Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 7/2023

04-07-2023 10:49

 
     Từ ngày 15-17/5/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Hội nghị lần thứ 7) để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII và một số vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có các bài phát biểu quan trọng khai mạc, bế mạc Hội nghị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định Hội nghị giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; để từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng: Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao sự chuẩn bị và nhất trí cao với các nội dung nêu trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay; cho rằng, việc kiểm điểm của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản, cầu thị và có tính tự phê bình sâu sắc. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ, khách quan, chân tình, tâm huyết, thể hiện rõ chính kiến trong việc thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Các nội dung thảo luận tập trung gắn chặt công tác kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, bất thường và khó khăn, phức tạp so với dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tập trung phân tích, làm rõ, nêu bật những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những kết quả và thành tựu đã đạt được trong thời gian qua thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo vững vàng, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo của cả quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn Dân và toàn quân ta. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém; phân tích nguyên nhân và rút ra 5 bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc. Trên cơ sở phân tích, dự báo về bối cảnh, tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu chỉ đạo tập trung, ưu tiên triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII: phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII: Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất nhận định việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, qua đó, giúp các đồng chí được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề trên, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng Báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; căn cứ từ thực tế quan hệ công tác đã thể hiện rõ chính kiến về mức độ tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; biểu quyết, thống nhất để đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; cho ý kiến về nhân sự một số cơ quan Trung ương để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn theo quy định tại Kỳ họp thứ năm. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin tưởng sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn Dân và toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII.
     Ngày 15/6/2023, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy Lạng Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh (15/6/1933 - 15/6/2023), công bố Kết luận của Bộ Chính trị công nhận đồng chí Lương Văn Tri là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đến dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí ủy viên Trung ương đảng, đại diện các Ban xây dựng Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện Lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân… Tại diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Lạng Sơn, miền đất địa đầu, thiêng liêng của Tổ quốc, có truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Mảnh đất giàu truyền thống đã nuôi dưỡng, hun đúc, hình thành nên tính cách, ý chí và khí phách của những con người xứ Lạng, tiêu biểu như anh Hoàng Văn Thụ, anh Lương Văn Tri đã đã có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc cho phong trào cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của quê hương Xứ Lạng anh hùng. Lạng Sơn là địa phương thành lập chi bộ đảng từ rất sớm. Giữa năm 1933, được sự ủy nhiệm của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Đoàn Viết Thọ tới xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc) tổ chức kết nạp 05 đảng viên và thành lập Chi bộ Thụy Hùng, là chi bộ đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, vai trò hết sức quan trọng để lãnh đạo việc xây dựng và phát triển các phong trào cách mạng, là mốc son đầu tiên, đánh dấu bước trưởng thành và ghi nhận một hiện thực sinh động: hạt giống đỏ của Đảng nảy mầm trên quê hương xứ Lạng. Từ một Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, lãnh đạo quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn viết nên những trang sử hào hùng, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có 15 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 681 tổ chức cơ sở đảng với 3.334 chi bộ và trên 69.000 đảng viên. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn tiếp tục lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đưa nền kinh tế từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá với năng suất chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đã phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong 90 năm qua. Thời gian tới, đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; khai thác và sử dụng hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế du lịch, phát triển nông nghiệp hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, có khát vọng vươn lên; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển, chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã công bố Kết luận của Bộ Chính trị về việc công nhận đồng chí Lương Văn Tri là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam tại Công văn số 5757-CV/VPTW, ngày 27/12/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng. Đồng thời công bố phát hành cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1986 - 2020).
     Ngày 17/6/2023, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023) và trao Giải Báo chí tỉnh lần thứ III năm 2023. Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí tỉnh; đồng chí Nông Lương Chấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; gần 300 đại biểu là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, các nhà báo trung ương và địa phương, các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Phát biểu khai mạc, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí tỉnh nhấn mạnh: Báo chí Lạng Sơn đã tiếp cận và phản ánh các sự kiện, đề tài bằng cách nhìn đa chiều, góp phần chuyển tải thông tin kịp thời, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực và trở thành kênh thông tin thu hút sự quan tâm rộng rãi của người dân trong và ngoài tỉnh. Thông qua báo chí, nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn của tỉnh đã lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, được nhiều địa phương trong cả nước và bạn bè nước ngoài quan tâm, hợp tác, chia sẻ. Báo chí cũng góp phần đấu tranh, từng bước loại bỏ các hạn chế, tiêu cực trong xã hội. Sau mỗi vụ việc báo chí nêu, tỉnh đã chỉ đạo nắm bắt tình hình, đồng thời có những giải pháp kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp. Năm 2023 là năm thứ ba tỉnh Lạng Sơn tổ chức Giải báo chí quy mô cấp tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh đã nhận được 89 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Nội dung của các tác phẩm báo chí tham gia phong phú, trong đó nhiều tác phẩm có chất lượng cao, tập trung phản ánh sinh động, khách quan, chân thực về các chỉ đạo trọng tâm của tỉnh; những thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Tại chương trình, ban tổ chức đã trao giải cho 50 tác phẩm ở 5 thể loại giải, gồm: 5 tác phẩm đạt giải A, 9 tác phẩm đạt giải B, 15 tác phẩm đạt giải C và 21 tác phẩm đạt giải khuyến khích. Phát biểu tại chương trình gặp mặt kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao giải báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ III, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và biểu dương