Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 10/2022

09-10-2022 20:21

     

     Ngày 30/8/2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ trao học bổng Chương trình “Vì em hiếu học” năm học 2022 - 2023 cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi lễ có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Viettel Lạng Sơn; đại diện lãnh đạo một số sở, Hội khuyến học tỉnh. Chương trình “Vì em hiếu học” do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và Hội Khuyến học Việt Nam triển khai từ năm 2014, để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi với thông điệp giản dị “Khi triệu ước mơ nhỏ cần một nghĩa cử lớn”. Năm 2022 là năm thứ 8 Viettel Lạng Sơn triển khai chương trình “Vì em hiếu học” cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Tại buổi lễ, lãnh đạo Viettel Lạng Sơn đã trao tặng 960 suất học bổng trị giá 1 tỉ 920 triệu đồng cho đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, để trao cho các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp, hỗ trợ của Viettel Lạng Sơn đối với các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là đối với ngành giáo dục và đào tạo về công tác hỗ trợ học sinh và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn, thời gian tới Viettel Lạng Sơn tiếp tục đồng hành cùng với các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động, công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, qua đó cùng với tỉnh thực hiện tốt mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở những khu vực còn nhiều khó khăn. Đồng thời, tiếp tục triển khai hạ tầng thông tin đến các khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng xã hội số trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng xây dựng kế hoạch, phân bổ các suất học bổng để trao cho các em học sinh nghèo học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn hiếu học trên địa bàn tỉnh ngay đầu năm học mới 2022 - 2023, để tiếp bước cho các em đến trường.

     Ngày 31/8/2022, Tỉnh ủy tổ chức chương trình tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng. Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: đây là dịp tôn vinh, cổ vũ các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian qua, tạo sức lan tỏa trong Đảng bộ và toàn xã hội. Qua đó khẳng định giá trị, ý nghĩa thời đại của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong toàn tỉnh. Đồng thời, mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong học và làm theo gương Bác, góp phần làm cho di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của cả dân tộc. Theo báo cáo tại hội nghị, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua, các cấp ủy đảng luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện, qua đó đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các quy định của Đảng về nêu gương gắn với thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Đảng. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến nay, toàn tỉnh đã có 623 mô hình đăng ký học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng; kinh tế, văn hóa, xã hội; cải cách hành chính; giáo dục, y tế; quốc phòng, an ninh; xây dựng nông thôn mới…Tại hội nghị, Tỉnh ủy đã tuyên dương, vinh danh 46 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, có 01 tập thể, 2 cá nhân tiêu biểu được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 1 tập thể, 2 cá nhân được đề nghị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen; 14 tập thể và 26 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
      Ngày 12/9/2022, Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Viện Lịch sử Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học xác định ngày thành lập/ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đại diện thường trực các huyện ủy, thành ủy, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Lạng Sơn đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Do bối cảnh của lịch sử, cho đến nay, mốc thời gian chính thức về ngày thành lập Đảng bộ tỉnh vẫn chưa được xác định cụ thể. Đây là vấn đề lớn, rất quan trọng cần được nghiên cứu, xác minh để bổ sung vào lịch sử Đảng bộ tỉnh, góp phần phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Viện Lịch sử Đảng tổ chức sưu tầm, tra cứu nguồn tư liệu lịch sử, nghiên cứu các công trình, ấn phẩm đã xuất bản để khai thác thông tin, tìm kiếm nguồn tư liệu liên quan đến ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, tuy nhiên, chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập cụ thể đến sự kiện ngày thành lập chi bộ/ đảng bộ đầu tiên của tỉnh. Các tài liệu chỉ ghi vào giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới Thụy Hùng, Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc) tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng, là chi bộ đầu tiên ở châu Văn Uyên và tỉnh Lạng Sơn với 5 đảng viên. Đây là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, đảm nhận vai trò quan trọng làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn. Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, thảo luận về các vấn đề như nguyên tắc, phương pháp, tiêu chí xác định ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, các căn cứ lịch sử, khoa học, thực tiễn đối với những sự kiện liên quan đến ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, đề xuất ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh và các cơ sở khoa học để xác định. Đa số các đại biểu thống nhất chọn ngày giữa năm 1933 gắn với thành lập Chi bộ đầu tiên là ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Kết luận hội thảo, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Trên cơ sở kết quả hội thảo, đồng chí đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Viện Lịch sử Đảng và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu các thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan, sớm tham mưu, đề xuất cụ thể ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn để Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, quyết định.
