Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN THÁNG 8/2022

02-08-2022 17:12

     

     Ngày 10/7/2022, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Ban tổ chức Hành trình đỏ Trung ương tổ chức khai mạc Chương trình Hành trình đỏ và Ngày hội hiến máu “Giọt hồng Xứ Lạng” năm 2022. Tham dự có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, đại diện lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố. Phát biểu tại chương trình, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh nhấn mạnh, Chương trình được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, từ đó nâng cao trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý quan tâm hơn nữa công tác hiến máu tình nguyện. Đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng cao trong nhân dân về công tác hiến máu cứu người, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, như ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, người lao động trong các doanh nghiệp. Đồng thời, ngoài việc kịp thời khen thưởng, tôn vinh những đơn vị, cá nhân điển hình trong thực hiện vận động và hiến máu tình nguyện thì cần tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn; chăm sóc, tư vấn trước trong và sau cho người tham gia hiến máu… Năm 2022 là năm thứ 9 liên tiếp tỉnh Lạng Sơn tham gia tổ chức Chương trình Hành trình đỏ với chủ đề “Giọt hồng Xứ Lạng”. Trong thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã phát triển bền vững, người tham gia hiến máu năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng. Trong chương trình khai mạc, Ban Tổ chức đã trao 20 suất quà cho hộ gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Ngay sau buổi lễ khai mạc, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân đã tham gia hiến máu tình nguyện. Ban Tổ chức đã tiếp nhận được 528 đơn vị máu từ những người đủ điều kiện hiến máu tình nguyện.

