Thông tin tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt chi bộ

Thông tin tuyên truyền tháng 4/2024

02-04-2024 17:10

 

     Ngày 20/3/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.Đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngày 21/3/2024, Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua: Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

      Ngày 22/3/2024, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên tỉnh Lạng Sơn năm 2024 với chủ đề “Cơ hội học tập, phát triển bản thân và việc làm của thanh niên Lạng Sơn trong tình hình mới”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 11 điểm cầu cấp huyện và 200 điểm cầu cấp xã với trên 4.000 đoàn viên, thanh niên tham gia. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin khái quát một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm vừa qua, khẳng định những kết quả tích cực đó có sự đóng góp quan trọng của các thế hệ thanh niên trên địa bàn tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, chương trình đối thoại lần này sẽ là diễn đàn, cơ hội để thanh niên trong tỉnh chia sẻ tâm tư, nguyện vọng trên con đường lập thân, lập nghiệp; đồng thời là dịp cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành trong tỉnh lắng nghe, tiếp nhận, giải đáp ý kiến kiến nghị, đề xuất của thanh niên; qua đó góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng thanh niên trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thông tin một số nội dung về: định hướng hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, các chính sách về học tập, phát triển bản thân, chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên; tình hình lao động, việc làm và các cơ hội việc làm đối với thanh niên tỉnh Lạng Sơn, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, định hướng, tư vấn nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên. Tiếp đó, các đoàn viên, thanh niên đã trao đổi, thảo luận và có 12 ý kiến đề xuất với UBND tỉnh liên quan đến các vấn đề như: công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của địa phương; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những người trẻ, các vận động viên thể thao; vấn đề đào tạo nghề, giải quyết nhu cầu về việc làm cho thanh niên; các chính sách thu hút sinh viên khi tốt nghiệp bằng giỏi trở lên từ các trường cao đẳng, đại học trở về làm việc, xây dựng và phát triển tại địa phương;…. Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, trả lời các vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực phụ trách. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, thanh niên. Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng thanh niên, đồng chí đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quan tâm hơn nữa đối với phong trào Đoàn, công tác Đoàn và phong trào thanh niên, tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với đoàn viên, thanh niên để kịp thời tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, từ đó có những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, điều hành của chính quyền; tiếp tục lắng nghe từ thực tiễn để nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, dự án, đề án phát triển thanh niên trong giai đoạn mới, quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên trong học tập, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát huy giá trị, bản sắc văn hoá, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các tổ chức Đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho thế hệ trẻ tỉnh nhà, nhất là phương thức tổ chức các phong trào, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các thanh niên cần tích cực tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng mềm để thích ứng với thị trường lao động trong nước và quốc tế, nắm bắt xu hướng thời đại, hướng đến những gì xã hội cần để khởi nghiệp, lập nghiệp. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 đoàn viên, thanh niên vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
     Ngày 25/3/2024, Ban Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm trên internet về “Dân vận khéo” tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Tham dự có đồng chí Giáp Thị Bắc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối, một số sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh. Lễ phát động được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố. Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích tạo đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, thiết thực để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của công tác dân vận; nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân vận chính quyền, thực hiện dân chủ ở cơ sở, công tác dân tộc, tôn giáo; các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh,... Đồng thời, thông qua cuộc thi nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến, cá nhân tham dự cuộc thi sử dụng thiết bị kết nối internet để đăng ký tài khoản và trả lời trực tiếp các câu hỏi tại địa chỉ: http://tracnghiem.danvanlangson.vn, banner cuộc thi trắc nghiệm trên Internet về “Dân vận khéo” tỉnh Lạng Sơn năm 2024 và trên trang thông tin điện tử Ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn, tại địa chỉ: http://danvanlangson.vn. Cuộc thi diễn ra trong 05 tuần liên tục, bắt đầu thi tuần thứ nhất từ ngày 25/3/2024, kết thúc vào ngày 28/4/2024. Thời gian thi mỗi tuần được tính từ 08h00 ngày thứ Hai và kết thúc vào 17h00 ngày Chủ nhật. Ban Tổ chức cuộc thi tổ chức tổng kết và trao giải thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt giải sau khi kết thúc cuộc thi, dự kiến cuối tháng 5/2024.
      Ngày 28/3/2024, tại Sân vận động Đông Kinh đã diễn ra Lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lạng Sơn lần thứ XI năm 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối, các sở, ban, ngành tỉnh. Về phía đại biểu Trung ương có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã thắp lửa truyền thống khích lệ, động viên các vận động viên thi đấu hết mình với tinh thần thể thao trong sáng, cao thượng, khát vọng vươn tới những thành tích đỉnh cao mới. Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lạng Sơn lần thứ XI là hoạt động thiết thực nhằm duy trì và đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; đồng thời là dịp biểu dương lực lượng của phong trào thể dục thể thao học đường, khẳng định kết quả công tác giáo dục thể chất của các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Qua tổ chức các môn thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng tuyển chọn những vận động viên tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất đại diện cho học sinh phổ thông tỉnh Lạng Sơn tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp khu vực và toàn quốc năm 2024. Đồng chí đề nghị các vận động viên nêu cao tinh thần đoàn kết, trung thực, quyết tâm thi đấu đạt thành tích cao nhất; các trọng tài thực hiện nhiệm vụ công tâm, chính xác, khách quan, vô tư để lựa chọn được những vận động viên tiêu biểu ở các môn thi đấu. Ban Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tiếp tục thực hiện kế hoạch đã xây dựng với tinh thần nghiêm túc, khoa học, kịp thời, đảm bảo chất lượng, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, các bậc phụ huynh học sinh tiếp tục quan tâm, phối hợp đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong các nhà trường, qua đó bồi đắp cho thế hệ trẻ phát triển về đức, trí, thể, mỹ, góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao của tỉnh nhà và giáo dục, đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện. Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lạng Sơn lần thứ XI năm 2024 có hơn 2.000 vận động viên tham dự với 96 nội dung thi đấu. Từ ngày 26 - 30/1/2024 tỉnh đã tổ chức thành công các môn thi đấu giai đoạn 1 gồm môn bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, đá cầu; từ ngày 12- 16/3/2024 tổ chức các môn bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cờ vua. Theo kế hoạch 3 môn thi đấu giai đoạn 2 sẽ được tổ chức ngay sau lễ khai mạc, từ ngày 28/3 đến ngày 02/4/2024, gồm các môn điền kinh, vovinam, thể dục Aerobic, riêng môn bơi tổ chức vào tuần 1 tháng 5/2024.
        Ngày 29/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề thực hiện năm 2024 của tỉnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến hơn 300 điểm cầu với trên 21.000 cán bộ, đảng viên, công chức tham dự. Tham dự hội nghị trực tiếp có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Tại hội nghị, báo cáo viên Trung ương đã quán triệt nội dung cốt lõi chuyên đề thực hiện năm 2024 của tỉnh; tiếp đó quán triệt nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Phát biểu kết luận, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời phát hiện, giới thiệu những cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những nhân tố tích cực từ cơ sở; kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhằm kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, uốn nắn cách làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Trong sinh hoạt định kỳ hằng tháng, sinh hoạt chuyên đề cần quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với các nội dung trọng tâm, đột phá được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định để lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan theo nhiệm vụ được phân công, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
 