     Ngày 14/9/2022, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin đối ngoại và công tác báo chí năm 2022. Dự hội nghị có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, người phát ngôn các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan báo chí địa phương và trung ương thường trú tại tỉnh Lạng Sơn. Phát biểu khai mạc, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác thông tin đối ngoại và công tác báo chí là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và tư tưởng của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, công tác này đã được lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương của tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sắc, đồng thời đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế trong kỹ năng phát ngôn, trả lời chất vấn và tiếp xúc với báo chí, chậm thông tin, còn né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí… Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia trao đổi, thảo luận để bổ sung những kỹ năng cần thiết; đồng thời, sẽ vận dụng, nâng cao các kỹ năng trong phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định; từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí thực hiện quyền và trách nhiệm trong việc tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời, đưa thông tin đến bạn đọc nhanh chóng, toàn diện, góp phần định hướng dư luận. Đồng chí cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác báo chí cần thường xuyên hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra các hoạt động báo chí trên địa bàn. Đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với tỉnh trong công tác tuyên truyền những kết quả, thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.Tại hội nghị, các đại biểu đã được truyền đạt các nội dung căn bản về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; kỹ năng, kinh nghiệm tiếp xúc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; xử lý và phản hồi thông tin báo chí, khủng hoảng truyền thông. Đồng thời được giải đáp, tháo gỡ một số tình huống giao tiếp báo chí trong thực tiễn.
     Ngày 15/9/2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Theo báo cáo tại hội nghị, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, công tác cải cách TTHC đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật, trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 1.750 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Về đổi mới thực hiện TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh, thành phố lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất,…Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương, đã cung cấp trên 3.800 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái gần 130 triệu hồ sơ, hơn 2,7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến. Đồng thời, đã hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định và đánh giá cao những kết quả trong triển khai thực hiện cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, nhất là những cấp điều hành liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, kiên quyết loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong cải cách thủ tục hành chính, với phương châm: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu, làm động lực của cải cách thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả công tác này”. Cùng với đó, Cải cách hành chính phải bám sát với thực tiễn yêu cầu của xã hội, của cuộc sống; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm tầng nấc trung gian, giúp người dân, doanh nghiêp tiếp cận tốt các chính sách, cơ chế. Tạo ra sự thân thiện, hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp; khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, bảo vệ lợi ích chung trong cải cách thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến độ số hóa các dịch vụ công; cố gắng giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ công đúng hẹn đạt 90% trở lên; phấn đấu đến cuối năm 2022, 100% hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp được cập nhật trên cổng thông tin của bộ, ngành và các địa phương,…
