Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 02/2024

06-02-2024 16:45

 

    Ngày 11/01/2024, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2023 - 2030 tổ chức Hội nghị họp xem xét, thống nhất một số nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng BCĐ; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các thành viên BCĐ, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố có ĐVHC thuộc diện sắp xếp. Theo báo cáo tại hội nghị, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, ngày 31/10/2023 UBND tỉnh đã có Công văn số 1530/UBND-NC gửi xin ý kiến Bộ Nội vụ đối với phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã, giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng đã có 11 ý kiến đối với phương án nhập nguyên trạng huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn và phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 gồm: nhập xã Sơn Hà vào thị trấn Hữu Lũng thuộc huyện Hữu Lũng, sắp xếp xã Đại Đồng, xã Đội Cấn vào thị trấn Thất khê thuộc huyện Tràng Định. Đồng thời thống nhất đối với 03 phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã gồm: nhập nguyên trạng 03 xã Khánh Khê, Đồng Giáp, Tràng Các thuộc huyện Văn Quan để thành lập ĐVHC xã mới; nhập nguyên trạng 2 xã Vĩnh Tiến và Khánh Long thuộc huyện Tràng Định để thành lập 01 xã mới; nhập nguyên trạng 2 xã Tam Gia và Tĩnh Bắc thuộc huyện Lộc Bình để thành lập 01 xã mới. Tại hội nghị, các đại biểu đã xem xét các nội dung báo cáo, đề xuất của UBND tỉnh về phương án sáp nhập các xã, huyện sau khi có ý kiến của các cơ quan Trung ương. Trong đó tập trung cho ý kiến đối với phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên cơ sở tiếp thu giải trình các ý kiến góp ý của Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương; Đề án sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn; đồng thời xác định các nhiệm vụ cần triển khai và tiến độ thời gian hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025, Đề án phân loại đô thị đối với thành phố Lạng Sơn mở rộng. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, thống nhất nội dung chưa sắp xếp đối với xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc trong giai đoạn 2023 - 2025. Đối với phương án sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn, đề nghị UBND tỉnh lựa chọn đơn vị tư vấn để tiến hành các bước theo quy định; về đề án phân loại đô thị giao UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đúng trình tự quy định để trình Bộ Xây dựng, hoàn thành trước ngày 30/9/2024. Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan, đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ để trình Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong quý III/2024; Sở Nội vụ là cơ quan thường trực BCĐ tham mưu xây dựng Đề án triển khai thực hiện các bước đảm bảo đúng quy trình quy định. Trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành cần có báo cáo kịp thời với BCĐ để có sự thống nhất trong chỉ đạo, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, các cấp, ngành, các địa phương cần phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công để đem lại kết quả cao nhất.

