Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 9/2023

05-09-2023 07:55

   

     Ngày 10/8/2023, Đoàn công tác Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương do đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (BTVTU) Lạng Sơn về tình hình quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên BTVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong BTVTU cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và Công an tỉnh Lạng Sơn. Báo cáo đánh giá tình hình quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác bảo đảm ANTT, xây dựng lực lượng CAND  trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được giữ vững ổn định, góp phần tạo nền tảng cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị, BTVTU Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc, ban hành Nghị quyết số 110-NQ/TU và Đề án số 06-ĐA/TU về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Đề án  là 1.248,662 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị và bảo đảm ANTT, bố trí được trên 1 nghìn cán bộ công an chính quy về công tác tại 195 xã, thị trấn; đã xây dựng xong 18 trụ sở công an xã và tiếp tục đầu tư xây dựng mới 28 trụ sở… Lực lượng công an tỉnh đã triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, kéo giảm các vụ phạm pháp hình sự, không để hình thành tội phạm có tổ chức, gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân, làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu các giải pháp, biện pháp xử lý, không để đột xuất, bất ngờ. Đặc biệt, triển khai, thực hiện quyết liệt Đề án số 06 của Chính phủ, đến nay, các cấp, các ngành của tỉnh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư liên quan đến các lĩnh vực: tư pháp, bảo hiểm xã hội, y tế, lao động - thương binh và xã hội; nỗ lực, tập trung cao độ thực hiện và hoàn thành việc thu nhận căn cước công dân, hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp căn cước công dân với trên 660.000 trường hợp; đăng ký kích hoạt 340.000 tài khoản định danh điện tử, là tỉnh đứng thứ ba trên toàn quốc trong hoàn thành chỉ tiêu này. Trong chương trình làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, báo cáo làm rõ một số nội dung biện pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ANTT, xây dựng lực lượng của Công an Lạng Sơn gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn đối với công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng Công an tỉnh thời gian qua; ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả các mặt công tác của Công an tỉnh và đánh giá cao những kết quả tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an là điều kiện quan trọng để xây dựng lực lượng CAND, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại của tỉnh. Với vị trí chiến lược của tỉnh biên giới, có nhiều điều kiện, yếu tố thuận lợi, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra.Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Tỉnh ủy Lạng Sơn tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là chỉ tiêu về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là tăng thu nhập bình quân đầu người; huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế cửa khẩu, kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; huy động và sử dụng tốt nguồn vốn, nguồn lực trong Nhân dân, thu hút đầu tư, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm OCOP, nghiên cứu các mô hình hay, sáng tạo để đầu tư phát triển. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết                 số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt quan tâm, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phấn đấu xây dựng xã hội không có tội phạm, không có ma túy. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT, cải cách thủ tục hành chính gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, hỗ trợ về chế độ chính sách, cơ sở vật chất cho lực lượng Công an cơ sở, lực lượng trực tiếp chiến đấu. Đặc biệt, Tỉnh ủy Lạng Sơn cần tiếp tục quan tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 90 của Ban Bí thư, trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và Đề án xây dựng lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thay mặt BTVTU, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã trân trọng cảm ơn, và tiếp thu đầy đủ các nội dung chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an để bổ sung vào chương trình kế hoạch cụ thể của tỉnh và tập trung lãnh đạo chỉ đạo, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương để thực tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Tô Lâm đã trao tặng tỉnh Lạng Sơn bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn ngày 22/02/1960 và 01 xe cứu thương trang cấp cho địa bàn cơ sở nhằm phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân./.

