Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 3/2023

02-03-2023 16:49

 

     Ngày 01/02/2003, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3, năm 2023. Cuộc họp báo được kết nối trực tuyến tới các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước. Phát biểu chỉ đạo và phát động Cuộc thi, GS.TS. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi nêu rõ để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương quyết định tổ chức "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023". Cuộc thi là sự tiếp nối thành công của 2 cuộc thi viết chính luận về "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" năm 2021, năm 2022 và tiếp tục có sự mở rộng về quy mô tổ chức, thành phần tham gia và thể loại tác phẩm dự thi. Đồng chí đề nghị Thường trực các Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Ban Tuyên giáo, Ban Chỉ đạo 35 các tỉnh, thành phố vào cuộc khẩn trương. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nơi nào quan tâm, nơi đó sẽ đạt kết quả tốt trong Cuộc thi. Các bài viết cần có tính phát hiện, không chỉ về nội dung mà còn phát hiện lực lượng, nhân tố, xây dựng mạng lưới bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Đồng chí bày tỏ mong muốn nhận được sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước, người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, để tiếp tục thể hiện nhận thức, tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị thời gian tới. Về thể lệ Cuộc thi, Ban Tổ chức cho biết: Đối tượng dự thi là người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; người nước ngoài có bài viết chính luận phù hợp với tiêu chí của Cuộc thi. Với tác phẩm thuộc thể loại bài viết: Mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 2 tác phẩm, gồm một bài viết chính luận loại hình tạp chí (tạp chí in hoặc tạp chí điện tử) và một bài viết chính luận loại hình báo (báo in hoặc báo điện tử). Mỗi bài viết gửi tham gia dự thi gồm bản in (khổ A4) và file mềm (định dạng Microsoft Word). Với tác phẩm thể loại âm thanh, hình ảnh: Mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa ba tác phẩm dự thi, gồm một tác phẩm loại hình báo nói (phát thanh); một tác phẩm loại hình báo hình (truyền hình) và một tác phẩm dưới dạng video clip. Mỗi tác phẩm dự thi gồm file âm thanh/hình ảnh và bản in kịch bản văn học (định dạng Microsoft Word).Tác phẩm dự thi là tác phẩm sáng tạo lần đầu, chưa từng được đăng tải/công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trước thời điểm phát động Cuộc thi. Các tác phẩm dạng viết phải bảo đảm tỉ lệ không trùng lặp theo quy định (không trùng lặp quá 20% đối với thể loại tạp chí, không trùng lặp quá 25% đối với thể loại báo so với các công trình đã đăng tải/công bố của chính tác giả/nhóm tác giả hoặc của tác giả/nhóm tác giả khác). Sau khi gửi tác phẩm dự thi về Ban Tổ chức, tác giả/nhóm tác giả có thể đăng tải/công bố tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải thông báo cho cơ quan đã nhận tác phẩm dự thi và gửi minh chứng kèm theo. Chủ đề tác phẩm tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, như: Giá trị khoa học, cách mạng và thời đại của chủ nghĩa Mac - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những đề xuất bổ sung, phát triển; bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở các ngành, địa phương, lĩnh vực. Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi bắt đầu từ khi phát động Cuộc thi (ngày 1/2/2023) cho đến hết       ngày 31/7/2023 (tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận tác phẩm và hồ sơ dự thi ở cấp Trung ương: Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, số 135 Nguyễn Phong Sắc, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Điện thoại: 080.41053 hoặc 0909.581.987; Email: thiviet35hcma@gmail.com. Lễ công bố và trao giải Cuộc thi được tổ chức vào tháng 10/2023 nhân dịp sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao giải theo 3 loại hình tác phẩm dự thi gồm: Loại hình bài tạp chí, loại hình báo và loại hình phát thanh/truyền hình/video clip. Mỗi loại hình gồm: Một giải Đặc biệt, ba giải A, năm giải B, bảy giải C, mười giải Khuyến khích. Ban Tổ chức sẽ trao 15 giải "Tập thể xuất sắc" cho các cơ quan, tổ chức, địa phương có quá trình tổ chức triển khai cuộc thi sâu rộng, sáng tạo tại cơ sở, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII tại địa phương, cơ quan, đơn vị; có nhiều sản phẩm tham gia dự thi đạt chất lượng tốt, trong đó có ít nhất một tác phẩm đoạt giải B trở lên. Ngoài giải chính thức, Ban Tổ chức Cuộc thi trao tặng 15 giải Triển vọng cho tác phẩm dự thi của tác giả/nhóm tác giả là đoàn viên, thanh niên, sinh viên lọt vào vòng chung khảo và có số điểm cao nhất trong số tác phẩm của đoàn viên, thanh niên, sinh viên.

