND tỉnh, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét để hoàn thiện các quy định về TCD, giải quyết KNTC.
     Ngày 24/3/2022, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - vai trò của thanh niên Lạng Sơn”. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và đông đảo đoàn viên thanh niên tại 200 điểm cầu trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đoàn viên thanh niên (ĐVTN) và các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi những giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên trong chuyển đổi số, trọng tâm là kinh tế số. Đồng thời góp ý đối với những bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng, triển khai chương trình chuyển đổi số, kinh tế số trong thời gian qua.Từ đó đề xuất với lãnh đạo tỉnh về các giải pháp nhằm phát huy vai trò của thanh niên, đóng góp, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Tại hội nghị đối thoại, ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã có 19 ý kiến về các vấn đề: kỹ năng cho thanh niên về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hạ tầng viễn thông; các vấn đề về quảng cáo, vận chuyển, thanh toán trong phát triển kinh tế số; tổ công nghệ cộng đồng; cơ chế quản lý, xử phạt đối với tình trạng gian lận trên sàn thương mại điện tử; chủ trương, chính sách của tỉnh đối với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số… Các ý kiến, kiến nghị của thanh niên cơ bản đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh trao đổi, giải đáp.
     Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của thanh niên, khẳng định đây đều là những ý kiến rất chính đáng. Đồng nhấn mạnh thanh niên phải tự học, đi đầu, sáng tạo, nòng cốt trong chuyển đổi số. Các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của thanh niên, từ đó nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, dự án, đề án phát triển thanh niên trong giai đoạn mới; quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên sáng tạo đổi mới, áp dụng chuyển đổi số, kinh tế số vào tất cả các lĩnh vực trong bối cảnh sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số hiện nay; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức chương trình đồng hành với thanh niên trong phong trào thi đua chuyển đổi số, thanh niên xung kích trong hoạt động chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển đổi số theo từng lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp và du lịch. Cùng với đó, tổ công nghệ cộng đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống. ĐVTN, cần nắm bắt xu hướng thời đại, chủ động nghiên cứu đa dạng kênh bán hàng trên các nền tảng công nghệ mới, đa dạng sản phẩm có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất; chú trọng hơn việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm. Đồng thời  khẳng định: Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, tìm kiếm thị trường và đồng hành với thanh niên trên con đường chuyển đổi số.
     Ngày 28/3/2022, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) triển khai chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương quán triệt các nội dung cơ bản của chuyên đề, trong đó tập trung vào 02 phần gồm: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
     Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu những cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay, kịp thởi nhắc nhở, phê bình những cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt, những việc làm thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đồng thời đẩy mạnh đưa nội dung chuyên đề vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng, sinh hoạt chuyên đề của các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Đồng chí tin tưởng hội nghị này sẽ nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo động lực và quyết tâm mới để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào nền nếp, thường xuyên, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong nhận thức và hành động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
     Ngày 28/3/2022, UBND tỉnh tổ chức tiếp nhận kinh phí ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh trao tặng. Dự buổi tiếp nhận có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh và một số sở, ngành có liên quan.Tại đây, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh đã trao tặng cho tỉnh số tiền 01 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, qua đó, giúp các em có đủ điều kiện về trang thiết bị để học tập, rèn luyện, phát huy năng lực và đạt thành tích tốt trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.Phát biểu tại đây, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với công tác giáo dục của tỉnh. Qua rà soát, thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 34.400 học sinh thiếu phương tiện học tập trực tuyến.Thời gian qua, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí hỗ trợ trang thiết bị học tập được khoảng 1.150 học sinh. Đồng chí trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh đối với chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đồng chí cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các cơ quan liên quan khẩn trương phân bổ kinh phí được tài trợ tới các địa phương, đặc biệt là các địa bàn khó khăn, đảm bảo trao tặng đúng đối tượng, mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất./.
Tin tổng hợp
 
 
PHÒNG CHỐNG SỰ CHIA RẼ, BẢO VỆ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
 