       Ngày 18/8/2023, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội nghị phổ biến, học tập tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 315 điểm cầu các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở trong toàn tỉnh với sự tham gia của hơn 20.800 đại biểu. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, tác phẩm biên soạn công phu, kỹ lưỡng, qua nhiều bước với quy trình chặt chẽ, bài bản, khoa học, giới thiệu các bài viết, phát biểu, chỉ đạo, tổng kết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trình bày trong 600 trang với 111 bức ảnh, được kết cấu thành 3 phần: Phần thứ nhất “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” gồm bài viết tổng quan của Tổng Bí thư đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở nước ta từ năm 2013 đến nay và một số bài phát biểu kết luận của Tổng Bí thư tại các hội nghị toàn quốc về công tác PCTNTC cho thấy rõ hành trình thông điệp, và những bước tiến quan trọng của cuộc chiến chống “giặc nội xâm” ở nước ta thời gian qua. Phần thứ hai với chủ đề nhất quán phương châm “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc” gồm các bài viết của Tổng Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phần thứ ba là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tập hợp, chọn lọc các ý kiến đánh giá của các tầng lớp Nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế về công tác PCTNTC dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTNTC, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tiếp tục thực hiện đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng quán triệt nội dung, giá trị cốt lõi tác phẩm của Tổng Bí thư. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, không TNTC, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về TNTC, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc TNTC. Phát huy vai trò của các cơ quan đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong công tác đấu tranh PCTNTC./.
     Ngày 23/8/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh đã tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2023-2028, với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”. Dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch HHDN nhỏ và vừa Việt Nam. Dự Đại hội còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND các huyện, thành phố và đại diện một số HHDN các tỉnh, thành phố cùng hơn 600 doanh nghiệp hội viên (DNHV). Trong nhiệm kỳ qua, HHDN tỉnh đã không ngừng đổi mới, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành và hoạt thành vượt mức các chỉ tiêu Đại hội lần thứ II đề ra, phát triển toàn diện về tổ chức, hiệu quả hoạt động, tăng cả về số lượng và chất lượng, đã kết nạp mới 57 hội viên, nâng tổng số hội viên trong hiệp hội lên hơn 600 doanh nghiệp; thành lập mới 3 chi hội trực thuộc, hiện hiệp hội có 13 đơn vị thành viên trực thuộc. Các DNHV ngày càng tích cực, chủ động tham gia các hoạt động chung của HHDN tỉnh, làm tốt công tác phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư vấn, hỗ trợ DNHV. Trong nhiệm kỳ, HHDN đã vận động các DNHV đóng góp ủng hộ cho hoạt động an sinh xã hội được 100 tỷ đồng, ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh và quỹ vắc xin phòng chống dịch COVID-19 được hàng chục tỷ đồng. Năm 2020, 2021, UBND tỉnh giao cho HHDN làm đầu mối triển khai đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, góp phần nâng cao điểm số các chỉ số thành phần, nâng cao chất lượng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) qua đó, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Trong giai đoạn, có 111 doanh nhân, doanh nghiệp (DN) tiêu biểu được vinh danh trong nhiệm kỳ có 01 doanh nhân được tặng danh hiệu "Công dân Lạng Sơn ưu tú lần thứ nhất". Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả mà HHDN tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí cũng thông tin đến đại hội một số kết quả kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh thời gian qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, trong thành tích chung của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của HHDN tỉnh, phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa DN và chính quyền các cấp. Đồng chí đề nghị, HHDN tỉnh quan tâm cùng chính quyền các cấp hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn nữa để đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao trình độ quản trị DN, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của DN, tạo điều kiện cho DN phát triển, khẳng định uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hiệp hội cần xây dựng chương trình kế hoạch thiết thực giúp DN đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển DN trong thời gian tới. Đồng thời, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của DN để phản ánh với chính quyền, kiến nghị với các cơ quan chức năng gỡ bỏ những rào cản, nút thắt, khai thông những điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mỗi DN, doanh nhân của HHDN cần đề cao tinh thần dân tộc, đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội để xây dựng quan hệ lao động hài hòa với người lao động và cộng đồng, xã hội, xây dựng hình ảnh doanh nhân tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tạo điều kiện để phát triển đảng viên trong các DN, chủ động tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện để HHDN thực sự trở thành mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm đồng hành, tạo mọi điều kiện cho HHDN và cộng đồng DN chăm lo xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa III, nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 50 thành viên. Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch HHDN tỉnh khóa II được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HHDN tỉnh khóa III. Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển HHDN tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2018-2023 đã được nhận Kỷ niệm chương, Bằng khen của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, HHDN  nhỏ và vừa Việt Nam và của Chủ tịch UBND tỉnh.
     Ngày 25/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn. Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác Trung ương có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng. Về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn báo cáo với Tổng Bí thư và Đoàn công tác kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; nhiều thách thức mới, gay gắt hơn so với dự báo. Trong bối cảnh đó, với ý chí và quyết tâm cao, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa bằng 7 chương trình và 3 giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đồng thời tranh thủ thời cơ, thuận lợi để tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đạt kết quả khá tốt và dự kiến sẽ cơ bản đạt và vượt mức một số chỉ tiêu, nhiệm vụ. Cụ thể là Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngoài việc tuyên truyền giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tỉnh ủy cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung khảo sát, nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy, đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi bộ đảng, các tổ chức chính trị xã hội và người tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố. Qua nửa nhiệm kỳ đại hội, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đều tăng trưởng và tiến bộ hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021-2022 đạt 6,95%, cao hơn 1,5% so với bình quân của nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ trước bình quân đạt 5,45%). Thu ngân sách đều tăng mỗi năm và vượt chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021-2022 đạt 49,26 triệu đồng, tăng 29,3% so với giai đoạn 2015-2020 (trung bình giai đoạn 2015-2020 là 38,1 triệu đồng)… Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tập trung đẩy mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra nghị quyết lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, như: Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên xây dựng Cửa khẩu số kiểu mẫu, là 1 trong 2 đơn vị được nhận giải thưởng VietSolutions 2022 - Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương; đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số; đứng thứ 5 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ xử lý dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81,77%)… Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)      năm 2022 của Lạng Sơn đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 34 bậc so với      năm 2020, tăng 21 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, năm 2022, Lạng Sơn đứng thứ 2 cả nước về chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh quan tâm chăm lo ngày càng tốt hơn. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm lãnh đạo thường xuyên, mức đầu tư mỗi năm đều tăng cao, đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được đầu tư tăng gấp gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ 2015 - 2020. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Lạng Sơn luôn chú trọng củng cố quốc phòng an ninh; thực hiện tốt công tác đối ngoại, trong đó tăng cường hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc)… Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã phát biểu, làm rõ hơn một số vấn đề về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, công tác chuyển đổi số; tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ địa phương; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công tác tiếp công dân… Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua. Tổng Bí thư cũng đánh giá cao tập thể lãnh đạo tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế của tỉnh; đồng thời lưu ý các đồng chí lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để đề ra các giải pháp phù hợp, quyết tâm khắc phục cho bằng được trong thời gian tới. Tổng Bí thư cũng hoan nghênh trong báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 mới đây của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Lưu ý, gợi mở một số nhiệm vụ tỉnh Lạng Sơn cần tập trung thực hiện, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng bộ Lạng Sơn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình, bối cảnh chung, những thuận lợi và khó khăn riêng của một tỉnh miền núi biên giới đi lên từ nông, lâm nghiệp nhưng cũng có rất nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ và công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu… để từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu, xác định nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định. Tỉnh cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời quan tâm, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, quan tâm lãnh đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, vùng núi, vùng triển khai nhiều dự án đầu tư mới; quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo;  tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo những định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần     thứ XVII đã đề ra, đặc biệt là quan tâm làm tốt công tác cán bộ. Tỉnh cần tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn, các bộ, ngành để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; xác định rõ vai trò vị trí, tiềm năng, thế mạnh của Lạng Sơn trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực cho việc xây dựng Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành một tỉnh có dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Với trọng trách là phên giậu quốc gia về quốc phòng an ninh, cũng là phên giậu về kinh tế, bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền an ninh kinh tế của đất nước, Lạng Sơn phải đặc biệt coi trọng xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Tổng Bí thư cũng yêu cầu tỉnh chăm lo đầy đủ và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong Nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Kết luận số 21 Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; đồng thời bảo vệ những cán bộ đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Tổng Bí thư yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, gửi các bộ, ban, ngành có liên quan theo chức năng, thẩm quyền nhiệm vụ của mình sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với Lạng Sơn để giúp tỉnh giải quyết cụ thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất để Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Đồng chí Tổng Bí thư tin tưởng và mong rằng với truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng vẻ vang của quê hương đang trên đà phát triển cùng với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần   thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra để xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng phát triển giàu, đẹp, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc.Trong khuôn khổ chương trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tham quan gian trưng bày Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 90 năm xây dựng và phát triển; trồng cây lưu niệm tại khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy; thăm, tặng quà ông Nguyễn Khoát (94 tuổi) ở Phường Đông Kinh, là cán bộ lão thành cách mạng và gia đình bà Bạch Thị Khôi (92 tuổi) ở phường Vĩnh Trại, là cán bộ tiền khởi nghĩa; thăm, trồng cây lưu niệm tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
     Ngày 28/8/2023, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp tỉnh năm 2023. Tham dự có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp tỉnh, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và 26 thí sinh tham dự. Phát biểu khai mạc, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi nhấn mạnh, Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2023 là đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí hạt nhân, vai trò lãnh đạo, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác công tác cho đội ngũ bí thư chi bộ; đồng thời, cũng là dịp để các đồng chí bí thư chi bộ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ, lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Đồng thời, qua Hội thi, giúp cấp uỷ cấp trên đánh giá đúng thực trạng chất lượng của đội ngũ bí thư chi bộ để có giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ bí thư chi bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới. Đồng chí đề nghị Ban Tổ chức theo dõi, chỉ đạo sát hội thi, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh; Ban Giám khảo chấm điểm đảm bảo công tâm, khách quan, chính xác, phản ánh đúng đúng kết quả dự thi của các thí sinh; các thí sinh thực hiện đúng thể lệ hội thi, đồng thời luôn bình tĩnh, tự tin, đạt kết quả cao nhất tại hội thi. Sau một ngày diễn ra sôi nổi, 26 thí sinh tham dự hội thi đã cùng nhau tranh tài qua các phần thi: phần thi chào hỏi, phần thi kiến thức chung, nghiệp vụ và xử lý tình huống, phần thi thuyết trình. Ở mỗi phần thi, các thí sinh đã nỗ lực, cố gắng, chuẩn bị chu đáo, đầu tư bài bản các nội dung thi đảm bảo theo yêu cầu cũng như nội quy đề ra trong hội thi. Kết thúc hội thi, Ban Chỉ đạo hội thi đã trao 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 14 giải khuyến khích và đồng thời trao 4 giải phụ cho thí sinh cao tuổi nhất, thí sinh ít tuổi nhất, thí sinh có phần thi chào hỏi hay nhất và thí sinh có phần thi thuyết trình hay nhất. Theo đó, hai thí sinh đạt giải nhất hội thi là Bùi Văn Quang, Bí thư Chi bộ, trưởng khối 9, Đảng bộ phường Tam Thanh, Đảng bộ thành phố Lạng Sơn (thuộc nhóm chi bộ dân cư) và Trần Văn Ba, Bí thư Chi bộ Văn phòng, Đảng bộ Sở Nội vụ, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh (thuộc nhóm chi bộ cơ quan).
 
