Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ
Thông tin tuyên truyền tháng 10/2023
03-10-2023 11:29
Ngày 05/9/2023, hoà trong không khí toàn dân đưa trẻ đến trường trên cả nước, 670 trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức khai giảng năm học 2023 - 2024. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến dự khai giảng năm học mới với thầy và trò các trường học trên địa bàn tỉnh: Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy dự Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Cao Lộc; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường THPT Chuyên Chu Văn An; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn; đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh; đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường Tiểu học xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, thành phố cùng toàn thể các em học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Tại các trường học, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng chia sẻ niềm vui với thầy và trò. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề nghị, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương để các em học sinh noi theo về phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong tinh thần tự học, sáng tạo; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng khơi dậy niềm tự hào của thế hệ trẻ, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước, vun đắp những tình cảm cách mạng trong sáng, cao đẹp ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với các em học sinh phải xác định được động cơ học tập đúng đắn, khắc phục khó khăn, phấn đấu nỗ lực để đạt được những thành tích cao hơn nữa trong học tập và rèn luyện, thường xuyên rèn luyện đức, trí, thể, mỹ, sống có lý tưởng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội.
Ngày 06/9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội với gần 400 đại biểu và kết nối với 62 điểm cầu trong toàn quốc với khoảng 2000 đại biểu tham dự. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ĐBQH của tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai, công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5; Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 và công tác triển khai các luật, Nghị quyết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Các báo cáo tập trung vào 4 nội dung chủ yếu gồm: việc tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và một số giải pháp, kiến nghị; đánh giá một số vấn đề nổi lên về công tác tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến trước Kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và một số yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Các đại biểu nghe các tham luận về việc triển khai 21 luật, nghị quyết của Quốc hội, đây là những văn bản quan trọng, có tác động lớn, được dư luận xã hội quan tâm, có những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ như: việc triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động và quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả, bài học kinh nghiệm, thành tựu đã đạt được, khắc phục hạn chế, quán triệt đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi hành với từng dự án luật, nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh 9 nhóm nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết , đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương, HĐND và UBND các cấp tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ và đồng hành của các tầng lớp Nhân dân ở địa phương, đề ra lộ trình, giải pháp triển khai phù hợp, ban hành kịp thời các đề án, quy định, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong triển khai nghị quyết của Quốc hội.
Ngày 06/9/2023, Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm phục vụ công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay; dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và các Tổ công tác. Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tỉnh (Ban chỉ đạo) chủ trì hội. Cùng dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Theo báo cáo tại hội nghị, trong 8 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng đối với 6 dự án trọng điểm do Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo. Trong 8 tháng đầu năm 2023, có 4/6 dự án trọng điểm đủ điều kiện triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng với 2.163 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 504,3 ha. Kết quả, các huyện, thành phố đã đo đạc kiểm đến được 143 trường hợp với diện tích 18,17 ha của 3 dự án; phê duyệt đối với 578 trường hợp với tổng số tiền 223 tỷ đồng; giải ngân chi trả được 552 trường hợp với số tiền 69,9 tỷ đồng; bàn giao mặt bằng được 26,43 ha của 2 dự án. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm đều rất chậm. Thảo luận tại hội nghị, các tổ công tác đã báo cáo nhanh về tình hình hoạt động và kết quả đạt được theo nhiệm vụ được Ban chỉ đạo giao. Đồng thời, các tổ công tác kiến nghị một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như: UBND các huyện, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các khu tái định cư, khu nghĩa trang tập trung; thực hiện linh hoạt cơ chế hỗ trợ khác để bảo đảm an sinh xã hội đối với các hộ bị thu hồi đất; cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành với các huyện, thành phố cần chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc cụ thể… Các huyện, thành phố cũng kiến nghị tỉnh đôn đốc các nhà đầu tư bố trí đủ vốn để thực hiện chi trả các phương án bồi thường đã phê duyệt, cũng như đẩy nhanh thi công các khu tái định cư tạo chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất. Liên quan đến sửa đổi quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, các đại biểu đồng tình cao với dự thảo. Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo. Các tổ công tác, các đại biểu dự hội nghị đã phát biểu đóng góp vào dự thảo sửa đổi quy chế làm việc của Ban chỉ đạo; đánh giá tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trong 8 tháng đầu năm 2023 thể hiện sự sát sao, trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí lưu ý các đơn vị phải có kế hoạch cụ thể khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, rõ người, rõ việc, rõ thời gian. Đặc biệt, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Cùng đó, các tổ công tác phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ được giao nhưng không trùng lắp, bảo đảm hiệu quả. Về sửa đổi quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý đơn vị tham mưu soạn thảo nhấn mạnh đến công tác phối hợp giữa các tổ công tác và phối hợp với ban chỉ đạo các huyện, thành phố trong công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng.Đối với giải quyết một số vướng mắc cụ thể trong thực hiện các dự án ngoài ngân sách liên quan đến các nhà đầu tư, Thường trực Tỉnh uỷ sẽ thống nhất xây dựng chương trình làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư để thúc đẩy tiến độ triển khai.