     Trong 2 ngày 20 - 21/9/2022, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tổ chức Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027. Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trung tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng 197 đại biểu đại diện cho gần 36.000 hội viên cựu chiến binh (CCB) của tỉnh. Trong nhiệm kỳ qua, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, hội viên Hội CCB tỉnh đã hoàn thành 9/9 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Hội CCB tỉnh lần thứ VI đề ra. Toàn hội tiếp tục duy trì được trên 1.250 mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, vận động trên 700 hội viên tự nguyện hiến trên 100.000m2 đất, đóng góp trên 310.000 ngày công lao động và trên 2,7 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Các hội viên đã ủng hộ các Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Vì người nghèo"… với số tiền trên 7,4 tỷ đồng, ủng hộ Quỹ phòng chống dịch COVID-19 được gần 1,2 tỷ đồng. Kết nạp được trên 4.400 hội viên, đạt tỷ lệ 193%. Tổ chức 04 đợt cho trên 70 CCB nhiễm chất độc da cam/đioxin đi điều dưỡng ở Làng Hữu Nghị Hội CCB Việt Nam, tổ chức thăm và tặng quà tri ân 319 CCB tham gia cuộc Kháng chiến chống Pháp với số tiền trên 200 triệu đồng, hỗ trợ xoá được 255 nhà dột nát cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ qua, Hội CCB tỉnh được Trung ương Hội CCB Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Lạng Sơn tặng 3 Cờ Thi đua, 12 Bằng khen. Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội CCB tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí đề nghị nhiệm kỳ mới, với truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”, Hội CCB tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giao dục cho cán bộ, hội viên, cựu quân nhân nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và kế hoạch, chương trình công tác của Hội, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu của hội”, động viên hội viên CCB giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò tích cực trong tập hợp, đoàn kết hội viên, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Kết luận, Nghị quyết, Đề án của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác CCB trong giai đoạn cách mạng mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho các cấp hội, cán bộ, hội viên CCB tiếp tục thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, các đại biểu dự Đại hội đề cao trách nhiệm, tập trung dân chủ, sáng suốt lựa chọn các đồng chí tiêu biểu, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực, nhiệt tình, tâm huyết và được sự tín nhiệm cao vào Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2022-2027 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội đề ra. Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 21 đồng chí. Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2022-2027 họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ban Kiểm tra, Trưởng Ban Kiểm tra Hội CCB tỉnh. Trong chương trình, Đại hội đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam và khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ vừa qua.
     Ngày 21/9/2022, UBND tỉnh tổ chức họp sơ kết hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2022. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có lãnh đạo một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố. Theo báo cáo tại cuộc họp, trong 9 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện các nội dung của công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 36 quyết định công bố danh mục 463 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 14/9/2022, toàn tỉnh có 1.803 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục thực hiện cắt giảm thời hạn giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của 13 ngành với tổng số 82 TTHC (vượt kế hoạch 4 TTHC), tổng số thời gian cắt giảm 606,5/1.547 ngày, đạt tỷ lệ 39,20%… Trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 573.347 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 563.959 hồ sơ, đạt 98,36%, trong đó, có 563.125 hồ sơ trước và đúng hạn. Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác CCHC kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của một số sở, ngành, huyện chưa được quan tâm; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện còn chậm; việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến còn một số hạn chế;... Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đề ra những biện pháp, giải pháp quyết liệt để cải thiện, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp tục thực hiện tốt việc công bố, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, kịp thời phát hiện hạn chế và sớm có phương án khắc phục; đẩy mạnh cập nhật hồ sơ kết quả giải quyết TTHC trên môi trường mạng; kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quá trình giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức thực làm công tác kiểm soát, cải cách TTHC. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao các sở, ngành có liên quan khẩn trương khắc phục lỗi đồng bộ xử lý hồ sơ từ Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin điện tử của tỉnh; tổ chức tập huấn hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân để thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính; tuyên truyền tập huấn cho cá nhân, tổ chức và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao số lượng thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
