Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 01/2023

30-12-2022 17:54

 

     Từ ngày 04 đến 06/12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm cấp Nhà nước đến Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol lên nắm quyền; thể hiện sự coi trọng của Hàn Quốc trong quan hệ với Việt Nam khi đón tiếp Chủ tịch nước ta với nghi thức cao nhất. Trên cơ sở những thành tựu phát triển quan hệ 30 năm qua, nhằm củng cố nền tảng quan hệ hợp tác cùng có lợi, tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, qua đó hai nước cùng nỗ lực phát triển hợp tác trên các lĩnh vực ở tầm cao mới. Hai bên nhất trí thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, trước mắt phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới và là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta đến Hàn Quốc sau 11 năm và cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Hàn Quốc kể từ khi nước này có tổng thống mới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nhằm định hướng cho hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Phát biểu trong buổi họp báo chung ngay sau hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ đưa quan hệ hợp tác hai nước sang trang mới phát triển mạnh mẽ ở tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định: "Chính phủ hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ và thực hiện các phương án hợp tác đa dạng mà Ngài Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tôi đã trao đổi hôm nay". Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh chuyến thăm sẽ là "điểm khởi hành mới" trong mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

     Tại các cuộc hội kiến với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc đã cùng nhau trao đổi một số phương hướng hợp tác theo khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới trên tất cả các lĩnh vực; quyết tâm làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương tương xứng với tầm vóc mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hợp tác và phát triển của khu vực. Đặc biệt quan tâm đến việc xúc tiến đầu tư, thương mại và hợp tác kinh tế hai nước, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có 12 cuộc tiếp xúc với gần 30 lãnh đạo các tập đoàn, các ngân hàng và tổ chức tài chính, nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc (Samsung Electronics, Lotte, Hyosung, LG, Hyundai Motor, CJ, Daewoo E&C, GS E&C, Doosan, Ngân hàng KDB,...) đang có hoạt động đầu tư quy mô hàng chục tỷ USD tại Việt Nam. Phát biểu tại các cuộc tiếp, Chủ tịch nước khẳng định, việc Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện giúp tin cậy chính trị hai nước được nâng lên, khuôn khổ hợp tác được tăng cường. Đây là cơ sở nền tảng, là bệ phóng vững chắc để các doanh nghiệp hai nước yên tâm hợp tác lâu dài, quy mô lớn hơn và thành công hơn nữa.
     Một sự kiện mang tính điểm nhấn khác là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho đã cùng dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, doanh nghiệp hai nước. Trong bài phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Tầm cao mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước là niềm khích lệ, là niềm tin, là động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác thành công và thành công hơn nữa của các doanh nghiệp hai nước. Và điều đó cũng chính là thành công của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam. Ngoài các thỏa thuận được các bên thống nhất, có 15 thỏa thuận hợp tác đã được các bên chính thức ký kết trước sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Tổng giá trị của tất cả các thỏa thuận, cam kết, giao ước và đề xuất đầu tư mới, mở rộng của các doanh nghiệp trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ước tính lên đến gần 15 tỷ USD.
     Coi trọng công tác kiều bào, ngay khi đặt chân đến thủ đô Seoul bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tại Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, thăm hỏi và nói chuyện thân tình với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Cũng tại trụ sở Đại sứ quán, Chủ tịch nước đã có các cuộc tiếp thân mật các tổ chức văn hóa, hữu nghị có vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu nhân dân Việt – Hàn như đại diện dòng họ Lý tại Hàn Quốc, Hội Hữu nghị Hàn – Việt; Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn Quốc – Việt Nam và Nhóm người có uy tín tại Hàn Quốc (EPG). Nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước, hai dân tộc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm một gia đình đa văn hóa Việt – Hàn tiêu biểu và có buổi gặp gỡ, làm việc với chính quyền thành phố Gwangju, tỉnh Gyeonggi. Tại đây, Chủ tịch nước và đoàn đã tham dự Lễ chào mừng và công bố Ngày Việt Nam của thành phố Gwangju. Trước khi rời tỉnh Gyeonggi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam đã tham quan "Không gian văn hóa Việt Nam" và dự chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc với những tiết mục nghệ thuật, tạp kỹ tổng hợp, được chọn lọc kỹ càng tái hiện những loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu của hai dân tộc Việt – Hàn.