     Ngày 03/02/2023, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, tuyên dương huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao toàn quốc (TTTQ) lần thứ IX năm 2022 và các giải TTTQ năm 2022. Dự chương trình gặp mặt có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh…Đoàn thể thao tỉnh Lạng Sơn tham dự Đại hội TTTQ lần thứ IX năm 2022 từ ngày 23/11 đến ngày 21/12/2022 với 99 người, thi đấu 9 môn: Karate, Kickboxing, Điền kinh, Muay, Cử tạ, Wushu, Jujitsu, Đẩy gậy, Kéo co. Đây là kỳ đại hội mà đoàn thể thao Lạng Sơn tham gia số môn thi đấu và số lượng VĐV đông nhất từ trước đến nay. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, các VĐV của tỉnh đã thi đấu thành công và vượt các chỉ tiêu đề ra với 17 huy chương các loại, trong đó có 02 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng, 14 VĐV đạt kiện tướng, 1 VĐV đạt cấp I quốc gia. Đoàn thể thao Lạng Sơn xếp thứ 47/65 tỉnh, thành, ngành toàn quốc và xếp thứ 8/19 tỉnh miền núi. Với thành tích đạt được, Đoàn thể thao tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen có thành tích tốt tại Đại hội TTTQ lần thứ IX năm 2022. So với các kỳ đại hội trước, thành tích thi đấu và thứ hạng mà Đoàn Thể thao tỉnh Lạng Sơn đạt được tại kỳ đại hội này là cao nhất từ trước tới nay. Cũng trong năm 2022, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh đã tổ chức tập huấn và tham gia thi đấu 12 giải TTTQ và khu vực, đạt 76 huy chương các loại trong đó 13 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc, 46 Huy chương Đồng, 15 VĐV cấp cao.Phát biểu tại buổi tuyên dương, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các HLV, VĐV đã đạt được những thành tích xuất sắc. Đồng chí nhấn mạnh, trong năm 2022, mặc dù có những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành công chung đó có kết quả tích cực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là trong lĩnh vực TDTT. Với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng hướng, có trọng tâm trọng điểm của tỉnh cùng với quá trình nỗ lực tập luyện, khát vọng cống hiến, vượt lên chính mình của các HLV vàVĐV, có thể khẳng định TDTT tỉnh đang dần lớn mạnh và phát triển. Đồng chí đề nghị các VĐV với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản” tiếp tục kiên trì rèn luyện, phấn đấu đạt thành tích cao trong thời gian tới, đặc biệt là tại giải Vô địch Karate cấp quốc gia mà tỉnh sẽ đăng cai tổ chức trong năm 2023. Các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt chế độ, chính sách về thể thao, đặc biệt là chính sách về bồi dưỡng tài năng thể thao, tham mưu xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để VĐV yên tâm thi đấu và cống hiến, quan tâm, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho thể thao thành tích cao của tỉnh, chú trọng công tác đào tạo VĐV trẻ, lực lượng kế cận, khen thưởng kịp thời và kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp ủng hộ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để thể thao Lạng Sơn ngày càng phát triển. Đồng chí cũng mong muốn các HLV tiếp tục nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt những phương pháp huấn luyện hiện đại để đáp ứng nhu cầu công tác huấn luyện và cùng các VĐV nỗ lực rèn luyện, phấn đấu đạt được thành tích cao hơn nữa.Tại buổi tuyên dương, 30 HLV, VĐV đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 49 HLV, VĐV và tập thể HLV, VĐV của 9 đội ở một số môn đã được thưởng tiền theo quy định với thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện, thi đấu đạt thành tích cao tại Đại hội TTTQ lần thứ IX và các giải TTTQ năm 2022.
