XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG

CẦN KHẮC PHỤC “BỆNH NGẠI” TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

06-10-2023 13:32

     Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu (Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII). Song, trong thực tế vì một số lý do chủ quan, khách quan mà có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn mắc “bệnh ngại”, tránh né, đứng ngoài cuộc, chưa tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

 
 
 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
 
     Đâu đó còn “bệnh ngại” trong đấu tranh phản bác
     Những năm qua, các cấp ủy đảng đã thành lập lực lượng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và Ban chỉ đạo 35, lực lượng cộng tác viên, tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo 35 các cấp trong tỉnh Lạng Sơn và tại Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã chủ động cụ thể hóa, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch; các lực lượng được củng cố, hoạt động được duy trì và từng bước đi vào nền nếp. Công tác tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng, Nhân dân trên internet, các nền tảng mạng xã hội được tăng cường. Cụ thể chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, thành viên Ban chỉ đạo 35 Đảng ủy Khối đã có nhiều tin viết, bài viết mang thông tin tích cực; lực lượng cộng tác viên Ban chỉ đạo 35 Đảng ủy Khối đã đăng tải, chia sẻ trên 900 tin viết, bài viết; tham gia “like” trên 31.000 tin, bài và cán bộ, đảng viên, cộng tác viên cơ sở chia sẻ trên 11.000 tin viết, bài viết, đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt tiếp cận. Qua đó góp phần “phủ xanh” thông tin tích cực, “pha loãng” thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội zalo, facebook.
     Bên cạnh sự chủ động, tích cực của các thành viên Ban chỉ đạo, lực lượng tham mưu giúp việc, cộng tác viên, cán bộ, đảng viên, thì vẫn còn một số cộng tác viên, cán bộ, đảng viên có tâm lý “ngại”, né tránh, lơ là, đứng ngoài cuộc nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch; một số cán bộ, đảng viên gặp phải những khó khăn là lực cản cho việc thực hiện nhiệm vụ. Điều này thể hiện ở chỗ: Một số thành viên, cộng tác viên, cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ còn ít chia sẻ, thậm chí không chia sẻ, lan tỏa các bài viết mang thông tin tích cực từ các trang báo chính thổng để cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; chưa dành thời gian hợp lý, chưa tích cực thực hiện nhiệm vụ chia sẻ đường link, bài viết để các thành viên kịp thời thực hiện nhiệm vụ; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm và chưa tích cực tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ báo cáo đề nghị gỡ bỏ bài viết, trang, nhóm mang thông tin xấu độc trên không gian mạng theo chỉ đạo, định hướng. Một số ít cộng tác viên, cán bộ, đảng viên có phát ngôn “ngại” thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu kinh phí hỗ trợ, thậm chí còn bày tỏ quan điểm “chạy theo” các bài viết, các nội dung có thông tin xấu độc của các thế lực thù địch.
      Nguyên nhân chủ quan và khách quan
     Nguyên nhân khách quan dẫn đến “bệnh ngại” trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của một số thành viên, cộng tác viên, cán bộ, đảng viên được xác định là do: Việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch còn khó, khó là bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của tư duy khoa học, phản ánh các mối quan hệ bản chất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thông qua quá trình khái quát hóa, trừu tượng hóa, nếu không có năng lực tư duy khoa học, rất khó để nghiên cứu, phản ánh, truyền bá các vấn đề lý luận khái quát, trừu tượng đó. Không phải ai và lúc nào, khi đối diện với một vấn đề chính trị - xã hội cũng có thể làm chủ được quá trình tư duy lý luận về nó. Nếu nhiệt tình nhưng thiếu thông tin, thiếu phương pháp, hạn chế khả năng phân tích, chứng minh cái đúng, phản bác cái sai, mắc bệnh giáo điều, chủ quan, phiến diện trong tư duy,... sẽ dẫn đến nhầm lẫn, phán đoán sai, “phản tác dụng”, gây hại cho Đảng và bản thân có thể vi phạm kỷ luật Đảng. Nên đã có sự “né”, “tránh” tham gia đấu tranh tư tưởng, đó là một biểu hiện của suy giảm sức chiến đấu ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. 
 