     Với thành công đặc biệt từ việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện; ghi nhận về những thành tựu to lớn trong quan hệ hai nước 30 năm qua; đồng thời tạo khuôn khổ và đặt ra định hướng cho quan hệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, chuyến thăm cấp nhà nước Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ nét lòng tin chiến lược giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước; hướng đến việc đảm bảo tốt hơn lợi ích quốc gia, dân tộc cũng như lợi ích của địa phương, doanh nghiệp và người dân hai nước. Đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cùng với đó là tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu; đồng thời tạo thế đan xen lợi ích, tăng độ tin cậy; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
     Ngày 05/12/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khai mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội nghị được kết nối tới 11.632 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và cấp huyện, cấp cơ sở trên toàn quốc, với trên 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết. Dự Hội nghị tại điểm cầu trung ương có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh. Hội nghị được kết nối đến 320 điểm cầu tại các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trên địa bàn tỉnh với đông đảo đảng viên tham dự. Theo chương trình, trong thời gian 2 ngày (05, 06/12/2022), các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên sẽ được nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng trực tiếp truyền đạt các nội dung chuyên đề. Thông qua Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cán bộ, đảng viên nắm vững những nội dung cốt lõi, điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản, cốt lõi của nghị quyết và các văn kiện Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và trong các tầng lớp Nhân dân.
 
     Ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo ASEAN và EU dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU). Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ASEAN gặp gỡ với đầy đủ lãnh đạo các nước thành viên EU. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai tổ chức khu vực hàng đầu thế giới, những “đối tác hội nhập” của nhau. Qua 45 năm, quan hệ ASEAN-EU phát triển tích cực, đạt nhiều thành quả. Năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 của EU trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD, đồng thời EU là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 của ASEAN với tổng số vốn đạt 26,5 tỷ USD. Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược thiết lập năm 2020 trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, thúc đẩy phục hồi, phát triển xanh và bền vững. Các lãnh đạo khẳng định sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, duy trì mục tiêu thiết lập Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU; tăng cường kết nối thông qua triển khai Tuyên bố chung về kết nối năm 2020 và Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU, thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng; hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phòng và chống khai thác hải sản bất hợp pháp. EU công bố đóng góp 10 tỷ euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai Chương trình Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu euro hỗ trợ các dự án hợp tác cụ thể với ASEAN. Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đa phương, chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, thúc đẩy luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả cho hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững. Các nước khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, ủng hộ đối thoại và xây dựng lòng tin, kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm gia tăng căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. EU ủng hộ nỗ lực của ASEAN thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar. Trao đổi về xung đột tại Ucraine, các nước nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á và luật pháp quốc tế. Theo đó các khác biệt, bất đồng cần được giải quyết hòa bình. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm lần này, đánh dấu 45 năm quan hệ giữa hai tổ chức khu vực thành công trên thế giới. Thủ tướng khẳng định những thành quả hợp tác đã tạo nền tảng, và đang tiếp thêm xung lực phát triển quan hệ. Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển cân bằng, bình đẳng, hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro; khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cũng đề nghị EU khẩn trương gỡ bỏ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam và sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU. Nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu ứng phó các thách thức toàn cầu, Thủ tướng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị EU hỗ trợ tối đa về tài chính và công nghệ trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; trông đợi EU chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, và tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng và Mê Công. Trước những biến chuyển của tình hình, Thủ tướng đề nghị ASEAN và EU lấy hoà bình là mục đích, coi đối thoại, hợp tác là công cụ, đề cao thượng tôn pháp luật, Hiến chương Liên hợp quốc và các giá trị chung. Thủ tướng khẳng định lập trường của ASEAN về Biển Đông, đề nghị ASEAN, EU và các nước cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Chia sẻ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine, Thủ tướng đề nghị cần tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng và quan ngại của tất cả các bên, đặc biệt ưu tiên hàng đầu hiện nay là chấm dứt chiến sự, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, sinh mạng và tài sản của người dân, đồng thời khẳng định quan điểm chung của ASEAN về giải quyết hoà bình các mâu thuẫn, bất đồng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU đã thông qua Tuyên bố chung phản ánh những kết quả đạt được trong 45 năm qua và đề ra định hướng tương lai.