Ngày 07/9/2023, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) do Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP làm trưởng đoàn, khảo sát thực tế triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh (CKTM) tại tỉnh Lạng Sơn. CKTM là việc hai nước Việt - Trung cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa độc lập, khép kín tách biệt với đường vận chuyển hàng hoá hiện nay đang sử dụng. Mô hình CKTM phải đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin, thực hiện vận chuyển hàng hóa không tiếp xúc, không gián đoạn, áp dụng phương thức vận chuyển không người lái di chuyển theo tuyến đường cố định (sử dụng đinh từ) và các thiết bị cẩu container tự động hoá, dựa trên cơ sở định vị vệ tinh và công nghệ 5G. Để triển khai CKTM, phải mở rộng hệ thống bến bãi và tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa tương ứng theo nhu cầu kết nối các CKTM Việt Nam -Trung Quốc là phù hợp với xu thế, định hướng phát triển trong thời gian tới. Tỉnh Lạng Sơn dự kiến xây dựng CKTM thành 2 giai đoạn để đảm bảo không lãng phí nguồn lực, trước mắt, trong giai đoạn 1, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, sẽ đầu tư mở rộng tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa từ 6 làn lên 8 làn (4 làn xuất, 4 làn nhập), trong đó có 2 làn (1 làn xuất và 1 làn nhập) cho xe tự hành AGV. Tại Cửa khẩu Tân Thanh sẽ mở rộng tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa từ 4 làn lên 8 làn, bao gồm: 4 làn xuất, 4 làn nhập, trong đó có 1 làn xuất và 1 làn nhập cho phương tiện siêu trường, siêu trọng và 1 làn xuất, 1 làn nhập cho xe tự hành AGV. Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận về quy hoạch mở rộng tuyến đường, quy trình xây dựng, công tác quản lý, phương thức triển khai mô hình CKTM, vấn đề chia sẻ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục pháp lý, quản lý phương tiện AGV trong quá trình kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng tại cửa khẩu khi triển khai xây dựng mô hình CKTM. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, việc xây dựng CKTM là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, có những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, do đó để mô hình CKTM được triển khai, thực hiện theo thỏa thuận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Tư lệnh BĐBP với chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về biên giới tại khu vực cửa khẩu ủng hộ, hỗ trợ, tham gia góp ý cho tỉnh Lạng Sơn trong quá trình xây dựng Đề án CKTM. Tham mưu lãnh đạo Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành trung ương cho ý kiến, chỉ đạo trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực thông quan, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn khảo sát, rà soát quy hoạch các cửa khẩu để cập nhật các nội dung của CKTM vào quy hoạch cửa khẩu tới đây. Hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến các hiệp định song phương về biên giới đất liền giữa hai nước Việt - Trung, có cơ chế đặc thù cho tỉnh trong quá trình thí điểm CKTM để phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện CKTM tại 2 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn… Trao đổi tại buổi làm việc, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP đánh giá cao UBND tỉnh Lạng Sơn và các sở, ngành của tỉnh đã quyết liệt, phối hợp đồng bộ với các cơ quan hữu quan của các bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành các bước xây dựng Đề án thí điểm CKTM. Đồng chí khẳng định, Bộ Tư lệnh BĐBP ủng hộ và tích cực hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn trong việc triển khai xây dựng CKTM, đồng thời, sẽ phối hợp với các bộ, ngành để Đề án thí điểm CKTM được thông qua sớm nhất. Sau chuyến khảo sát thực tế, Đoàn công tác sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ động trao đổi với các cơ quan liên quan để điều chỉnh lại các quy hoạch liên quan phù hợp với điều kiện thực tế, tham gia tham mưu cùng các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh các cơ sở pháp lý… Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương hoàn thiện Đề án để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, lưu ý quá trình xây dựng Đề án cần nêu chi tiết, cụ thể hơn về cơ sở hạ tầng, phù hợp với quy hoạch tổng thể Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, xây dựng quy trình quản lý khi áp dụng mô hình CKTM;…
Từ ngày 07 đến 10/9/2023, nhận lời mời của Chủ tịch hiệp hội Công viên địa chất toàn cầu UNESCO M’Goun-Marock, Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị quốc tế về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 10 tại thành phố Marrakech, Vương quốc Ma rốc. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Đoàn Thị Loan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Lạng Sơn, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn. Trong khuôn khổ hội nghị, Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn đã tham dự phiên khai mạc, tham gia các Hội thảo chuyên đề: Du lịch bền vững và phát triển địa phương; Hội thảo quản lý đa dạng địa chất và đa dạng sinh học; Hội thảo bảo tồn các điểm di sản địa chất; Hội thảo Công viên địa chất - di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn trình bày tham luận “ Nét độc đáo tín ngưỡng thờ mẫu của Công viên địa chất Lạng Sơn”, tham luận đã được các đại biểu quốc tế đánh giá cao về tính độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, Việt Nam. Bên lề Hội nghị, Đoàn có chương trình gặp gỡ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma rốc Đặng Thị Thu Hà, gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Guy Martiny, đại diện lãnh đạo địa phương của một số Công viên địa chất toàn cầu trên thế giới.
