Bầu cử đại biểu QH khoá XV và HĐND các cấp nk 2021-2026

Những điều cần biết về nguyên tắc bỏ phiếu, việc kiểm phiếu, phiếu bầu không hợp lệ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu

14-05-2021 10:30

 I. Nguyên tắc bỏ phiếu

1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
2. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
3. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
4. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
5. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
6. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
7. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
8. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
II. Thông báo về thời gian bầu cử, nơi bỏ phiếu
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.
III. Thời gian bỏ phiếu
1. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
2. Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.
3. Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
IV. Bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu
Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
V. Việc kiểm phiếu
Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.
Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.
VI. Phiếu bầu không hợp lệ
1. Những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ:
a) Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;
b) Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
c) Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;
d) Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;
đ) Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
2. Trường hợp có phiếu bầu được cho là không hợp lệ thì Tổ trường Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.
VII. Khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu
Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.
Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử.
VIII. Biên bản kết quả kiểm phiếu
1. Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải lập các loại biên bản sau đây:
a) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội tại khu vực bỏ phiếu;
b) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu;
c) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện tại khu vực bỏ phiếu;
d) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại khu vực bỏ phiếu.
2. Biên bản kết quả kiểm phiếu phải có các nội dung sau đây:
a) Tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu;
b) Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu;
c) Số phiếu phát ra;
d) Số phiếu thu vào;
đ) Số phiếu hợp lệ;
e) Số phiếu không hợp lệ;
g) Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử;
h) Những khiếu nại, tố cáo nhận được; những khiếu nại, tố cáo đã giải quyết và kết quả giải quyết; những khiếu nại, tố cáo chuyển đến Ban bầu cử.
3. Mỗi loại biên bản quy định tại mục 1 nêu trên được lập thành ba bản, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử và hai cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Biên bản được gửi đến Ban bầu cử tương ứng và Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt  Nam  cấp xã chậm nhất là 03 ngày sau ngày bầu cử.
 
Nguồn: Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tin liên quan