 
     Ngày 15/12/2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ khai trương chính thức hệ thống “Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động” tỉnh Lạng Sơn; phát động chương trình “Đại sứ du lịch Lạng Sơn”. Dự buổi lễ có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố,… Theo báo cáo tại buổi lễ, xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, làm nền tảng nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn triển khai xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Hệ thống du lịch thông minh hướng đến 3 đối tượng: hỗ trợ du khách trải nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả, hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn. Tại buổi lễ, UBND tỉnh đã phát động chương trình “Đại sứ du lịch Lạng Sơn” với thông điệp “Lạng Sơn - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, “Mỗi người dân Lạng Sơn hãy là một đại sứ du lịch” và khẩu hiệu “Thêm một nụ cười - thêm một vị khách”. Theo đó, từ năm 2022 đến hết năm 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lạng Sơn, Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cách ứng xử, giao tiếp cho lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch; xây dựng bộ tài liệu quy tắc giao tiếp, ứng xử dành cho lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan; đẩy mạnh công tác quảng bá truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng và phát triển du lịch bền vững. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền sâu rộng đến du khách, Nhân dân biết và sử dụng dịch vụ, tiện ích của hệ thống du lịch thông minh; Viễn thông Lạng Sơn tiếp tục tăng cường mối liên kết, thúc đẩy, ứng dụng công nghệ để đảm bảo cung cấp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp cận một cách thuận lợi nhất. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, triển khai rộng rãi, tạo sự lan tỏa Chương trình “Đại sứ Du lịch Lạng Sơn” với các hoạt động phù hợp. Hiệp hội Du lịch tỉnh tăng cường phối hợp, đưa ra giải pháp để triển khai Chương trình “Đại sứ du lịch Lạng Sơn” và hệ thống du lịch thông minh tới từng thành viên và tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đưa du lịch Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
 
     Ngày 23/12/2022, diễn ra hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022. Đồng chí Đoàn Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì hội nghị. Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, chính quyền các huyện và thành phố, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cơ bản được kiểm soát. Trong đó, các lực lượng đã kiểm tra, xử lý 4.842 vụ, bằng 73,89% so với năm 2021; đã khởi tố 349 vụ (tăng 7,72% so với năm 2021) với 498 đối tượng (tăng gần 4% so với năm 2021). Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nhận định từ nay đến giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cũng như trong năm 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, tinh vi hơn do tác động của các cơ chế, chính sách về lưu thông hàng hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng đó, tình trạng buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… trong thị trường nội địa cũng sẽ gia tăng. Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh biểu dương các lực lượng chức năng, lãnh đạo một số huyện biên giới trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế như: tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn chưa được kiểm soát triệt để; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong một số loại hình kinh doanh thương mại phi truyền thống chưa tương xứng với diễn biến tình hình thực tế; công tác phối hợp giữa các ngành, các huyện và thành phố có thời điểm chưa chặt chẽ… Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: các lực lượng chức năng cần tiếp tục triển khai các biện pháp, chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, xuất, nhập cảnh trái phép qua địa bàn quản lý; lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan tiếp tục nắm chắc địa bàn, duy trì thường xuyên quân số trực tại các lán chốt trên tuyến biên giới. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt các đường mòn, khu vực cửa khẩu, không để hình thành tụ điểm cất trữ hàng lậu tại khu vực biên giới. Cùng đó, chủ động phối hợp với chính quyền các xã biên giới tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới không tiếp tay vận chuyển hàng lậu cho các đối tượng buôn lậu. Cơ quan thuế tiếp tục tăng cường quản lý cấp phát, sử dụng hóa đơn. Lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường công tác nắm địa bàn, tập trung kiểm soát tốt trên khâu lưu thông, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt lưu tâm không để xuất hiện các vụ việc bán hàng đa cấp. Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, quản lý tốt địa bàn. Các sở, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ tăng cường thực hiện kiểm tra chuyên ngành; lực lượng chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát tình hình thị trường, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023,…
 