Từ ngày 25 đến 28/9/2023, diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Lạng Sơn năm 2023 với đề mục: “Chuyển lực lượng vũ trang tỉnh vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng, tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ”. Dự diễn tập có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập Quân khu 1; Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1; đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, Quân khu 1 và một số tỉnh trên địa bàn Quân khu 1. Về phía tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức diễn tập KVPT tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các huyện, thành phố. Diễn tập KVPT tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và khả năng tham mưu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị và Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; đồng thời củng cố, hoàn thiện thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Quá trình tổ chức diễn tập thực binh mặc dù diễn ra trong điều kiện thời tiết mưa dài ngày, song các lực lượng đã phát huy tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; qua đó góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh. Theo nhận xét của Ban chỉ đạo diễn tập Quân khu 1, cuộc diễn tập KVPT tỉnh Lạng Sơn năm 2023 đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về con người, phương tiện và vũ khí trang bị kỹ thuật. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân tỉnh Lạng Sơn và huyện Văn Quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập được giao. Đánh giá cuộc diễn tập, Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1, Trưởng ban chỉ đạo diễn tập Quân khu khẳng định: Nội dung diễn tập KVPT tỉnh Lạng Sơn đã được xây dựng theo đúng ý định của Ban Chỉ đạo Quân khu; quá trình diễn tập vận hành đúng cơ chế, phát huy tốt năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành của chính quyền, khả năng phối hợp, hiệp đồng làm tham mưu của các sở, ban, ngành, mặt trận đoàn thể trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Đồng chí đề nghị thời gian tới tỉnh Lạng Sơn tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các phương án, kế hoạch bảo đảm cho xây dựng KVPT, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phù hợp với điều kiện mới; vận dụng tốt nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong việc kết hợp tác chiến của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ trong các hình thức tác chiến để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, binh địch vận khi thực hành tác chiến phòng thủ… Dịp này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao Bằng khen cho 26 tập thể và 37 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập KVPT tỉnh.
Ngày 29/9/2023, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ BMNN tỉnh chủ trì hội nghị. Theo báo cáo tại hội nghị, qua 03 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ BMNN (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020), công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt các quy định của Luật Bảo vệ BMNN và các văn bản hướng dẫn thi hành tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, qua đó, nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ BMNN đã được nâng cao, các hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước đã đi vào nề nếp. Hằng năm, Ban Chỉ đạo BMNN tỉnh ban hành kế hoạch hoạt động, trong đó có nội dung kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp công tác bảo vệ BMNN tại các cơ quan, đơn vị. Qua công tác kiểm tra và công tác chuyên môn nghiệp vụ, từ tháng 7/2020 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 02 vụ án hình sự liên quan đến BMNN; kiến nghị xử phạt và xử phạt vi phạm hành chính 05 cá nhân, với tổng số tiền là 26,5 triệu đồng. Tại hội nghị, các cơ quan, đơn vị đã báo cáo tham luận nhằm chia sẻ, lan toả những cách làm hay, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ BMNN tỉnh đề nghị các cấp, ngành cần tập trung quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, quan tâm ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, không để lộ, lọt tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước trên địa bàn. Đồng chí đề nghị Công an tỉnh, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ BMNN tỉnh rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản, quy định liên quan đến công tác bảo vệ BMNN, tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hiện công tác BVBMNN trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật. Nhân dịp này, có 04 tập thể và 04 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ năm 2020 đến nay.