Tin tổng hợp
 
 
NHIỆM VỤ CẤP BÁCH
CẦN ĐƯỢC THỰC HIỆN VỚI QUYẾT TÂM CAO
 
     Ở Việt Nam, tham nhũng được xác định là “giặc nội xâm” gây cản trở sự phát triển đất nước, làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, cần được tiến hành thường xuyên và lâu dài với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
 
 
 
Kỳ thứ 37, từ ngày 6 - 8/3/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
 
     Ngay từ ngày đầu thành lập, đặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về nguy cơ, hiểm họa từ “giặc nội xâm” tham nhũng, lãng phí bởi đây là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế chậm phát triển, gây thiệt hại ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản của nhân dân, làm rối loạn xã hội, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
     Có những vụ án tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước và Nhân dân tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Tham nhũng, lãng phí cho thấy sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Nghiêm trọng hơn, tham nhũng gây tổn hại đến hệ thống chính trị, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
     Công tác tổng kết lý luận và thực tiễn cho thấy phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước ta. Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng ta thẳng thắn chỉ ra rằng “Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn nghiêm trọng”, vì thế “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
     Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
     Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết tâm, nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội, phản động lập tức coi đây là một mục tiêu quan trọng để chống phá với những thủ đoạn vô cùng tinh vi. Chúng thường xuyên đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc như cho rằng “tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là do thể chế chính trị”; “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”; “Làm nhiều, sai nhiều. Làm ít, sai ít. Không làm, không sai”; “Tất cả những chuyện về suy thoái, chuyện về “diễn biến”, rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… chỉ nhằm “triệt phe phái”, là “tranh nhau ghế”. Các đối tượng hướng đến việc thay đổi thể chế chính trị để chống tham nhũng, thực hiện chế độ tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực.
     Lợi dụng không gian mạng, các đối tượng thường xuyên đăng tải, chia sẻ các nội dung, thông tin liên quan đến các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội để hướng lái dư luận, bôi nhọ đội ngũ lãnh đạo, làm mất lòng tin của người dân với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
     Mục tiêu mà các đối tượng chống phá hướng tới là nhằm xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận những nỗ lực mà Đảng và Nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vu cáo chính quyền hạn chế người dân đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, quy kết xã hội thiếu dân chủ, càng chống tham nhũng, tiêu cực thì càng tham nhũng, tiêu cực; kích động tâm lý bất mãn trong một bộ phận quần chúng, gây rối trật tự an toàn xã hội, phức tạp về an ninh chính trị; hạ uy tín tiến tới phủ định vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và Nhà nước, khiến Việt Nam phát triển đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
     Từ thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết đó là kịp thời nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái trên cơ sở khoa học và thực tiễn sinh động. Cần nhận thức rõ rằng tham nhũng, tiêu cực xuất hiện ở bất cứ quốc gia, khu vực và tồn tại trong mọi thể chế chính trị. Dù với một đảng cầm quyền hay đa đảng, dù là “tam quyền phân lập” thì nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, trình độ quản lý kinh tế, xã hội ở mức cao.
     Theo báo cáo hằng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) - Chỉ số xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về tham nhũng trong khu vực công, xét thang điểm từ 0 (tham nhũng cao) đến 100 (rất minh bạch) thì năm 2023 chỉ 28 trong số 180 quốc gia được đánh giá đã cải thiện mức độ tham nhũng khu vực công và có tới 34 quốc gia đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Đứng đầu bảng xếp hạng là Đan Mạch (90), Phần Lan (87), New Zealand (85), Na Uy (84), Singapore (83), Thụy Điển (82), Thụy Sĩ (82), Hà Lan (79), Đức (78) và Luxembourg (78). Hầu hết các quốc gia không ngăn chặn được tham nhũng, trong đó bao gồm cả những quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”. Thực tiễn này cho thấy đây là vấn nạn toàn cầu và công tác chống tham nhũng, tiêu cực phải được tiến hành ở tất cả các quốc gia.
     Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nỗ lực, quyết tâm trong đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là yêu cầu tất yếu của việc Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII, dựa trên các văn bản, quy định được xây dựng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những kết quả quan trọng.
     Nhìn chung trong những năm qua, kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực có nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị.
     Các cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tích cực, chủ động phát hiện, đấu tranh quyết liệt và khởi tố, điều tra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng tại những lĩnh vực hoạt động chuyên môn sâu, khép kín cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Kết quả này có tác dụng lớn trong cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa nhất định đối với tội phạm tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
     Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, chỉ đạo đã đạt được những kết quả tích cực.
     Trong bài viết “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhìn lại 10 năm qua, định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận”.
     Kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây cho thấy: “tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”.
     Góp phần vào hiệu quả công tác đấu tranh này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc định hướng dư luận, phản biện xã hội. Trên cơ sở công tác nắm tình hình, phát hiện các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tổ chức các tuyến tin bài đấu tranh kịp thời giúp người dân nhận diện và đề cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng, dẫn dắt.
     Trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, sự vào cuộc chủ động của báo chí truyền thông và các cơ quan chức năng đã phát huy được vai trò, hiệu quả của không gian mạng như một công cụ hỗ trợ cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tận dụng đặc điểm sự tập trung đông người hình thành các điểm nóng dư luận giúp các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tình hình để có những biện pháp xử lý phù hợp.
     Đồng thời trên không gian mạng với sự tham gia của các thành viên có trách nhiệm là đội ngũ những người làm báo góp phần hình thành một môi trường xã hội dân chủ, huy động người dân cùng tham gia giám sát các hoạt động quản trị xã hội, phát hiện và phản ánh kịp thời những biểu hiện tiêu cực, những âm mưu, luận điệu nhằm chống phá công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đất nước ta. Từ đây giúp cơ quan có thẩm quyền có cơ sở để nhận diện, xác minh và xử lý đối với những đối tượng có hành vi sai trái.
     Tuy nhiên, vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức. Đó là một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Do đó đòi hỏi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được xác định là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     Với tinh thần “kiên trì, không “ngừng”, không “nghỉ”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng; đồng thời “cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.
     Theo đó cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả.
    Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh, nhận diện, vạch mặt những đối tượng có mưu đồ chống phá an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
     Sử dụng các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội thường xuyên thông tin cho đông đảo quần chúng nhân dân vừa tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vừa phản bác những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ của các thế lực thù địch.
     Song song đó cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học-công nghệ tiên tiến, từ đó tăng năng suất lao động, với lao động chất lượng ngày càng cao, tạo nhiều của cải vật chất cho xã hội, không ngừng cải thiện đời sống của người dân./.
TS. MAI DIỆU ANH
https://nhandan.vn/nhiem-vu-cap-bach-can-duoc-thuc-hien-voi-quyet-tam-cao-post801001.html

Tin liên quan