      Ngày 16/01/2024, UBND tỉnh tổ chức chương trình phát động ủng hộ Quỹ Nhân đạo và Phong trào Tết Nhân ái Xuân Giáp Thìn năm 2024. Đến dự có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Phát biểu tại chương trình, đồng chí Dương Xuan Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) các cấp luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của góp phần chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK)… Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực, sự quan tâm, sẻ chia khó khăn của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân đã chung tay vì công tác nhân đạo trong những năm qua. Đồng chí cũng chia sẻ, toàn tỉnh hiện nay có trên 12.000 hộ nghèo (chiếm 6,02%) và trên 18.000 hộ cận nghèo (chiếm 8,96%), trên 13.000 người khuyết tật (NKT), hơn 2.600 trẻ em có HCĐB…đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát động và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân toàn tỉnh tiếp tục cùng Đảng bộ, chính quyền các cấp chung tay ủng hộ Phong trào Tết Nhân ái nhằm giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và trước mắt có thêm điều kiện được vui Xuân, đón Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đủ đầy hơn. Đồng thời, ủng hộ Quỹ Nhân đạo của tỉnh có nguồn lực chủ động hỗ trợ những trường hợp phát sinh đột xuất khi có thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác trên địa bàn tỉnh. Đồng chí cũng đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức CTXH phối hợp cùng với Hội CTĐ các cấp triển khai có hiệu quả phong trào và sử dụng kinh phí ủng hộ tiếp nhận đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng quy định. Hội CTĐ tỉnh tiếp tục là địa chỉ tin cậy để các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh gửi gắm lòng tin, chia sẻ đóng góp trong các hoạt động nhân đạo. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hỗ trợ phong trào Tết Nhân ái, động viên các cá nhân và hộ gia đình được trợ giúp vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống để hòa nhập cộng đồng. Tại chương trình, lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh đã đọc Thư kêu gọi Phát động ủng hộ Quỹ Nhân đạo và Phong trào Tết Nhân ái Xuân Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh kêu gọi sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, MTTQ, tổ chức CTXH, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trường học và các tổ chức xã hội, nhân đạo, từ thiện, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tiếp tục ủng hộ phong trào để chia sẻ, hỗ trợ những người nghèo, NKT, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), các đối tượng có HCĐBKK… có thêm điều kiện cùng mọi nhà được vui Xuân, đón Tết, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Thời gian vận động từ tháng 01/2024 đến hết ngày 05/02/2024. Mọi đóng góp ủng hộ, gửi về Hội CTĐ tỉnh Lạng Sơn theo địa chỉ: Số 04 đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn; Điện thoại/Fax: 02053.811366; Số tài khoản: 3511 0000 192 190 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn. Tại chương trình, đông đảo các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và các tổ, nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện cùng các nhà hảo tâm đã trao biển ủng hộ Quỹ Nhân đạo và Phong trào Tết Nhân ái, đăng ký và cam kết đồng hành cùng phong trào với tổng trị giá đạt trên 6,2 tỷ đồng. Ban Tổ chức chương trình cũng trao Bảng vinh danh cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ Quỹ Nhân đạo và Phong trào Tết Nhân ái Xuân Giáp Thìn năm 2024. Nhân dịp này, Ban Tổ chức chương trình đã tặng 30 suất quà cho hộ nghèo, học sinh có HCĐBKK. Mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng gồm quà và tiền mặt. Đồng thời, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Nhân đạo đạt trên 188 triệu đồng./.
      Ngày 18/01/2024, tại Hội trường Thành ủy - UBND thành phố Lạng Sơn diễn ra chương trình hiến máu tình nguyện “Chủ nhật đỏ - Lễ hội xuân hồng năm 2024”. Tham dự chương trình có thành viên Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành và đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và Nhân dân tham gia chương trình. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức được 22 đợt vận động hiến máu tình nguyện, tiếp nhận gần 9.600 đơn vị máu, tương đương với hơn 12.400 đơn vị máu quy đổi, góp phần cứu chữa cho hàng nghìn người bệnh cần truyền máu, nhất là các thời điểm khan hiếm máu nhất trong năm như dịp Tết Nguyên đán, dịp Hè. Với thông điệp “Hiến máu cứu người, sinh mệnh của bạn và tôi” và “Hiến máu đầu Xuân - Nhân lên hạnh phúc”, chương trình “Chủ nhật đỏ - Lễ hội xuân hồng” năm 2024 tổ chức với mục đích mang giọt máu ấm đến người bệnh cần truyền máu, nhất là dịp tết Nguyên đán. Đây là một trong những chương trình ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của các bạn trẻ, Nhân dân đối với xã hội; qua đó thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển hơn. Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã tôn vinh các đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện tỉnh Lạng Sơn và tặng quà cho 10 em học sinh nghèo trên địa bàn huyện Cao Lộc.
