Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 12/2023

05-12-2023 09:50

      

     Sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại kỳ họp, đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 07 phiên thảo luận tổ; 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn. Quốc hội đã thông qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến lần ba đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần hai đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri… Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật phức tạp, có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, trong đó, tập trung vào các nội dung về: thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Sau khi xem xét toàn diện, thận trọng, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất dự thảo Luật và việc chuẩn bị hoàn thiện đồng bộ các dự thảo Nghị định, văn bản quy định chi tiết Luật, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật sau khi được ban hành. Sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kết quả tốt đẹp của hội nhập quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội có xu hướng tiếp tục phục hồi tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu với kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; ước cả năm 2023 có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024. Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước.Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; khai thác hiệu quả cơ hội từ các quan hệ đối tác, hiệp định thương mại tự do, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết; kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đã quyết nghị: Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31/12/2024; bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án. Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1, Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Về giám sát tối cao, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Tổng cộng đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ (3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 16 Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ) và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Qua phiên chất vấn cho thấy, các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp; Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, giám sát việc thực hiện.

     Ngày 14/11/2023, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu theo quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15, ngày 23/6/2023 của Quốc hội. Việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do HĐND tỉnh bầu để thể hiện sự đánh giá của HĐND tỉnh đối với kết quả công tác của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Hội nghị đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 27 đồng chí, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, với sự nhất trí của 50/54 đại biểu HĐND tỉnh có mặt tán thành (vắng mặt 04 đại biểu, có lý do).
     Ngày17/11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cấp cao và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC gồm: Brunei, Canada, Chile, Đài Bắc (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Indonesia, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Mexico, Nga, New Zealand, Nhật Bản, Australia, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Thailand, Trung Quốc, Singapore và Việt Nam. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tham dự với tư cách khách mời. Với chủ đề "Kết nối và xây dựng các nền kinh tế bao trùm và tự cường", Hội nghị đã đánh giá chặng đường hợp tác 30 năm qua của APEC kể từ Hội nghị Cấp cao lần đầu tiên tại đảo Blake, Hoa Kỳ (1993-2023), đồng thời thảo luận những định hướng hợp tác trong giai đoạn mới. Các nhà Lãnh đạo cũng chia sẻ đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, những thách thức và cơ hội đang đặt ra với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị đánh giá cao những đóng góp quan trọng của APEC trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu những thập kỷ qua; khẳng định APEC cần tiếp tục là động lực then chốt cho tăng tưởng kinh tế trong một thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro. APEC cần phát huy những thành tựu và bài học của ba thập kỷ qua, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hoà bình vì thịnh vượng của người dân và thế hệ tương lai. ề hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối, các Nhà Lãnh đạo cam kết thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch, bao trùm, duy trì các thị trường mở và giải quyết các đứt gãy của chuỗi cung ứng. APEC tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái số không phân biệt đối xử cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; thống