     Ngày 26/12/2022, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022. Dự hội nghị có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và 60 đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, chính sách đối với người có uy tín đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ, đầy đủ theo quy định, góp phần động viên, khuyến khích người có uy tín tích cực phát huy vai trò của mình. Tổng kinh phí thực hiện chính sách năm 2022 là trên 2,4 tỷ đồng để thực hiện các nội dung: cấp báo, tập huấn, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán,… Đội ngũ người có uy tín đã phát huy uy tín, ảnh hưởng của mình tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp tại cơ sở, là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia tố giác, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền. Tại hội nghị, các đại biểu là người có uy tín đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác xóa đói, giảm nghèo; công tác hòa giải; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống... Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ người có uy tín trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, người có uy tín tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật  của Nhà nước, đặc biệt là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua, yêu nước và tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng thôn bản, tổ dân phố vững mạnh. Đồng chí cũng đề nghị các cấp ngành cần tăng cường sự lãnh đạo, định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động đối với người có uy tín; thườngxuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách mới cho người có uy tín, qua đó thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Với nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong năm 2022, đã có 60 người uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được biểu dương, tôn vinh và nhận Giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh.
     Ngày 27/12/2022, UBND tỉnh tổ chức Chương trình phát động ủng hộ Quỹ nhân đạo và Phong trào “Tết nhân ái” Xuân Quý Mão 2023. Đến dự có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh cùng lãnh đạo các huyện, thành phố, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Phát biểu phát động ủng hộ Quỹ nhân đạo và Phong trào “Tết nhân ái” (TNA) Xuân Quý Mão 2023, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh và toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân toàn tỉnh với tinh thần “kết nối, sẻ chia và lan tỏa” tiếp tục cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh chung tay ủng hộ Phong trào “TNA” nhằm giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và có thêm điều kiện được vui Xuân, đón Tết cổ truyền Quý Mão 2023 được đủ đầy hơn. Đồng thời, ủng hộ Quỹ Nhân đạo của tỉnh để có nguồn lực chủ động trong hỗ trợ đột xuất khi có thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác trên địa bàn. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Hội CTĐ tỉnh tiếp tục là địa chỉ tin cậy để các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi gắm lòng tin, chia sẻ đóng góp trong các hoạt động nhân đạo. Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác chỉ đạo, các cơ quan, ban, ngành, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có kế hoạch phối hợp cùng với Hội CTĐ tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào và sử dụng số kinh phí ủng hộ nhận được đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, điều tra, rà soát, phân loại các đối tượng cần giúp đỡ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hỗ trợ phong trào.
     Tại chương trình, lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh đã đọc thư kêu gọi ủng hộ Quỹ nhân đạo, phong trào “TNA” Xuân Quý Mão 2023. Theo đó, thời gian vận động, ủng hộ từ tháng 12/2022 đến ngày 18/01/2023, mọi sự đóng góp ủng hộ, gửi về Hội CTĐ tỉnh theo địa chỉ: số 04, đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn; số tài khoản: 3511 0000 192 190, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, Ban Tổ chức chương trình đã trao bảng ghi nhận những “Tấm lòng vàng nhân đạo” cho các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cam kết đồng hành cùng chương trình trị giá trên 6,1 tỷ đồng. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng đã trực tiếp tham gia ủng hộ được trên 141 triệu đồng. Trong chương trình, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã ủng hộ Quỹ nhân đạo và phong trào “TNA” tỉnh Lạng Sơn 50 triệu đồng; Ban Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh cam kết hỗ trợ xây dựng 2 công trình nhà nhân đạo. Hội CTĐ tỉnh tặng 20 suất quà cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.