      Ngày 29/01/2024, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu cho các công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan. Thời gian qua, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm như hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc trục nối Đông - Tây, cảng biển, hệ thống các cụm cảng hàng không…, giúp kết nối phát triển kinh tế các vùng, liên vùng, tạo diện mạo mới cho đất nước. Tuy nhiên trong công tác quản lý dự án, cụ thể là quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được các bộ, ngành, địa phương phối hợp, nghiên cứu tháo gỡ kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đối với tỉnh Lạng Sơn, thực hiện Công điện 02/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ liên quan, tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng mới trên địa bàn tỉnh; giao Sở Xây dựng xây dựng định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền từ đá vôi trên địa bàn tỉnh, tham mưu bộ đơn giá xây dựng công trình để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương,... Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải sẽ tổng hợp ý kiến góp ý, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền ban hành. Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 định mức theo thẩm quyền, đồng thời tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu hoặc không phù hợp; Bộ Giao thông vận tải sẽ ban hành mới và điều chỉnh, bổ sung 547 định mức dự toán công trình theo thẩm quyền. Bên cạnh đó thành lập tổ công tác nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng, khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Các địa phương kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng theo hướng dẫn, đúng quy định pháp luật.
      Ngày 31/01/2024, Ban Chỉ đạo (BCĐ) các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức họp tổng kết tình hình thực hiện các CTMTQG năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2024. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ các CTMTQG tỉnh chủ trì cuộc họp. Cùng dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên BCĐ, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. Năm 2023, BCĐ các CTMTQG tỉnh đã xây dựng kế hoạch, thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện, phối hợp chặt chẽ trong triển khai, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan cấp dưới theo thẩm quyền, trong năm đã ban hành trên 20 văn bản về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các CTMTQG. Kết quả thực hiện: về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Về chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 2,9% so với năm 2022 (từ 8,92% xuống 6,02%, chưa đạt mục tiêu đề ra là giảm 3%). Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hết năm 2023 toàn tỉnh có thêm ít nhất 04 xã và 24 thôn thuộc xã vùng I, II thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ước giảm khoảng 2,9%, chưa đạt mục tiêu đề ra là giảm 3%.Về tỷ lệ giải ngân nguồn vốn các CTMTQG, đến hết ngày 05/01/2024, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang) là 1.369,5 tỷ đồng, đạt 56,6% kế hoạch, trong đó vốn đầu tư đạt 80,5% kế hoạch, vốn sự nghiệp đạt 29,5% kế hoạch.Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã đánh giá kết quả đạt được, nêu những tồn tại, hạn chế, khó khăn và các giải pháp để thúc đẩy thực hiện các CTMTQG trong thời gian tới. Phát biểu kết luận, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận kết quả đạt được trong thực hiện 03 CTMTQG, đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thời gian tới, đồng chí đề nghị các cơ quan chủ trì tham mưu các CTMTQG ban hành ngay kế hoạch chi tiết thực hiện các chương trình năm 2024, tiếp tục rà soát, đề xuất UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở ngành, cơ quan, đơn vị phụ trách, hỗ trợ thực hiện các CTMTQG. Các sở, ngành liên quan tổng hợp xây dựng kế hoạch hoạt động của BCĐ tỉnh trong năm 2024, chăm lo, bố trí nguồn lực để thực hiện 03 CTMTQG, thường xuyên nắm bắt, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán nguồn vốn thực hiện các chương trình; xác định rõ các nguồn vốn được phép kéo dài sang năm 2024 theo quy định, thực hiện chuyển nguồn trong tháng 02/2024 để các huyện, thành phố triển khai thực hiện; đồng thời tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành các cơ chế đặc thù, văn bản hướng dẫn để thực hiện các CTMTQG. UBND các huyện, thành phố phát huy vai trò của Trưởng BCĐ, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các CTMTQG, đẩy mạnh công tác giải ngân, nâng cao chất lượng thực hiện các công trình, quan tâm bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện các CTMTQG. Đối với một số nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố quan tâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình xây dựng NTM, quan tâm nâng cao chất lượng tiêu chí các xã đã về đích NTM. Về chương trình giảm nghèo bền vững, quan tâm thực hiện tiêu chí phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, xây dựng nhà vệ sinh đạt chẩn, tuyên truyền, hướng dẫn hực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp bền vững.
      Từ ngày 19/01đến ngày 09/03/2024, sẽ diễn ra Lễ hội hoa Đào Xứ Lạng và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn. Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng khai mạc vào tối ngày 01/02/2024 (tức ngày 22 tháng Chạp) tại Quảng trường đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn, tiếp sóng Đài Phát thanh và Truyền hình một số tỉnh, thành phố. Nằm trong khuôn khổ sự kiện trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi, hấp dẫn như: Hội chợ Hoa Đào và tour tham quan trải nghiệm Sắc Đào Xứ Lạng; tham quan, trải nghiệm không gian quảng bá về Hoa Đào và Đường hoa xuân Xứ Lạng 2024; trao giải Cuộc thi Vườn Đào đẹp và cây Hoa Đào đẹp xuân Giáp Thìn 2024, Cuộc thi vẽ tranh Hoa Đào đẹp Xứ Lạng năm 2024; phát động hưởng ứng mặc trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và tham gia chia sẻ ảnh/trailer "Khoảnh khắc đẹp với trang phục dân tộc" năm 2024; khai mạc Đợt phim mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024; Hội Báo Xuân Xứ Lạng 2024; Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm thấp chào đón Xuân Giáp Thìn 2024; Ngày thơ Nguyên tiêu; Trình diễn Nghệ thuật trong hang động; Chương trình giao lưu nghệ thuật chuyên nghiệp với Thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc chào mừng Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn; Giải chạy việt dã Mùa Xuân; Hội hát Then, Sli, Lượn và múa sư tử mèo dân tộc Tày, Nùng; Hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng lần thứ III năm 2024; Hội thi “Hương sắc ẩm thực Xứ Lạng” mở rộng năm 2024...
 