Tin tổng hợp
 
 
CHỐNG BIỂU HIỆN CƠ HỘI VỀ CHÍNH TRỊ TRONG ĐẢNG –
NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, THƯỜNG XUYÊN
 
     Cơ hội chính trị bao hàm nhiều đối tượng khác nhau ở trong và ngoài Đảng nhưng đều mang điểm chung là có nhận thức và hành động đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong đó, những biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng ở nước ta hiện nay ngày càng phức tạp, tinh vi và nguy hiểm. Đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị là một nhiệm vụ cấp bách, một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Các nhà lý luận mác-xít đã chỉ mặt những phần tử cơ hội
     Ngay từ khi mới ra đời, Chủ nghĩa Mác - Lênin đã phải đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, thù địch được núp bóng dưới mọi hình thức. Trong các tác phẩm của mình, C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin đã chỉ ra một loại kẻ thù hết sức nguy hiểm, đó là những phần tử cơ hội, khoác áo cộng sản nhưng lại ngấm ngầm chống phá Đảng. Đó là những con người chỉ vì lợi ích nhất thời hằng ngày mà quên đi những quan điểm chủ yếu lớn; chạy theo những thành công chốc lát và đấu tranh cho những thành công chốc lát mà không tính đến hậu quả về sau... tất cả những việc ấy có thể xuất phát từ những động cơ “thành thật”. "Nhưng đó là và sẽ vẫn là chủ nghĩa cơ hội, mà chủ nghĩa cơ hội “thành thật” có lẽ lại là thứ chủ nghĩa cơ hội nguy hiểm hơn hết cả” và nguồn gốc sinh ra chủ nghĩa cơ hội ấy từ các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng và lịch sử.
 