     Ngày 03/02/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Cuộc họp được tổ chức với hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh thành trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chủ trì điểm cầu của tỉnh, cùng lãnh đạo các sở ban ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh.Theo báo cáo tại cuộc họp, trong năm 2022, các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra gần 1.100 nhiệm vụ và phân công rõ trách nhiệm, thời gian triển khai, đồng thời, đã ban hành hơn 340 văn bản, chỉ thị để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính. Cụ thể: các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành hơn 2.350 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn tại các bộ, ngành là 99,96%; tại địa phương, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn tại cấp tỉnh là 99,33%, cấp huyện là 98,27% và cấp xã là 99,56%. Kết quả sau sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cấp trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập, giảm 08 cục, giảm 145 Vụ và tương đương, giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Tại tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2022 tỉnh đã thực hiện hoàn thành 52/52 nhiệm vụ (đạt 100%) chỉ tiêu đề ra tại Kế hoạch số 250/KH-UBND. Đến thời điểm hiện tại, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã triển khai cung cấp được trên 1.800 dịch vụ công trực tuyến; đã cấp hơn 22.800 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân. Duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn, phiên bản 2.0 phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và triển khai áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt. Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá, biểu dương những kết quả đạt được của thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành trung ương và địa phương trong năm qua. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thống nhất trong nhận thức và hành động, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính; đồng thời, công tác cải cách hành chính phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả; đẩy mạnh rà soát các nhiệm vụ, ban hành kế hoạch cụ thể, tạo đột phá trong cải cách hành chính; tiếp tục triển khai chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đặc biệt quan tâm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
     Ngày 17/02/2023 (tức 27 tháng Giêng năm Quý Mão), Ban Tổ chức Lễ hội phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tổ chức Hội Đầu pháo, đây là hoạt động nằm trong Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ. Đến dự có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Lạng Sơn cùng đông đảo bà con Nhân dân và du khách. Trong chương trình, các đại biểu, Nhân dân và du khách đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, nổi bật là màn diễn tích về Hán Quận Công Thân Công Tài, được thờ tại Đền Tả Phủ - Kỳ Lừa. Sau 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay màn tranh đầu pháo được tổ chức lại đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia. Tại đây, chị Lý Thị Ngọc, 33 tuổi, khối Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã tranh được đầu pháo và được Ban Tổ chức tặng thưởng 2 triệu đồng cùng 1 mâm xôi gà, 1 mâm ngũ quả. Đến ngày 20 tháng giêng năm sau người tranh được đầu pháo phải mang đầu pháo và lễ vật đến Đền tạ ơn và trả lại nhà đền.
     Ngày 24/02/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025, đã chủ trì phiên họp thứ 3 trực tuyến với các địa phương về kết quả thực hiện các CTMTQG năm 2022 và 02 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố…Trong năm 2022, thực hiện 03 CTMTQG cả nước đã có 6.001/8.211 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 4,4% so với cuối    năm 2021; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Đến nay đã có 42/48 địa phương được phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) đã phân bổ chi tiết khoảng 18.848,812 tỷ đồng, đạt 76,34%. Đối với vốn ngân sách địa phương (NSĐP): có 25 địa phương bố trí khoảng 5.427.905 tỷ đồng từ nguồn NSĐP để thực hiện các chương trình MTQG. Ước đến 28/2/2023, có 17 địa phương giải ngân được khoảng 545,283 tỷ đồng kế hoạch vốn NSTW năm 2023 thực hiện 03 chương trình MTQG. Tại tỉnh Lạng Sơn, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện các CTMTQG của tỉnh đến hết ngày 31/01/2023 đạt 780tỷ đồng, đạt 58,8% kế hoạch. Kết quả năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 10,42% trên tổng số gần 160nghìn hộ DTTS, giảm 3,15% so với năm 2021, vượt 105% so với mục tiêu đề ra. Đã hoàn thành đưa 02 xã Châu Sơn (huyện Đình Lập), xã Thiện Hòa (huyện Bình Gia) và 14 thôn ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021. Hoàn thành 01/11 huyện được công nhận huyện NTM, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM là 47%, tỷ lệ xã NTM nâng cao đạt 20% số xã NTM, tỷ lệ xã NTM kiểu mẫu đạt 1,2% số xã NTM. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện các CTMTQG đã giao được trên 1.940 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến hết 17/02/2023 toàn tỉnh giải ngân kế hoạch vốn được trên 67,3 tỷ đồng, đạt 3,5% kế hoạch. Trong đó, cho vốn đầu tư phát triển, đạt 6,3% kế hoạch cao hơn mức bình quân của cả nước 1,81%.Kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã phân tích, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan trung ương và tại địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy định khung, văn bản quản lý, điều hành, giúp các địa phương có đầy đủ căn cứ tổ chức triển khai thuận lợi các chương trình này, do đó yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu hoàn thiện ban hành các văn bản hướng dẫn còn nợ, sửa đổi, bổ sung những nội dung còn xung đột, chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn đã ban hành, thực hiện trên nguyên tắc "tháo gỡ tối đa" những nút thắt, điểm nghẽn, phân cấp tối đa cho các địa phương chủ động, linh hoạt, nội dung văn bản phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý phải hạn chế tối đa đầu tư dàn trải, phân tán, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục. Đồng thời, tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn được giao theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, triển khai hiệu quả các CTMTQG, đáp ứng được sự mong đợi và kỳ vọng của Nhân dân./.
     Ngày 27/2/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ mười sáu để giải quyết công việc phát sinh đột xuất. Đồng chí  Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự kỳ họp có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nông Lương Chấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh khoá XVII, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh. Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghe Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về việc phê chuẩn Đề án rà soát, điều chỉnh ranh giới ba loại rừng tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030; Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, các đại biểu cũng nghe báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các nội dung trên.Các đại biểu đã tập trung nghiên cứu 02 dự thảo và thống nhất biểu quyết ban hành 02 Nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp quy định pháp luật.Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Thăng Long, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ thuộc thẩm quyền của tỉnh để dự án sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư; cùng với đó chỉ đạo UBND huyện Lộc Bình và huyện Đình Lập phối hợp với cơ quan chuyên môn rà soát chỉ tiêu sử dụng đất giao thông, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng hướng tuyến dự án, nhất là diện tích các loại đất, diện tích rừng; xem xét thực hiện các thủ tục điều chỉnh (nếu có) làm căn cứ thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án. Đồng chí cũng đề nghị các huyện Lộc Bình, Đình Lập đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về chủ trương, mục tiêu, lợi ích của dự án đem lại; các đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục tuyên truyền các nội dung liên quan đến dự án, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
     Ngày 27/2/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”. Hội thảo diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. Dự hội thảo tại điểm cầu trung tâm, có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội thảo có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đoàn Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh. Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, cách đây 80 năm (tháng 2/1943), Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chắp bút soạn thảo. Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa) với 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới gồm: dân tộc, khoa học, đại chúng. Trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà quản lý văn hóa tập trung phân tích rõ một số nội dung như: bối cảnh ra đời, các giá trị lý luận, thực tiễn và việc vận dụng tư tưởng trong Đề cương vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương… Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023). Qua thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu, hội thảo đã thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, sức sống lâu dài của đề cương văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao về các giải pháp để nghiên cứu, kế thừa các quan điểm của Đề cương đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc. Trong đó tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các kết luận, văn bản chỉ đạo của trung ương, đặc biệt là bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và đoàn thể; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người;…
     Ngày 28/02/2023, Đồn Biên phòng Chi Lăng tổ chức Lễ khánh thành đường nhánh kiểm tra cột mốc quốc giới và công trình thắp sáng đường tuần tra biên giới. Đây là công trình ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 34 năm ngày Biên phòng toàn dân. Dự buổi lễ có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Lộc Bình, Đình Lập và các đơn vị tài trợ. Đồn Biên phòng Chi Lăng quản lý đoạn biên giới dài hơn 20km gồm 33 cột mốc, trên địa bàn xã Tam Gia, huyện Lộc Bình và xã Bính Xá, huyện Đình Lập, trong đó có một số mốc cao, dài chưa được bê tông hóa gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm tra biên giới của cán bộ chiến sĩ đơn vị. Trước những khó khăn vất vả đó, đơn vị đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để xây dựng công trình đường nhánh kiểm tra mốc quốc giới và công trình thắp sáng đường tuần tra biên giới với kinh phí 500 triệu đồng. Sau hơn 01 tháng thi công, 04 công trình đường lên mốc: M1258, M1260, M1261, M1265 với chiều dài khoảng 600 mét và 01 công trình thắp sáng đường tuần tra biên giới từ mốc 1268 đến mốc 1272 dài 2,5km đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm tra biên giới, cũng như phục vụ nhân dân thăm quan, du lịch, trải nghiệm trên biên giới.
