Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 11/2022

03-11-2022 16:37

      

     Ngày 03/10/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn   2016-2021, Chương trình đã đạt được các chỉ tiêu đề ra: trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành với 80 bộ tài liệu hoặc sổ tay hướng dẫn; 100% các nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, đưa vào thực tế xây dựng NTM; các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền; hầu hết các mô hình sản xuất đều tăng được hiệu quả từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 20% trong phạm vi dự án; hầu hết các đề tài, dự án đều tham gia nhiệm vụ đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ, cho 11.000 lượt người. Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021 đã đóng góp hoàn thiện cơ sở lý luận cho xây dựng NTM, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12/19 tiêu chí NTM… Đối với tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh đã phê duyệt 02 Chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các đề tài, dự án giai đoạn 2016-2021 sau khi nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần trực tiếp vào tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống cho nhân dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 89 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao những kết quả tích cực của chương trình KHCN phục vụ chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021.Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh việc nghiên cứu các đề tài, dự án KHCN phục vụ xây dựng NTM cần phải chuyển hóa được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với yếu tố thị trường, gắn với tối ưu giá, chi phí đầu vào; phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ưu tiên các đề tài tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với chuyển giao tri thức, tính chuyên nghiệp, chuẩn hóa cho người nông dân.