nhất đẩy nhanh triển khai Lộ trình kinh tế internet/kinh tế số APEC, nhất là trong các lĩnh vực bảo mật dữ liệu, điện toán đám mây, mạng viễn thông, thương mại điện tử và thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo. Với quyết tâm đẩy mạnh chương trình nghị sự về phát triển bền vững và bao trùm, Hội nghị nhất trí cắt giảm và tiến tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu hoá thạch, đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng sạch nhằm thực hiện mục tiêu toàn cầu về cắt giảm khí thải nhà kính về 0. Hội nghị đã thông qua các nguyên tắc lớn về chuyển đổi năng lượng công bằng và an ninh lương thực trong hợp tác APEC, Khuôn khổ và Kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai; nhất trí đẩy nhanh thực hiện Mô hình kinh tế sinh học - xanh tuần hoàn; lồng ghép các nội dung bền vững, và bao trùm vào hoạt động của APEC. Các Nhà Lãnh đạo nhất trí cần nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, người thiểu số, các cộng đồng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh APEC là diễn đàn hợp tác và liên kết hàng đầu khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Từ thành công của APEC, có thể rút ra ba bài học cho tương lai: Một là, sự cởi mở và thiện chí của tất cả các bên để thấu hiểu và vượt qua khác biệt, tìm tiếng nói chung và thúc đẩy các lợi ích chung; hai là tầm nhìn và tư duy chiến lược của các thế hệ Lãnh đạo đã định vị đúng vai trò của châu Á - Thái Bình Dương và APEC; và ba là sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Về phương hướng hoạt động của APEC, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Thứ nhất, duy trì và củng cố thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu. Thứ hai, tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng. APEC cần chú trọng nâng cao năng lực, khả năng tự chủ, sáng tạo và ứng dụng khoa học-công nghệ, đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, các mô hình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thứ ba, hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức. Chủ tịch nước cũng nêu rõ hơn lúc nào hết, các thành viên APEC cần cởi mở, chân thành, đối thoại có tính xây dựng để gia tăng hiểu biết, thu hẹp khác biệt và tạo đồng thuận. Chủ tịch nước nhấn mạnh sau đúng 25 năm gia nhập APEC, với mong muốn tiếp tục đóng góp cho tiến trình APEC, Việt Nam đề xuất đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027. Các nhà Lãnh đạo APEC đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Việt Nam và nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của hội nghị. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 30 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các Nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Tuyên bố Cổng vàng "Tạo dựng một tương lai bền vững và tự cường cho mọi người dân", khẳng định vai trò lãnh đạo của APEC cũng như vị thế là một diễn đàn hàng đầu của hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các Nhà lãnh đạo nhất trí sẽ gặp nhau tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2024 tại Peru và năm 2025 tại Hàn Quốc.
     Ngày 17/11/2023, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy tỉnh. Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong công tác đánh giá cán bộ nhằm thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, không ngừng nâng cao trình độ năng lực và đặc biệt là trách nhiệm nêu gương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị được sử dụng để đánh giá cán bộ, là cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trên cơ sở đánh giá, nhận xét, xếp loại chất lượng đảng viên hằng năm, báo cáo kiểm điểm và từ thực tế công tác của từng đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng đồng chí, không vì định kiến hay tình cảm cá nhân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình, phê bình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm; đảm bảo tính khách quan, toàn diện, dân chủ, công tâm, minh bạch, đúng quy định; kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, khách quan, công tâm, trên cơ sở nghiêm cứu kỹ lưỡng Báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng đồng chí và căn cứ từ thực tiễn quá trình công tác, đối chiếu với kết quả kiểm điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với 12 đồng chí gồm: đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do được bầu giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong năm 2023 và đồng chí Giám đốc Công an tỉnh do được lấy phiếu tín nhiệm ở hai nơi là HĐND tỉnh và Công an tỉnh theo quy định).