     Ngày 01/3/2023, Đoàn công tác Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên thăm và làm việc tại Lạng Sơn. Tham gia đoàn có ông Ri Ho Jun, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên… Đón tiếp và làm việc với đoàn công tác có lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ; lãnh đạo các đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã ôn lại lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên. Trong đó khẳng định, trải qua 73 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành vun đắp, xây dựng ngày càng được củng cố, phát triển. Tại Lạng Sơn, ngay sau sự kiện Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un thăm chính thức Việt Nam bằng tàu hỏa qua Ga liên vận Quốc tế Đồng Đăng (3/2019), tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan sưu tầm các hình ảnh, hiện vật và bài trí để xây dựng địa điểm này thành điểm du lịch phục vụ du khách tham quan. Cùng đó, trong năm 2020, Bảo tàng tỉnh cũng đã bố trí gian trưng bày chuyên đề “Quan hệ Việt Nam và Triều Tiên - Những mốc son lịch sử” với nhiều hình ảnh, hiện vật về lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên. Đến nay, gian trưng bày đã đón tiếp hàng vạn lượt khách tham quan. Qua đó tạo được sự quan tâm, tìm hiểu về lịch sử mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Triều Tiên của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.Trong chuyến thăm và làm việc, đoàn công tác đã tham quan điểm du lịch tại Ga liên vận Quốc tế Đồng Đăng và gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Tại các điểm đến, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng điểm du lịch cũng như gian trưng bày với rất nhiều hình ảnh, hiện vật quý giá về các chuyến thăm của lãnh đạo hai Đảng, hai nước. Ngài Đại sứ khẳng định mối quan hệ hợp tác chặt chẽ 73 năm qua giữa hai nước Việt Nam - Triều Tiên ngày càng phát triển; đồng thời mong muốn, thông qua hoạt động trưng bày, tuyên truyền giúp cho khách tham quan hiểu rõ hơn về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Đây là những hoạt động thiết thực góp phần vun đắp, phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Triều Tiên ngày càng tốt đẹp hơn.
     Ngày 01/3/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ. Tại cuộc họp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bầu bổ sung 03 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, gồm các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đinh Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình; Lê Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ.
     Ngày 02/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Võ Văn Thưởng giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo trình tự thủ tục quy định, tại kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng. Sau đó, đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, báo cáo Quốc hội để Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách nhân sự bầu Chủ tịch nước và thành lập Ban Kiểm phiếu. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi nghe Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước với 487/488 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành; tỷ lệ tán thành đạt 98,38% tổng số đại biểu Quốc hội. Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước đồng bào và cử tri cả nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
     TIỂU SỬ TÓM TẮT CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ VĂN THƯỞNG
     Đồng chí Võ Văn Thưởng sinh ngày 13-12-1970; quê xã An Phước, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long; trình độ lý luận chính trị cao cấp, Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn.
     Đồng chí Võ Văn Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa (XII, XIII), Bí thư Trung ương Đảng hai khóa (XII, XIII), Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa (X - dự khuyết, XI, XII, XIII), đại biểu Quốc hội ba khóa (XII, XIV, XV).
     Đồng chí Võ Văn Thưởng trưởng thành từ cán bộ Đoàn và đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng từ địa phương đến Trung ương như: Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam...