     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.
     Lịch sử cho thấy, các thế lực thù địch, phản động từ trước đến nay chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, có những hạn chế, khuyết điểm bên trong nếu không sớm được khắc phục có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nguy hiểm hơn là khi bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá...
     ÂM MƯU CHIA RẼ VÀ THÁCH THỨC BÊN TRONG
     Ngay khi Chính phủ quyết định tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện những bài viết xuyên tạc, trắng trợn vu cáo Đảng, Nhà nước sử dụng quân đội để trấn áp nhân dân miền Nam. Thâm độc hơn, một số tổ chức phản động đã cắt ghép nhiều hình ảnh hoạt động của bộ đội và lu loa rằng “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói khổ làm loạn...”.
     Thực tế cho thấy, hiện nay các thế lực thù địch, phản động ngày càng quyết liệt hơn với các âm mưu thâm độc và tinh vi hơn trong phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi chúng nhận thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, muốn phá hoại cách mạng Việt Nam thì phải làm tan rã sức mạnh to lớn đó. Theo đó, âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ hiện nay của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen thành tựu thực hiện đường lối, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta. Chúng “té nước theo mưa”, thổi phồng hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của các cấp chính quyền để gây hoài nghi, phân tán nhân tâm, mất lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng đất nước.
     Chúng triệt để lợi dụng những vấn đề xã hội bức xúc, những khó khăn trong đời sống nhân dân để kích động chống đối, hình thành những điểm nóng gây chia rẽ từ bên trong. Chúng lợi dụng hội nhập quốc tế để xâm lăng và làm “biến dạng” các giá trị văn hóa truyền thống; tạo dựng “ngọn cờ”, lợi dụng các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, các vấn đề lịch sử... để kích động, chia rẽ đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân; giữa các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thúc đẩy hình thành các “khu tự trị”, “nhà nước tự trị”...
Đáng chú ý, chúng tập trung vào phá hoại mối đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; nhân dân với các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang; mối quan hệ giữa quân đội và công an... Cùng với chống phá trên các địa bàn chiến lược như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ hiện nay, chúng đẩy mạnh chống phá gây chia rẽ, mất đoàn kết ở các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương. Internet, mạng xã hội đã và đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng với những thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
     Nhìn lại 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đất nước đã đạt được là nền tảng vững chắc củng cố niềm tin, đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra hiện nay cũng rất lớn, Đảng ta chỉ rõ: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ”.
     Bên cạnh đó, là những vấn đề nảy sinh tất yếu trong quá trình phát triển cần phải tiếp tục nhận thức và giải quyết, như: Phân hóa giàu-nghèo; chênh lệch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế giữa các vùng miền; sự xuống cấp về một số mặt của văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa và những vấn đề lịch sử để lại... Đại hội XIII đánh giá, trong Đảng và hệ thống chính trị, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”; bệnh lãng phí, vô cảm, quan liêu, mất dân chủ... gây bức xúc xã hội và làm suy giảm vai trò hạt nhân đoàn kết của Đảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Âm mưu chia rẽ từ bên ngoài và những thách thức bên trong có quan hệ chặt chẽ, làm suy giảm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cách mạng nước ta.
     SỨC MẠNH NỘI SINH VÀ BÀI HỌC THỊNH SUY, THÀNH BẠI TỪ LỊCH SỬ
     Đối với dân tộc Việt Nam, đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu và giá trị văn hóa cốt lõi; là sức mạnh vô địch trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng thiên tai, địch họa, định bờ cõi, xưng nền văn hiến, nêu cao độc lập, tự chủ. Đây là sức mạnh nội sinh có tính chủ đạo xuyên suốt, bền vững của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là chân lý về sức mạnh vô địch của đoàn kết và phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Theo Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đoàn kết là cội nguồn sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược và gốc của đoàn kết là chăm lo, gìn giữ sức dân: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức, giặc tự bị bắt... Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
     Sức mạnh của nhân dân khi kết thành một khối là sức mạnh vô địch. Đó là chân lý được Nguyễn Trãi khẳng định: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”. Tư tưởng này là nền tảng quan trọng hội tụ đại đoàn kết toàn dân của Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đập tan ách đô hộ tàn bạo 20 năm của giặc Minh. Trong "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi viết: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
     Trước đó, đối mặt với giặc Minh xâm lược, nhà Hồ xây thành cao, hào sâu nhưng không xây được khối đoàn kết, thống nhất lực lượng toàn dân nên thất bại là tất yếu. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng từng nói: “Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.
Thời kỳ Pháp thuộc, triều đình nhà Nguyễn chia rẽ, không quy tụ được sức mạnh đoàn kết dân tộc; nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước nổ ra song thường mang tính đơn lẻ, thiếu ngọn cờ tập hợp lực lượng toàn dân nên đều thất bại. Đất nước ta lại chìm trong đêm trường nô lệ trăm năm thuộc Pháp.
     Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán đường lối chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết vô địch của toàn dân. Những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài học lớn chính là mục tiêu, lý tưởng, lợi ích của Đảng luôn thống nhất với mục tiêu, lợi ích của dân tộc, nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.Sự đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
     Thế giới đương đại phản ánh sâu sắc sự cạnh tranh gay gắt, kiềm chế lẫn nhau giữa các cường quốc. Xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, bất ổn chính trị ở nhiều nơi và hiện tại, tình hình chiến sự tại Ukraine đang diễn biến phức tạp... phản ánh rõ nét sự can dự, cạnh tranh của các nước lớn và sự chia rẽ, mâu thuẫn, phân hóa từ bên trong. Do vậy, phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng chính là bảo vệ hòa bình và phát triển bền vững đất nước ta trong “những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo” của thế giới hiện nay.
      TĂNG CƯỜNG ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
      Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát: “... phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khát vọng phát triển của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chỉ có thể được hiện thực hóa bằng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, Đảng ta xác định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.Đây là cơ sở để nhận thức và giải quyết tốt vấn đề có tính nguyên tắc của phát triển và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
     Trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, để phòng chống chia rẽ, bảo vệ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
     Một là, tiếp tục thấu triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền, tăng cường đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với đường lối lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng, xử lý chính xác các vấn đề về tư tưởng, mâu thuẫn, bức xúc xã hội hiện nay. Tích cực, chủ động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, làm sáng tỏ chủ trương, chính sách, thành tựu đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta. Coi trọng tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc làm nền tảng tinh thần vững chắc của khối đại đoàn kết trong giai đoạn mới.
     Hai là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; đặc biệt coi trọng chăm lo, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị.Thường xuyên củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
     Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Quán triệt, thực hiện đúng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
     Bốn là, nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên nhận diện, đấu tranh hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động.Có các giải pháp, biện pháp mạnh, nâng cao hiệu quả đấu tranh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trên không gian mạng-mặt trận nóng bỏng hiện nay. Chủ động, nhạy bén, sắc sảo phát hiện, vạch trần bản chất phản động, mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động; giành giữ, bồi đắp tình cảm cách mạng, niềm tin của toàn thể nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng đất nước.
     Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, không ngừng hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, kịp thời giải đáp một cách thuyết phục những vấn đề mới về lý luận, thực tiễn đã và đang đặt ra; cung cấp luận cứ, luận chứng khoa học bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
Đảng ta là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ và phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết, phải phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Nguồn: qdnd.vn

Tin liên quan