     Ngày 13/7/2022, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Phiên họp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu 7 tỉnh biên giới phía Bắc và điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ. Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc tỉnh. Tại phiên họp, hai bên chúc mừng những thành tựu phát triển tích cực của mỗi nước; nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong tổng thể chính sách đối ngoại của hai nước. Hai bên nhất trí cho rằng, kể từ Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (tháng 9/2021) đến nay, hai bên đã phối hợp duy trì tổng thể quan hệ ổn định, hợp tác tiếp tục đạt nhiều tiến triển tích cực. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa hai bên diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Hợp tác phòng chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và các lĩnh vực chuyên ngành giữa hai nước tiếp tục phát triển... Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai bên nhất trí thúc đẩy tổ chức các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng; phát huy vai trò quan trọng của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trong việc điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; duy trì hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất giữa hai nước tiếp tục phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước... Kết thúc Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị tuyên bố hai bên ký kết các văn bản hợp tác gồm: Hiệp định Hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc tài khóa 2020, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, Thỏa thuận hợp tác về Dự án Nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.
     Ngày 21/7/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tham dự tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương. Hội nghị được kết nối với 11.661 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 21/7, 22/7/2022 với 04 chuyên đề về: tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao; nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tới các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; định hướng các cấp ủy, sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, đưa văn kiện hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội; đưa việc học tập và triển khai thực hiện văn kiện Hội nghị thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo bầu không khí phấn khởi trong toàn Đảng, toàn xã hội, hoàn thành thắng lợi mục tiêu hội nghị đề ra./.
     Ngày 24/7/2022, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Viettel Lạng Sơn tổ chức Lễ thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Lạng Sơn. Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đông đảo các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố. Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đoàn viên, thanh niên đã cùng ôn lại trang sử vàng oanh liệt của dân tộc Việt Nam, đồng thời làm lễ tưởng niệm, dâng hương, dâng hoa tượng đài liệt sỹ và các phần mộ anh hùng liệt sỹ. Trong chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng 24 suất quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.
     Ngày 25/7/2022, tại trung tâm hội nghị tỉnh diễn ra Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 với nhiều đổi mới, thành công, mang dấu ấn riêng của tuổi trẻ Đoàn Khối. Dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; đồng chí Đinh Thị Anh Thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn; các đồng chí Thường trực Đảng ủy Khối, lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng uỷ Khối, Hội Cựu chiến binh Khối, Công đoàn Viên chức tỉnh; lãnh đạo văn phòng, các ban Tỉnh đoàn; lãnh đạo Đoàn Khối qua các thời kỳ; đại diện cấp ủy, lãnh đạo của 43 cơ quan, đơn vị có tổ chức Đoàn thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh và 116 đại biểu chính thức là cán bộ, đoàn viên ưu tú, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của 3.500 đoàn viên, thanh niên. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Đoàn thanh niên Khối đã chỉ đạo và triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực có điểm nhấn và chiều sâu, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh; hoàn thành 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, trong đó có 06 chỉ tiêu vượt; tâp thể Đoàn Khối các cơ quan tỉnh liên tục được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Trung ương Đoàn, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn tặng cờ thi đua, bằng khen. Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và đồng chí Đinh Thị Anh Thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn đánh giá cao những kết quả mà Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ 2017 – 2022; đồng thời đề nghị nhiệm kỳ tới Đoàn Khối cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn; chủ động, tích cực và là lực lượng nòng cốt tham gia công cuộc chuyển đổi số toàn diện, nâng cao năng lực số cho đoàn viên thanh niên và nhân dân; quan tâm, đầu tư nghiên cứu các mô hình mới, lựa chọn các nội dung điểm nhấn, đột phá để thực hiện, gắn chặt các hoạt động của Đoàn với các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thường xuyên giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú, những cán bộ Đoàn tâm huyết, có đạo đức và gắn bó với quần chúng, có trí tuệ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn; tăng cường mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các đơn vị, chủ động học tập những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn “Tiên phong - Bản lĩnh - Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đã đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu và 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2022-2027. Đại hội cũng ra bầu ra Ban Chấp hành Đoàn Khối khóa mới gồm 13 đồng chí, bầu trực tiếp bí thư tại đại hội và bầu đại biểu đi dự đại hội đoàn cấp trên. Khen thưởng 19 tập thể, 18 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đoàn đoàn và phong trào thanh niên, nhiệm kỳ 2017-2022.
     Ngày 26/7/2022, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, tái bản cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1986 - 2020 phối hợp với Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo lần 1 bản thảo cuốn sách. Dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Biên soạn cuốn sách; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Biên soạn cuốn sách; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện Trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Biên soạn cuốn sách. Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo; các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, thường trực các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; thành viên Ban Biên soạn, Tổ giúp việc nghiên cứu, biên soạn. Theo báo cáo tại hội thảo, trên cơ sở cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh 1986 - 2000 phát hành năm 2010, Ban Biên soạn đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo đề cương. Ngày 04/3/2022, Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội thảo đề cương cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1986 - 2020. Trên cơ sở đề cương được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt, Ban Biên soạn tiến hành biên soạn bản thảo lần 1 gồm 4 phần: lời giới thiệu, nội dung, kết luận, phụ lục. Trong đó, phần nội dung gồm 4 chương. Cụ thể, Chương I: Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 1995); Chương II: Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (1996 - 2005); Chương III: Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, từng bước hội nhập quốc tế (2005 - 2015); Chương IV: Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững (2015 - 2020). Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với kết cấu của cuốn sách, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến vào bố cục, hình thức trình bày và nội dung của cuốn sách. Trong đó, nhiều ý kiến góp ý cuốn sách cần trình bày khái quát, ngắn gọn hơn, thể hiện được sự đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ; nêu những quan điểm, những sự kiện lịch sử, làm sâu sắc hơn những nhận định, đánh giá cũng như bài học kinh nghiệm qua 35 năm lãnh đạo xây dựng và phát triển của tỉnh nhà,… Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự hội thảo và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, sâu sắc, toàn diện. Đồng chí đề nghị Ban Biên soạn cuốn sách tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý để bổ sung, chỉnh sửa bản thảo; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia của Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kịp thời cung cấp các tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, bổ sung bản thảo cuốn sách theo kế hoạch; các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục có trách nhiệm cung cấp tư liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn và bổ sung vào cuốn sách.