     Ngày 27/12/2022, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố kết quả bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và UBND các huyện (DDCI) tỉnh Lạng Sơn năm 2022. Dự hội nghị có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Bộ chỉ số DDCI năm 2022 thực hiện đo lường, xếp hạng chất lượng cung cấp các dịch vụ công và tính cạnh tranh của môi trường đầu tư đối với 36 đơn vị gồm 25 sở, ban, ngành và 11 huyện, thành phố (tăng 01 đơn vị so với năm 2021). Kết quả khảo sát là cơ sở khoa học để các đơn vị tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại trong việc nâng cao chất lượng điều hành các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Kết quả, điểm trung vị của khối sở, ban, ngành đạt 75,99 điểm, tăng 7,5 điểm so với năm 2021, khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị đứng cuối được thu hẹp còn 13,67 điểm, giảm 10,11 điểm so với năm 2021. Ba đơn vị dẫn đầu gồm Bảo hiểm xã hội tỉnh 88,60 điểm, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh 80,32 điểm, Cục thuế tỉnh 79,78 điểm; ba đơn vị đứng cuối gồm: Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn 73,17 điểm, Cục Quản lý thị trường 72,75 điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường 66,93 điểm. Đối với khối địa phương, điểm trung vị trong khối đạt 74,65 điểm, tăng 2,11 điểm so với năm 2021, khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị đứng cuối được thu hẹp còn 9,84 điểm, giảm 0,48 điểm so với năm 2021. Các huyện dẫn đầu gồm huyện Bắc Sơn 80,79 điểm, huyện Hữu Lũng 79,92 điểm, huyện Bình Gia 79,28 điểm; các huyện xếp cuối gồm huyện Đình Lập 73,45 điểm, huyện Văn Quan 73,32 điểm, huyện Cao Lộc 70,96 điểm. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của đơn vị tư vấn và cơ quan liên quan trong thực hiện xây dựng Bộ chỉ số DDCI, đồng thời nhấn mạnh kết quả xếp hạng là sự đánh giá khách quan cho nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong thời gian qua. Để tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và UBND các huyện, đồng chí đề nghị các đơn vị đạt thấp điểm liên hệ với đơn vị tư vấn để được tư vấn cụ thể về những hạn chế, tồn tại, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới; trên cơ sở các khuyến nghị của đơn vị tư vấn, các cơ quan, đơn vị  phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề để nhìn nhận, đánh giá những mặt còn hạn chế, yếu kém, đưa ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm 2023. Đồng chí cũng đề nghị các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tiếp thu khuyến nghị của đơn vị tư vấn, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.
     Ngày 28, 29/12/2022, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác đã thăm và tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim, khối 5, phường Vĩnh Trại và Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Như Hành, thương binh hạng 2/4, khối 11, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn; thăm, chúc Tết và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình, huyện Văn Lãng; thăm và tặng quà tết gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thanh Long, huyện Văn Lãng; thăm và tặng quà Tết đoàn viên, công nhân, người lao động (ĐVCNNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tham gia cùng đoàn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, một số sở, ngành tỉnh; lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Lạng Sơn; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Văn Lãng;...
     Tại các nơi đến thăm, Phó Chủ tịch nước và thành viên đoàn công tác của trung ương, của tỉnh đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống của các gia đình chính sách. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự tri ân sâu sắc với công lao to lớn, sự hy sinh của các gia đình trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp tết đến xuân về, Phó Chủ tịch nước đã tặng quà, kính chúc Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân sống vui, khỏe, bình an, hạnh phúc, luôn là tấm gương, chỗ dựa tinh thần cho gia đình, quê hương, đất nước. Đồng chí Phó Chủ tịch nước mong muốn thế hệ con cháu của hai gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiếp bước cha ông, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh Lạng Sơn nói riêng.