những thành tích mà báo chí nói chung và báo chí Lạng Sơn nói riêng đã đạt được trong những năm qua; chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị: lãnh đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan báo chí trung ương và của tỉnh, đội ngũ những người làm báo và các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và những thành tựu đạt được thực hiện tốt hơn nữa, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, của tỉnh, báo chí tích cực tuyên truyền chính xác, kịp thời hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội; ngăn chặn suy thoái trong cán bộ, đảng viên; chú trọng tuyên truyền lan toả những gương người tốt, việc tốt gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, vu khống, xuyên tạc sự thật; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ, kỹ năng, phẩm chất đạo đức của người làm báo, đáp ứng yêu cầu của báo chí trong tình hình mới. Các cơ quan báo chí tích cực tổ chức các giải báo chí chuyên đề; bồi dưỡng, nâng cao tay nghề của đội ngũ nhà báo, phóng viên. Hội đồng Giải báo chí cần rút ra những kinh nghiệm để tổ chức giải tốt hơn trong những năm sau; tuyên truyền sâu rộng hơn nữa nhằm thu hút các nhà báo trung ương, địa phương tham gia; qua đó lựa chọn được những tác phẩm có chất lượng gửi dự thi giải báo chí quốc gia,…
     Từ ngày 20-21/5, đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đã thành công tốt đẹp cả trên phương diện đa phương và song phương. Trong chưa đầy 3 ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và các cuộc trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế. Thứ nhất, về đa phương, chúng ta đã đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng: (1) Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức chưa có tiền lệ như hiện nay; (2) phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm cân bằng, hợp lý theo điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; (3) tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và thực hiện bằng cam kết cụ thể. Thủ tướng cũng đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực. Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Sự tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển. Thứ hai, về song phương, chuyến công tác với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thực chất với lãnh đạo và các giới của Nhật Bản và lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đã góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác. Với Nhật Bản, các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng với Thủ tướng Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh Hiroshima và đông đảo các giới của Nhật Bản đã góp phần nâng cao hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả các nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm. Trong trao đổi, các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Tại hội nghị và các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ DOC, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất. Tựu chung lại, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đã thành công tốt đẹp, qua đó, tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, để lại dấu ấn sâu đậm về vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế của Việt Nam, khẳng định một hình ảnh Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.
     Từ ngày 22-24/6/2023 đã diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đã xem xét, quyết định và cho ý kiến các nội dung: Thông qua 8 luật là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thông qua 17 nghị quyết: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023"; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023"; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; Nghị quyết miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu về 8 dự án luật: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã hoàn thành cơ bản toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, nhất là thực hiện "mục tiêu kép" vừa kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện khó khăn do cả yếu tố bên trong và bên ngoài; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội giao.
Ngày 23/6/2023, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và giao lưu chương trình “Gửi lời yêu thương” năm 2023. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đông đảo người dân trên địa bàn. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tại Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2022, nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc. Nội dung của Bộ tiêu chí gồm: tiêu chí ứng xử chung: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: chung thủy, nghĩa tình; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: gương mẫu, yêu thương; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: hiếu thảo, lễ phép; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: hòa thuận, chia sẻ. Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Hưởng ứng phát động, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đã ký cam kết triển hai thực hiện Bộ tiêu chí.
     Từ ngày 27-28/6/2023, Đoàn đại biểu của tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tham dự Diễn đàn hợp tác Logistics qua biên giới giữa các Thành phố cửa khẩu Trung Quốc - Bán đảo Đông Dương tại Thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Trong chương trình, đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn đã tham dự phiên khai mạc Diễn đàn hợp tác Logistics qua biên giới giữa các Thành phố cửa khẩu Trung Quốc - Bán đảo Đông Dương; khai mạc Lễ hội du lịch biên quan Bằng Tường năm 2023 và Hội chợ Thương mại Trung - Việt lần thứ 29; Hội nghị giao lưu về xây dựng cửa khẩu thông minh biên giới Việt - Trung; khảo sát cửa khẩu Pò Chài, cửa khẩu Hữu Nghị Quan và một số nội dung quan trọng khác.
     Ngày 30/6/2023, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29). Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía đại biểu Trung ương có đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo báo cáo tại hội nghị, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Môi trường giáo dục từng bước được cải thiện, cơ sở vật chất trang thiết bị đầu tư cho giáo dục ngày càng được quan tâm; hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp giảm số điểm trường, lớp ghép để tạo điều kiện thuận lợi tổ chức các hoạt động giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 275 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 41,8%, vượt mục tiêu đề ra). Công tác đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh được chú trọng, toàn tỉnh tỷ lệ người biết chữ đạt 99% (vượt mục tiêu đề ra). Công tác hướng nghiệp, phân luồng, đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo 10 năm qua tăng 23%,… Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị: các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nêu cao nhận thức về tầm quan trọng công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tăng cường quán triệt các văn bản của trung ương, của tỉnh trọng tâm là Nghị quyết số 63-NQ/TU, ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới căn bản, phát triển toàn diện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tăng cường nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất cho GD&ĐT. Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ ưu tiên cần triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Ngành GD&ĐT tỉnh cần triển khai sâu rộng các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD&ĐT theo hướng hiện đại, linh hoạt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng dạy và học, bảo đảm thực chất, chính xác, khách quan, chống bệnh thành tích; kịp thời động viên, khen thưởng, tôn vinh những gương tập thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tiêu biểu, điển hình có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh,… Nhân dịp này, 22 tập thể, 14 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29.
Tin tổng hợp
 