 
Huyện Đức Cơ quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở. Ảnh: baogialai.com.vn
 
     V.I.Lênin là người kế tục xuất sắc nhất sự nghiệp vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, đã phấn đấu quên mình để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại báo hiệu sự suy sụp của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của cách mạng vô sản, đưa chủ nghĩa Mác lên một bước phát triển mới, thành Chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhất là những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết, trong bài viết “Về vấn đề thanh đảng”, V.I.Lênin vạch rõ mặt những phần tử cơ hội trong đảng, những phần tử giỏi về thủ đoạn “ngoại giao tư sản”, khả năng thích ứng “thay màu đổi sắc để ẩn nấp được dễ dàng hơn, như con thỏ rừng, về mùa đông, thay lông thành màu trắng”. Vì thế, V.I.Lênin yêu cầu, cần phải đuổi ra khỏi đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược. Theo V.I.Lênin, có như vậy sẽ làm cho đảng trở thành một đội tiền phong của giai cấp vô sản vững mạnh hơn.
Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống mọi biểu hiện cơ hội trong Đảng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, việc đầu tiên, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng, Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Để Đảng Cộng sản là một Đảng thực sự cách mạng, chân chính, tất yếu phải đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội trong Đảng, nhất là cơ hội về chính trị.
     Trong bối cảnh hết sức khó khăn khi mới thành lập Đảng, nhưng nhiệm vụ đấu tranh chống những phần tử cơ hội trong Đảng luôn đặt ra yêu cầu cấp thiết. Song cũng phải nhận diện rõ và phân loại đối tượng cụ thể để có phương pháp đấu tranh phù hợp. Nghị quyết của toàn thể Hội nghị Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 20 và 30/3/1938 chỉ rõ: “Phải tẩy sạch những phần tử trotsky đã lọt vào trong Đảng”. Do đó, muốn đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị tốt, cần phải nhận diện đúng thực chất “cơ hội về chính trị”.
     Nhận diện những biểu hiện cơ hội chính trị trong Đảng.
      Từ những nghiên cứu, luận giải trên cho thấy, cơ hội chính trị bao hàm nhiều đối tượng khác nhau ở trong và ngoài Đảng nhưng đều mang điểm chung là có nhận thức và hành động đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong đó, những biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng ở nước ta hiện nay ngày càng phức tạp, tinh vi và nguy hiểm.
     Hơn 90 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhiều lần khẳng định trong các nghị quyết. Trong đó nhấn mạnh: “Hiện nay phải đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ Đảng, trước hết là bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, giữ gìn sự trong sạch của tổ chức đảng, cảnh giác và tỉnh táo không để cho những phần tử cơ hội về chính trị, phản động chui vào hàng ngũ Đảng”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định phải: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”.
     Nhận diện những biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng hiện nay qua 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đối tượng đấu tranh chống biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng là những cán bộ, đảng viên hiện đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đoàn thể hoặc đã nghỉ hưu được luật pháp quy định...
     Biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng ở nhiều cấp độ khác nhau, như: Nhóm đối tượng do hạn chế về nhận thức, thiếu thông tin hoặc tiếp nhận những nguồn tin không chính thống, bị kẻ xấu lợi dụng; nhóm đối tượng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, công thần, sống vụ lợi, ích kỷ; nhóm đối tượng công khai bộc lộ tư tưởng cực đoan, bất mãn, chống đối và đặc biệt nghiêm trọng là nhóm có khuynh hướng chống đối, tập hợp lực lượng, móc nối với các thế lực thù địch bên ngoài chống phá cách mạng Việt Nam, khi đó từ cơ hội về chính trị đến phản bội Đảng, Tổ quốc và nhân dân là rất gần. Biểu hiện chung nhất là phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; tham vọng chức quyền...
     Kiên quyết và đồng bộ giải pháp phòng, chống biểu hiện cơ hội chính trị
     Trong tình hình hiện nay phải đặc biệt quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng với hệ thống các giải pháp. Trước hết, tập trung vào một số giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị ở nước ta hiện nay. Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quản lý, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
     Phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị, nhất là biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng với lộ trình, bước đi, hình thức, phương pháp, giải pháp phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các khâu, các bước trong tuyển chọn, bố trí sử dụng, không để những phần tử cơ hội về chính trị chui sâu, leo cao phá hoại Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử có biểu hiện cơ hội về chính trị. Thực hiện tốt công tác chính sách cho các đối tượng đúng quy định của pháp luật, kịp thời tôn vinh, động viên, đãi ngộ thỏa đáng những người có công với cách mạng. Kiên quyết đấu tranh, đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
 
Đại tá, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAI;
Thiếu tá PHẠM THANH TÙNG
(Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị)
 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/chong-bieu-hien-co-hoi-ve-chinh-tri-trong-dang-nhiem-vu-cap-bach-thuong-xuyen-739424

Tin liên quan