     Phát biểu tại Đồn Biên phòng Na Hình, huyện Văn Lãng, đồng chí Phó Chủ tịch nước ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sỹ trong bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biên giới, đặc biệt thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng. Đồng chí biểu dương kết quả đạt được của Bộ đội Biên phòng tỉnh nói chung và Đồn nói riêng. Trong bối cảnh mới, đồng chí đề nghị cán bộ, chiến sỹ đồn tiếp tục giữ vững tư tưởng chính trị, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch năm mới, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ về chính trị, huấn luyện, phẩm chất đạo đức trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đủ sức chiến đấu trong mọi tình huống. Đồng thời nắm chắc tình hình, chủ động dự báo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác bảo vệ biên giới; quan tâm dân vận, gần dân, huy động sức dân để “mỗi người dân là một chiến sỹ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đồng chí cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện Văn Lãng tiếp tục quan tâm đời sống đồng bào khu vực biên giới, đưa các chủ trương, chính sách đi vào chiều sâu, thấm vào lòng dân, không chỉ dừng lại ở phong trào. Đề nghị địa phương, Bộ Tư lệnh Biên phòng quan tâm đời sống của cán bộ, chiến sỹ dịp Tết, để cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.
     Phát biểu tại thăm và tặng quà tết gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thanh Long, huyện Văn Lãng, đồng chí Phó Chủ tịch nước biểu dương và chúc mừng kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Văn Lãng nói riêng trong năm qua, mặc dù là địa phương có nhiều khó khăn về địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội, có vị trí đặc biệt, nơi phên dậu của Tổ quốc, nhưng tỉnh luôn nỗ lực phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, đảm bảo an sinh xã hội cho các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Phó Chủ tịch nước mong muốn cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện tiếp tục phát huy tốt những truyền thống tốt đẹp, khát vọng vươn lên đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Chú trọng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vùng miền núi, dân tộc thiểu số, tranh thủ sự lãnh đạo, đầu tư của trung ương, phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới; phát triển kinh tế đối ngoại; giữ rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, đầu tư thỏa đáng, đảm bảo cho bà con Nhân dân vùng sâu xa được tiếp cận thông tin, điều kiện văn hóa xã hội, y tế, giáo dục. Nhân dịp xuân mới, đồng chí chúc Tết cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đón năm mới an khang, thịnh vượng, đạt nhiều thắng lợi mới. Trong chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch nước đã trao biểu trưng 200 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Văn Lãng, trong đó có 30 suất quà được trao trực tiếp tại chương trình. Tặng quà cho 100 gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn xã Thanh Long và Thụy Hùng, huyện Văn Lãng; tặng quà cho huyện Văn Lãng và hai xã.
     Phát biểu tại chương trình thăm và tặng quà Tết đoàn viên, công nhân, người lao động (ĐVCNNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch nước ghi nhận, biểu dương và chúc mừng kết quả đạt được của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và các hoạt động chăm lo cho ĐVCNNLĐ của các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh. vui mừng nhận thấy lực lượng ĐVCNNLĐ của tỉnh không ngừng lớn mạnh, được đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động sản xuất đã góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương, đồng chí nhấn mạnh, sự nỗ lực phấn đấu của ĐVCNNLĐ cả nước, trong đó có tỉnh Lạng Sơn đã đóng góp chung vào thành tựu phát triển KTXH của đất nước năm 2022. Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, ĐVNLĐ đã và đang phải vượt qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Phó Chủ tịch nước đề nghị các cấp công đoàn trong tỉnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, theo kịp xu thế của thời đại, sự phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của ĐVCNNLĐ, kiến nghị hoàn thiện chính sách luật pháp về lao động, công đoàn phù hợp thực tiễn. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng toàn diện cho ĐVCNNLĐ, đào tạo đội ngũ người lao động mới đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của tỉnh, đất nước. Bên cạnh đó, ĐVCNNLĐ cần có định hướng, thay đổi tư duy, kỹ năng, phong cách, phương pháp làm việc, tiếp cận được xu thế phát triển, nắm bắt khoa học, kỹ thuật và làm chủ được công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế hội nhập, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Lạng Sơn anh hùng. Nhân dịp này, đồng chí chúc Tết lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh, công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh có sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thắng lợi trong năm mới. Tại chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch nước tặng quà 200 ĐVCNNLĐ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, mỗi suất quà trị giá 1,3 triệu đồng; tặng 10 Nhà “Đại đoàn kết” với tổng trị giá 500 triệu đồng cho tỉnh Lạng Sơn; tặng quà trị giá 3 triệu đồng cho Công ty TNHH Huy Hoàng, thành phố Lạng Sơn, là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu chăm lo tốt cho ĐVCNNLĐ.