Tin tổng hợp
NHỮNG THANH ÂM LẠC LÕNG
NGƯỢC DÒNG CHẢY LỚN CỦA DÂN TỘC
Việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ là sự nhất quán chủ trương ngoại giao của Việt Nam: Trở thành bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước thế giới, thành viên trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
trên bục danh dự, thực hiện nghi thức chào cờ. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tháng Chín này vừa diễn ra một trong những sự kiện quan trọng của đất nước, khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 11/9.
Chuyến thăm thu hút sự chú ý của thế giới
Có thể nói, đây là một sự kiện mang tính lịch sử.
Trước tiên, đây là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước đó, trong cuộc hội đàm trực tuyến cấp cao diễn ra vào cuối tháng 3/2023, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi lời mời đến thăm lẫn nhau. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhận lời mời của nhau.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden được phía Nhà Trắng thông báo là để ông gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và "thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1995 cả Tổng thống và Phó tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm sang thăm Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ. Trước chuyến đi của ông Biden, Phó tổng thống Kamala Harris đã thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26/8/2021.
Bên cạnh đó, chuyến thăm diễn ra đúng dịp Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện.
Theo dòng lịch sử, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 1995, mở đường cho sự đi lên của quan hệ song phương.
Vào ngày 25/7/2013 tại Nhà Trắng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Trong sự kiện này, hai nhà lãnh đạo ra quyết định thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Cần nói thêm rằng ông Bill Clinton là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam (tháng 11/2000) sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, các đời tổng thống Hoa Kỳ sau ông Clinton đều sang Việt Nam như ông George W. Bush (tháng 11/2006), ông Barack Obama (tháng 5/2016). Riêng Tổng thống Donald Trump có tới hai lần sang thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ kéo dài từ năm 2017 đến 2021.
Như vậy để thấy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ rất tích cực và sự quan tâm của giới lãnh đạo Hoa Kỳ dành cho Việt Nam là rất lớn. Chuyến thăm của ông Biden chỉ một lần nữa khẳng định điều này. Và Việt Nam đã dành cho ông sự tiếp đón trọng thể, theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Trong chuyến thăm lần này, ông Biden đã có các cuộc tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam. Chính tại cuộc hội kiến của ông Biden với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã xác nhận việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Sự kiện này hiển nhiên đã thu hút mối quan tâm lớn của truyền thông thế giới. Hàng loạt các tờ báo, hãng tin như New York Times, Reuters, AP, AFP, Guardian, EIU, Nikkei, NHJ, Wall Street Journal đã thông tin đậm nét về sự kiện, cũng như đưa ra hàng loạt đánh giá, phân tích về tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Đơn cử như trong bài viết về chuyến thăm của Biden, hãng tin Reuters đánh giá việc hai bên nâng cấp quan hệ là kết quả của nỗ lực xây dựng quan hệ song phương kéo dài nhiều thập kỷ. Từ những quốc gia đối đầu trong một cuộc chiến, hai bên đã bình thường hóa quan hệ và rồi tiếp tục nâng cấp quan hệ để thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Financial Times nhận định việc nâng cấp quan hệ từ “Đối tác Toàn diện” lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” là bước đi có ý nghĩa biểu tượng cao và là điều mà Hoa Kỳ mong muốn thực hiện từ lâu. Còn hãng tin CNN nhân sự kiện đã nhấn mạnh việc Hoa Kỳ muốn trở thành một đối tác đáng tin cậy của Việt Nam, cũng như khu vực.
Về cá nhân Tổng thống Biden, ông đã có những lời lẽ tốt đẹp dành cho Việt Nam trong và sau chuyến thăm. Tài khoản của ông Biden trên mạng xã hội X đã liên tục cập nhật hoạt động của ông ở Việt Nam, bắt đầu bằng dòng trạng thái khi ông vừa tới Hà Nội. "Cảm ơn Việt Nam vì sự đón tiếp nồng hậu. Tôi biết rằng đây sẽ là chuyến thăm lịch sử", ông viết.
