Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 01/2024

31-12-2023 15:50

 

     Từ ngày 26 đến 30/11/2023, nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là điểm nhấn nổi bật và quan trọng nhất trong chuỗi khoảng 500 sự kiện kỷ niệm trong năm 2023. Chuyến thăm có kết quả quan trọng và toàn diện, trong đó dấu ấn nổi bật là việc hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Tuyên bố chung khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới; nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản thống nhất tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng, nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an toàn và an ninh trên biển thông qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác, bao gồm huấn luyện chung, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển hai nước. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong quá trình thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản. Hai bên đã đạt nhất trí cao về định hướng lớn, quan trọng trong thời gian tới, ký kết 5 văn kiện hợp tác trong chuyển đổi năng lượng, y tế, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, vệ tinh vũ trụ, di sản văn hóa. Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản, Chủ tịch nước đã truyền tải thông điệp về một đất nước Việt Nam đổi mới mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điểm lại chặng đường 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định quan hệ hai nước là “Lương duyên trời định”. Chủ tịch nước chia sẻ tầm nhìn và định hướng lớn để triển khai hiệu quả Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, bày tỏ quyết tâm cùng Nhật Bản xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: “Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững”. Chuyến thăm diễn ra với gần 40 hoạt động chính, thể hiện sự tin cậy, gắn bó cao giữa lãnh đạo, nhân dân hai nước. Chính giới và nhân dân Nhật Bản dành cho Chủ tịch nước cùng Phu nhân và đoàn đại biểu Việt Nam mức đón tiếp hết sức trọng thị, đặc biệt. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã chiêu đãi và trao đổi thân tình, trọng thị với Chủ tịch nước và Phu nhân. Chủ tịch nước đã có nhiều cuộc trao đổi tiếp xúc với lãnh đạo của Hoàng gia, Chính phủ, Quốc hội và đông đảo các tổ chức kinh tế - xã hội, hội hữu nghị, các chính trị gia có nhiều đóng góp cho quan hệ Nhật Bản - Việt Nam…; cùng lãnh đạo và bạn bè Nhật Bản dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được tổ chức trọng thể tại Nhà khách Hoàng gia Minh Trị. Chuyến thăm của Chủ tịch nước có dấu ấn quan trọng, mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước với các ưu tiên cần tập trung triển khai cụ thể trong khuôn khổ quan hệ mới Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, trước tiên là tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao hàng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai là, định ra phương hướng triển khai quan hệ trong các lĩnh vực. Tăng cường kết nối nguồn nhân lực, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, tạo sự hiểu biết, tin cậy, hợp tác hiệu quả, thực chất. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cán bộ cấp chiến lược. Ba là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, Mê Công, APEC…

     Từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại thành phố Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hội nghị có có hơn 140 nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia, diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật phương châm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, coi đây là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh cần có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực và hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề cao trách nhiệm của mỗi quốc gia, chủ nghĩa đa phương, công bằng, công lý khí hậu; thông tin về những biện pháp Việt Nam đã triển khai kể từ Hội nghị COP26 đến nay với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân. Dự và phát biểu tại Tọa đàm về “Đẩy nhanh chuyển đổi điện than” (02/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã đến lúc cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn so với điện than; khẳng định chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, song trong quá trình đó cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia và việc làm cho người dân, tránh gây ra các cú sốc cho người lao động; nhấn mạnh Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp với bối cảnh quốc gia.
     Ngày 12 - 13/12/2023, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008 - 2023); là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 30/10 - 01/11/2022); khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả Việt Nam và Trung Quốc đối với việc củng cố, phát triển quan hệ ổn định, vững chắc, bền vững, vì lợi ích chung của hai nước. Trong khuôn khổ các hoạt động của chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; dự tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước và tham dự chương trình Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc cùng nhiều hoạt động khác. Hai bên đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tại cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư hai nước, trong bầu không khí thân tình, hữu nghị, chân thành, thẳng thắn, hai bên đã đi sâu trao đổi về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, quan hệ hai Đảng, hai nước và những vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên cùng thực hiện tốt những nhận thức chung cấp cao, tôn trọng các lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với UNCLOS 1982. Hai bên ra Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Nội dung Tuyên bố chung nhấn mạnh: Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Phía Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai bên xác định rõ các phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước là: Tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
      Ngày 12/12/2023, diễn ra cuộc họp Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn - năm 2024, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn - năm 2024 chủ trì cuộc họp. Theo báo cáo, Lễ hội Hoa đào Xứ Lạng - Xuân Giáp Thìn năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 26/01/2024 đến ngày 09/3/2024 (từ ngày 16 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra tại Công viên Chi Lăng, đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn. Năm nay lễ hội sẽ có một số điểm mới như: mời đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số bộ, ngành trung ương và các tổ chức quốc tế, các chuyên gia UNESCO và đại diện một số nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Một số hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 như: phát động hưởng ứng mặc trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Lạng Sơn; Hội Báo Xuân Xứ Lạng; Chương trình Gặp mặt trí thức, văn nghệ sỹ tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan báo chí nhân dịp Xuân Giáp Thìn; Hội thi “Hương sắc ẩm thực Xứ Lạng” mở rộng; tổ chức các tour, tuyến du lịch “Check in Mùa xuân Xứ Lạng” và Hành trình khám phá di sản vùng Công viên địa chất Lạng Sơn,…Tại cuộc họp, các sở, ngành đã thảo luận tập trung vào một số nội dung như: công tác truyền thông, chương trình lễ khai mạc, công tác hậu cần, các nội dung hoạt động, phương án tuyên truyền cổ động trực quan. Sau khi nghe báo cáo tiến độ chuẩn bị, các phương án market trang trí không gian, kịch bản chi tiết, ý kiến các sở, ngành, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội kết luận: thống nhất thời gian tổ chức Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Đào sẽ diễn ra vào 20 giờ 00 phút ngày 31/01/2024 (tức ngày 21 tháng Chạp năm Quý Mão), tại đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn; UBND thành phố Lạng Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác trang trí, hoàn thiện “Đường hoa xuân” khu vực Công viên Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn); tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cổ động trực quan. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác lễ tân, hậu cần, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm,… để lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân năm mới.
      Ngày 27/12/2023, Ban Chỉ đạo (BCĐ) kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng tỉnh giai đoạn 2021-2025 tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng BCĐ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên BCĐ, đại diện lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, lãnh đạo ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc. Trong năm 2023, công tác tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nghiêm túc. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tuyên truyền thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, khối phố, trên báo chí, internet, mạng xã hội,… Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của dân tộc; giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cổ vũ, động viên các cấp, ngành, doanh nghiệp và Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp tổ chức được trên 12.000 hội nghị tuyên truyền cho trên 736.000 lượt người; các trang, cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đăng tải trên 2.500 tin, bài, văn bản tuyên truyền. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 10 hội nghị báo cáo viên trực tuyến và trực tiếp với hơn 30.000 lượt cán bộ, đảng viên, tham dự, tổ chức Cuộc thi trực tuyến trắc nghiệm trên internet “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933 – 15/6/2023)” thu hút trên 486.000 lượt người tham gia. Đội ngũ báo cáo viên, truyền truyền viên các cấp đã tổ chức tuyên truyền miệng được hơn 18.000 buổi cho hơn 1 triệu lượt người nghe. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố đã trình bày một số nội dung tham luận làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, tập trung vào các nội dung như: phát huy vai trò của báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng; một số kinh nghiệm hay trong công tác giáo dục lịch sử truyền thống trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn; phát huy vai trò của đoàn thanh niên trong việc triển khai hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trên địa bàn tỉnh… Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao kết quả công tác chỉ đạo tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Thời gian tới, đồng chí yêu cầu các thành viên BCĐ, các cấp, các ngành khắc phục khó khăn, hạn chế, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, BCĐ tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng, gắn với những việc làm cụ thể, thiết thực; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động kỷ niệm, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, chú trọng công tác tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, tuyên truyền đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tuyên truyền các sự kiện lớn của tỉnh bảo đảm chính xác, kịp thời, tạo phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các thành viên BCĐ tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, tăng cường phối hợp để công tác tổ chức các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trên địa bàn tỉnh diễn ra đồng bộ, thành công, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
     Ngày 28/12/2023, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công khai thông tin liên quan đến Dự án khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Hùng Trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn của UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, một số sở, ban, ngành, Ban Tiếp công dân tỉnh; lãnh đạo thành phố Lạng Sơn, xã Mai Pha và trên 200 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tại hội nghị, đồng chí Phạm Hùng Trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh đã công khai thông tin liên quan đến Dự án khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trong đó thông tin về trình tự, thủ tục thực hiện dự án; công tác chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc thực hiện dự án; kết quả kiểm tra, rà soát, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có sai phạm liên quan đến dự án; kết quả chỉ đạo, giải quyết đơn của công dân. Dự án khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn (dự án) có quy mô sử dụng đất 91,37 ha, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát và Công ty TNHH Hà Sơn. Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị, thuộc loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014; việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của Luật Nhà ở; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ. Trong quá trình triển khai công tác thu hồi đất để thực hiện dự án phát sinh kiến nghị, phản ánh của công dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục, công tác lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Kết quả kiểm tra, rà soát đã chỉ ra một số sai phạm liên quan đến dự án, trên cơ sở đó, đã thực hiện xử lý về hình sự, xử lý về đảng và xử lý về hành chính đối với một số tập thể, cá nhân vi phạm. Về kết quả chỉ đạo, giải quyết đơn thư của công dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành có liên quan xem xét, xử lý, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan và giải thích cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. Hiện nay, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng đang tiếp tục chỉ đạo làm rõ một số nội dung khác liên quan đến dự án và sẽ thông báo công khai đến các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có kết quả cụ thể.
 
