TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN

TỈNH LẠNG SƠN

Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 3/2024

01-03-2024 11:20

   

      Ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới". Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã. Từ năm     2013-2021, cả nước có hơn 362.000 lượt cán bộ, thành viên Hợp tác xã (HTX) được đào tạo, bồi dưỡng, trên 2.600 HTX nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại, với khoảng 255 tỷ đồng; hơn 5.800 HTX ứng dụng, chuyển giao công nghệ, với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX đạt khoảng 50.800 tỷ đồng;… Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn tổ hợp tác. Khu vực HTX thu hút trên 6,93 triệu thành viên và 2,58 triệu lao động; tổng vốn điều lệ đạt trên 57,7 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,9 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt trên 190 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả cao. Phát biểu tham luận tại diễn đàn, đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian qua, lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng, chất lượng; tính đến hết năm 2023, tỉnh có 486 HTX, tăng 26 HTX so với năm 2022, doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 900 triệu đồng/năm. Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, thời gian qua các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới cho 111 HTX; hỗ trợ đưa 33 trí thức trẻ về làm việc tại 30 HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho 89 HTX; hỗ trợ 26 HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX… Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 20-NQ/TW và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, triển khai các chính sách hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, HTX…Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cáo kết quả đạt được của lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành sớm ban hành triển khai thực hiện Luật HTX năm 2023; tiếp tục rà soát đề xuất cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực hỗ trợ các HTX, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, đầu tư, quảng bá thương mại; tăng cường hơn nữa vai trò của Diễn đàn kinh tế HTX trong việc thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác và với các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học; các địa phương chủ động bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số; nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh HTX Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách, làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách, tư vấn, hỗ trợ cho các HTX.