     Ngày 25/9/2022, tại sân vận động Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn đã diễn ra Lễ khai mạc Đại hội Thể dục, thể thao (TDTT) tỉnh Lạng Sơn lần thứ IX năm 2022. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội; đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh bạn, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và hơn 11.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT), học sinh, sinh viên, vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Lễ khai mạc Đại hội TDTT được mở đầu bằng màn diễu binh, diễu hành biểu dương lực lượng của 26 khối thuộc LLVT và các đoàn VĐV tham dự Đại hội của các huyện, thành phố, các ngành. Ngay sau màn diễu binh, diễu hành là nghi thức thắp lửa truyền thống, ngọn đuốc được vận động viên Nông Văn Hữu, 01 trong 05 công dân Lạng Sơn ưu tú lần thứ nhất, Kiện tướng quốc gia Môn Wushu đã đạt 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng tại các Giải vô địch Wushu toàn quốc, đặc biệt là 02 Huy chương Đồng tại SEA Games 31 vừa qua, cùng với 10 vận động viên tiêu biểu là niềm tự hào của thể thao tỉnh Lạng Sơn, rước từ Khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy châm lên đài lửa Đại hội, biểu trưng cho sức mạnh, niềm tin vào sự phát triển phong trào TDTT của tỉnh. Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội khẳng định, trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm tới phát triển sự nghiệp TDTT, đồng thời ban hành nhiều chính sách xây dựng cơ sở vật chất, phát động phong trào TDTT quần chúng và đào tạo thể thao thành tích cao. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc giữ gìn các môn thể thao dân tộc được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực. nhiều VĐV của Lạng Sơn tham gia thi đấu cho Đội tuyển Quốc gia đã giành được những thành tích cao tại các đấu trường thể thao khu vực và châu lục. Đại hội TDTT tỉnh Lạng Sơn lần thứ IX được khai mạc là ngày hội lớn biểu dương sức mạnh của Đảng bộ và Nhân dân, khẳng định sự phát triển của công tác TDTT trong tỉnh. Với tinh thần thể thao Đoàn kết - Trung thực - Cao thượng và Tiến bộ, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chúc các VĐV thi đấu đạt kết quả cao nhất, đề nghị, Ban tổ chức, đội ngũ trọng tài điều hành công tâm, khách quan và chính xác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ vững kỷ luật. Tiếp đó, là màn đồng diễn chào mừng Đại hội với sự tham gia của hơn 1.150 người, với chủ đề “TDTT Lạng Sơn phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thông qua 3 chương gồm: hào khí Chi Lăng thời đại mới, TDTT Lạng Sơn chinh phục vinh quang, Lạng Sơn đổi mới sáng tạo - Giàu mạnh tương lai. Chương trình nghệ thuật đồng diễn kết hợp đương đại, văn hóa dân tộc, thể thao đã thể hiện được vẻ đẹp của con người Lạng Sơn: Khỏe mạnh - Trí tuệ - Năng động - Sáng tạo. Đại hội TDTT có 15 môn thi đấu, hơn 2.000 lượt VĐV tranh tài với 108 bộ huy chương (324 huy chương các loại). Đã tổ chức 11/15 môn trước khai mạc Đại hội, gồm: Bơi, Bóng bàn, Quần vợt, Bóng chuyền, Bóng đá, Việt dã, Bóng chuyền hơi, Bắn nỏ, Cờ vua, Cờ tướng, Vovinam. Sau khai mạc Đại hội, tổ chức thi đấu 04 môn, gồm: Đẩy gậy, Kéo co, Điền kinh, Cầu lông. Thông qua Đại hội, các VĐV có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tuyển chọn những VĐV xuất sắc của tỉnh để chuẩn bị tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX năm 2022.
     Ngày 26/9/2022, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng”. Đến dự tổng kết, trao giải có đồng chí Nguyễn Tuấn Nam, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối khoá XIV; thành viên Ban Tổ chức, Tổ thư ký, kỹ thuật cuộc thi; đại diện cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng và đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc cùng các cá nhân đạt giải thưởng cuộc thi. Nội dung thi tập trung vào những nội dung cơ bản, cốt lõi về bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin; nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác-Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng; nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và một số chỉ thị, quy định của Đảng về công tác xây dựng Đảng. Kết quả sau 05 tuần thi, toàn Đảng bộ Khối có 6.690 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tạo tài khoản cá nhân để tham gia thi với 38.960 lượt tham gia. Ban tổ chức cuộc thi đã xét, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và thống nhất trao 55 giải thưởng (gồm 05 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba, 25 giải khuyến khích) cho các cá nhân và quyết định khen thưởng 05 tập thể có thành tích xuất sắc trong phát động hưởng ứng, triển khai cuộc thi tại cơ sở theo quy định tại thể lệ cuộc thi.