Tin tổng hợp
 
 
 
SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG LÀ NHÂN TỐ HÀNG ĐẦU QUYẾT ĐỊNH MỌI THẮNG LỢI
 
     (TG) - Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết số 35), công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo nên những dấu ấn nổi bật. Có được những kết quả đó là do có sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định những thành công trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
 
 
(Ảnh minh họa)
 
     NHỮNG DẤU ẤN TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO NHIỆM VỤ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
     Ngay từ khi ra đời, xuất phát từ yêu cầu khách quan, trong điều kiện hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù, với sự chống phá quyết liệt của nhiều thế lực phản cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ Đảng, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng và bảo vệ nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch.
     Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã ra nhiều Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, tinh thần và bản lĩnh của Đảng trong việc lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng được thể hiện đậm nét nhất trong Nghị quyết số 35. Nghị quyết đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
    Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết 35 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi căn bản, toàn diện cả trong nhận thức, ý thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
    Về mặt tổ chức, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo 35 đã được thành lập từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện theo một cơ cấu tổ chức thống nhất, trong đó, lực lượng Tuyên giáo, Công an, Quân đội làm nòng cốt. Một số cơ quan, đơn vị đã thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 hoặc bố trí lực lượng chuyên trách thực hiện Nghị quyết số 35 để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan đơn vị, bộ, ngành đã thành lập đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, lực lượng xung kích lấy nòng cốt là đoàn viên, thanh niên, hình thành được mạng lưới rộng khắp. Ở góc độ này, có thể khẳng định hiếm có nghị quyết nào có sức lan tỏa rộng và huy động được lực lượng đông đảo tham gia như Nghị quyết số 35.
    Về mặt nội dung, với sự chỉ đạo của Trung ương, nội dung công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai rộng rãi trên nhiều mặt. Bên cạnh việc tuyên truyền, lan tỏa những giá trị bền vững, cốt lõi của của nghĩa Mác - Lênin, tưởng Hồ Chí Minh, việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, truyền thống văn hóa, lịch sử, những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của công cuộc đổi mới cũng được đẩy mạnh.
Đặc biệt, cùng với mảng tuyên truyền, lan tỏa, những nội dung về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực cũng được chú trọng, tạo nên sự hài hòa giữa “xây” và “chống”. Điều đó góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, nhất là trong những thời điểm đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng các cấp, Hội nghị Trung ương, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng như trong những thời điểm khó khăn, nhạy cảm như thiên tai, dịch bệnh COVID-19… Cũng nhờ đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, lượng thông tin xấu độc được kiểm soát đáng kể so với trước đây; dòng thông tin chủ lưu, tích cực chiếm ưu thế và có vai trò tốt trong định hướng dư luận xã hội.
    Về mặt hình thức, có thể thấy rõ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, Ban chỉ đạo 35 các cấp, nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả. Những hình thức truyền thống như đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật tiếp tục được duy trì với cường độ cao hơn thông qua việc triển khai nhiều đề tài khoa học các cấp, nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học với chủ đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngoài ra, những hình thức tuyên truyền, giáo dục qua các kênh truyền thông, mạng xã hội cũng rất được chú trọng.
    Các hoạt động tuyên truyền trên sách, báo, tạp chí tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều tạp chí khoa học xây dựng chuyên mục phù hợp, chuyên sâu để đăng tải những bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó tiêu biểu là: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Tuyên giáo, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân... Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân... đẩy mạnh việc xuất bản, phát hành các ấn phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
    Tính trong giai đoạn 2019-2023, cả nước có hơn 300 đầu sách tham khảo, chuyên khảo có nội dung liên quan đến Nghị quyết số 35, trong đó có nhiều cuốn sách có nội dung đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch. Các Đài Truyền hình quốc gia và địa phương đã xây dựng các chương trình chính luận về có nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với chương trình “Đối diện”, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với chương trình “Nhìn thẳng, nói thật”…
     Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị cũng có những hình thức, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như biên soạn, xuất bản các cuốn Sổ tay hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: “Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, “Sổ tay hỏi đáp Sinh viên với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”, “Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng”… Sau khi phát hành, các cuốn sổ tay đã trở thành cẩm nang thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, phương pháp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 35.
     Một số đơn vị tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Nghị quyết số 35, huy động động đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng các tác phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điển hình là Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với một số cơ quan Trung ương tổ chức. Năm 2021, Cuộc thi thu được hơn 8.000 tác phẩm; năm 2022, thu được hơn 110 nghìn tác phẩm; năm 2023, thu được hơn 301 nghìn tác phẩm.
    Tổ chức đoàn các cấp cũng tích cực tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên; điển hình là Cuộc thi “Ánh sáng soi đường” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm. Các cuộc thi là hình thức sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta giai đoạn hiện nay.
    Có thể thấy rõ, trong hơn 5 năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp từ Trung ương đến các ban, bộ, ngành, địa phương và tạo ra những dấu ấn nổi bật trong toàn xã hội. Có được những kết quả đó là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, đúng như Đại hội XIII nhận định: “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”(1).
 