     Ngày 27/7/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn trang trọng tổ chức Hội nghị biểu dương người có công (NCC) tiêu biểu và các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2022). Đến dự có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Ban của Đảng, HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh, UBND các huyện, thành phố cùng 75 đại biểu NCC tiêu biểu đại diện cho hơn 33 nghìn NCC của tỉnh. Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trân trọng gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình NCC với cách mạng lời thăm hỏi ân cần và lời tri ân sâu sắc. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, 75 năm trôi qua, ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hằng năm đã trở thành sự kiện chính trị - xã hội quan trọng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp để tưởng nhớ, tri ân các các bậc Cách mạng tiền bối, Anh hùng liệt sĩ, tri ân các thương binh, bệnh binh đã hi sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị là dịp để biểu dương những đóp góp to lớn của NCC trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt lên mất mát, hi sinh để tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho quê hương, đất nước. Tỉnh Lạng Sơn đang quản lý hồ sơ của trên 33.000 NCC. Hàng tháng, thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 3.900 đối tượng với số tiền chi trả hơn 7 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2022, đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 295.769 nghìn lượt NCC và thân nhân, kinh phí 579.242 triệu đồng, trợ cấp một lần cho 9.386 NCC và thân nhân, kinh phí 72.716 triệu đồng. Bên cạnh đó, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất cũng như tinh thần cho NCC, đặc biệt là các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, NCC với cách mạng hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực như: tổ chức các đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà, tổ chức phát động ủng hộ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, 100% NCC không hưởng lương và bảo hiểm xã hội đều được mua thẻ bảo hiểm y tế... Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh uỷ trân trọng và biểu dương những tấm gương tiêu biểu, những đóng góp rất ý nghĩa của các thương binh, bệnh binh, NCC đã vượt lên đau thương, mất mát, khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng chí nhấn mạnh, bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và lòng quý trọng biết ơn, 75 năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã hết lòng quan tâm, chăm lo, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng và NCC với cách mạng, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn tỉnh đã phát triển sâu rộng, trở thành nét đẹp văn hóa trong cộng đồng. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội tích cực và quyết liệt hơn nữa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với NCC. Đồng chí tin tưởng, các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liêt sĩ, NCC sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống gia đình, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào tại địa phương và tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Tại hội nghị, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trao tặng 75 xuất quà cho NCC tiêu biểu. Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 19 hộ gia đình NCC tiêu biểu, 14 tập thể và 6 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”./.
     Ngày 28,29/7/2022, diễn ra Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh (CCB) Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Dự và chỉ đạo đại hội, về phía Đảng ủy Khối có đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, các đồng chí Thường trực, lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng uỷ Khối, Đoàn Khối, Công đoàn Viên chức tỉnh; về phía Hội CCB tỉnh có đồng chí Phạm Viết Văn, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh và các đồng chí lãnh đạo văn phòng, các ban. Tham dự đại hội còn có lãnh đạo Hội CCB Khối các cơ quan tỉnh qua các thời kỳ; đại diện cấp ủy, lãnh đạo của 18 đơn vị có tổ chức Hội CCB thuộc Hội CCB Khối các cơ quan tỉnh và 48 đại biểu chính thức là cán bộ, hội viên ưu tú, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của 355 hội viên CCB. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hội CCB Khối đã chỉ đạo và triển khai hoàn thành 100% chỉ tiêu nghị quyết đại hội, trong đó có 50% chỉ tiêu vượt; Hội CCB Khối các cơ quan tỉnh liên tục được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Hội CCB tỉnh tặng 02 bằng khen và Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng 01 bằng khen. Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Phạm Viết Văn, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh và đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Hội CCB Khối các cơ quan tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ 2017 – 2022; đồng thời đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Hội CCB Khối cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội; chú trọng lựa chọn các nội dung đột phá để thực hiện, gắn các hoạt động của hội với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; chủ động, tích cực tham gia công cuộc chuyển đổi số toàn diện, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thường xuyên bồi dưỡng, giới thiệu hội viên ưu tú cho cấp ủy để tạo nguồn kết nạp đảng viên mới và tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Với khẩu hiệu hành động “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” Đại hội đã đề ra 08 chỉ tiêu chủ yếu và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong nhiệm kỳ 2022-2027. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội CCB Khối khóa IV gồm 11 đồng chí và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Hội CCB tỉnh lần thứ VII. Cũng trong chương trình đại hội, Ban Thường vụ Hội CCB Khối các cơ quan tỉnh đã biểu dương, khen thưởng 03 tập thể, 06 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác Hội và có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” nhiệm kỳ 2017 - 2022.
     Ngày 01/8/2022, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn tổ chức phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng”. Dự chỉ đạo chương trình, có đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Lạng Sơn; đồng chí Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn. Về phía Đảng ủy Khối có đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; các đồng chí Phó Bí thư , Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; lãnh đạo, thành viên Ban Tổ chức, Tổ thư ký-kỹ thuật cuộc thi. Tham dự chương trình còn có đại diện cấp ủy một số chi bộ, đảng bộ cơ sở; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc, các đảng viên Chi bộ 1, Đảng bộ Cục Quản lý thị trường và có phóng viên các cơ quan báo chí đến dự đưa tin. Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trắc nghiệm trên internet tại trang thông tin điện tử Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn và được tiến hành trong 05 tuần liên tục, bắt đầu thi tuần thứ nhất từ ngày 01/8/2022, kết thúc vào ngày 05/9/2022. Mỗi tuần, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao 11 giải gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 05 giải Khuyến khích; kết quả thi hằng tuần được công bố trên trang thông tin điện tử Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Tổng kết, trao giải cuộc thi sẽ tổ chức vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn (27/9/1954 - 27/9/2022). Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phạm Thu Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức cuộc thi nhấn mạnh: Cuộc thi là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022), Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022) và 68 năm thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn (27/9/1954-27/9/2022). Việc triển khai, tổ chức tốt cuộc thi sẽ góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cuộc thi cũng là đợt sinh hoạt chính trị, là diễn đàn rộng rãi để tập hợp và phát huy tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên Khối các cơ quan tỉnh. Đồng chí đề nghị cấp uỷ cơ sở, ban thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội bằng nhiều hình thức phát động, hưởng ứng, triển khai cuộc thi; tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi và hướng dẫn, khuyến khích, vận động, thường xuyên nắm tình hình, đôn đốc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên thuộc đối tượng dự thi tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi đạt chất lượng, hiệu quả.
 