     Ngày 06/10/2022, Đoàn công tác liên ngành của Bộ Công thương do đồng chí Phạm Như Phương, đại diện Cục Xuất nhập khẩu làm trưởng đoàn đã làm việc tại Lạng Sơn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hoạt động thương mại biên giới. Làm việc với đoàn có lãnh đạo Sở Công thương và một số sở, ngành, đơn vị liên quan. Theo báo cáo, những năm qua, công tác thi hành pháp luật về hoạt động thương mại biên giới luôn được tỉnh Lạng Sơn quan tâm thực hiện. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện nội dung Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Nghị định số 14/2018/NĐ-CP, ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cùng đó, tăng cường hỗ trợ thương nhân thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xúc tiến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, phát triển hoạt động của khu (điểm) chợ biên giới Việt Nam - Trung Quốc; quản lý và điều hành cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc; chia sẻ thông tin, hội đàm và trao đổi với chính quyền địa phương của Trung Quốc; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như hệ thống hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa chưa đồng bộ, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời… Tỉnh Lạng Sơn cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt, các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, kho ngoại quan…; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xuất khẩu “chính ngạch”, thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế.Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá tình hình tình hình thi hành pháp luật về hoạt động thương mại biên giới, nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.
     Ngày 11/10/2022, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu vì người lao động (NLĐ) lần thứ Nhất - năm 2022. Dự hội nghị có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các LĐLĐ huyện, thành phố và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 3.636 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Có trên 1.500 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 15.000 NLĐ; thu nhập bình quân đạt được mức trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng/người, góp phần cải thiện đời sống của NLĐ. Ngoài những đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân cũng tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện với số tiền hàng chục tỷ đồng. Thông qua tổ chức công đoàn, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ về mọi mặt để đoàn viên, NLĐ được hưởng những phúc lợi cao nhất, giúp họ an tâm làm việc, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp và xã hội. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, chúc mừng và biểu dương những thành tích của các DN, doanh nhân và tổ chức Công đoàn toàn tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong DN tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động, chủ động đề xuất tổ chức các hoạt động thiết thực đem lại lợi ích cho đoàn viên và NLĐ. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, vận động đoàn viên, NLĐ ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) và có những hoạt động thiết thực chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, NLĐ. Đồng chí cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực, khắc phục khó khăn, có giải pháp, mục tiêu cao nhất trong hoạt động SXKD; mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những rào cản, những vấn đề gây phiền hà, vướng mắc, cản trở hoạt động của doanh nghiệp và hiến kế để tỉnh kịp thời khắc phục và đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả hơn. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm làm ra đảm bảo yêu cầu, kỹ thuật, chất lượng cao. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò, chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, hội viên, tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong SXKD, phối hợp với các cấp công đoàn thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với NLĐ. Trong chương trình, LĐLĐ tỉnh đã vinh danh biểu dương, tặng bằng khen cho 16 doanh nghiệp, 12 doanh nhân tiêu biểu vì NLĐ năm 2022./.
       Ngày 13/10/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ khai trương Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên. Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên là kênh cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời giúp đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở có thông tin, tư liệu chính thống. Từ đó, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền tại địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Trang thông tin có nhiều chuyên mục như: Thông tin chuyên đề, Nghiệp vụ, Nghị quyết và đời sống cùng các bản tin với các bài viết chuyên sâu, chất lượng cao. Tại lễ khai trương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết, năm 2021 Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật - Thông tấn xã Việt Nam xây dựng và vận hành Ứng dụng Thông tin Tuyên giáo trên điện thoại di động (App Mobile Thông tin Tuyên giáo). Trên cơ sở tích hợp với App, Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên được xây dựng tạo thành một chuỗi thống nhất, cung cấp, lan tỏa sâu rộng thông tin và định hướng tuyên truyền trên môi trường Internet nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng.
      Ngày 14/10/2022, tại Trung tâm hội nghị tỉnh đã diễn ra Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Về phía Trung ương Đoàn có đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, đoàn đại biểu một số tỉnh bạn và 260 đại biểu ưu tú đại diện cho trên 183 nghìn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh Lạng Sơn đã có những bước phát triển tích cực, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Công tác chỉ đạo, triển khai các phong trào từng bước được đổi mới, tập trung hướng về cơ sở, tăng cường tham mưu với cấp ủy, chính quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ Đoàn thanh niên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, theo đó đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 9/10 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 đề ra; tiêu biểu như đã thực hiện được 6.097 công trình, có hơn 30.539 ý tưởng, sáng kiến của thanh thiếu nhi về nhiều vấn đề cần giải quyết của cuộc sống, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 122.266 lượt đoàn viên thanh niên, hỗ trợ, giúp đỡ 61.872 lượt thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng mới 420 điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi, đã kết nạp 50.603 đoàn viên mới, giới thiệu cho Đảng 11.620 đoàn viên ưu tú, trong đó có hơn 5.000 đảng viên mới được kết nạp… Với những thành tích đạt được, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 01 cá nhân; Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua cho 04 tập thể, tặng bằng khen cho 92 tập thể và 198 cá nhân, 04 đoàn viên được nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Với khẩu hiệu hành động “Khát vọng - Đoàn kết - Tiên phong - Sáng tạo - Phát triển”, trong nhiệm kỳ     2022 - 2027, Đại hội đã đề ra 12 chỉ tiêu, 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó xác lập khâu đột phá chiến lược trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi là “Thanh niên tỉnh Lạng Sơn xung kích trong ứng dụng chuyển đổi số”. Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương, ghi nhận những thành tích của tổ chức đoàn và đội ngũ cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Thời gian tới, đồng chí đề nghị các cấp bộ đoàn tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, định hướng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, tập trung đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức đoàn phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đưa các hoạt động, phong trào, chương trình thanh niên, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; tập trung tăng cường, các biện pháp tập hợp, đoàn kết thanh niên, chăm lo, giúp đỡ những thanh niên yếu thế vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Cùng đó, quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có bản lĩnh chính trị, có trình độ, kiến thức, kỹ năng, kỷ luật; phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn thanh niên, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đại hội đã ra mắt Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khóa XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm 30 đồng chí và bầu 12 đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027; đồng thời báo cáo kết quả Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất khóa XIV, theo đó đã bầu ra Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra và các chức danh chủ chốt. Đồng chí Đinh Thị Anh Thư tái cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh đoàn khóa XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Nhân dịp này, có 04 tập thể, 05 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2017 - 2022; 25 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn.
      Ngày 15/10/2022, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lạng Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập thành phố Lạng Sơn (17/10/2002 - 17/10/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai). Dự buổi lễ về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và thành phố Lạng Sơn qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các tướng lĩnh nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh. Về phía trung ương có đồng chí PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn); Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; đồng chí Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức của Hàn Quốc;… Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lạng Sơn đọc diễn văn kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thành phố Lạng Sơn. Theo đó, ngày 17/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định  số 82/2002/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm cao và tinh thần sáng tạo, linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, thành phố Lạng Sơn đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ và phát triển với nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao; thu ngân sách tăng nhanh. Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện; công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tích cực; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng;… Với những thành tích và kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Lạng Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ…Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Lạng Sơn đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng, biểu dương những thành tựu Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Lạng Sơn đạt được trong những năm qua. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phấn đấu đến năm 2030 đạt những tiêu chí cơ bản của đô thị loại I, là hạt nhân, động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đông Bắc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Lạng Sơn cần tiếp tục quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục những khó khăn, hạn chế, tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, các nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn. Đặc biệt là chủ động phối hợp, đề xuất với các cơ quan trung ương, với tỉnh những giải pháp có tính đột phá để khai thác có hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển nhanh và bền vững trong chặng đường mới. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Lạng Sơn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - thương mại, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất có chất lượng, có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh công tác chỉnh trang, phát triển đô thị, có giải pháp hữu hiệu để giải quyết nút thắt về giải phóng mặt bằng để có quỹ đất phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện vai trò kiến tạo, định hướng phát triển của Nhà nước;… Sau lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Thành phố hoa đào - Tự hào tỏa sáng - Bứt phá vươn xa”.
      Ngày 18/10/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025, tổ chức phiên họp thứ 2 đánh giá kết quả thực hiện và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến hết năm 2022. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì cuộc họp. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Theo báo cáo tại hội nghị, để triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã giao trên 92 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025; giao trên 34 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách trung ương      năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), tính đến nay cả nước đã có trên 5.854 xã đạt chuẩn NTM, tăng 12 xã so với tháng 8/2022, trong đó có 925 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 110 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn   2022 - 2025, ước tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1% - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4% - 5%/năm. Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương đang tham mưu khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực để phục vụ triển khai thực hiện chương trình. Đối với tỉnh Lạng Sơn, đến nay tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; ban hành các Nghị quyết HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương đối với 3 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh; hoàn thành giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021 -2025 có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Do đó, thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hiệu quả 3 chương trình này, đảm bảo mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư của năm 2022. Đồng chí giao các bộ, ngành trung ương khẩn trương hoàn thiện toàn bộ các văn bản pháp lý liên quan, ban hành các Thông tư hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, rà soát kiến nghị của các tỉnh, thành phố, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hiệu quả, tiến độ triển khai các chương trình.
      Ngày 19/10/2022, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với 222 điểm cầu các huyện, xã với trên 18.000 đại biểu tham dự. Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy đã thông báo nhanh kết quả các nội dung của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XIII vừa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ         ngày 03/10 - 09/10/2022. Theo đó, Hội nghị đã họp bàn, cho ý kiến về các nội dung: báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023; định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến        năm 2045; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung     ương 5 Khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 5 đến Hội nghị Trung ương 6 và một số nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII, báo cáo công tác tài chính đảng năm 2021; công tác cán bộ. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp chuẩn bị tốt các nội dung cốt lõi, trọng tâm, các vấn đề lớn có hiệu quả của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XIII, chủ động chuẩn bị xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch, đề án tổ chức thực hiện nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống; trước mắt cần tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết quả của hội nghị trong toàn cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng chí giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các nội dung, tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến, học tập Nghị quyết theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.
 
