XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG

PHẢI CHĂNG ‘‘ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG THỂ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG THÀNH CÔNG’’

23-10-2023 16:58

      Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới; gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến công tác quản lý đúng đắn của nhà nước; làm sai lệch công lý, công bằng xã hội.

      Ở Việt Nam, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người xem tham ô, tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”, là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, gây mất lòng tin của quần chúng Nhân dân.
 
      Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã nhận thức rõ bản chất, tác hại của tình trạng tham nhũng; xem tham nhũng là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”; là một trong những nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; uy hiếp sự tồn vong của chế độ; làm mất niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng (PCTN) được xác định là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”; Cuộc chiến PCTN đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu với quan điểm “không có vùng cấm” và đã đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Thành quả đó để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận.
 
       Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc rất xảo trá rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng thành công vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái". Trên nhiều trang mạng xã hội của các tổ chức phản động như: Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, các hãng truyền thông hải ngoại chống phá Việt Nam như RFA, VOA, RFI,… phát tán nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc về công tác PCTN của Việt Nam; phớt lờ thực tế hiệu quả của công tác PCTN; phủ nhận mọi cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân ta trong việc đẩy lùi vấn nạn tham nhũng.
 
      Những luận điệu xuyên tạc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên của các thế lực thù địch là nhằm lan truyền, gieo rắc sự hoang mang, gây mất niềm tin vào cuộc đấu tranh PCTN; bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm phai nhạt mục tiêu, đánh mất bản chất của Đảng; hạ uy tín để đi đến phủ định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; từ đó tác động xấu để cán bộ, đảng viên dễ sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khiến đất nước rơi vào khủng hoảng, mưu đồ “diễn biến hòa bình” của chúng thành công.
 
      Ở Việt Nam, cuộc đánh tranh PCTN được thực hiện từ xa, từ sớm. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân, của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”[1].
 
      Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, dù phải tập trung cao độ cho việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách của cách mạng nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn không sao nhãng công tác đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng, tiêu cực.
 
      Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước.
 
      Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[2]. Điều đó cho thấy, chúng ta chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất.
 
      Trong suốt quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta luôn khẳng định đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[3]. Trong các nhiệm kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận để cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về PCTN, tiêu cực. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa X (tháng 8/2006), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp mới, quyết liệt, đồng bộ. Việc Trung ương ban hành Nghị quyết quan trọng này cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
 
      Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm Phó Trưởng ban Thường trực; lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và PCTN, đồng thời là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Mới đây, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả bước đầu.
 
      Trong giai đoạn 2012 - 2022, nước ta đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (04 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm[4]. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
 
      Kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Nếu như trước đây, hằng năm có một số địa phương không phát hiện, khởi tố được vụ án tham nhũng nào thì gần đây, tất cả các địa phương trong cả nước đều đã phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng; nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên,... Đây là những con số biết nói, đã cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh PCTN.
 
      Công tác đấu tranh PCTN đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Chính thực tế đó đã bác bỏ một cách đầy thuyết phục, tự nó đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về PCTN.
 
      Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, chúng ta cũng đã rất chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực; trước hết là cơ chế “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều chủ trương, quy định mạnh mẽ, quyết liệt, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, triển khai thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt. Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và ngày 20/11/2018 Quốc hội lại tiếp tục ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đặc biệt tại Khoản 2, Điều 8, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Đây là đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vấn đề phòng, chống tham nhũng được ghi nhận vào Hiến pháp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc PCTN và góp phần rất lớn vào công cuộc PCTN ở Việt Nam hiện nay. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian qua, là minh chứng rõ nét nhất đập tan các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam: Trong một thập kỷ qua, Việt Nam tăng hơn 30 bậc về chỉ số nhận thức tham nhũng, theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch thế giới.
 
      Từ những thực tiễn cho thấy, không thể xuyên tạc và bôi đen quyết tâm phòng chống, tham nhũng và những kết quả đã đạt về phòng chống, tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
 
      Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt PCTN, đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh PCTN thành công, Đảng ta xác định: Phòng là cơ bản, lâu dài, chống là cấp bách, trước mắt; đấu tranh PCTN không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
 
      Để thực hiện được nhiệm vụ cam go, phức tạp trên đòi hỏi hệ thống chính trị của nước ta từ trung ương đến địa phương cần thực hiện một số nội dung sau:
 
      Một là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta.
 
       Hai là, tăng cường công tác thông tin kịp thời, minh bạch về việc xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để Nhân dân, cán bộ, đảng viên được biết, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn xã hội, tạo niềm tin của cộng đồng về một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
 
      Ba là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN.
 
      Bốn là, đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đảm bảo đủ nuôi sống bản thân, gia đình và có tích luỹ.
         
      Năm là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có chế độ khen thưởng xứng đáng những cán bộ, công chức có thành tích trong đấu tranh PCTN. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ đối với những người phát hiện, tố giác, người đấu tranh phòng chống tham nhũng; cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh PCTN và gia đình họ.
 
      Sáu là, vận động mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân cần chủ động, tích cực, tự giác tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước.
 
      PCTN là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài và bền bỉ; nhưng chúng ta tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị một cách kiên quyết, kiên trì, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, nạn tham nhũng chắc chắn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi; niềm tin của Nhân dân với Đảng chắc chắn sẽ được củng cố, nâng cao; đồng thời phản bác mạnh mẽ, quyết liệt các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng thành công"; góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước phồn vinh hạnh phúc./.
 
 

 


      [1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.357; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011
      [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, t.2, tr.213.
     [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.1, tr.193.Nxb CTQGST, H.2021
[4] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh - Nxb CTQGST, H.2023.
 
Hương Gấm - Phương Loan

 

Tin liên quan