Tin tổng hợp
 
 
 
KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN
SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN
 
     Sứ mệnh lịch sử (SMLS) toàn thế giới của giai cấp công nhân (GCCN) hiện đại là phát kiến vĩ đại của C.Mác. Bằng cái nhìn duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng về sứ mệnh của GCCN trong toàn bộ học thuyết của mình, song tập trung nhất là ở lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học.
     Tuy nhiên, thời gian qua, một số người nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về SMLS của GCCN, thậm chí, có đối tượng còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận SMLS của GCCN. Góp phần phê phán các nhận thức này và bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác là nhiệm vụ chung của chúng ta hiện nay. 
Nhận thức phiến diện, luận điệu xuyên tạc
     Giải phóng giai cấp, dân tộc, nhân loại thoát khỏi bóc lột, áp bức, bất công để mọi người và mỗi người được sống trong công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do. Những khát vọng cao đẹp ấy của nhân loại đã có từ bao đời. Nhưng chỉ đến thế kỷ 19, khi xuất hiện nền đại công nghiệp và cùng với đó là sự trưởng thành của GCCN và chính đảng của nó thì những cơ sở thực tiễn để hiện thực hóa khát vọng ấy mới xuất hiện đầy đủ. 
     CNXH khoa học đã làm rõ những tất yếu, quy luật cùng những điều kiện, lực lượng, động lực, lộ trình để thực hiện SMLS của GCCN. Xã hội hóa trong sản xuất kinh tế và dân chủ hóa trong đời sống chính trị-xã hội là những tiền đề của CNXH do chính quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) tạo ra. Một trong những đặc điểm tiêu biểu của CNXH là nền sản xuất phát triển cao được xây dựng trên cơ sở xác lập chế độ công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu. Đây là một tất yếu xuất phát từ yêu cầu xã hội hóa của sản xuất công nghiệp, được thực hiện thông qua tự giác thực hiện quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Lý luận về SMLS của GCCN là cốt lõi của lý luận về CNXH khoa học.
     Tuy nhiên, thời gian qua, một số người nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về SMLS của GCCN, thậm chí, nhiều đối tượng còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận SMLS của GCCN với ý đồ không lành mạnh.
     Có ý kiến cho rằng, “GCCN trên thế giới hiện nay không khác mấy GCCN của những năm 70 của thế kỷ 20”; đó chỉ là những nhóm người “trực tiếp lao động sản xuất của cải vật chất trong công nghiệp”, “trong xã hội hiện đại, công nhân đang ít đi và không chiếm đa số trong lao động”. Một nhận thức phiến diện khác cho rằng, hiện nay, vị thế của công nhân ở nhiều nước không có gì khác so với thế kỷ 19-tức là công nhân “làm thuê, không có quyền định đoạt sản xuất và phân phối”... Hoặc cũng có nhận xét rằng “hiện nay trên thế giới không thấy phong trào công nhân, chỉ thấy các phong trào xã hội”. Bên cạnh đó, một số người cho rằng, hiện nay, “SMLS của GCCN chỉ còn được tiếp tục ở một vài nước đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”...
 