     Tháng 8-2011, đồng chí được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
     Đến tháng 4-2014, đồng chí làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015, rồi làm Phó bí thư thường trực và được Bộ Chính trị phân công điều hành công tác Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
     Tháng 1-2016, đồng chí được Đại hội XII của Đảng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
     Tháng 2-2016, đồng chí được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
     Đến Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
    Đồng chí Võ Văn Thưởng được Bộ Chính trị phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư từ tháng 2-2021 đến nay.
 
Tin tổng hợp
 
 
KÊ KHAI TÀI SẢN: CHỚ ĐỂ CHÁY NHÀ MỚI RA MẶT CHUỘT
 
     “Thu nhập không trung thực” là một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ mặt, điểm tên. Đây cũng là vấn đề được Đảng ta rất quan tâm lãnh đạo chấn chỉnh, khắc phục; được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
     Căn bệnh đã di căn
     Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai rơi vào vòng lao lý với nhiều sai phạm, trong đó có việc kê khai tài sản không trung thực. Trước khi bị xử lý, cán bộ này thuộc diện phải kê khai tài sản và đều đặn thực hiện qua mỗi năm. Ấy nhưng, khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện hành vi tham nhũng, nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng; tài sản kê khai và tài sản thực chênh nhau một cách bất thường.
     Những câu chuyện tương tự như trường hợp nêu trên không hề hiếm. Hàng loạt quan chức hầu tòa trong thời gian qua thì có ngần ấy cán bộ phạm phải việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; biển thủ, trục lợi khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, của nhân dân thành của riêng. Nhiều người lý giải, sở dĩ những cán bộ này không trung thực bởi đây là phần việc “bất khả thi”, vì không thể lý giải nguồn gốc tài sản. Mặt khác, làm vậy thì chẳng khác gì câu chuyện “lạy ông tôi ở bụi này”.
     Đáng nói là hiện nay, dù đã có khá đầy đủ, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề kê khai tài sản, thu nhập và công tác quản lý, kiểm soát sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện phải kê khai nhưng vấn nạn kê khai giả dối, thiếu trung thực vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Điều đó cho thấy, cốt tử của vấn đề nằm ở phẩm chất, đạo đức của cán bộ kê khai tài sản, thu nhập. Họ đã thực sự bị suy thoái, biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên cho thấy: Có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện và có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã được chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định. Như vậy, nếu cấp có thẩm quyền tiến hành xác minh kê khai tài sản, thu nhập thì tất yếu sẽ lòi ra những cá nhân kê khai không đúng, không trung thực. Trong khi phần việc này chỉ được tiến hành ngẫu nhiên trong số vài phần trăm cán bộ, càng cho thấy việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực đã và đang là vấn nạn đáng báo động.
 
 
Ảnh minh họa
 
     Sự nguy hại từ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực của cán bộ trước hết gây ra việc thất thoát khối lượng tài sản khổng lồ của Nhà nước, nhưng lớn hơn là gây mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ. Thế mới có chuyện, người dân kháo nhau về tài sản cán bộ giống như những tảng băng trôi. Tài sản được kê khai chỉ là phần nổi, còn phần chìm lớn hơn gấp nhiều lần. Thế mới có chuyện, dân không tin những cán bộ giàu lên một cách chính đáng, mà thường suy diễn, quy chụp cán bộ giàu là bởi tham nhũng mà có. Nhiều người dân cũng mặc định đã là cán bộ lãnh đạo cấp cao thì tất yếu phải giàu có hơn quần chúng. Và nếu thấy cán bộ gặp hoàn cảnh khó khăn thì quy chụp rằng cán bộ ấy đang cố tình mị dân, giả nghèo giả khổ, chứ chắc hẳn tài sản thực đã được chia năm xẻ bảy, lấp liếm, trá hình bằng nhiều hình hài khác nhau.