     Từ ngày 30/12/2022 đến 01/01/2022, tại Trung tâm Hội chợ thương mại Lạng Sơn đã diễn ra chương trình khai mạc Chợ tết Công đoàn gắn với Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” năm 2023. Dự khai mạc có đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân Vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Chợ tết Công đoàn có trên 30 gian hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với mức giá ưu đãi, bảo đảm chất lượng phục vụ đoàn viên, người lao động và người dân đến tham quan, mua sắm. Tất cả các gian hàng đều được bán với giá ưu đãi, giảm từ 5 đến 10% so với giá niêm yết và gian hàng 0 đồng. Đồng thời, có các hoạt động khám sức khỏe, tầm soát ung thư miễn phí và các chương trình văn hóa văn nghệ, múa sư tử, trò chơi dân gian…Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao nhiều phần quà cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực của tổ chức Công đoàn, góp phần chia sẻ cùng gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vui Xuân, đón Tết đầm ấm, hạnh phúc. Đồng thời cũng là dịp để kết nối liên hệ giữa tổ chức Công đoàn, đoàn viên, người lao động với cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm lo đối với với đoàn viên, người lao động; quảng bá sản phẩm hàng hóa dịch vụ chất lượng của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh đến đông đảo đoàn viên, người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tin tổng hợp
 
 
KIÊN ĐỊNH CÁC NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐẢNG,
GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
 
     Thực tế của Đảng Cộng sản Liên Xô đã chứng minh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ Liên Xô là do đã từ bỏ các nguyên tắc xây dựng Đảng dẫn đến sự tan rã của Đảng.
     Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các kỳ đại hội Đảng gần đây, vấn đề kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng là quá trình phát triển nhận thức lý luận của Đảng trên cơ sở tổng kết thực tiễn của 36 năm đổi mới theo hướng mở rộng và bao quát hơn những nội dung cần phải kiên định. Kiên định nguyên tắc là cơ sở để chúng ta phân biệt đối tượng, đối tác trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta lần đầu tiên khẳng định: Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, bởi những lý do sau đây:
     Thứ nhất, về lý luận, nguyên tắc là vấn đề có tính sống còn đối với một tổ chức. Tuân thủ các nguyên tắc thì tổ chức đó vững mạnh, từ bỏ hoặc thực hiện không nghiêm túc các nguyên tắc thì sẽ dẫn đến tổ chức rệu rã và có nguy cơ tan rã.
 
 
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo
 
     Trải qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên tắc cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về xây dựng Đảng. Tổng kết công tác xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, tuy cách diễn đạt về các nguyên tắc xây dựng Đảng có khác nhau một vài điểm nhưng nhìn chung Đảng ta vẫn luôn khẳng định những nguyên tắc trên cơ sở vận dụng và tuân thủ các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
     Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta phát triển nguyên tắc về nền tảng tư tưởng: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.