 
THÀNH QUẢ NỬA NHIỆM KỲ
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG:
“TIẾNG TRỐNG LỆNH” VÀ SỨC MẠNH HIỆU TRIỆU
 
     Trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và nêu gương sáng để khởi phát, dẫn dắt cao trào cách mạng. Thực tế đó được minh chứng rõ nét, thuyết phục từ quá trình vận hành đánh “giặc nội xâm” ở Việt Nam thời gian qua.
 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu và cử tri TP. Hà Nội
- Ảnh: Báo Nhân dân
 
     Mệnh lệnh con tim - mệnh lệnh niềm tin!
    Trước năm 2011, tham nhũng vẫn là thách thức lớn trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và xã hội. Lúc bấy giờ, dù Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; Quốc hội ban hành Luật PCTN số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12... nhưng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực, gây bức xúc xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
     Trước thực tế đó, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị, ban hành. Thế nhưng, quá trình triển khai ở giai đoạn đầu, dù các cấp đã nỗ lực, quyết liệt vào cuộc nhưng xem ra kết quả chưa đạt như mong muốn, khiến một số người hoài nghi; là cái cớ để lực lượng thù địch lợi dụng, chống phá... Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, vào tháng 10-2012, khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại và cả của các nhiệm kỳ trước. Bấy giờ, giọng của Tổng Bí thư trở nên nghẹn ngào và giọt nước mắt của người đứng đầu Đảng bỗng trào ra!
     Sau này, khi kết quả PCTNTC có nhiều chuyển biến rõ nét, thực chất, nhiều chính trị gia, các nhà quan sát, bình luận chính trị đã thừa nhận và so ví hình ảnh ấy là “giọt nước mắt rơi vào lịch sử”. Đồng thời thừa nhận, nỗi đau ấy của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã chạm đến lương tri, trách nhiệm của phần lớn cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng; giúp khởi tạo và lan tỏa sâu rộng một cao trào đánh “giặc nội xâm” ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực.
     Với trọng trách được giao, quá trình công tác, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm, đặt ra những yêu cầu cao, trao gửi nhiều thông điệp và đã gióng lên những “tiếng trống lệnh” tuyên chiến với “giặc nội xâm”. Thực tế cho thấy, “tiếng trống lệnh” của Tổng Bí thư, cùng với quyết tâm chính trị rất cao của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thúc giục toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội tuyên chiến, đẩy lùi và tiến lên từng bước quét sạch vấn nạn tham nhũng, tiêu cực. Quyết tâm của đồng chí Tổng Bí thư được thể hiện rõ trong nhiều bài viết, nhiều bài phát biểu tại các hội nghị và trước cử tri; được xuất bản thành những cuốn sách giá trị - là cẩm nang chỉ đạo công tác PCTNTC có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Là người đứng đầu Đảng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và chủ trì hầu hết phiên họp của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay, đồng chí Tổng Bí thư thường xuyên chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa việc phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
     Đặc biệt, trong từng vụ việc cụ thể, đồng chí luôn có những chỉ đạo, định hướng quan trọng; yêu cầu cơ quan chức năng theo dõi sát sao, chỉ đạo điều tra làm rõ đến cùng, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, “không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Trong bất kỳ cuộc họp nào, lĩnh vực gì, tiếp xúc cử tri, trò chuyện với dân... đồng chí đều khẳng định đanh thép nỗ lực quyết tâm PCTNTC. Đó là cách giúp Đảng ta mạnh hơn, dẫn dắt công cuộc đổi mới đi đến thành công.
