Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ
Thông tin tuyên truyền tháng 9/2022
05-09-2022 08:02
Ngày 05/8/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, hội, đoàn thể, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. Theo báo cáo tại hội nghị, mục tiêu của chương trình NTM đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM; 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 60% số thôn, bản, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM… Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 là 39.632 tỷ đồng. Đối với kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, cả nước đã có 5.813/8.227 xã (chiếm 70,7%) đạt chuẩn NTM, tăng 2,4% so với cuối năm 2021, trong đó có 803 xã NTM nâng cao, 94 xã NTM kiểu mẫu; 254 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 41 đơn vị so với cuối năm 2021; 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đối với tỉnh Lạng Sơn, đến tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh có 75/181 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 14,03 tiêu chí; 93 khu dân cư NTM kiểu mẫu được công nhận đạt chuẩn; 12 vườn mẫu đạt chuẩn… Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 115/181 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 32 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 12 xã kiểu mẫu; xây dựng và công nhận mới 30 khu dân cư NTM kiểu mẫu; huyện Đình Lập đạt chuẩn huyện NTM. Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: xây dựng NTM là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới. Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẵn sàng lắng nghe và kịp thời phản hồi nhanh nhất để không ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện của các địa phương; ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép các nguồn lực, huy động xã hội hóa thực hiện chương trình; các cơ quan liên quan, các địa phương cần thay đổi cách tiếp cận với tư duy mới, không chỉ tập trung vào hạ tầng mà còn quan tâm phát triển sản xuất, văn hóa, môi trường; tổ chức lại sản xuất tăng thu nhập cho người dân theo hướng hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ, phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)…
Ngày 10/8/2022, diễn ra Lễ khai mạc phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Dự lễ khai mạc có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đại diện lãnh đạo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 được tổ chức từ ngày 10/8 - 16/8/2022 tại Hà Nội với quy mô hơn 150 gian hàng của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất đến từ các vùng, miền trên cả nước. Tại phiên chợ, hội chợ, trưng bày phong phú nhiều mặt hàng như nông, lâm thuỷ sản, đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề nông thôn Việt Nam. Đến với Phiên chợ lần này tỉnh Lạng Sơn có 30 gian hàng của tất cả các huyện thành phố, với hầu hết các sản phẩm đặc sản thế mạnh của Lạng Sơn như: na, hoa hồi, thạch đen, rau đặc sản các loại, chè các loại, sản phẩm dược liệu ba kích, sa nhân, mật ong... Đặc biệt tại chương trình này có sự kết hợp với tuần lễ quảng bá na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn tại Hà Nội. Hiện nay, sản lượng na tỉnh Lạng Sơn hàng năm đạt trên 40 nghìn tấn, tổng giá trị sản xuất na thu được ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên ha canh tác na đạt 275 triệu/ha... Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là sự kiện hết sức ý nghĩa, hỗ trợ tích cực trong việc quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đặc sản vùng miền đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo cơ hội kết nối hợp tác tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản của Việt Nam. Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn cũng đã chủ động, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng của Quảng Tây- Trung Quốc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm sản; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và thu hút doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn. Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Lạng Sơn mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn; tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hợp tác và phát triển. Trong chương trình, đại diện các đơn vị đã cùng tham dự Diễn đàn kết nối nông sản 970 “kết nối tiêu thụ na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022”. Diễn đàn được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của các đơn vị tiêu thụ sản phẩm và một số tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời trong chương trình cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ na và nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn.
Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.Theo báo cáo tại hội nghị, trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động; doanh thu một số ngành tăng mạnh so với cùng kỳ như xây dựng, dịch vụ lưu trú; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước tăng 16% so với cùng kỳ 2021; kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh ở một số ngành hàng như sản phẩm điện tử máy tính, dệt may, giày dép. Mặc dù hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp có quy mô lớn còn ít; năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh chụp giật, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn… Đối với tỉnh Lạng Sơn, 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 57% kế hoạch với số vốn đăng ký 3.689 tỷ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ; có 138 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Lũy kế toàn tỉnh có 3.640 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 37.050 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định trở lại, trong đó có khoảng 2.900 doanh nghiệp ngoài quốc doanh có phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh còn thấp…Trong 7 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách khoảng 450 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ 2021. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm vừa qua. Đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp đã cùng đất nước, Nhân dân từng bước vượt qua khó khăn. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính mạnh mẽ; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược; tiếp tục tập trung chuyển đổi số. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động kết nối giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc lại doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, tăng cường hợp tác để phát triển bền vững…
Ngày 15/8/2022, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội nghị phổ biến, học tập tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và trực tiếp truyền đạt các nội dung. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp với 234 điểm cầu và hơn 18.400 đại biểu tham dự. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm. Dự hội nghị còn có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh… Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế nổi bật hiện nay. Đồng thời, phổ biến, giới thiệu những nội dung cốt lõi của tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác phẩm gồm tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu, chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến cuối năm 2021. Trong đó, tác phẩm tập trung lý giải các câu hỏi lớn của đất nước như: Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là gì? Vì sao Việt Nam chọn con đường đi lên CNXH? Làm thế nào và bằng cách nào để xây dựng CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới của Việt Nam trong 35 năm qua có ý nghĩa như thế nào và đặt ra vấn đề gì để đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian tới? Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, hội nghị là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về CNXH, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Qua đó tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược mà Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Đồng chí đề nghị sau hội nghị, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tập trung tổ chức nghiêm túc đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng này gắn với sinh hoạt chính trị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về CNXH, bản chất, mục tiêu, quy luật khách quan của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Chủ động đưa việc tuyên truyền, giới thiệu nội dung cốt lõi của tác phẩm vào sinh hoạt của cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ, trên các các trang thông tin điện tử, ứng dụng nền tảng mạng xã hội, hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí.
Ngày 18/8/2022, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm "Số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam". Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành chủ trì hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tuyến với trên 1.100 điểm cầu cả nước. Dự hội thảo tại điểm cầu Lạng Sơn có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh. Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trình bày tổng quan về số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, việc triển khai số hoá theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam. Đồng thời, nghe các chuyên gia của Pháp trình bày kinh nghiệm số hoá của Pháp và ý kiến đối với thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm của Pháp về chuẩn hoá biểu mẫu. Đại biểu tại các điểm cầu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC. Giải pháp nhằm tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến... Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hay trong việc xây dựng kho dữ liệu chung để kết nối, chia sẻ dữ liệu, tạo sự hài lòng cho người dân cũng như giúp môi trường đầu tư từng bước được cải thiện, tăng sức cạnh tranh, cách làm đột phá của nhiều địa phương trong thời gian qua. Hội thảo cũng có ý nghĩa thiết thực với mục tiêu của Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với định hướng triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 19/8/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022 - 2023. Dự có đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Đinh Hữu Học, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Theo báo cáo tại hội nghị, năm học 2021 - 2022 , ngành GD&ĐT tỉnh đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ năm học đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Qua đó, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì, đảm bảo. Cụ thể, đối với cấp mầm non, 200/200 xã và 11/11 huyện, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; cấp tiểu học, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến với 54,8% học sinh được đánh giá hoàn thành tốt môn Tiếng việt (tăng 5% so với năm trước) và 60,7% học sinh được đánh giá hoàn thành tốt môn toán (tăng 5,5% so với năm học trước). Ở cấp THCS, THPT và khối giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp, 100% các đơn vị, trường học đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT, đảm bảo yêu cầu thực hiện nội dung cốt lõi theo chương trình và tiến độ năm học. Cùng với công tác giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn có sự chuyển biến, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 54 thí sinh dự thi. Kết quả có 12 thí sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 3 giải ba, 8 giải khuyến khích (tăng 2 giải so với năm 2020-2021).Trong năm học 2022 - 2023, toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2022 được UBND tỉnh giao; làm tốt công tác rà soát, quy hoạch, sắp xếp trường lớp học; thực hiện các giải pháp tích cực nhằm giảm các điểm trưởng, lớp ghép, giảm các trường có quy mô nhỏ; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy, học và quản lý giáo dục… Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục trong duy trì, nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh trong năm học vừa qua.Về nhiệm vụ trong năm học tới, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu: ngành GD&ĐT tỉnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo đã nêu. Đồng thời, cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cùng đó, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh; tăng cường công tác truyền thông về chủ trương đổi mới GD&ĐT, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; rà soát sắp xếp các cơ sở giáo dục đảm bảo tinh gọn; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập…. Nhân dịp này, có 33 tập thể nhà trường được tặng cờ thi đua của UBND tỉnh với thành tích là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; 14 cá nhân có thành tích xuất sắc được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua; 12 cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn tỉnh được trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD&ĐT.