    Ngày 22/11/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh (không là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: hội nghị này có ý nghĩa quan trọng với mục đích nhằm thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa” tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp cán bộ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác, là cơ sở quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh nghiên cứu kỹ báo cáo kiểm điểm cá nhân của các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm và từ thực tế quan hệ công tác, đối chiếu với hiệu quả và sản phẩm công việc cụ thể của từng người để đánh giá mức độ tín nhiệm. Các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, không vì định kiến hay tình cảm cá nhân, thể hiện rõ chính kiến, sự tín nhiệm của mình, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, khách quan, công tâm, các đại biểu đã thực hiện ghi phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với 17 đồng chí gồm: Phó Chủ tịch UBND tỉnh (không là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy), Giám đốc các sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí mới được điều động, bổ nhiệm trong năm 2023).
     Ngày 28/11/2023, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 63 điểm cầu địa phương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường dự và chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Đồng thời, hội nghị cũng được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV ban hành ngày 10/11/2022 gồm 06 chương, 91 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, quy định nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt một số nội dung chính của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và một số văn bản liên quan. Đồng thời, các báo cáo viên cũng phân tích một số điểm mới quan trọng của Luật như: Quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; Quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm; bổ sung 07 hình thức công khai thông tin; một số nội dung phải công khai thông tin cho phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã, phường theo hướng bổ sung các vấn đề dân bàn và quyết định trực tiếp;…. Tại hội nghị, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung cần làm rõ để phục vụ công tác tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện Luật và các văn bản liên quan tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Thông qua hội nghị nhằm giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân nắm vững nội dung cơ bản, mục tiêu, quan điểm trong việc xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó nghiên cứu, vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả Luật trong thời gian tới, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tổ chức, cơ quan, đơn vị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh tại các địa phương.
      Ngày 29/11/2023, Đoàn đại biểu HĐND tỉnh do đồng chí Đinh Hữu Học, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam làm trưởng đoàn đón tiếp và hội đàm với Đoàn đại biểu Ủy ban Thường vụ Nhân đại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc do đồng chí Phương Xuân Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc làm trưởng đoàn. Tại hội đàm, 2 bên đã trao đổi về hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây trong thời gian qua, thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa cơ quan HĐND hai tỉnh - khu trong thời gian tới; ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác hữu nghị giữa HĐND tỉnh Lạng Sơn và Ủy ban Thường vụ Nhân đại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Theo đó, hai bên trao đổi, thảo luận và đạt được nhận thức chung trong Bản ghi nhớ Hợp tác hữu nghị gồm: Quán triệt sâu sắc, thực hiện các nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nhà nước; tích cực thúc đẩy các nhận thức chung tại Chương trình Gặp gỡ đầu xuân giữa bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; tăng cường trao đổi đoàn, củng cố tin tưởng chính trị và truyền thống hữu nghị, đồng thời triển khai giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực như: ban hành chính sách, giám sát… Khuyến khích các ban chuyên môn của hai bên triển khai giao lưu đối đẳng thông qua các hình thức như: cử đoàn trao đổi, tổ chức hội thảo… tiến hành giao lưu trên các lĩnh vực cùng quan tâm, phát huy vai trò và hoạt động của đại biểu HĐND và đại biểu Nhân đại các cấp. Thúc đẩy hợp tác thiết thực, phát huy đầy đủ thế mạnh của cơ quan HĐND và Nhân đại tại địa phương; thiết lập cơ chế công tác Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lạng Sơn và Ủy ban Ngoại sự Hoa Kiều, Nhân đại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây…