Tin tổng hợp
 
 
LUẬN ĐIỆU LỪA BỊP KHÔNG THỂ ẢNH HƯỞNG TỚI
CÔNG CUỘC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM
 
     Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các cơ quan phòng, chống tham nhũng, bảo vệ tư pháp là yêu cầu cấp thiết từ thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua.
 
 
 
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
 
     Việc Bộ Chính trị mới đây ban hành Quy định 131-QĐ/TW và Quy định số 132-QĐ/TW cho thấy quyết tâm của Đảng trong chống “giặc nội xâm”, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" bằng “lồng cơ chế” và đáp ứng được mong mỏi của đảng viên, nhân dân.
     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người cũng chỉ rõ vị trí, vai trò của cán bộ trong bộ máy nhà nước: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt”.
     Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng ta luôn xác định: “Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng”. Đảng ta nhận thức rất rõ, nếu quyền lực của người đứng đầu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến lạm quyền, tha hóa quyền lực của người đứng đầu.
     Do đó, việc kiểm soát quyền lực được Đảng ta cụ thể hóa chủ trương bằng các quy chế, quy định khá cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đảng ta đã chú trọng cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phù hợp tình hình thực tế, xác định quyền và trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời từng bước có cơ chế, chế tài cụ thể xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi có khuyết điểm, vi phạm.
     Nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế trong kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các hoạt động vốn mang tính nhạy cảm, đòi hỏi tính liêm chính cao như: thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Điều này biểu hiện rõ qua hàng loạt vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã và đang bị phanh phui với không ít cán bộ thoái hóa, biến chất khiến dư luận không khỏi bức xúc.
     Điển hình như năm 2022, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu bị bắt quả tang khi đang nhận tiền của một nữ bị cáo để chuyển 6 tháng tù giam thành 6 tháng tù treo. Tháng 7/2023, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu Nguyễn Thanh Trì bị khai trừ ra khỏi Đảng do liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra tỉnh và Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh này.
     Xung quanh vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác có liên quan đang được dư luận đặc biệt quan tâm, mới đây, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho hay, tất cả thành viên đoàn thanh tra liên ngành thời điểm thanh tra đã nhận tiền, quà và lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB. Với số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD, đây là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay, tính đến thời điểm hiện tại. Riêng Trưởng Đoàn Thanh tra nhận trên 5 triệu USD.
     Nhìn nhận những hạn chế dẫn đến “kẽ hở” trong cơ chế kiểm soát quyền lực, dư luận cho rằng có nhiều nguyên nhân. Nổi lên là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đâu đó còn nặng tính hình thức, không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm…
Cũng chính vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, biện pháp, cách thức để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự hiệu quả. Các quy định, nghị quyết được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, sẽ "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế", dần khắc phục được những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng..
     Điển hình là tháng 10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
     Việc ban hành hai quy định này cho thấy, Đảng không chỉ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, đòi hỏi tính liêm chính rất cao, Đảng còn quyết liệt bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, sự minh bạch của hệ thống công quyền và củng cố niềm tin, sự ủng hộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên nhiều mặt trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Đồng thời, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy tố tụng trong sạch, minh bạch; quyền lực luôn đi kèm nghĩa vụ và trách nhiệm.
     Thế nhưng các thế lực thù địch ở nước ngoài và phần tử cơ hội chính trị lại lợi dụng việc này để hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hòng tiến tới xóa bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
     Phải khẳng định dứt khoát rằng, những lập luận này hoàn toàn sai trái!
     Tệ nạn tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Ở đâu có quyền lực, ở đó có nguy cơ xảy ra tham nhũng, một khi quyền lực bị lạm dụng. Nếu quyền lực được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng; người có quyền lực sẽ “không thể,” “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa.
     Không khó để nhận thấy động cơ của những thế lực thù địch đó là lợi dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng để lừa bịp, kích động, gây mơ hồ ảo tưởng, nhận thức sai lệch của nhân dân về Đảng.
     Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được tiến hành quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống”. Dư luận xã hội đang rất trông đợi và kỳ vọng, các quy định mới đây của Đảng ta sẽ giải quyết được những nhức nhối gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và góp phần xóa bỏ những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ sẽ tiếp tục được xử lý nghiêm minh. Như mới đây là việc nghiêm trị các cán bộ cấp cao liên quan đến những vi phạm trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”. Trong vụ án này, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị phạt 5 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đều nhận mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
     Đặc biệt, tháng 11/2023, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung xử lý dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,…
     Có thể khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Quyết tâm “chống giặc nội xâm”, khắc phục những bất cập bằng “lồng cơ chế” đó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.
 
 HẠNH QUỲNH (TTXVN)
Nguồn: https://www.tuyengiao.vn/luan-dieu-lua-bip-khong-the-anh-huong-toi-cong-cuoc-phong-chong-tham-nhung-o-viet-nam-152091

Tin liên quan