     Ngày 27/9/2022, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ mười hai, kỳ họp chuyên đề để giải quyết các công việc cấp bách, quan trọng của địa phương về kinh tế - xã hội giữa hai kỳ họp thường lệ. Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chủ trì Kỳ họp. Dự kỳ họp có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở ngành và các đồng chí đại biểu HĐND tỉnh khoá XVII. Tại kỳ họp, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh trình Tờ trình của UBND tỉnh về việc miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh Lạng Sơn khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Khắc Lịch, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh do chuyển công tác. Các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua. Tại kỳ họp các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh thuyết trình các Dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, đồng thời, cũng thảo luận, kiến nghị một số nội dung. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung mà UBND tỉnh trình, ý kiến kiến nghị của các Tổ đại biểu nêu tại kỳ họp tập trung vào các nội dung về phân bổ biên chế sự nghiệp giáo dục, kế hoạch đầu tư công, bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020, xét đến năm 2025;… Với tinh thần tập trung, trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao và biểu quyết thông qua 12 Nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp, trong đó, có các Nghị quyết quan trọng như: điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; dự kiến Kế hoạch đầu tư công và kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác; cơ chế huy động các nguồn lực khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh Danh mục các dự án phải thu hồi đất, Danh mục dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vào mục đích khác trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030… Kết luận tại Kỳ họp, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, các nghị quyết thông qua tại kỳ họp lần này có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, do đó đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hoá thêm một bước, ban hành các mẫu hồ sơ và các văn bản liên quan để UBND các cấp, các sở, ngành thống nhất trong tổ chức thực hiện đối với một số Nghị quyết. Đồng chí cũng đề nghị, các Ban HĐND tỉnh khẩn trương hoàn thành các hoạt động giám sát, khảo sát theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, đẩy mạnh việc đôn đốc, theo dõi và giám sát việc UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tổ chức thực hiện các kiến nghị sau giám sát và ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cuối năm đảm bảo theo quy định của pháp luật, lắng nghe, tiếp thu và trả lời những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, kế hoạch năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
 
Tin tổng hợp
 
 
 
VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN VÀO ĐẤU TRANH
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
 
     Tinh thần, phương pháp đấu tranh của V.I.Lênin vẫn soi rọi, định hướng cho nhiệm vụ “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị...” ở nước ta hiện nay.
 
 
V.I.Lênin đã viết: “Chúng ta tin tưởng ở đảng,chúng ta thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm
của thời đại chúng ta” - Ảnh minh họa: internet
 
     1. LÊNIN ĐẤU TRANH VỚI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
     Ngay tác phẩm đầu tay của mình: Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao, V.I.Lênin đã thể hiện là nhà duy vật triệt để trong lĩnh vực xã hội, thực hiện việc đấu tranh, phê phán những quan điểm duy tâm, siêu hình bảo vệ chủ nghĩa Mác. Trong đó, V.I.Lênin đã dựa chắc vào thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác và những thành tựu của khoa học tự nhiên đã đạt được để luận giải, chứng minh, chỉ ra tính chất ngụy biện, vô căn cứ của chủ nghĩa duy tâm, vạch trần tính hạn chế của phương pháp tư duy siêu hình mà phái dân túy tuyên truyền.
     V.I.Lênin đã làm một cuộc mổ xẻ tận gốc nguồn gốc sản sinh, luận giải rõ bản chất đích thực của chủ nghĩa Bécstanh khi Ông cho rằng, chủ nghĩa Bécstanh không đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng mà đứng trên lập trường của “chủ nghĩa Cantơ mới”, theo đuôi cái gọi là khoa học của những giáo sư triết học tư sản. V.I.Lênin chỉ rõ, thực chất của chủ nghĩa xét lại Bécstanh là: “Xác định thái độ của mình tùy theo hoàn cảnh, thích ứng với những sự biến trước mắt, với những biến đổi của những sự kiện chính trị nhỏ nhặt, quên mất lợi ích sống còn của giai cấp vô sản và những nét căn bản của toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa, của toàn bộ sự tiến triển tư bản chủ nghĩa, hy sinh những lợi ích sống còn ấy vì những lợi ích thực tế hay những lợi ích giả định tạm thời, - đó là chính sách của bọn xét lại”(1). Đồng thời, V.I.Lênin nhấn mạnh, chủ nghĩa Mác là một hệ thống lý luận khoa học, đối lập với mọi biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm, chẳng những Bécstanh mà ngay cả mọi triết học tư sản hiện đại cũng không thể đánh đổ được.
     Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, có hàng loạt những quan điểm sai trái xuyên tạc, phủ nhận nội dung giá trị chủ nghĩa Mác, trong đó có cả quan điểm của các lãnh tụ Quốc tế II. Theo V.I.Lênin, họ không chịu tiếp thu định hướng của C.Mác và Ph.Ăngghen để bổ sung, phát triển, mà thể hiện thái độ phủ nhận sạch trơn, họ cho rằng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại mới. Vì vậy, V.I.Lênin đã đấu tranh, vạch ra sự sai lầm, vô căn cứ và luận chứng một cách khoa học về bản chất đích thực của chủ nghĩa đế quốc. Trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, V.I.Lênin xác định “chủ nghĩa đế quốc là sự phát triển và kế tục trực tiếp của những đặc tính cơ bản của chủ nghĩa tư bản”(2), nhưng biểu hiện ở giai đoạn, trình độ cao. Mặc dù vậy, chủ nghĩa đế quốc vẫn là sự là tiếp nối quy luật phát sinh, phát triển và diệt vong của nó như C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng khái quát và chỉ ra không có sức mạnh nào phủ định chủ nghĩa tư bản hơn chính sự phát triển của những mâu thuẫn trong lòng nó và chủ nghĩa tư bản “sẽ không tránh khỏi sự tiêu diệt”(3).
     Khi tiến trình cách mạng phát triển đến sự cận kề của đấu tranh giành chính quyền về tay giai cấp công nhân, khi điều kiện cách mạng vô sản đã trở nên chín muồi, thời cơ giành chính quyền về tay giai cấp công nhân đã xuất hiện, tinh thần của Đảng Bônsêvíc và quần chúng đang dâng lên, thì những kẻ đột lốt Mác chống Mác quyết liệt hơn. Loại quan điểm này chĩa mũi nhọn vào phủ nhận phương pháp giành chính quyền bằng cách mạng bạo lực; phủ nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác về bản chất giai cấp của nhà nước, phủ nhận chuyên chính vô sản. Trước tình hình đó, V.I.Lênin đã viết tác phẩm Nhà nước và cách mạng. Trong tác phẩm này, V.I.Lênin đã kế thừa tư tưởng của Ph.Ăngghen trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và chủ nhà nước, khẳng định lại những luận điểm và bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới cho phù hợp với tình hình gấp rút. Trong quá trình ấy, V.I.Lênin đã thể hiện một phương pháp đấu tranh mới bằng cách trích dẫn quan điểm của Ph.Ăngghen và trích dẫn các luận điểm xuyên tạc, sai trái, để từ đó so sánh và chỉ ra sự cắt xén, thêm bớt của những kẻ chống Mác, hòng làm cho nội dung tư tưởng các luận điểm không còn đúng nghĩa. Qua đó, V.I.Lênin khôi phục lại bản chất cách mạng, khoa học và dẫn dắt, định hướng tư tưởng cho trận quyết chiến giành chính quyền nhà nước ở Nga.
Có thể nói, V.I.Lênin đã dành gần như trọn cuộc đời mình để đấu tranh kiên quyết, triệt để, không khoan nhượng nhưng rất khoa học, đầy sức thuyết phục và hiệu quả trước mọi quan điểm thù địch, sai trái, xuyên tạc, phản động, phản khoa học của kẻ thù chủ nghĩa Mác, như chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại với đủ màu sắc, dưới dạng công khai hay dấu mặt, cả nội địa lẫn quốc tế. Qua đó, V.I.Lênin đã có những cống hiến to lớn, thiết thực không những trực tiếp bảo vệ toàn diện chủ nghĩa Mác, mà còn làm tỏa sáng những giá trị khoa học và cách mạng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện mới.