      Ngày 30/11/2023, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc do đồng chí Liêu Phẩm Hổ, Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây làm trưởng đoàn. Phát biểu tại đây, đồng chí Liêu Phẩm Hổ, Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc bày tỏ vui mừng khi đến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam - Trung Quốc nói chung, giữa tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây nói riêng, mong muốn hai bên tiếp tục phát triển tình hữu nghị truyền thống và mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện. Đồng chí đề xuất hai bên cùng ký kết biên bản chung để làm phong phú hơn nữa nội hàm mối quan hệ hợp tác giữa Tỉnh ủy 4 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; đồng thời đề nghị Lạng Sơn tiếp tục thúc đẩy đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh theo Thỏa thuận chung đã ký kết giữa hai tỉnh - khu; thúc đẩy nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, đảm bảo hoàn thiện chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất của hai bên. Phát biểu tại buổi tiếp, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ vui mừng được đón tiếp đồng chí Liêu Phẩm Hổ cùng Đoàn đại biểu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đến thăm và làm việc tại Lạng Sơn. Nhất trí với các đề xuất của phía bạn, đồng chí cho biết sẽ khẩn trương chuẩn bị nội dung, tham mưu Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Tỉnh ủy các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh để hoàn thiện nội dung dự thảo văn bản sẽ ký kết; hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang hoàn thiện Đề án xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, mong muốn phía bạn chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Lạng Sơn triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh để thúc đẩy thông quan, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên. Về việc nâng cấp tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn đã đưa nội dung này vào quy hoạch tỉnh và có văn bản đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải quan tâm. Để phát huy những thành quả hợp tác đã đạt được giữa Lạng Sơn - Quảng Tây, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị đồng chí Liêu Phẩm Hổ quan tâm chỉ đạo Thị Bằng Tường phối hợp với các sở, ngành của Lạng Sơn thống nhất thời gian công bố chính thức vận hành đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) là lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), tạo thuận lợi cho việc triển khai mô hình cửa khẩu thông minh; tiếp tục phối hợp tạo thuận lợi cho hàng hoá thông quan qua các cửa khẩu; sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa qua cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan (Trung Quốc). Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai bên.
     Từ ngày 01 đến 03/12/2023 đã diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tham dự Đại hội có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Có 05 đoàn đại biểu quốc tế dự Đại hội gồm Liên hiệp Công đoàn thế giới; Hội đồng Công đoàn Asean (ATUC); Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào (LFTU); Tổng Công hội toàn quốc Trung Quốc; Trung tâm Những người Lao động Cuba… Đặc biệt, về dự Đại hội có 1.095 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước. Đồng chí Nguyễn Đình Khang tái đắc cử chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII. Thông qua 10 diễn đàn chuyên đề và 10 trung tâm thảo luận tại Đại hội, đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm về kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023; xác định mục tiêu tổng quát của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028 là: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta. Đại hội đề ra các nhóm chỉ tiêu phấn đấu gồm 07 chỉ tiêu hằng năm, 03 nhóm chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ. Đại hội thống nhất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam và giao cho Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 hoàn thiện... Đại hội thống nhất số lượng ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là 177 đồng chí, bầu tại Đại hội 168 đồng chí. Thống nhất số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII là 31 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam bầu 28 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam XIII; bầu đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII. Bầu 05 đồng chí Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, gồm: Đồng chí Phan Văn Anh, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, đồng chí Thái Thu Xương, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, và đồng chí Nguyễn Xuân Hùng. Thống nhất số lượng ủy viên Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII là 19 đồng chí, tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam bầu 17 đồng chí tham gia Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII và bầu đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII.
 