Ngày 22/8/2022, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Hội nghị được kết nối tới các huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Đến nay tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn; ban hành các Nghị quyết HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm: phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới… Theo đó, giao vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí là trên 4.018 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương trên 652 tỷ đồng. Đối với vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 là trên 1.300 tỷ đồng. Đối với các huyện, thành phố, đến hết ngày 5/8/2022, có huyện Văn Quan đã hoàn thành giao kế hoạch vốn chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và năm 2022, các huyện, thành phố còn lại đang triển khai. Tại hội nghị, các đại biểu dự họp đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến lồng ghép nguồn vốn, phân cấp thực hiện dự án, quy định cơ chế quay vòng vốn, hướng dẫn ban hành các chỉ tiêu thuộc trách nhiệm quy định của tỉnh, vấn đề giải ngân vốn... Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận sự nỗ lực, tích cực, chủ động của các cấp ngành, các địa phương trong thực hiện 3 chương tình MTQG trên địa bàn tỉnh. Đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: nhiều huyện chưa trình Hội đồng nhân dân cùng cấp để phân bổ nguồn vốn; công tác triển khai một số dự án, tiểu dự án còn chậm; việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình MTQG còn lúng túng; công tác tham mưu thực hiện của một số sở, ngành còn chậm. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương trình HĐND cùng cấp phân bổ nguồn vốn và phải xong trong tháng 8/2022; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các xã, phát huy vai trò Ban Chỉ đạo các cấp. Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành khẩn trương ban hành hoặc tham mưu, đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, hoàn thành trong tháng 9/2022; trong truờng hợp chưa có hướng dẫn của Trung ương thì cần có văn bản hướng dẫn tạm thời để có định hướng thực hiện cho các huyện, thành phố; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện các chương trình MTQG, trong đó, cần có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả tối đa nguồn vốn. Đồng chí nhấn mạnh, các huyện, thành phố phải tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG, quyết tâm phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn được phân bổ trong năm 2022./.
Tin tổng hợp
ĐẤU TRANH CHỐNG SỰ PHÁ HOẠI,
XUYÊN TẠC LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện từ mùa xuân năm 1930 và đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhờ đó đất nước Việt Nam “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1).
Ảnh minh họa: TTXVN
Hiện thực lịch sử vẻ vang đó được toàn dân tộc thừa nhận, tự hào và bạn bè quốc tế khâm phục, quý trọng. Đó là sự thật, không ai có thể phủ nhận. Nhưng vẫn có những thế lực thù địch, phản động ở trong nước và ở nước ngoài cố tình xuyên tạc lịch sử Đảng hòng hạ thấp và chống phá sự lãnh đạo của Đảng.
1. Có một số thế lực cố tình phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và tầm vóc, giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Họ coi đó chỉ là sự “ăn may” của cộng sản, Việt Minh. Thực tế lịch sử đã khẳng định Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng diễn ra liên tục suốt 15 năm với sự lãnh đạo của Đảng từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945.
Trong phong trào giải phóng dân tộc, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát triển, hoàn thiện đường lối, đặt mục tiêu giành độc lập dân tộc lên hàng đầu; xây dựng lực lượng chính trị rộng lớn, đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng rộng khắp trên cả nước; xác định phương pháp đấu tranh đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa giành độc lập và chính quyền; dự báo và nắm bắt thời cơ cách mạng. Đó là những điều căn bản và quyết định thắng lợi của cách mạng.
Điểm nổi bật có giá trị lý luận và thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý đúng đắn vấn đề tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ. Thời cơ bảo đảm cho cách mạng nổ ra và giành thắng lợi là: Cao trào cách mạng của nhân dân cả nước phát triển mạnh mẽ (Đảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945); kẻ địch lâm vào khủng hoảng, hoang mang, mất sức chiến đấu (Pháp chạy, Nhật hàng Đồng minh); các tổ chức đảng và Việt Minh đủ mạnh trên cả nước, quyết tâm lãnh đạo đưa quần chúng vào hành động cách mạng. Cùng với nắm bắt thời cơ, Đảng đã chỉ rõ nguy cơ: Quân Đồng minh (Anh và Trung Hoa dân quốc) kéo vào giải giáp quân Nhật và lợi dụng danh nghĩa đó để xâm chiếm Việt Nam; lợi dụng sự thất bại của Nhật, quân Pháp quay lại áp đặt sự cai trị như trước ngày 9-3-1945. Đảng đã lãnh đạo cách mạng thắng lợi trước khi quân Đồng minh vào và trước khi quân Pháp quay lại.
Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang từ ngày 14 đến 15-8-1945 quyết định tổng khởi nghĩa với nguyên tắc chỉ đạo: Tập trung, thống nhất, kịp thời và nhanh chóng giành thắng lợi trong nửa cuối tháng 8-1945. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã xóa bỏ chế độ thuộc địa gần một thế kỷ và chế độ quân chủ phong kiến hàng nghìn năm, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
2. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945-1954) do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là cuộc kháng chiến thần thánh với những chiến công vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Bạn bè quốc tế nhắc đến Điện Biên Phủ gắn liền với Việt Nam-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp. Vậy mà đến nay vẫn có thế lực cố tình xuyên tạc. Họ cho rằng có thể tránh được cuộc chiến tranh "nếu phía Việt Nam không hiếu chiến".
Sự thật đã bác bỏ quan điểm sai trái đó. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.
Lập trường hòa bình và sự nhân nhượng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa rất rõ ràng. Khi kháng chiến diễn ra ở Nam Bộ, ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh đã ký với J.Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Hà Nội bản Hiệp định Sơ bộ cho phép 15.000 quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc; Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính riêng trong liên bang Đông Dương và thuộc khối liên hiệp Pháp. Đó là sự nhân nhượng rất lớn nhưng cần thiết mặc dù Pháp chưa công nhận Việt Nam độc lập và còn phải ở trong khối liên hiệp Pháp. Nhân nhượng đó thể hiện mong muốn hòa bình và quan hệ thân thiện với nước Pháp. Để thúc đẩy quá trình đó, ngày 25-4-1946, đoàn Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu thăm nước Pháp. Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội thăm chính thức nước Pháp với mong muốn hòa bình và hợp tác giữa hai nước. Ngày 6-7-1946, cuộc đàm phán Việt-Pháp bắt đầu ở Fontainebleau (Pháp). Do phía Pháp không thành thật muốn đàm phán nên giải pháp hòa bình không thành. Trước khi trở về nước ngày 14-9-1946, Hồ Chí Minh ký bản Tạm ước với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet nhân nhượng một số quyền lợi của Pháp ở Việt Nam. Ngày 18-10-1946, về đến cảng Cam Ranh, Hồ Chí Minh gặp Cao ủy Pháp D’Argenlieu trao đổi về thực hiện Tạm ước 14-9.
Sau khi ra miền Bắc, quân đội Pháp liên tiếp gây hấn, vi phạm Hiệp định Sơ bộ 6-3. Ngày 20-11-1946, Valluy, Quyền Cao ủy Pháp, ra lệnh cho quân Pháp tấn công Hải Phòng. Ở Hà Nội, quân Pháp trắng trợn dùng vũ lực và đòi kiểm soát thành phố. Trước hành động chiến tranh của Pháp, dân tộc Việt Nam buộc phải chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội Pháp mong muốn chấm dứt chiến sự, nối lại đàm phán nhưng phía Pháp không đáp lại. Bàn tay hòa bình của Việt Nam đưa ra nhưng phía Pháp đã không đáp lại bằng thái độ hòa bình. Chính phủ Pháp đã lao sâu vào cuộc chiến tranh mà chính người Pháp gọi là chiến tranh phi nghĩa, “chiến tranh bẩn thỉu” để cuối cùng nhận lấy thất bại đau đớn.
3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) phải vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh mới đi đến Ngày toàn thắng 30-4-1975, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập hoàn toàn và thống nhất Tổ quốc. Chính giới Hoa Kỳ và các tướng lĩnh Mỹ thừa nhận hành vi chiến tranh của họ ở Việt Nam, những bài học và nguyên nhân thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam có lời sám hối về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Chính phủ Mỹ và những tội ác do họ gây ra, mong muốn được góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là sự tàn phá của chất độc da cam/dioxin. Vậy mà vẫn có những tiếng nói lạc lõng, trắng trợn, coi chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc “nội chiến” giữa phe cộng sản và phe quốc gia. Đó là sự xuyên tạc lố bịch nhất.