     2. VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA LÊNIN VÀO ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG THỜI KỲ MỚI
     Mặc dù diễn ra cách đây hơn một thế kỷ, nhưng tinh thần, phương pháp đấu tranh của V.I.Lênin vẫn đang soi rọi, định hướng cho nhiệm vụ “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(4) ở nước ta hiện nay. Có thể tiếp cận nghiên cứu, định hướng vận dụng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới từ quan điểm của V.I.Lênin ở các góc độ khác nhau, nhưng cần tập trung ở những phương diện sau đây:
     Một là, về thái độ, lập trường chính trị
     Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin đã để lại di sản đồ sộ các tác phẩm kinh điển, có giá trị vô cùng to lớn cả về lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Trong đó, thể hiện rõ thái độ kiên quyết, bản lĩnh kiên cường, không khoan nhượng đối với những kẻ xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác. Nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của V.I.Lênin, xuyên suốt một quan điểm nhất quán là thái độ kiên quyết, bản lĩnh kiên cường, khoa học trong đấu tranh với các quan điểm sai trái. Mỗi tác phẩm đều gắn với đấu tranh phê phán một loại quan điểm sai trái, phản động cụ thể hay một tàn tích xấu, sản phẩm của chế độ xã hội cũ trong đời sống tinh thần của những người lao động. V.I.Lênin coi đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái như một tình huống, một nhiệm vụ quan trọng và chuyển nó thành động lực cho bảo vệ, phát triển tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen. Đồng thời, V.I.Lênin đưa tư tưởng đó vào giáo dục, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và những người lao động trong thực tiễn.
     Trong thời kỳ mới, các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, không chỉ xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn xuyên tạc, thổi phồng các vấn đề bức xúc trong xã hội, tạo dựng thông tin sai sự thật nhằm làm nhiễu loạn truyền thông, gây hoài nghi trong quần chúng nhân dân.
   
      Vì thế, những người tham gia vào đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động cần phải có thái độ kiên quyết, bản lĩnh kiên cường, không khoan nhượng, không dao động, dè dặt. Chỉ có thái độ kiên quyết, dũng khí, lập trường cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng thì mới không bị lung lạc trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới. Cán bộ, đảng viên, các lực lượng, những nhà khoa học cần noi gương sáng của V.I.Lênin để củng cố, phát huy thái độ kiên quyết, lập trường chính trị kiên định vững vàng trong cuộc đấu tranh này. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên, các lực lượng, các nhà khoa học cần phải là một tấm gương sáng trong định hướng, dẫn dắt dư luận, củng cố tinh thần cho toàn xã hội trước sự chống phá của các thế lực trong “diễn biến hòa bình”. Mặt khác, với thái độ kiên quyết, lập trường chính trị vững vàng và dũng khí đấu tranh của cán bộ, đảng viên, các lực lượng, các nhà khoa học còn là tấm gương sáng trong tuyên truyền, giáo dục cho toàn xã hội về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho mỗi người và cả dân tộc ta thật sự là một “cơ thể cường tráng” miễn dịch với những vi rút độc hại xâm nhập từ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cần phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của V.I.Lênin: “Không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững được sự thống trị của mình”(5).
     Hai là, về nội dung đấu tranh
    V.I.Lênin đã nghiên cứu, toàn diện, sâu sắc toàn bộ tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen một cách nghiêm túc. Vì thế, V.I.Lênin mới có thể đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, đồng thời bảo vệ, phát triển từng nội dung và toàn bộ hệ thống tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen. Chỉ có như thế, mới có thể cho phép V.I.Lênin đưa ra kết luận: Tất cả những cái mà xã hội loài người đã sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm lại một cách có phê phán, không bỏ sót một điểm nào. Tất cả những cái mà tư tưởng loài người đã sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm lại, đã phê phán, và đã thông qua phong trào công nhân mà kiểm tra lại. “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(6).