Tin tổng hợp
 
 
LẬT TẨY THỦ ĐOẠN “THAO TÚNG TÂM LÝ”
CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG
 
     “Thao túng tâm lý” là một trong những thủ đoạn chống phá tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy, nhận diện và phòng, chống thủ đoạn “thao túng tâm lý” có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng tâm lý, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.
 
 
 
Ảnh minh họa: TTXVN
 
     Nhiều biểu hiện tinh vi của thủ đoạn “thao túng tâm lý”
    Với mục tiêu làm mục ruỗng tâm lý xã hội, đảo lộn đời sống tâm lý, tinh thần của nhân dân, các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, ở mọi lúc, mọi nơi, len lỏi vào từng người, từng nhóm xã hội nhằm “lung lạc” nhận thức, “gặm nhấm” tình cảm, điều khiển ý chí và hành động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Thao túng tâm lý” là một thủ đoạn điển hình như vậy.
     “Thao túng tâm lý” là cách thức tác động tâm lý nhằm ảnh hưởng, chi phối, kiểm soát nhận thức, cảm xúc, hành vi của người khác theo một mục đích nào đó. Nhờ triệt để lợi dụng các quy luật, đặc điểm tâm lý, cách thức này có thể kiểm soát, điều khiển tâm lý con người diễn biến theo chiều hướng nhất định. Cơ chế “thao túng tâm lý” diễn ra theo nhiều kênh tác động khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là kênh thông tin. Bằng số lượng, nội dung và cách đưa thông tin đến người tiếp nhận, có thể kiểm soát, điều khiển được nhận thức, cảm xúc, hành vi của người đó.
     Ở nước ta, theo thống kê, đến nay có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội (MXH), tương đương 78,1% dân số, chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên, trong đó người dùng Facebook là 70,4 triệu người. Theo đó, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng cơ chế “thao túng tâm lý” và đặc tính của MXH để thao túng, kiểm soát tâm trí con người. Có thể chỉ ra một số cách thức của thủ đoạn “thao túng tâm lý” mà các thế lực thù địch, phản động đã và đang tiến hành.
Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt. Thông qua các trang web, blog, các trang MXH như: Facebook, Zalo, YouTube, TikTok... chúng ra sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, hòng hạ uy tín của cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân. Chúng thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
     Giả mạo thông tin. Chúng lập những tài khoản giả mạo trên MXH, website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội, qua đó đưa tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm.
Lèo lái thông tin. Chúng sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang MXH để lèo lái thông tin. Cách thức tiến hành của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài những thông tin xấu độc theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Cùng với đó là những phân tích, bình luận tưởng như khách quan nhưng thực chất là tạo ra “bẫy thông tin” khiến người tiếp nhận dễ bị dẫn dắt theo mưu đồ xấu của chúng.
     Tung tin đồn, gây kích động, chia rẽ. Lợi dụng những sự kiện nhạy cảm liên quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, tranh chấp Biển Đông, ô nhiễm môi trường, hay những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, công tác cán bộ... chúng tung tin thất thiệt trên các trang MXH gây hoang mang trong dư luận, tạo nên sự hiểu nhầm của người dân, sự hoài nghi vào cấp ủy, chính quyền các cấp. Các tin đồn tác động mạnh vào cảm xúc, kích động những nhóm đối tượng thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ để tạo sức mạnh chống phá.
     Tác động tiêu cực, hệ lụy khôn lường
     Một là, tác động đến nhận thức, quan điểm, lập trường chính trị. Do triệt để lợi dụng tính tò mò, tâm lý “thích giật gân” và các quy luật thuần tâm lý như: Cảm nhiễm, a dua, ám thị, bắt chước... thủ đoạn “thao túng tâm lý” dễ tác động đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt đến dồn dập, những phân tích, bình luận xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” dễ đưa người khác vào trạng thái hỗn loạn thông tin. Trạng thái đó khiến nhận thức của con người có thể đi từ phân vân đến hoài nghi, mơ hồ, từ đó dễ làm xói mòn quan điểm, lập trường chính trị.
    Hai là, tác động đến cảm xúc, thái độ và niềm tin. Thông tin xuyên tạc, bịa đặt thường liên quan trực tiếp đến nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của người dân và lợi dụng tác động của dư luận xã hội nên thủ đoạn “thao túng tâm lý” dễ tác động đến cảm xúc, thái độ, niềm tin của quần chúng nhân dân. Dưới tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý”, thái độ của con người có thể chuyển biến từ hoài nghi, hoang mang, dao động đến bất bình, phẫn nộ, phản đối, thậm chí là chống đối, bất hợp tác, mất niềm tin.