 
Công nhân hoàn thiện linh kiện giảm chấn băng cao su kỹ thuật cao. Ảnh: TTXVN
 
    Trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện đại, vấn đề SMLS của GCCN là trọng điểm đấu tranh của cả GCCN và giai cấp tư sản, CNXH và CNTB cùng nhiều sắc thái chính trị-xã hội khác nhau. Họ biết rõ rằng, SMLS của GCCN là cốt lõi của CNXH khoa học và phủ nhận được sứ mệnh này là phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của GCCN và đảng cộng sản. Gần đây, trong xu thế phát triển của thế giới với trình độ kinh tế tri thức và hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, cũng có ý kiến cho rằng, “trong kinh tế tri thức thì SMLS là của trí thức chứ không phải của công nhân”. Đây là một nhận thức không đầy đủ.
     Những phân tích sau đây có thể góp phần làm rõ hơn nhận thức liên quan đến vấn đề trí thức và SMLS của GCCN trong thời đại ngày nay:
     Trí thức có vai trò rất quan trọng nhưng không thể thay thế sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
     Thứ nhất, cho dù tri thức, kiến thức khoa học có vai trò to lớn, nhưng phát triển hiện đại không vì thế mà không cần đến sản phẩm vật chất để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu của mình (chẳng hạn ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, xây dựng, chữa bệnh...). Tất cả nhu cầu ấy lại chỉ có thể được thỏa mãn thông qua sản xuất vật chất và thường là thông qua sản xuất công nghiệp. Chỉ có sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp mới có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của gần 8 tỷ người trên thế giới hiện nay. Vì vậy, nhân loại hiện nay vẫn cần tới sản xuất vật chất và lao động của GCCN để tồn tại và phát triển.
     Thứ hai, GCCN hiện đại đang được trí thức hóa, trí tuệ hóa trong các cuộc cách mạng công nghiệp. Yêu cầu khách quan của sản xuất, dịch vụ hiện đại và vận hành nền sản xuất công nghiệp hiện đại đòi hỏi GCCN không ngừng nâng cao năng lực lao động, làm chủ khoa học và công nghệ. Hiện nay, khoảng 40% công nhân của các nước G7 có trình độ đại học. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (năm 2002), gần 70% công nhân Nhật Bản có trình độ đại học. Với trình độ như vậy, trên thực tế, người ta dùng khái niệm công nhân-trí thức để chỉ nhóm lao động trình độ cao này. Thế nên, quan niệm công nhân “là người lao động thừa hành, trình độ học vấn thấp” đã lạc hậu và bất cập với thực tế.
     Thứ ba, SMLS của GCCN tự nó đã mang một hàm lượng tri thức rất lớn và bản thân GCCN cũng đang trí tuệ hóa, đang tạo ra một lớp trí thức-công nhân trong lực lượng lao động của mình. Họ là các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ đang hằng ngày hoàn thiện, phát triển để tăng năng suất lao động, bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về kinh tế-xã hội và môi trường. Xã hội gọi nhóm lao động này là trí thức-công nhân hay nguồn nhân lực trình độ cao. Theo đó, cả về lý luận và thực tiễn, SMLS của GCCN không xa lạ gì với tri thức, trí thức, khoa học hiện đại. Việc tách rời tri thức với quá trình thực hiện SMLS của GCCN là một cái nhìn phiến diện.
     Thứ tư, trí thức là nhóm lao động sản xuất ra các giá trị tinh thần; còn công nhân là nhóm lao động sản xuất vật chất. Sản xuất vật chất, các quá trình kinh tế xét đến cùng, bao giờ cũng là yếu tố quyết định nhất. Tri thức và lao động của họ, có vai trò rất quan trọng trong phát triển hiện đại nhưng bao giờ cũng cần đến việc chuyển hóa những giá trị tinh thần đó vào thực tiễn. Những công thức, ý tưởng sáng tạo, phần mềm (software) hay nói chung là phát kiến khoa học đều cần tới công nghệ để thể hiện ra giá trị của mình. Trên thực tế, nhiều sản phẩm tinh thần chỉ có thể bộc lộ giá trị thông qua việc hóa thân vào những ứng dụng công nghệ. Khoa học cần công nghệ để thể hiện ra, công nghệ cần khoa học để tiến hóa. Hai quá trình thực tiễn này hiện nay đã gần gũi lại trong một lĩnh vực hoạt động mà hiện nay thường gọi là “cách mạng khoa học và công nghệ”. Thông qua thực tiễn đó có thể nhận định: Sản xuất vật chất là cái quyết định, sản xuất tinh thần là để phục vụ cho quá trình tồn tại của xã hội. Sáng tạo tinh thần như khoa học, văn hóa, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong phát triển xã hội hiện đại, nhưng nếu chỉ tinh thần thôi thì chưa đủ nền tảng cho phát triển bền vững của xã hội loài người.