       Ngày 05/02/2024, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tổ chức kỳ họp thứ hai mươi ba (kỳ họp chuyên đề) khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 để xem xét, thảo luận và quyết nghị một số nội dung quan trọng. Dự kỳ họp có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại biểu HĐND tỉnh khoá XVII. Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Đinh Hữu Học, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh nghe các cơ quan chuyên môn thuyết trình các dự thảo: thuyết trình của UBND tỉnh về dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thuyết trình của UBND tỉnh về dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng và Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn; thuyết trình của UBND tỉnh về dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quyết định biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính năm 2024; thuyết trình của UBND tỉnh về dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024. Đồng thời, nghe báo cáo kết quả thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh về các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận và biểu quyết thông qua 05 Nghị quyết của HĐND tỉnh gồm: (1) Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Nghị quyết thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; (3) Nghị quyết thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; (4) Nghị quyết quyết định biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính năm 2024; (5) Nghị quyết phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024. Phát biểu bế mạc, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, kỳ họp thứ hai mươi ba (kỳ họp chuyên đề) đã diễn ra nghiêm túc, phát huy dân chủ, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao và kỳ họp đã thống nhất biểu quyết thông qua 05 nghị quyết quan trọng. Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua; hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch; chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Đề nghị các cấp, các ngành, địa phương quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới; bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ Nhân dân vui xuân, đón tết đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
      Ngày 22/02/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030. Đồng chí Trần Hồng Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND các huyện Hữu Lũng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn; trong đó, đã hoàn thành 71 dự án với 37.868 căn, khởi công xây dựng 127 dự án, quy mô 107.896 căn và chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô 265.486 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.031 ha so với năm 2020. Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là nhiệm vụ chính trị cấp bách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại đề án; theo đó, mục tiêu trong năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội. Các Bộ, ngành cần tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; phối hợp tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch. Các địa phương cần khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội... đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao.
       Ngày 25/02/2024, các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Lễ giao nhận quân năm 2024 tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh: đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự tại huyện Lộc Bình; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự tại huyện Văn Lãng; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự tại huyện Chi Lăng; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự tại huyện Cao Lộc; đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự tại thành phố Lạng Sơn; đồng chí Phùng Quang Hội, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ dự tại huyện Bắc Sơn; đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ dự tại huyện Bình Gia; Đồng chí Đinh Hữu Học, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dự tại huyện Tràng Định; đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại huyện Hữu Lũng; đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại huyện Văn Quan... . Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Tại lễ giao nhận quân, các đồng chí lãnh đạo đã tặng hoa, động viên các tân binh lên đường nhập ngũ nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong không khí phấn khởi, tự hào, đại diện các tân binh đã bày tỏ quyết tâm sẽ phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, nỗ lực học tập, rèn luyện tốt, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
       Ngày 26/02/2024, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2019-2024 và 1 năm thực hiện đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới tỉnh Lạng Sơn. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ban, sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố và 21 xã, thị trấn biên giới trên địa bàn. Về phía Trung ương và Quân khu 1 có Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng; Thiếu tướng Lê Anh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân khu 1. Giai đoạn 2019-2024, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nội dung Ngày Biên phòng toàn dân, cụ thể hóa, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ trên tuyến biên giới tỉnh; đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với thực tế và đem lại kết quả tích cực. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các lực lượng chức năng và nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực biên giới vững mạnh. Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới vận động 24 tập thể và 885 hộ gia đình đăng ký quản lý, bảo vệ trên 223 km đường biên giới và 464 mốc quốc giới; trồng được 15.450 gốc tre dọc theo đường biên giới, tổng chiều dài là 12,546 km; xây dựng 182 tổ tự quản an ninh trật tự, lắp đặt 176 hòm thư tố giác tội phạm tại các thôn, bản. Thực hiện Thư ngỏ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh về phát động đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới tỉnh Lạng Sơn, 1 năm qua, đã có trên 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ trên 35 tỷ đồng tiền mặt, hàng trăm tấn vật liệu xây dựng và trên 26 nghìn ngày công lao động, triển khai xây dựng được 271 đường kiểm tra cột mốc với chiều dài trên 50km. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh biểu dương những thành tích và kết quả đạt được trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, giai đoạn 2019-2024. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xây dựng tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, các nội dung của Ngày Biên phòng toàn dân; các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực biên giới vững mạnh; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đưa các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng và đối ngoại biên phòng đi vào thực chất, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, giai đoạn 2019-2024, ngày Biên phòng toàn dân đã được tỉnh Lạng Sơn quan tâm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đồng chí cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động nhân dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phát huy tốt chức năng quản lý nhà nước về biên giới của chính quyền các cấp; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, tính tích cực, chủ động và tham mưu tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, kịp thời đề xuất, phối hợp thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng và xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả các nội dung, biện pháp quản lý, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia; hằng năm, các sở, ngành liên quan, các huyện biên giới cần xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức các hoạt động ngày biên phòng toàn dân đảm bảo ý nghĩa, phong phú, đạt hiệu quả thiết thực; lực lượng bộ đội biên phòng phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, chuyên trách trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã biên giới vững mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Nhân dịp này, có 06 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương Vì Chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 18 tập thể, 21 cá nhân và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen cho 01 tập thể, 05 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2019-2024; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 24 tập thể, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen cho 25 tập thể, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng Giấy khen cho 07 tập thể đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh trao 01 giải Đặc biệt, 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 05 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải tại cuộc thi “Phóng sự ngắn truyền hình về đề tài biên giới, biên phòng”.
 
Tin tổng hợp
 
 
 
SỰ XUYÊN TẠC, KÍCH ĐỘNG THÂM HIỂM
VỀ NHIỆM VỤ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA TRÊN BIỂN
 
     Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã trắng trợn xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta có liên quan về vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Họ vu cáo rằng, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta “không kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển”, “lúc nào cũng chỉ muốn đối thoại, đàm phán hòa bình nên để nước ngoài lấn tới...”; "không đủ năng lực và không đủ quyết tâm để bảo vệ chủ quyền biển, đảo”...
     Từ đây, các đối tượng ra sức xuyên tạc sự thật về mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước có biển trong khu vực Biển Đông; tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tâm lý bài nước này, thân nước kia; kích động sự chống đối Đảng, Nhà nước; hạ thấp vị thế, vai trò, sức mạnh của Quân đội; phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ kêu gọi Đảng, Nhà nước ta phải từ bỏ chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không”, đòi Đảng ta “thực hiện liên minh quân sự” để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển... 
      Có thể thấy, những luận điệu trên hoàn toàn là sự xuyên tạc trắng trợn, kích động với dụng ý phá hoại. Sự thật là nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đặc biệt coi trọng, đang được tiến hành một cách đồng bộ, bài bản, kiên quyết, kiên trì, kiên cường và khôn khéo.
 