     Đây là lần đầu tiên Đảng ta xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiền phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiền phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng tại đại hội lần này, Đảng ta bổ sung thêm nguyên tắc: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc chủ yếu nói trên trong quá trình xây dựng Đảng là một trong những yếu tố có tính quyết định bảo đảm cho Đảng ta giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; là cơ sở khoa học để Đảng ta không ngừng chăm lo xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng luôn xứng đáng vai trò người lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
     Trên cơ sở những nguyên lý về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do Lênin nêu ra và thực tiễn hoạt động của Đảng ta, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua (các nhiệm kỳ XII và XIII thống nhất giữ nguyên Điều lệ) quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động như sau: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
     Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc này và đó cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Đảng ta trong thời gian qua.
     Thứ hai, quan điểm chỉ đạo là kiên định nhưng không phải là cứng nhắc, giáo điều và cũng không phải là đổi mới vô nguyên tắc.
     Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
     Trong quá trình thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, cần thấm nhuần quan điểm chỉ đạo: Kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Kiên trì, kiên định nhưng không trở thành giáo điều, cứng nhắc; đổi mới, kế thừa và phát triển nhưng trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc chứ không phải là vô nguyên tắc, dân chủ quá đà, lẫn lộn giữa đối tượng, đối tác.
     Thứ ba, về thực tiễn, trong nghiên cứu, học tập, quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng thì chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục nên khi thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng rất cần phải kiên định tuân thủ các nguyên tắc. Nếu ai không tuân thủ sẽ phải chịu trách nhiệm bằng các hình thức kỷ luật của Đảng.
     Đánh giá việc thực hiện các nguyên tắc và đổi mới phương thức lãnh đạo, văn kiện Đại hội XIII chỉ ra những ưu điểm sau: “Công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt chú trọng. Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối đổi mới và các nguyên tắc xây dựng Đảng”. “Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới. Ban hành và thực hiện nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao nguyên tắc pháp quyền, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội”.
     Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ ưu điểm: “Đảng ta luôn vững vàng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng”.
     Trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng nói chung, các nguyên tắc xây dựng Đảng nói riêng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục”.
     Đánh giá việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp”. “Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”.
     Một số cấp ủy, tổ chức đảng đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài. Đây là điều rất đáng trăn trở vì trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Các cấp ủy đã giám sát 193.993 tổ chức đảng và 528.652 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã giám sát 124.469 tổ chức đảng và 185.731 đảng viên.
     Điều cần lưu ý là rất nhiều vi phạm xảy ra từ nhiệm kỳ trước nhưng đến nay mới bị phát hiện và xử lý. Như vậy trước đó, việc tuân thủ các nguyên tắc xây dựng Đảng chưa thật sự được coi trọng, thậm chí bị buông lỏng. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các nguyên tắc xây dựng Đảng chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; việc quán triệt các nghị quyết của Đảng ở một số nơi chưa kịp thời, sâu sắc. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chủ động, sâu sát, thiếu quyết liệt; chưa coi trọng việc tự kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa một số cấp ủy với đảng đoàn, ban cán sự đảng có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc phân định trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ; chưa phát huy đúng mức vai trò của cá nhân trong tập thể. Việc xây dựng, phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu về công tác xây dựng Đảng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
    Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
     Thứ nhất, kiên định những nguyên tắc xây dựng Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị. Tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung các nguyên tắc xây dựng Đảng để từ nhận thức sẽ có hành động đúng và tạo sự lan tỏa theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.
    Thứ hai, tập trung xây dựng, thông tin chủ động, chính xác, kịp thời, toàn diện, đúng đối tượng về các hoạt động, sự kiện chính trị, xã hội của đất nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục, fanpage, blog, tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook...) về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
    Thứ ba, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời định hướng dư luận xã hội; thực hiện tốt quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho báo chí; công khai kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trên các phương tiện truyền thông; xử lý nghiêm những thông tin phản ánh không đầy đủ, phiến diện, tiêu cực một chiều trên báo chí, mạng xã hội.
    Thứ tư, quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội; thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không tham gia bình luận tiêu cực hoặc chia sẻ những thông tin xấu độc trên không gian mạng.
 
Theo qdnd.vn

Tin liên quan