“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”.
(Trích Nghị quyết số 35-NQ/TW)

    NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ THỰC TIỄN LÃNH ĐẠO NHIỆM VỤ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
    Một là, trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào cũng phải luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
     Đảng ta đã khẳng định: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, là “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Hiện nay, trước sự chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch và trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”, sự kiên định này càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết. Sự kiên định là một trong những vấn đề có tính nguyên tắc quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng như Đảng ta đã nhấn mạnh: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(2). Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(3).
    Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
    Theo tinh thần của Nghị quyết số 35, Đảng ta chỉ rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy đảng, người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng và người đứng đầu, nơi đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và có sức lan tỏa rộng khắp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ những kết quả đạt được cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định kết quả của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả của nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
     Ba là, phải kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, lâu dài, “chống” phải kiên quyết, quyết liệt.
    Như tinh thần của Nghị quyết số 35 đã nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn liền với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là hai mặt của một nhiệm vụ, có mối quan hệ biện chứng với nhau bởi lẽ muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phải đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có mưu đồ chống phá và ngược lại, muốn đấu tranh phản bác, phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thật vững vàng. Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, “bảo vệ” và “đấu tranh” phải được xác định rõ là hai nhiệm vụ luôn song hành với nhau, có tác dụng tương hỗ cho nhau.
     Bốn là, phải kết hợp nhiều nội dung và hình thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả.
     Trong giai đoạn hiện nay, vì tính chất của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng khó khăn, phức tạp nên cùng một lúc phải kết hợp nhiều nội dung và hình thức phong phú, vừa tận dụng những lợi thế của các nội dung, hình thức truyền thống sẵn có đồng thời cập nhật những nội dung mới, phát huy những thế mạnh của các hình thức truyền thông hiện đại. Thông qua đó, Đảng cũng từng bước thay đổi cách thức lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp với yêu cầu mới như số hóa các nội dung tuyên truyền, giáo dục; hiện đại hóa các hình thức tuyên truyền trên internet và mạng xã hội. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc đổi mới này đã bước đầu đáp ứng tốt những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn và mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian qua.
     Năm là, phải huy động nhiều lực lượng tham gia để tạo thành mạng lưới rộng khắp.
     Như Đảng ta đã xác định rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, thời gian qua, cấp ủy đảng các cấp, trực tiếp là Ban Chỉ đạo 35 từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện đã lãnh đạo các cơ quan đơn vị tập hợp lực lượng, phát huy được vai trò của không chỉ lực lượng nòng cốt như tuyên giáo, công an, quân đội mà còn phát huy được vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, lực lượng thanh niên xung kích. Nhờ đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai rộng khắp trên cả mặt trận tư tưởng, lý luận, văn học nghệ thuật và trên internet, mạng xã hội. Đặc biệt, một số cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn huy động được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam. Đó chính là một trong những kinh nghiệm quý báu cần được tiếp tục phát huy để huy động được sự tham gia đông đảo hơn nữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
 
 
(Ảnh minh họa)
 
    Có thể khẳng định, trong 94 năm qua, cùng với việc lãnh đạo đất nước đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện thành công công cuộc đổi mới, Đảng cũng đã lãnh đạo thành công công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều đó góp phần quan trọng vào việc củng cố sức mạnh của Đảng và hệ thống chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định về phát triển đất nước.
    Trong những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu vực tuy có còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tiếp tục đạt được nhiều dấu ấn mới quan trọng. Điều đó tiếp tục khẳng định một vấn đề mang tính chân lý: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi!./.
TS. LÊ THỊ CHIÊN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.171.
(2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.33, 33.
 
Nguồn: https://www.tuyengiao.vn/su-lanh-dao-cua-dang-
la-nhan-to-hang-dau-quyet-dinh-moi-thang-loi-152774

Tin liên quan