 
Đoàn công tác Vùng 2 Hải quân ra thăm, động viên các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ
tại nhà giàn DK1/12 - cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: TTXVN
 
     Thứ nhất, đường lối, chính sách, các chiến lược, kế hoạch... phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay đều khẳng định rất rõ ràng, biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; lợi ích quốc gia trên biển là vấn đề trọng yếu, thường xuyên và lâu dài của Việt Nam. Ngay từ thời điểm đang phải dồn toàn lực để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dù khó khăn trăm bề, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã kịp thời đưa lực lượng, phương tiện đi giải phóng các đảo từ tay chế độ cũ, thể hiện tầm nhìn trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
     Trong suốt những năm qua, Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tất cả lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển Việt Nam đã được luật pháp quốc tế và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam quy định. Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã nhiều lần phát ngôn công khai, khẳng định rõ lập trường, quan điểm nêu trên.
     Hệ thống quan điểm của Đảng ta về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Điều đó được thể hiện rõ qua các văn kiện của mỗi kỳ đại hội Đảng. Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Trong đó, Đảng đã xác định quan điểm nhất quán và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề trên biển hiện nay.
     Thứ hai, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn ưu tiên dành mọi nguồn lực tốt nhất cho nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh tại địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
     Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu từ biển. Nhiều ngành kinh tế biển được chú trọng như khai thác dầu khí, vận tải biển, điện gió ngoài khơi, du lịch biển, đảo, phát triển kinh tế các đảo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học... Tất cả hoạt động kinh tế biển đó thể hiện tính chất của nền quốc phòng toàn dân, thực hiện sách lược gắn kinh tế với quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
      Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.
     Thứ ba, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Đảng, Nhà nước ta thực hiện triết lý “Ngoại giao cây tre” mà bản chất là mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt. Mục tiêu lớn nhất là tránh được xung đột, không để xảy ra chiến tranh, giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển đất nước, nhưng đồng thời bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc với quyết tâm cao nhất. Chúng ta biết nhu, biết cương, biết thời thế, biết thực lực, biết mình, biết người, biết tiến, biết lui đúng lúc, hợp thời. Đó cũng là thực hiện triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Lạt mềm buộc chặt” mà ông cha ta đã đúc rút từ các bài học đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Chúng ta xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi ích chính đáng của nước ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng ta không đi với nước này để chống lại nước kia; không thụ động chịu tác động hay sự lôi kéo của bất cứ nước nào, nhất là tránh việc trở thành con bài trong tay các nước lớn.
    Thứ tư, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển và lực lượng kiểm ngư vững mạnh, với trang bị, phương tiện ngày càng đồng bộ, hiện đại đủ sức quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các lực lượng nêu trên luôn có tinh thần, quyết tâm cao, kiên quyết, kiên trì, kiên cường thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, không có chuyện “không kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển”... như kẻ xấu xuyên tạc, vu cáo.
    Thứ năm, Đảng, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công tác tuyên truyền đã thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác để người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và sự quản lý thực tế của Việt Nam trên các vùng biển, đảo ở Biển Đông; hiểu rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông; từ đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, tạo đồng thuận của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
    Do đó, những luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo rõ ràng là xuất phát từ những mưu đồ đen tối, âm mưu kích động, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới, cần phải được nhận diện, lên án, đấu tranh kịp thời.
HỒ QUANG PHƯƠNG
https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/su-xuyen-tac-kich-dong-tham-hiem-ve-nhiem-vu-bao-ve-chu-quyen-quoc-gia-tren-bien-766360

Tin liên quan

Thống kê khách truy cập
-Đang truy cập: 3175
-Đã truy cập: 1.143.226
+Hôm nay 141
+Tháng này 91.336
+Tháng trước 182.501

Liên kết