Tin tổng hợp
 
 
NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG ÂM MƯU TÁCH RỜI, ĐỐI LẬP
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN
 
 
 
     Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò, tầm vóc của chủ nghĩa Mác-Lênin và luôn khẳng định là một người mácxít-lêninít. Trong âm mưu, thủ đoạn tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch, phản động đã rất tinh vi, xảo quyệt khi âm mưu tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin. Đấu tranh phản bác âm mưu này là một việc làm thiết thực để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
     Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) thông  qua đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1]. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đã minh chứng rằng, nhờ có chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập dân tộc và đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng cũng cho thấy, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là hai cấu phần hợp thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và hai yếu tố này có quan hệ hữu cơ với nhau, không thể thiếu một yếu tố nào.
     Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện một số ý kiến muốn tách rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí còn tìm cách luận giải cho rằng chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với cách mạng Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác-Lênin là “tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc”, không phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và đã bị chối bỏ ở nơi quê hương của nó, “du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử”[2]; do đó chỉ cần nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh và đi đến kết luận võ đoán rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin”(?). Đây thực chất là một quan điểm sai trái, xuyên tạc về mối quan hệ gắn bó mật thiết, hữu cơ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin. Quan điểm này tưởng như là sự đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, tưởng như là sự khẳng định những công lao, cống hiến của Hồ Chí Minh với đất nước và dân tộc Việt Nam, nhưng thực chất là nhằm tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin; âm mưu phủ định cơ sở lý luận quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin; phủ định thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là bước đi nhằm tiến tới phủ định bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh.
     Trên thực tế, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, trong đó nổi lên hiện nay là sự chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Rõ ràng, tư tưởng, văn hóa là mặt trận hết sức gay gắt, quyết liệt của cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, làm thất bại các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Thực tế cho thấy đang xuất hiện nhiều hơn những mưu toan kích động, xuyên tạc nhằm “hạ bệ thần tượng”, làm nghi ngờ, gây hoang mang, dao động, thậm chí gây chia rẽ, hỗn loạn nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng trong hàng ngũ những người cộng sản, từ đó dẫn tới mất phương hướng, mâu thuẫn, rối loạn trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, đưa đến những sai lầm, làm mất uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân và do đó đánh mất vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Những mưu toan này có lúc công khai, trắng trợn, có lúc tinh vi, xảo quyệt. Việc tuyên truyền, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tách rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí cho rằng “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin” là một âm mưu rất tinh vi, xảo quyệt, nằm trong những mưu toan đó của các thế lực thù địch, phản động và thực chất không có gì mới. Nhưng vào những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước, kỷ niệm thành lập Đảng, hoặc những sự kiện chính trị đặc biệt, thì những quan điểm này lại xuất hiện theo kiểu “bổn cũ soạn lại”. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện và đấu tranh phản bác, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, trong đó có âm mưu tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, là công việc mang ý nghĩa hết sức quan trọng và thường xuyên hiện nay.
     Trước hết, cần phải nhận rõ mưu toan cắt xén và đánh tráo khái niệm của các ý kiến xuyên tạc, tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin.