     Cũng bởi tâm lý xã hội ấy mà không ít cán bộ giàu có thật sự lại sinh ra tâm lý e ngại khi kê khai tài sản. Họ thậm chí giấu giếm đi sự giàu có chính đáng để tránh “miệng lưỡi thế gian” không cần thiết. Đây cũng là một thực tế cần được nhận diện, phê bình, khắc phục. Bởi lẽ, cán bộ cũng là con người, là công dân của một đất nước. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ tổ chức giao, cán bộ còn tham gia các hoạt động xã hội khác, trong đó có hoạt động phát triển kinh tế. Việc cán bộ có tài - đức, làm kinh tế đúng pháp luật, gặt hái thành công, trở nên giàu có chính đáng là rất đỗi bình thường. Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ, đảng viên năng động trong công tác và trong phát triển kinh tế tư nhân đã mang lại động lực tích cực cho đồng nghiệp, bà con xóm giềng và nhân dân ở địa phương nơi họ công tác, sinh sống. Cũng có không ít mô hình phát triển kinh tế, phong trào tăng gia sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở các địa phương được hình thành, được thúc đẩy và truyền cảm hứng từ chính những người cán bộ, đảng viên có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng.
     Gắn chặt “kê” với “kiểm”
     Phải nhận rõ một thực tế là chúng ta đang duy trì nền nếp việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, thế nhưng tổ chức và cơ quan chức năng chưa thật sự coi trọng việc xác minh, kiểm kê, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Đến hẹn lại lên, cán bộ điền vào những mẫu phiếu có sẵn về nguồn thu và những phát sinh tài sản, nhưng chưa có cơ quan, tổ chức nào (cả trong nội bộ) thực hiện chức năng thẩm định, kiểm kê, kiểm soát một cách thường xuyên nhằm xác minh kịp thời tính trung thực của nó. Thành thử, tích tiểu thành đại, đến khi khối tài sản của cán bộ trở nên bất thường thì mới sinh ra hoài nghi, lật ngược vấn đề rồi đi đến xử lý kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong nhiều tình huống khác, đến khi cán bộ rơi vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật Nhà nước thì cháy nhà mới ra mặt chuột.
     Dư luận cho rằng: Nếu việc xác minh, kiểm kê, kiểm soát được thực hiện đồng thời với việc kê khai tài sản, thu nhập thì chắc chắn việc cán bộ kê khai gian dối, thiếu trung thực sẽ được khắc phục cơ bản; những tài sản bất minh, không rõ nguồn gốc cũng được phát hiện từ sớm, giúp kịp thời phê bình, uốn nắn cán bộ, ngăn chặn tiêu cực lớn. Ngược lại, nếu chỉ đơn thuần coi trọng việc kê khai mà chưa chú trọng đến công tác xác minh, kiểm kê, kiểm soát tài sản, thu nhập thì coi như chúng ta chỉ làm nửa vời, thiếu tròn khâu và đây là kẽ hở cho những gian dối, thiếu trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.
     Nhiều ý kiến cho rằng, việc cần làm hiện nay là nên triển khai một đợt xác minh, kiểm kê, kiểm soát rộng khắp ở mọi đối tượng cán bộ, trước hết là những người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt. Cần tiến hành đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị và xem đây là một việc hết sức bình thường của tổ chức, chứ không chờ đến khi có dấu hiệu vi phạm mới xúc tiến, triển khai. Nguyên tắc xác minh, kiểm kê, kiểm soát tài sản cần vận hành từ trên xuống dưới; cấp trên kiểm soát tài sản của cấp dưới; tổ chức kiểm tra, kiểm soát tài sản của cá nhân... Đây chính là một bước xốc lại chất lượng của việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm biết được toàn cảnh thực trạng tài sản của cán bộ, tạo cơ sở vững chắc cho các bước triển khai tiếp theo.
     Thực tế cho thấy, không ít bộ, ngành, địa phương đã xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; có địa phương tiến hành việc bốc thăm để kiểm kê, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập thì đã thu được kết quả thấy rõ. Những cán bộ không trung thực sớm bị phát hiện; có cá nhân bị mất chức, bị điều chuyển công tác, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật. Đây là cách làm đúng đắn, hợp lòng dân, là cơ sở để cơ quan chức năng Trung ương nghiên cứu, nhân rộng, vận hành trong toàn hệ thống. Bởi thế, đông đảo người dân cho rằng, về lâu dài, việc xác minh, kiểm tra, kiểm soát tài sản tất yếu phải tiến tới thực hiện đồng bộ chứ không thể bốc thăm, hay lựa chọn ngẫu nhiên. Trước mắt, cần quan tâm thực hiện triệt để, đồng bộ ở đối tượng người đứng đầu và cán bộ phụ trách những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Từ đó sẽ tạo ra tác động rất lớn để cơ quan chức năng có những đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, giúp đội ngũ công chức, viên chức không dám tiêu cực.