     Thứ năm, SMLS thực chất là sự nghiệp của một giai cấp đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo xã hội xây dựng một hình thái kinh tế-xã hội mới. Để làm tròn trách nhiệm ấy, đòi hỏi giai cấp có SMLS phải đạt được những yêu cầu, đặc điểm riêng. Điều đó tập trung ở 4 nội dung: Phải là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ xã hội, bao gồm cả về kinh tế (xu thế phát triển sản xuất) và chính trị (đại diện cho xu thế dân chủ hóa); phải là đại diện cho lợi ích chung của xã hội, các giai tầng và cả dân tộc; phải có một hệ tư tưởng riêng vừa phản ánh nhận thức về quy luật vận động đương thời, vừa thể hiện tính tiền phong về lý luận; phải có kết cấu, tổ chức chặt chẽ với một hạt nhân là chính đảng của giai cấp...
     Một giai cấp muốn đảm nhận sứ mệnh xác lập một hình thái kinh tế-xã hội mới, nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện trên. Đội ngũ trí thức không hội đủ các điều kiện ấy. Ngộ nhận về sự tăng lên của vai trò trí thức trong phát triển hiện đại đôi khi khiến người ta lãng quên những mối quan hệ, các đặc điểm và vị thế của trí thức trong tồn tại xã hội. Trí thức có công khái quát những tri thức lý luận và nâng cao trình độ nhận thức của phong trào công nhân. Trí thức có thể cùng với GCCN và nhân dân làm nên lực lượng của cách mạng XHCN. Thực hiện SMLS của mình, GCCN cần đến sự hợp tác của trí thức và tự mình nâng cao tri thức, kỹ năng lao động hiện đại. Nhưng đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng XHCN thì chỉ có GCCN mới đủ cơ sở, điều kiện, năng lực thực tế.
     Tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
     Cách mạng XHCN coi việc giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công và để con người phát triển trong công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là mục tiêu cao nhất. Sứ mệnh hàng đầu của GCCN là bằng phương thức lao động công nghiệp để sản xuất ra của cải vật chất ngày càng nhiều hơn, tốt hơn cho quá trình phát triển của nhân loại. Từ đó, họ tạo ra các tiền đề, điều kiện vật chất cho xã hội mới.
     Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác và từ thực tiễn hiện nay, GCCN ở tất cả quốc gia với trình độ phát triển khác nhau vẫn đang tiếp tục thực hiện SMLS của mình với nhiều trình độ, cách thức khác nhau. Thậm chí, dưới góc nhìn của chủ nghĩa duy vật lịch sử, hiện nay, chính GCCN ở các nước TBCN phát triển, bằng việc làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại, bằng năng suất lao động cao lại đang đóng góp tích cực cho việc thực hiện nội dung kinh tế kỹ thuật của SMLS của GCCN. 
     Có thể khẳng định rằng, SMLS toàn thế giới của GCCN là một học thuyết về giải phóng và phát triển hiện đại do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin luận giải một cách khoa học, hệ thống. Đây là vũ khí tư tưởng của các đảng cộng sản, của GCCN trong cuộc đấu tranh với ý thức hệ tư sản và các thế lực thù địch với CNXH. Chúng ta cần luôn cảnh giác phát hiện và đấu tranh với những tư tưởng sai lầm, xuyên tạc để bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng của lý luận về SMLS của GCCN và qua đó, bảo vệ chế độ XHCN cần được xem là nhiệm vụ thường trực.
     Ở Việt Nam, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc rằng, thực hiện thành công sự nghiệp “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước nhanh và bền vững” để tạo ra cơ sở vật chất cho CNXH và “xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh” cần được xem là những cơ sở hiện thực, phương hướng chính để làm rõ và khẳng định SMLS của GCCN Việt Nam đối với dân tộc và sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.
 
Nguồn: qdnd.vn

Tin liên quan