 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
 
    Về phía chủ quan, năng lực nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn để triển khai truyền bá các nội dung nền tảng tư tưởng của Đảng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Kinh nghiệm thực tiễn, sự trải nghiệm có hạn; khả năng sử dụng những tiện ích, lợi thế của internet, mạng xã hội của nhiều một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế, nên khó truy cập sâu rộng để tiếp cận và phát hiện ra các vấn đề được truyền tải có dụng ý xấu, bị che đậy, làm giả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy có lúc thụ động, vô hình trung đưa lực lượng đấu tranh vào thế bị động, đấu tranh “chạy theo” các bài viết, bài nói sai trái mà các thế lực thù địch đưa ra.
    Cần những giải pháp khắc phục
    Trước thực trạng và nguyên nhân nêu trên, cần có những giải pháp khắc phục cụ thể, thiết thực để nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đạt hiệu quả rõ nét. Trước hết, cấp ủy, cán bộ, đảng viên các cấp cần xác định rõ trách nhiệm nêu gương, quyết tâm nỗ lực hơn trong công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, tích cực tham gia xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức theo tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội XIII với biện pháp “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
     Cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy trách nhiệm trong việc tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cung cấp các tài liệu, thông tin chính thống, tích cực,… nhằm giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân kiên trung với Đảng, Nhà nước; nắm được những luận cứ và tăng sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin trái chiều, kích động, phản động trên internet, mạng xã hội. Thường xuyên nắm bắt, trao đổi, làm rõ âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, phản động để cung cấp, định hướng thông tin, tư tưởng, thống nhất nhận thức. Tăng cường quản lý, giáo dục để cán bộ, đảng viên khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả, thiết thực, lành mạnh. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tương tác, đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung mang tính tiêu cực, sai sự thật, vu khống, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và người khác trên mạng xã hội.
     Cán bộ, đảng viên cần có lập trường, tư tưởng vững vàng, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội; cùng đó là nâng cao kỹ năng quan sát, phát hiện và xử lý vấn đề. Chủ động, trách nhiệm và thường xuyên sử dụng mạng xã hội, trực tiếp tham gia làm thành viên am hiểu của hệ thống mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay như Facebook, Zalo, Youtube; sáng suốt chọn lọc thông tin để tiếp nhận, chia sẻ những thông tin chính xác, đúng sự thật, tránh chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng gây tổn hại đến tổ chức, cá nhân. Trước tiên, đóng vai “người quan sát” để đọc, xem, tìm hiểu, khi phát hiện tình huống có vấn đề, nội dung được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ, bàn luận nhiều thì mở rộng phạm vi đọc, xem ở các bình luận (comment), các bài chia sẻ, đường dẫn liên quan, tự mình đánh giá, nhận xét và dự kiến phương án xử lý (ủng hộ hay phản bác). Tiếp tục mở các trang thông tin, báo, tạp chí chính thống của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội,... tìm các bài viết, đối chiếu cách tiếp cận, hướng xử lý, so sánh với đánh giá, xử lý của mình, từ đó đưa ra các lập luận làm rõ sự sai trái những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động để đấu tranh phản bác, định hướng tư tưởng.
     Mỗi cán bộ, đảng viên cần hướng đến mục tiêu là một trong những kênh thông tin tuyên truyền tích cực trên mạng xã hội; có trách nhiệm tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng, Nhân dân. Tích cực tham gia chia sẻ, bình luận, thể hiện quan điểm đúng đắn để lan tỏa cái tốt đẹp, nội dung tích cực, đẩy lùi những cái xấu, tiêu cực theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Báo cáo kịp thời với cấp ủy, cơ quan có thẩm quyền để xử lý những thông tin tiêu cực, sai sự thật.
     Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên cần được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn về vai trò của mình, từ đó xác định rõ trách nhiệm của bản thân khi tham gia mạng xã hội, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất, lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu độc, quan điểm lệch lạc sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Điều quan trọng hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên hãy “phủ xanh” những thông tin tích cực bằng việc mỗi ngày chủ động chia sẻ ít nhất một thông tin tốt đẹp, một bài báo hay, viết một bình luận tích cực, gửi đi một thông điệp ý nghĩa.

Kiều Hương - Minh Đức 

Tin liên quan