     Sờ gáy “tài sản chìm”
     Việc xác minh, kiểm kê, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ cần quan tâm sâu sát, kỹ lưỡng cả "tài sản nổi" và "tài sản chìm" của từng cá nhân. Đây là phần việc cần thiết, bởi nhiều năm trước, chúng ta thường nhận diện, đánh giá cán bộ giàu có qua những căn biệt thự, xe sang, cuộc sống sung túc, đầy đủ... Thế nhưng, với mức sống hiện tại, những câu chuyện ấy không còn là tâm điểm dư luận. Một phần vì chất lượng đời sống xã hội đi lên, cả người dân, nhất là chủ doanh nghiệp cũng đã có cuộc sống dư dả, đầy đủ. Trong khi những cán bộ vốn "biến hình" thu vén cá nhân, có tài sản bất minh lại đủ hiểu "sức mạnh cuồng phong" của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Trung ương lĩnh xướng. Bởi thế, họ tìm mọi cách điều chỉnh, thích nghi, tạo hình hài cuộc sống phù hợp. Họ không thể hiện sự giàu có, thậm chí còn giả nghèo giả khổ. Trong khi đó, khối tài sản của không ít cán bộ rất lớn, được phân tán, biến hình ở nhiều nơi-đó được xem là “tài sản chìm”.
     Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp, biện pháp phù hợp để kiểm soát, xác thực kê khai; chú trọng phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong khâu xác minh; tăng cường các biện pháp xử lý mạnh mẽ, đủ sức răn đe đối với các tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc. Đặc biệt, cần sớm thực hiện “số hóa kê khai tài sản”. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Đây được xem là bước tiến mới cả về lý luận và thực tiễn công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bởi lẽ, khi số hóa các dữ liệu liên quan đến việc kê khai sẽ giúp lưu trữ tốt hơn và các cơ quan chức năng dễ dàng tìm kiếm, truy xuất các thông tin liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ khi có yêu cầu.
     Tuy nhiên, việc số hóa cũng chỉ là một giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, cần đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp khác; quan trọng là hoàn thiện các chính sách, pháp luật trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội; chú trọng đẩy mạnh lộ trình vận hành, duy trì xã hội “không tiền mặt”; hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch toàn xã hội, nhất là những giao dịch có giá trị lớn như mua nhà, bất động sản, xe ô tô, chứng khoán và các hoạt động đầu tư, cổ phần, góp vốn... của cán bộ. Đa dạng các kênh chính thống tiếp nhận thông tin của quần chúng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, khu dân cư nơi cán bộ, đảng viên cư trú. Đặc biệt là phải có biện pháp quản lý sự minh bạch nguồn gốc tài sản trong sở hữu và giao dịch toàn xã hội chứ không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với từng cán bộ, đảng viên.
     Việc kê khai tài sản hiện nay được tiến hành chủ yếu theo “mùa vụ”, đến dịp, đợt thì đồng loạt kê khai, nhưng giải pháp này xem ra chưa phát huy cao nhất trách nhiệm và tính tự giác của cán bộ. Bởi thế, cần có thêm những quy định cụ thể khác mang lại hiệu quả sát thực, ví như việc biến động tài sản, thu nhập theo định mức cụ thể bắt buộc cán bộ phải kê khai bổ sung, báo cáo kịp thời với tổ chức chứ không chờ đến cuối năm, hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Trong khi đó, nhiều ý kiến đề xuất việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ ở nơi sinh sống và làm việc một cách phù hợp. Chỉ có như vậy thì đồng nghiệp, cấp dưới và quần chúng mới nắm bắt thực chất thu nhập, biến động tài sản của cán bộ để giám sát hiệu quả.
Nguồn: qdnd.vn

 

Tin liên quan