     Những ý kiến xuyên tạc, âm mưu tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng, Hồ Chí Minh là một người yêu nước, là một người theo chủ nghĩa dân tộc, chỉ mong muốn làm thế nào để giải phóng đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết về đấu tranh giai cấp, là hệ tư tưởng chỉ của riêng giai cấp công nhân, nên đối lập với cả chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh theo đuổi. Những ý kiến kiểu này đã cố ý không thấy một thực tế là Hồ Chí Minh không chỉ muốn giải phóng đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc, mà quan trọng hơn nữa là phải làm thế nào để toàn thể người dân được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no thực sự sau khi giành được độc lập, như Người đã từng tâm sự: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3]. Bởi trong quan niệm của Người, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4]. Người chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[5].
     Đó chính là lý do để lý giải vì sao mặc dù đánh giá cao cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và đúc kết được những kinh nghiệm quý báu từ hai cuộc cách mạng tiêu biểu này trong thời cận đại, nhưng Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nêu lên nhận xét về những cuộc cách mạng đó xét về bản chất đều là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, chỉ mang lại quyền lợi cho một thiểu số người trong xã hội, trong khi đại đa số những người dân lao động vẫn phải chịu cảnh bị áp bức, bóc lột, bất công và vẫn phải mưu tính làm cách mạng lần nữa. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã quyết định không lựa chọn con đường cứu nước và phát triển của dân tộc Việt Nam theo hình mẫu của các cuộc cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp. Thực tế, như chúng ta đều biết, qua quá trình nghiên cứu, khảo sát nhiều trào lưu tư tưởng chính trị trong hành trình bôn ba nước ngoài, Người đã lựa chọn con đường cách mạng do chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra: con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện ba sự nghiệp giải phóng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người trong một chỉnh thể thống nhất để thực sự mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc triệt để cho tất cả người dân, không phân biệt giàu nghèo, vùng miền, không phân biệt dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số, có tôn giáo hay không theo tôn giáo, nam hay nữ, .... Nói cách khác, con đường cách mạng vô sản theo ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc một cách triệt để mà Hồ Chí Minh luôn phấn đấu thực hiện.
     Các ý kiến cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đã đánh tráo khái niệm khi luận giải Hồ Chí Minh đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết, trong khi chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ coi trọng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, coi trọng bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân. Như vậy, rõ ràng là tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin (?).
     Đúng là trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, khi giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết và xác định vấn đề giai cấp phải xếp sau vấn đề dân tộc, phục vụ cho vấn đề dân tộc. Nhưng đây là sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh đối với lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là sự quán triệt, vận dụng đúng đắn linh hồn của chủ nghĩa Mác-Lênin - phương pháp luận duy vật biện chứng, vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa phong kiến như Việt Nam; là sự vận dụng quy luật chung vào hoàn cảnh cụ thể, đặc thù, hết sức sinh động, muôn màu, muôn vẻ của những hiện tượng, quá trình lịch sử riêng biệt. Sự vận dụng và phát triển sáng tạo đó là cần thiết, đã thể hiện theo đúng lời dặn của V.I.Lênin: “Chúng ta không hề coi lý luận Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống”[6]. Vì vậy, không thể đánh đồng sự vận dụng và phát triển sáng tạo với sự mâu thuẫn, đối lập.
     Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò, tầm vóc của chủ nghĩa Mác-Lênin
     Khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh không chỉ trăn trở tìm kiếm lời giải bài toán làm thế nào, bằng cách nào để giành lại nền độc lập của nước nhà, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị ngoại bang, mà còn mong muốn tìm ra một hệ tư tưởng làm nền tảng soi sáng cho con đường đi của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng xã hội mới, một triết lý phát triển của dân tộc. Qua những trải nghiệm phong phú trong thực tiễn, khảo sát, phân tích sâu sắc về những trào lưu tư tưởng, những con đường cứu nước của các dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh nhận thức rõ rằng đường lối cứu nước, giải phóng và phát triển dân tộc phải được xây dựng trên một nền tảng tư tưởng nhất định thì mới đảm bảo tính nhất quán và sự thông suốt trong cả tư tưởng và hành động của lực lượng cách mạng, trước hết là lực lượng lãnh đạo, từ đó đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Lực lượng lãnh đạo phải có chủ nghĩa làm cốt và ai cũng phải hiểuai cũng phải theo chủ nghĩa ấy, tức là phải thống nhất quán triệt, vận dụng chủ nghĩa ấy trong quá trình vận động và tổ chức sự nghiệp cách mạng thì sự nghiệp đó mới thành công được.
 