Bài đăng với nội dung cảm kích sự đón tiếp nồng ấm của Việt Nam mà
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter). (Nguồn: Twitter)
Trong các dòng trạng thái tiếp theo, ông Biden đăng hình ảnh lễ đón ông tại Phủ Chủ tịch do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, cùng bài viết ngắn có nội dung khẳng định Việt Nam và Hoa Kỳ “có thể đạt được khát vọng về một tương lai hòa bình, an ninh, thịnh vượng mà hai nước cùng chia sẻ".
Ông cũng lặp lại những nhận định tương tự trong các bài đăng khác sau đó trên mạng xã hội X và Facebook. Điều này phần nào cho thấy ông Biden, một nhân vật đại diện cho lợi ích của nước Hoa Kỳ, coi trọng người Việt và mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Những luận điệu cũ mòn
Nhưng những thay đổi theo chiều hướng tích cực này dường như vẫn chưa đủ để làm hài lòng một bộ phận cá nhân và tổ chức có tư tưởng chống phá Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài. Đó là những cá nhân không hài lòng với mọi thay đổi tích cực cũng như các bước tiến mà chúng ta đạt được.
Ngay cả khi chuyến thăm của ông Biden đang diễn ra đã có nhiều bài viết xuất hiện trên các trang tin như BBC Việt Ngữ, VOA tiếng Việt, RFI hoặc mang tính phản động như tài khoản Facebook mang tích xanh của tổ chức khủng bố Việt Tân, đưa ra những ý kiến trái chiều, mang nhiều động cơ, tính toán khác nhau.
Như thường lệ, trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao từ Hoa Kỳ tới Việt Nam, thế lực không thiện chí thường nêu lên cái gọi là “vi phạm nhân quyền” của Việt Nam. Tại một số bài viết trên trang web chính, cũng như trên Facebook, VOA tiếng Việt liên tục đề cập tới chủ đề nhân quyền, viết về các trường hợp “tù nhân lương tâm”, “bất đồng chính kiến” bị bắt giữ do có hành vi phạm luật pháp Việt Nam... Cũng trang này vào cuối tháng 9 tiếp tục tung luận điệu từ “nguồn chuyên gia uy tín” nói rằng Việt Nam không có tự do kinh tế.
Những thông tin và luận điệu này không có gì mới mẻ. Đó chỉ đơn giản là hành vi phủ nhận nhiều tiến bộ về nhân quyền và tự do mà Việt Nam đã đạt được.
Thực tế, không ít chính trị gia và học giả quốc tế đã thể hiện ấn tượng về những thành công mà Việt Nam đạt được sau hơn 30 năm đổi mới. Đặc biệt, là tấm gương thành công về phát triển kinh tế xã hội, quyền con người và hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Theo Liên hợp quốc, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng theo các năm và hiện lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về tự do ngôn luận, không thể không nói tới sự tự do sử dụng mạng Internet. Việt Nam hiện có khoảng 70 triệu người dùng Internet và hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư. Tốc độ kết nối Internet Việt Nam cũng không hề kém nhiều nước trên thế giới. Người dân được hoạt động tự do trên Internet, miễn các hoạt động của họ không vi phạm luật pháp và quy định của Việt Nam. Tự do báo chí được thể hiện cụ thể với việc cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người.
Việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2023-2025) sau nhiệm kỳ đầu (giai đoạn 2014-2016) được đánh giá cao, cũng như những thành quả tích cực của Việt Nam - đã được thế giới công nhận tại nhiệm kỳ Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 - là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
Những nỗ lực nâng cao quyền con người ở Việt Nam cũng được phía Hoa Kỳ nhận thấy. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện có một mục riêng mang tựa đề “Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người”, cho thấy hai bên rất thẳng thắn, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ với nhau những vấn đề liên quan đến con người và nhân quyền.
Mục này nêu rõ: “Hai Nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế. Hai nước nhất trí tiếp tục ủng hộ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, xây dựng như Đối thoại Nhân quyền, Đối thoại Lao động Việt Nam - Hoa Kỳ hàng năm, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt.
Hai Nhà Lãnh đạo khuyến khích tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm tất cả người dân, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay khuynh hướng tình dục và người khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền con người.”