    Ba là, tác động đến hành vi, hành động. Khi đã kiểm soát được nhận thức, cảm xúc, thái độ, thủ đoạn “thao túng tâm lý” còn trực tiếp kích thích, thúc đẩy những hành vi, hành động tiêu cực của con người. Các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tổ chức đăng tải, tán phát các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video phỏng vấn theo hướng kích động những nhân sĩ, trí thức trong nước có tư tưởng bất mãn chính trị. Đối với quần chúng nhân dân, chúng triệt để lợi dụng bộ phận thiếu hiểu biết, thiếu thông tin hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, mua chuộc, nhất là dân tộc ít người, đồng bào tôn giáo nhẹ dạ, cả tin bị chúng kích động, lừa gạt, thúc ép buộc tham gia các cuộc tụ tập gây rối, biểu tình, tạo thành “lực lượng đối trọng”, gây áp lực với hệ thống chính trị các cấp.
     Tạo “bức tường thành” vững chắc phòng, chống thủ đoạn “thao túng tâm lý”
    Mục tiêu của thủ đoạn “thao túng tâm lý” dù xem xét dưới góc độ nào: Tâm lý hay chính trị, trước mắt hay lâu dài, ngấm ngầm hay công khai đều mang tính chất phản nhân văn, đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của con người. Thực chất đó là một trong những thủ đoạn của cuộc chiến tranh tâm lý, cuộc chiến chống lại con người.
    Để phòng, chống có hiệu quả thủ đoạn này, giải pháp hàng đầu là quan tâm xây dựng sự vững vàng về tâm lý cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. “Vững vàng tâm lý” thể hiện ở kiến thức, quan điểm và niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ; là khả năng kịp thời nhận diện, phản bác thông tin xấu độc, bịa đặt, thủ đoạn tuyên truyền chính trị của kẻ thù; khả năng nắm vững quan điểm chính trị trong ứng xử các vấn đề xã hội. “Vững vàng tâm lý” hoàn toàn khác với các hiện tượng “đứng ngoài chính trị”, “thờ ơ chính trị”.
    Từ thủ đoạn “thao túng tâm lý”, các thế lực thù địch luôn tiến công vào những nơi mà ý thức của con người mù mờ nhất, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tâm lý xã hội và tâm lý cá nhân, đánh vào những nhu cầu, mong muốn, ước vọng không được thỏa mãn của con người. Để có được sự “vững vàng tâm lý”, cần hạn chế, thu hẹp đến mức nhỏ nhất những “mảnh đất màu mỡ” cho thủ đoạn này.
    Thực tế cho thấy, nếu không tích cực ngăn chặn, bài trừ tệ nạn và tiêu cực xã hội, làm lành mạnh môi trường xã hội hiện nay thì các nọc độc “thao túng tâm lý” sẽ lan truyền hết sức nhanh chóng. Đây chính là cơ hội cho thế lực thù địch, phản động lợi dụng, gieo rắc sự hoài nghi, dao động, hoang mang, bi quan, mất niềm tin trong nhân dân. Chúng đang chờ đợi quá trình “tự tha hóa”, “tự biến chất”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để tiếp tục gia tăng  những tác động “thao túng tâm lý”.
    Trong bối cảnh thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, cần chủ động, kịp thời cung cấp, định hướng, kiểm soát thông tin và định hướng dư luận xã hội. Việc chậm trễ thông tin và sự thiếu chủ động trong việc định hướng dư luận xã hội đã làm nảy sinh ở quần chúng nhân dân những biểu hiện bất lợi về tâm lý, tư tưởng; ở mức độ đơn giản là những đồn đoán tùy tiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào luật pháp và bộ máy công quyền; ở mức độ phức tạp còn làm cho một số người có thái độ ngờ vực, thậm chí thay đổi quan điểm chính trị.
    Vì vậy, trước những sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... nhất là những sự kiện phức tạp, nhạy cảm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, các cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời, chính xác cho công chúng và định hướng suy nghĩ, hành động theo hướng có lợi cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Việc làm cần thiết hiện nay là nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát, quản lý thông tin, phòng, chống tin giả, tin đồn, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về thông tin sai trái, xuyên tạc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
     Giải pháp căn cơ là chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Ngày nay, khi mục tiêu "đầu độc" và chiếm lĩnh tâm hồn con người đang và sẽ là mục tiêu chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động thông qua thủ đoạn “thao túng tâm lý” thì việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh càng có ý nghĩa quan trọng. Môi trường văn hóa lành mạnh đủ sức chống lại những tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý” cần phải tạo được những rung động, những trạng thái cảm xúc tích cực ở đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như những giá trị ưu việt của chế độ XHCN.
    Cùng với đó, xây dựng lòng tự hào của mỗi người dân về nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, quán triệt và thực hiện tốt lời chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24-11-2021 tại Hà Nội: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ.
    Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước”. Xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất các sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của nhân dân theo phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, "lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực"./.
 
Thượng tá, Thạc sĩ LƯU TRUNG TÌNH 
(Khoa Tâm lý học quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị)
 
lat-tay-thu-doan-thao-tung-tam-ly-cua-cac-the-luc-thu-dich-phan-dong-752195

Tin liên quan