     Học tập V.I.Lênin về tính toàn diện, trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, chúng ta không chỉ đấu tranh bảo vệ trực diện nội dung các quan điểm, nguyên lý cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và bảo vệ nhân dân; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều cần chú ý là, những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống hoàn chỉnh có giá trị bền vững. Vì thế, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng phải bảo vệ tính hệ thống, chỉnh thể toàn vẹn của những nguyên lý lý luận đó, không để những nguyên lý lý luận đó bị chia cắt, tách rời. Cho nên mọi khuynh hướng tách rời, trích dẫn cắt xén các luận điểm và luận giải không phù hợp với bối cảnh lịch sử đều phải đấu tranh phản bác để bảo vệ tính hệ thống, chỉnh thể toàn vẹn của những nguyên lý lý luận đó. Đồng thời, trong đấu tranh, cần phải bám sát thực tiễn cách mạng, lấy thực tiễn đó để đưa ra những kết luận xác đáng, làm cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với sự phát triển, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
      Ba là, về hình thức, phương pháp đấu tranh
     Trước mỗi quan điểm sai trái, V.I.Lênin đều hình thành một phương pháp luận chứng có tính đặc thù riêng, phù hợp, rất khoa học và có tính thuyết phục cao. Đồng thời, có những hình thức phê phán phong phú, đa dạng để tìm ra sự “ngụy biện” trong mỗi quan điểm sai trái thù địch, từ đó vạch trần thủ đoạn và phê phán có hiệu quả. Có thể thấy, phương pháp, hình thức đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái luôn thống nhất giữa giữ vững tính nguyên tắc, mục đích với tính linh hoạt được V.I.Lênin vận dụng một cách nhuần nhuyễn. Trong nguyên tắc đấu tranh, V.I.Lênin yêu cầu phải giữ vững sự đối lập về hệ tư tưởng, đối lập về lợi ích, địa vị giai cấp và phải kiên định với lập trường chủ nghĩa Mác. Trên cơ sở đó, phải tìm ra phương pháp với nhiều hình thức phê phán linh hoạt, phù hợp. V.I.Lênin chỉ rõ: “Thống nhất về mặt tư tưởng = truyền bá những tư tưởng nhất định, làm sáng tỏ sự đối chọi giai cấp, sự phân định ranh giới về mặt tư tưởng. Thống nhất về mặt tư tưởng = truyền bá những tư tưởng có khả năng đẩy lên phía trước, những tư tưởng của giai cấp tiên phong”(7). “Người nào bắt tay vào những vấn đề riêng trước khi giải quyết các vấn đề chung, thì kẻ đó, trên mỗi bước đi, sẽ không sao tránh khỏi “vấp phải” những vần đề chung đó một cách không tự giác. Mà mù quáng vấp phải những vấn đề đó trong từng trường hợp riêng lẻ, thì có nghĩa là đưa chính sách của mình đến chỗ có những dao động tồi tệ nhất và mất hẳn tính nguyên tắc”(8) - Đó là chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin.
 
     Trong thời kỳ mới, các loại quan điểm sai trái, thù địch diễn ra rất đa dạng, phức tạp. Vì thế, hình thức, phương pháp phê phán cũng phải linh hoạt, phù hợp. Vì mục đích xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch hiện nay, chúng luôn dùng thuật “ngụy biện”, “cài lỗi” lôgíc trong dẫn dắt, suy luận những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để che đậy âm mưu, thủ đoạn và bản chất phản động của chúng. Cho nên, trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, cần phải có phương pháp đúng với hình thức phù hợp, phải vạch ra sự “ngụy biện” và “cài lỗi” của chúng để đấu tranh có hiệu quả. Phải dùng phương pháp “luận chứng” khoa học để chứng minh cho nội dung, phê phán tính chất phản động, phản khoa học trong những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Đồng thời, phải đa dạng hóa các hình thức đấu tranh theo hướng sử sụng tối đa thành thựu của công nghệ thông tin, Interrnet, mạng xã hội để đăng tải các nội dung tuyên truyền những quan điểm chính thống, định hướng dư luận; đấu tranh phản bác ngay tại các trang mạng “độc hại”, phản động được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp, giữa “xây” và “chống”, “xây” phải cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.
Nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phản động càng cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của di sản tư tưởng, lý luận mà V.I.Lênin để lại. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, các lực lượng tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo di sản tư tưởng đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
___________________
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2005, t.17, tr.27- tr.28.
(2) (3) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.27, tr.488, 539.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.183.
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.350.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.232.
(7) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.530.
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.437.
Nguồn:tuyengiao.vn

Tin liên quan