Cố tình tạo ý kiến “trái chiều”
Ngoài việc xoáy vào vấn đề nhân quyền, một số báo chí nước ngoài còn cố tình đưa ra các nhận định sai trái, xuyên tạc về đường lối ngoại giao của Việt Nam. Ví dụ BBC Việt ngữ có bài viết với ý Việt Nam đã “chọn bên” khi ngả về phía Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. VOA “chọc ngoáy” bằng bài viết nói sự hợp tác mới giúp Việt Nam có thể tiếp cận với vũ khí Hoa Kỳ và “thoát khỏi sự lệ thuộc” vào nguồn cung cấp của đối tác truyền thống là Nga.
Những bài viết với nội dung xuyên tạc đường lối,
chính sách ngoại giao của Việt Nam trên RFI. (Ảnh chụp màn hình)
Nhóm phản động như Việt Tân thì liên tục có bài viết xuyên tạc chính sách ngoại giao “cây tre”, mỉa mai các lãnh đạo của đất nước. Cũng có không ít ý kiến đã hạ thấp tầm quan trọng của việc Việt Nam-Hoa Kỳ nâng quan hệ, nhằm mục đích hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Rõ ràng đây đều là những luận điệu sai trái, vô căn cứ, không phản ánh đúng thực tế. Việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ không có nghĩa Việt Nam đã chọn đứng về bên nào, để chống lại ai. Thực tế, đường lối đối ngoại của Việt Nam đã nhiều lần được các lãnh đạo cao nhất nêu rõ.
Cụ thể, trong cuộc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về định hướng đối ngoại cơ bản của đất nước vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải. Vì vậy, chúng ta thể hiện thái độ theo tinh thần này trong các vấn đề liên quan quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực, trên thế giới phù hợp với đường lối, quan điểm đối ngoại của nước ta.
Từ đó để thấy việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ là một trong nhiều hoạt động đối ngoại mà chúng ta đang triển khai để phục vụ cho lợi ích lâu dài của đất nước và nhân dân, chứ không phải để chọn bên, hoặc chống ai. Như nhận xét của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, việc nâng quan hệ phản ánh sự hội tụ lợi ích giữa hai đất nước, cũng như cam kết hợp tác lâu dài để làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thông qua thương mại, đầu tư, trao đổi công nghệ và thông lệ quản trị tốt.
Hiện Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tới tháng 8/2023, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng trị giá hơn 9 tỷ USD từ Mỹ và xuất sang đây số hàng trị giá hơn 62 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đạt kim ngạch xuất siêu cao nhất của hàng hóa Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nước cung cấp cho chúng ta nhiều nguyên liệu thô để phục vụ hoạt động sản xuất, nên có vai trò quan trọng không kém Mỹ.
Về kinh tế, Hoa Kỳ là 1 trong những quốc gia tiến hành đầu tư lớn ở Việt Nam, với hơn 1.100 dự án đang hoạt động và hơn 10 tỷ USD tiền vốn rót vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế. Sau khi thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, nhiều lĩnh vực đầu tư của Hoa Kỳ như thiết bị bán dẫn, điện tử, khai thác đất hiếm… đang được kỳ vọng sẽ mang đến những khoản đầu tư khổng lồ.
Nhưng Trung Quốc cũng không hề kém cạnh khi có hơn 3.700 dự án đang hoạt động ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 25 tỷ USD. Như vậy để thấy trên lĩnh vực kinh tế và thương mại, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là những đối tác quan trọng với Việt Nam. Và như thế, việc cố tình xuyên tạc Việt Nam “chọn bên” Mỹ để chống lại “Trung Quốc” là hoàn toàn sai trái.
Về quốc phòng an ninh, Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để tấn công nước khác; không cùng một nước khác để chống lại nước thứ ba; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Quan điểm này có nghĩa bất kỳ sự hợp tác nào trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kể cả với Hoa Kỳ, cũng chỉ vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, chứ không phải để “chống lại” ai, hay “quay lưng” với ai như các luận điệu xuyên tạc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, lên mức bằng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, hoàn toàn không đi ngược lại chủ trương ngoại giao của chúng ta là muốn trở thành bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đó chính là biểu hiện của đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, đã giúp chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và chắc chắn là thời gian tới, Việt Nam sẽ còn thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với nhiều nước khác, khi chúng ta tiếp tục đường lối ngoại giao hiện nay.
Để thấy rằng những luận điệu nói Việt Nam đã “chọn bên” là hoàn toàn sai trái. Không loại trừ việc những cá nhân, tổ chức đưa ra quan điểm như vậy đang cố tình tìm cách phá hoại quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và nhiều nước đối tác khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Nguồn https://www.tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nhung-thanh-am-lac-long-nguoc-dong-chay-lon-cua-dan-toc-146574