Bầu cử đại biểu QH khoá XV và HĐND các cấp nk 2021-2026

Hỏi – Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

22-03-2021 14:59

 Câu 1: Ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ?

Trả lời:
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương, nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Câu 2: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra khi nào?
Trả lời:
 Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành vào ngày Chủ nhật - 23/5/2021 (ngày 12 tháng 4 Âm lịch)
Câu 3: Các mốc thời gian quan trọng trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ?
Trả lời:
- Chậm nhất đến 17/2/2021: Các địa phương tổ chức Hiệp thương lần thứ nhất.
- Chậm nhất 19/3/2021: Các địa phương tổ chức Hiệp thương lần thứ hai.
- Chậm nhất 18/4/2021: Các địa phương tổ chức Hiệp thương lần thứ ba.
- Ngày 28/4/2021: Chính thức công bố danh sách các ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- Ngày 23/5/2021: Các địa phương đồng loạt tổ chức bầu cử ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- Ngày 12/6/2021: Công bố danh sách trúng cử ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Câu 4: Vai trò, vị trí của Quốc hội trong bộ máy nhà nước như thế nào?
Trả lời:
Trong bộ máy Nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Câu 5: Trách nhiệm của ĐBQH được quy định như thế nào?
Trả lời:
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; của Hội đồng dân tộc; Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.
Câu 6: ĐBQH có những quyền cơ bản nào?
Trả lời:
- Có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
- Được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.
- Có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội.
- Có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ…
- Có quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân; bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…
Câu 7: Hội đồng nhân dân giữ vị trí, vai trò như thế nào ở địa phương?
Trả lời:
- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Quyết định các vần đề của địa phương do luật quy định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
- Hội đồng nhân dân có 02 chức năng quan trọng:
+ Quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương; xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
+ Thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.
Câu 8: Vị trí, vai trò của đại biểu HĐND được quy định như thế nào?
Trả lời:
Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri.
Thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, có trách nhiệm vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Câu 9: Đại biểu HĐND có những quyền gì?
Trả lời:
- Có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vất phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn.
- Có quyền kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của HĐND và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết.
- Có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
- Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Câu 10: ĐBQH và đại biểu HĐND phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
Trả lời:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu;
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Câu 11: Việc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tiến hành theo những nguyên tắc nào?
Trả lời:
Việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Câu 12: Thế nào là nguyên tắc phổ thông trong bầu cử?
Trả lời:
Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.
Câu 13: Thế nào là nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử?
Trả lời:
Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
Nguyên tắc bình đẳng được pháp luật quy định trong việc thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân, thể hiện ở các mặt như sau:
- Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú;
- Mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử;
- Mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu;
- Giá trị phiếu bầu của mọi cử tri như nhau mà không có sự phân biệt.
Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số đại biểu được bầu ở từng địa phương, bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Câu 14: Thế nào là nguyên tắc bầu cử trực tiếp?
Trả lời:
Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Cử tri không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư.
- Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.
- Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
- Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà giam thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Câu 15: Thế nào là nguyên tắc bỏ phiếu kín?
Trả lời:
Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Cử tri viết phiếu bầu trong khu vực riêng, không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên, các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Câu 16: Quy định về tuổi bầu cử, ứng cử như thế nào?
Trả lời:
Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định về tuổi bầu cử và tuổi ứng cử  trong công tác bầu cử như sau:
Tại Điều 2, quy định về tuổi bầu cử và tuổi ứng cử như sau: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền tham gia ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của luật.
Theo Điều 3: Người tham gia ứng cử phải đáp ứng các tiêu chuẩn của ĐBQH, HĐND quy định tại Luật tổ chức Chính quyền địa phương.
Cầu 17: Trách nhiệm của công dân đối với cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như thế nào?
Trả lời:
- Người dân tích cực ủng hộ, nêu cao tinh thần làm chủ, trách nhiệm công dân, tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn, bầu những người tiêu biểu, có đủ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín tham gia Quốc hội, HĐND các cấp, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; tích cực trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
-Tham gia bầu đúng, bầu đủ số lượng theo sự hướng dẫn của các Tổ bầu cử.
 
Nguồn: Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

Tin liên quan