 
 
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18
Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề
dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp
và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. (Ảnh tư liệu)
 
     Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, lực lượng lãnh đạo mà không có chủ nghĩa làm nòng cốt thì cũng giống như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam (la bàn)[7]. Người không có trí khôn thì đương nhiên sẽ không thể có chủ trương, đường lối đúng đắn được; tàu không có la bàn dẫn đường thì cũng sẽ không thể xác định được hướng đi đúng giữa đại dương mênh mông, bao la.
     Nhưng vấn đề còn quan trọng hơn nữa trong thời đại của Hồ Chí Minh là Người phải xác định, phải lựa chọn đi theo chủ nghĩa nào, học thuyết nào. Bởi lẽ, như Người từng thấy rõ: “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều”. Đó là hệ tư tưởng tư sản, hay hệ tư tưởng vô sản, hoặc nhân danh là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, nhưng thực chất đã bị tha hóa, biến tướng, như chủ nghĩa công liên, nghiệp đoàn vàng, chủ nghĩa xét lại ....? Đi theo chủ nghĩa nào, tư tưởng nào là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra, buộc phải có sự lựa chọn, cân nhắc cẩn thận, chính xác. Trong bối cảnh đầy những phức tạp, tiềm ẩn nhiều “ngõ cụt” đó, Hồ Chí Minh đã biết phát hiện ra và tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng tiên tiến nhất, cách mạng nhất và nhân văn nhất của thời đại, trong khi những người Việt Nam khác, dù cũng giàu lòng yêu nước và từng sống nhiều năm ở nước ngoài như nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường, ... nhưng vẫn không nhìn ra được. Người chỉ rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[8]. Đó là sự tổng kết, đúc rút của Hồ Chí Minh từ thực tiễn nghiên cứu, khảo sát phong phú các trào lưu tư tưởng, các phong trào đấu tranh yêu nước, các cuộc cách mạng của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Có thể nói chặng đường mà Hồ Chí Minh đã đi để đến với chủ nghĩa Mác-Lênin là “chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn vững chắc, tránh được những sai lầm dẫn tới ngõ cụt”[9].
     Sau này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhiều lần Hồ Chí Minh khẳng định vai trò hết sức quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Với nhiều cách thức diễn đạt khác nhau, Người đã chỉ ra vai trò nền tảng tư tưởng, dẫn đường của chủ nghĩa Mác-Lênin: “chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc”[10]; “Chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam cho hành động”[11]; “Chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất”[12]; chủ nghĩa Mác-Lênin “không những là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[13]...
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, việc hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là yêu cầu, điều kiện không thể thiếu để Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thành vai trò, nhiệm vụ được giao. Với tổ chức Đảng, Người chỉ ra rằng: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo. Muốn lãnh đạo được phải hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin”[14]. Với mỗi cán bộ, đảng viên, Người nêu rõ: “Có học tập lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”[15]. Người nhắc nhở: “hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ”[16].
     Đặc biệt, với trái tim nhân văn sâu sắc, Hồ Chí Minh đã nêu lên quan niệm hết sức độc đáo về vai trò quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đó là giúp nhân lên những giá trị tích cực trong mỗi người, cộng đồng và xã hội: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”[17]. Đánh giá rất cao vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải biết vận dụng đúng đắn và phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, tránh căn bệnh máy móc, giáo điều. Người chỉ rõ: “Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”[18].
     Thứ ba, Hồ Chí Minh luôn nhất quán khẳng định bản thân là một người mácxít-lêninnít.
     Tháng 7-1920, khi đọc Luận cương[19] của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã hết sức xúc động. Sau này, Người có tâm sự về thời điểm đặc biệt đó: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[20].
     Trên nền tảng lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã từ một người yêu nước nhiệt thành trở thành người cộng sản chân chính, đã tìm ra con đường đi đúng đắn cho bản thân và con đường giải phóng, phát triển chính xác, phù hợp với lịch sử và thời đại của dân tộc. Đó là con đường dựa chủ yếu vào sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết của toàn thể quốc dân đồng bào, đồng thời tích cực tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đánh đuổi giặc ngoại xâm, đi tới xây dựng một xã hội mới mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm no thực sự cho tất cả mọi người dân, một xã hội không còn áp bức, bất công, thực hiện giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó chính là con đường phát triển khoa học, cách mạng triệt để và nhân văn sâu sắc. Thực tế lịch sử dân tộc cho thấy con đường này đã được dân tộc lựa chọn, ủng hộ và tin theo. Đúng như Đảng đã khẳng định: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước”[21]
     Cũng chính là trên nền tảng lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là phương pháp luận duy vật biện chứng, với trí tuệ lỗi lạc và tư duy lý luận sắc sảo, thấm đẫm thực tiễn phong phú, Hồ Chí Minh đã xây dựng nên hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó hạt nhân cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc không chỉ vai trò là người tìm đường, mà còn cả vai trò người mở đường và dẫn đường, trở thành vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Đồng thời, với những hoạt động, cống hiến hết sức phong phú trên nền tảng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng trở thành người chiến sĩ quốc tế lỗi lạc trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân tiến bộ trên thế giới, đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. .... những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”[22].
     Tháng 7-1946, ngay tại thủ đô Pari (Pháp), trên cương vị nguyên thủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang thăm nước Cộng hòa Pháp, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn trả lời các nhà báo quốc tế: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”[23].
     Chỉ một thời gian ngắn trước khi qua đời, trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô (ngày 15-7-1969), Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”[24]. Nêu lên những thắng lợi của nhân dân Việt Nam từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần      thứ 100 Ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác-Lênin”[25].
     Trọn cuộc đời, Hồ Chí Minh đã phấn đấu theo lý tưởng cách mạng, khoa học, nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và là tấm gương mẫu mực về sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, đã mang lại những thành công cho cách mạng Việt Nam và đưa dân tộc Việt Nam đến những thành tựu như hiện nay. Chính trên tinh thần đó, từ những bài học của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là qua 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã nhấn mạnh một trong những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[26]. Đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tập 2.
3. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-9-1969.
4. GS,TS Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020): Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020, tập 1.
5. V.I.Lênin (2005): Toàn tập, Nxb Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4.
6. Phan Ngọc Liên (2008): Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1 - tập 15.
8. GS,TS Mạch Quang Thắng - PGS,TS Bùi Đình Phong - TS Chu Đức Tính (Đồng chủ biên) (2013): UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.21.

[2] GS,TS Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020): Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020, tập 1, tr.18.

 [3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.187.
 
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64.
 
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.175.
 
[6] V.I.Lênin (2005): Toàn tập, Nxb Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.232.
 
[7] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.289.
 
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.289.
 
[9] Ho Chi Minh - Notrue camrade, Introduction historique de Charles Fourniau, editon sociales, Paris, 1970, dẫn theo Phan Ngọc Liên (2008): Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 178.
 
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.359.
 
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.120.
 
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.414.
 
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.563.
 
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.76.
 
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.611.
 
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.668.
 
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.668.
 
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.611.
 
[19] Tên đầy đủ là Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa.
 
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.562.
 
[21] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-9-1969.
 
[22] Nghị quyết số 24C/18.6.5 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1987), dẫn theo GS,TS Mạch Quang Thắng - PGS,TS Bùi Đình Phong - TS Chu Đức Tính (Đồng chủ biên) (2013): UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.71-72.
 
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.315.
 
[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.588.
 
[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.590.
 
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.33.
Nguồn:hdll.vn

 

Tin liên quan