Năm 1950 mở đầu sự can thiệp của Mỹ khi tàu chiến Mỹ đến cảng Sài Gòn và ngày 19-3-1950, 30 vạn nhân dân Sài Gòn biểu tình chống Mỹ can thiệp. Sau thảm bại của Pháp ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), tháng 6-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng trong Chính phủ Bảo Đại do Pháp dựng lên từ ngày 13-6-1949. Đó là sự chuẩn bị để Mỹ thay thế Pháp ở Việt Nam. Sau Hiệp định Geneva được ký kết (tháng 7-1954), Việt Nam tạm chia làm hai miền với Vĩ tuyến 17. Ở miền Nam, Mỹ chính thức thay chân Pháp khi quân Pháp rút hết về nước (28-4-1956). Mỹ dựng lên chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, từ chối hiệp thương với miền Bắc để tổng tuyển cử thống nhất đất nước như quy định của Hiệp định Geneva, mưu toan chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng lên là bất hợp pháp, giả hiệu; là phản dân, hại nước. Ngụy là giả. Vì vậy, chính quyền và quân đội do Mỹ xây dựng được gọi là ngụy quyền, ngụy quân. Họ không đại diện cho quốc gia, dân tộc dù họ tự gọi mình là "chính phủ quốc gia", “chính nghĩa quốc gia”. Ngày 13-5-1957, tại Mỹ, Ngô Đình Diệm trắng trợn tuyên bố: “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến Vĩ tuyến 17”(2). Lời tuyên bố đó và cả hành động thực tế đã cho thấy bản chất của một chính quyền tay sai, bán nước, công cụ chiến tranh của Mỹ, hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ suốt đến sau này. Khi chính quyền đó không đáp ứng được lợi ích của Mỹ thì Mỹ sẵn sàng gạt bỏ, “thay ngựa giữa dòng”. Cái chết bi thảm của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 đã chứng tỏ điều đó.
Mỹ đã lần lượt thất bại trong mô hình thực dân mới ở miền Nam Việt Nam; trong “Chiến tranh đặc biệt” 1961-1964, “Chiến tranh cục bộ” 1965-1968 và “Việt Nam hóa chiến tranh” 1969-1975. Có những hành động chiến tranh vô cùng tàn bạo của Mỹ như rải chất độc hóa học hủy diệt sự sống ở miền Nam (10-8-1961); ném bom miền Bắc từ ngày 5-8-1964; ồ ạt đưa quân Mỹ tham chiến ở miền Nam (8-3-1965); sử dụng lượng vũ khí lớn ở Thành cổ Quảng Trị; ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Cuối cùng, quân Mỹ đã thất bại, chấp nhận ký Hiệp định Paris (27-1-1973), rút hết quân Mỹ về nước. Cách mạng Việt Nam phát triển, đánh sập ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
4. Vào những năm 1988-1991, các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Do chủ nghĩa xét lại, cơ hội, sự suy thoái trong các Đảng Cộng sản cầm quyền và sự phản bội đã dẫn tới sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động ở Việt Nam cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội đã thất bại. Họ coi việc truyền bá lý luận Mác-Lênin vào Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là sai lầm. Họ đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ sự lãnh đạo, thực hiện chế độ đa đảng và đa nguyên chính trị, xóa bỏ con đường xã hội chủ nghĩa.
Đảng đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn, đề ra các nguyên tắc chỉ đạo đổi mới kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ dứt khoát lựa chọn từ năm 1930; trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bác bỏ đa nguyên, đa đảng. Đảng đề ra "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (1991) và bổ sung, phát triển năm 2011. Nhờ vậy, công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế phát triển, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hội nhập quốc tế và đối ngoại ngày càng mở rộng, đời sống về mọi mặt của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Việt Nam vẫn vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố tác phẩm quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đó là công trình tổng kết quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ đổi mới, làm sáng tỏ mục tiêu, mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, các giải pháp và quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với lý luận khoa học và thực tiễn Việt Nam, đóng góp vào kho tàng lý luận về chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là vì nhân dân, vì con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”(3).
Đất nước và dân tộc Việt Nam do Đảng lãnh đạo đang phát triển mạnh mẽ, vững chắc trên con đường đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học và hiện thực. Mọi sự phá hoại, xuyên tạc lịch sử Đảng và sự lãnh đạo của Đảng không cản trở được khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2021, tập I, trang 25.
(2) "Ngoại giao Việt Nam 1945-2000", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2002, trang 477.
(3) Nguyễn Phú Trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2022, trang 21./.
Theo qdnd.vn