     Theo dõi, nghiên cứu những cuốn sách, bài viết, bài phát biểu và các bài nói chuyện của đồng chí Tổng Bí thư với cử tri trong thời gian qua, có thể thấy rõ hệ thống quan điểm, tư tưởng và hành động về đấu tranh PCTNTC hết sức chặt chẽ, nhất quán; có sự phát triển theo từng bước, từng giai đoạn PCTNTC; bảo đảm công tác PCTNTC được làm đến đâu, chắc đến đó. Đồng chí khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ, tuy nhiên xử lý trước mắt phải nghĩ đến lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. "Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định", Tổng Bí thư khẳng định.
Sức mạnh nêu gương của người đứng đầu
     Qua các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, vạch đường, dẫn lối cho công tác PCTNTC của toàn Đảng đạt nhiều thành quả có dấu ấn lịch sử. Những thành quả này được cộng hưởng và có thêm sức mạnh kêu gọi, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân từ tấm gương liêm khiết, thanh sạch về đạo đức, lối sống của đồng chí Tổng Bí thư.
     Ngay các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn bày tỏ mong muốn, mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được. “Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ quan điểm.
     Ít người biết rằng, vào ngày 14-4 hằng năm (sinh nhật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), đồng chí thường chủ động có kế hoạch đi công tác cơ sở, đến với vùng sâu, vùng xa, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Những cán bộ được tiếp cận, làm việc thường xuyên với Tổng Bí thư đều thấu hiểu và cảm nhận chủ ý đi công tác vào dịp ấy của đồng chí.
     Là người lãnh đạo cấp cao, nhưng Tổng Bí thư vẫn thường đơn sơ trong bộ vest cũ hay những chiếc áo bạc màu đã được sử dụng hàng chục năm; vẫn sống trong căn nhà công vụ, làm việc trong căn phòng bình dị; thường đi lại bằng chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Crown sản xuất những năm 90 của thế kỷ 20... Đó là cách sống và sự lựa chọn của một nhà lãnh đạo giản dị và cũng là tâm nguyện mà Tổng Bí thư từng chia sẻ với đội ngũ cán bộ: Danh thơm còn mãi, chức tước, tiền tài chỉ là phù vân!
     Chỉ đạo rất quyết liệt, trực tiếp điều hành Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, cùng Bộ Chính trị đôn đốc, chỉ đạo các vụ đại án lớn; không nề hà tình cảm, không nhân nhượng bao che để kỷ luật Đảng, không có vùng cấm, nhưng mỗi khi có cán bộ bị xử lý, Tổng Bí thư chính là người trăn trở, lo nghĩ nhiều nhất. Đồng chí từng nhiều lần trăn trở: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
     Tinh thần quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng; sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã khởi tạo nên cao trào cách mạng rộng khắp, huy động sự vào cuộc của cả xã hội cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi quốc nạn tham nhũng. Trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị từ Chính phủ đến Quốc hội, từ Trung ương về cơ sở, công tác PCTNTC được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì; từ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp đến quần chúng đều dành tâm huyết, trí tuệ, công sức và cả dũng khí, bản lĩnh tham gia hiệu quả vào công cuộc PCTNTC theo chức trách, nhiệm vụ và bổn phận công dân Việt Nam. Người dân từ khi nhận thấy quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu, của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC nên đã có thái độ tích cực hơn trong việc tham gia đóng góp, hiến kế PCTNTC. Nói cách khác, những “hồi trống lệnh” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã đáp ứng mong mỏi của đảng viên và nhân dân cả nước. Nhờ đó mà tinh thần quyết tâm, kiên quyết, kiên trì tuyên chiến với giặc nội xâm từ trong Đảng và toàn hệ thống chính trị đã lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong PCTNTC được phát huy tốt hơn. Khắp nơi nơi, bầu không khí chính trị trong chiến sĩ, đồng bào cả nước đều rất phấn khởi, vui mừng trước thành quả từ công cuộc PCTNTC do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo./.

Nguồn: qdnd.vn 

Tin liên quan